Ai cũng có những khi nhìn người khác không thuận mắt, và ai cũng có những khi bị người khác không ưa. Bởi lẽ những chuyện không như ý sẽ vĩnh viễn tồn tại, nhưng tâm thái thấy chướng tai gai mắt thì có thể cải biến…
Khi nhìn người khác không thuận mắt chi bằng hãy suy ngẫm một chút về bản thân mình
Nếu chỉ vì “nhìn người khác không thuận mắt” mà thốt ra những lời độc ác, thậm chí còn ngang nhiên can thiệp vào cuộc sống của người khác thì phản ánh rằng sự tu dưỡng và tấm lòng bao dung của bản thân người ấy còn chưa đủ.
Nhìn không thuận mắt thường là vì điều đó không phù hợp với tiêu chuẩn và lô-gic của mình, trong khi bộ tiêu chuẩn và lô-gic ấy chưa hẳn đã là lý trí và hoàn mỹ nhất.
Vậy nên, khi nhìn người khác không thuận mắt chi bằng hãy suy ngẫm một chút về bản thân mình, có lẽ bạn sẽ nghĩ được thông thoáng hơn và sẽ đủ bao dung hơn.
Thường nhìn không thuận mắt không phải là do người khác đáng ghét như vậy, mà là thái độ đối nhân xử thế của bản thân mình đang có vấn đề. Đôi khi, nhìn không thuận mắt là vì tư tưởng và hành vi không ở trong cùng một tầng thứ.
Mỗi người đều có cách nghĩ của riêng mình, sống trọn vẹn cuộc sống của mình là đủ rồi
Rất nhiều người bản thân không chịu nỗ lực, mà còn chê bai người khác quá chăm chỉ, châm chọc người khác là kẻ ngốc chỉ biết vùi đầu vào công việc, mà không biết hưởng thụ cuộc sống.
Bản thân mình cả đời chẳng làm gì, nhưng lại thấy ngứa mắt khi người khác nỗ lực vươn lên. Những thứ bản thân không đạt được thì cũng muốn gây khó khăn, trở ngại cho người khác.
Mỗi người đều có khả năng suy nghĩ độc lập của riêng mình, nên đừng bao giờ dùng tiêu chuẩn của một cá nhân để đánh giá một người khác.
Nhìn không thuận mắt là do tầng thứ không đủ, là vì tầm nhìn còn hạn hẹp.
Người nhìn người khác không thuận mắt kỳ thực cũng chỉ như ếch ngồi đáy giếng mà thôi
Bởi lẽ nhận thức và tầm nhìn cá nhân còn hạn hẹp nên tư duy cũng bị giới hạn. Hàng ngày đều thích để ý quan sát, bàn ra tán vào về cuộc sống của người khác, nhìn người khác thấy điều gì cũng không ưng mắt, kỳ thực nói cho cùng là do tầng thứ của người ấy quá thấp, hiểu biết còn nông cạn.
Nhìn người khác không thuận mắt thì người khó chịu lại là chính bản thân mình, không có lòng bao dung nên nhìn điều chi cũng thấy bức bối.
Dẫu là ai hay chuyện gì thì sự khác biệt chủ yếu do hoàn cảnh mang lại, sự tương đồng chỉ là những trường hợp hạn hữu mà thôi. Mọi người khác với bạn là chuyện rất bình thường.
Có lẽ sự khác biệt là do giàu nghèo, do cách sống và thái độ đối đãi với cuộc sống. Nhưng điều này cũng không thể trở thành lý do để bạn nhìn người khác mà khó chịu trong tâm. Trừ khi là vấn đề về đạo đức, nếu không những điều khác kỳ thực đều có thể được bao dung.
Nhìn không thuận mắt là do tu dưỡng không đủ
Có một giai thoại nổi tiếng, kể rằng:
Một ngày nọ, Tô Đông Pha, một học giả nổi tiếng, lên chùa và ngồi thiền cùng Phật Ấn, một thiền sư bên Phật giáo. Một lúc sau, Tô Đông Pha mở mắt ra và hỏi Phật Ấn: “Ngài thấy bộ dạng ngồi thiền của tôi ra sao?”
Phật Ấn nhìn khắp thân của Tô Đông Pha, sau đó gật đầu khen ngợi: “Trông giống như một vị Phật cao quý và trang nghiêm!”. Tô Đông Pha nghe xong vô cùng mãn nguyện và hài lòng.
Ngay sau đó, nhà sư Phật Ấn cũng hỏi lại: “Vậy ngài nhìn thấy tôi ngồi ra sao?”
Vì cố tình muốn trêu cười Phật Ấn, Tô Đông Pha bèn trả lời: “Tôi nhìn ngài quả giống như một đống phân bò!”.
Thiền sư Phật Ấn nghe xong chỉ mỉm cười mà không phản bác lại gì. Tô Đông Pha tự cảm thấy mình đã thắng được thiền sư một phen.
Vừa về đến nhà, Tô Đông Pha phấn khích kể lại với em gái của ông là Tô tiểu muội. Không ngờ, Tô tiểu muội nghe xong đã không những không khen ngợi mà còn phá lên cười nhạo sự ngốc nghếch của anh trai mình.
Tô Đông Pha hiếu kỳ hỏi: “Muội vì sao lại cười ta?”
Tô tiểu muội nói: “Nhà sư Phật Ấn trong tâm có Phật, cho nên nhìn huynh giống như Phật. Còn trong tâm của huynh có đầy phân bò nên huynh mới nói như nhà sư như vậy!”
Bạn nhìn tôi chỉ thấy một đống phân bò, tôi nhìn bạn lại ra một pho tượng Phật. Cũng chính là giống như đạo lý mà câu chuyện về Tô Đông Pha nhắc tới. Người có cảnh giới thấp là vì trong tâm họ vẫn còn “phân” nên nhìn người khác mới cảm giác người ấy như một đống “phân” vậy.
Người có sự tu dưỡng cao, trong tâm lại có hình ảnh vị Phật mỹ hảo nên nhìn người khác đều như nhìn thấy Phật.
Tâm thái của bạn thế nào sẽ quyết định tầng thứ tu dưỡng và cách bạn đối nhân xử thế ra sao
Thường nhìn người khác mà thấy không thuận mắt là do tu dưỡng của bản thân chưa đủ, tầng thứ tư tưởng còn thấp.
Bạn có cuộc sống của bạn, tôi có truy cầu của tôi, mỗi người đều là những đốm lửa khác nhau. Con người không có sự phân định rạch ròi nhưng tầng thứ tư tưởng lại thường thể hiện cấp bậc cao thấp của họ.
Người ở tầng thứ cao thường sẽ chú tâm đến cuộc sống của mình, không đố kỵ hay ghét bỏ cuộc sống của người khác, mà chỉ âm thầm nỗ lực.
Người có tầng thứ thấp mới bỏ ngỏ những truy cầu của bản thân, mà quá chú tâm tới cuộc sống của người khác. Khi nhìn người khác thấy không thuận mắt thì chúng ta đã mất cái tâm thuần khiết nguyên sơ thuở đầu về cuộc sống.
Vậy nên, hãy chú tâm vào cuộc sống của bản thân mình, đừng quá để ý tới người khác sống như thế nào. Đừng bao giờ lãng phí thời gian và tinh lực chỉ để nhìn người khác mà lòng không ưa.
Mỗi người đều có cách sống của riêng mình, giữa người với người nhiều khi chỉ là sự khác biệt, chứ không hề có sự đúng sai tuyệt đối.
Nhiều khi nhìn người khác không thuận mắt là vì đôi bên không ở chung một tầng thứ. Đừng bao giờ lấy tiêu chuẩn cá nhân để đánh giá tất cả mọi người, hãy mở lòng mình bao dung hơn một chút.
Những chuyện nhìn không thuận mắt sẽ vĩnh viễn tồn tại, nhưng tâm thái nhìn của con người thì có thể cải biến.
Theo Soundofhope
Minh Nguyệt biên dịch