Nhiều người Việt Nam đã thuộc nằm lòng câu nói: “Nhân chi sơ, tính bản thiện”. Đây cũng chính là câu mở đầu của bộ sách giáo dục trẻ em truyền thống “Tam tự kinh”, từng được ngợi ca và sử dụng rộng rãi ở các nước Á Đông như Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. “Tam tự kinh” chỉ có trên 1000 chữ nhưng bao trùm cả văn học, lịch sử, triết học, thiên văn, địa lý, luân thường đạo lý. Sách thích hợp với trẻ nhỏ nhờ hình thức thơ 3 chữ ngắn, đơn giản, có thể hát như đồng dao nghe rất vui tai.
Tiếp theo bộ kinh điển giáo dục trẻ em “Phép tắc người con” (Đệ tử quy), Đại Kỷ Nguyên hy vọng rằng bộ sách “Tam tự kinh” này sẽ giúp các em nhỏ và mỗi người chúng ta nuôi dưỡng bản tính thiện lương, tịnh hóa tâm hồn, tìm lại và nâng cao những giá trị truyền thống tốt đẹp trong thời buổi đạo đức suy thoái hôm nay.
- Trọn bộ Tam Tự Kinh (chọn lọc)
Kinh văn
Đạo lương thúc, mạch thử tắc
Sáu giống lúa, mọi người ăn.
Ngựa trâu dê, gà chó lợn
Sáu giống vật, mọi người nuôi.
Diễn giải
Lúa nước, kê, các loại đậu, tiểu mạch, lúa nếp và cao lương; sáu loại lương thực này cung cấp cho nhân loại để gieo trồng, duy trì sự sống. Ngựa, trâu, dê, gà, chó, lợn; sáu loại súc vật này được con người chăn nuôi trong nhà. Tương truyền khi nhân loại trải qua kiếp nạn đại hồng thuỷ, Thiên Thần mang sáu loại gia súc và sáu loại lương thực từ thế giới của Thần mà hạ thế, hướng dẫn loài người chăn nuôi và trồng trọt, giúp con người qua đại kiếp nạn. Đây là từ bi của Thần đối với con người, từ đó khiến con người có thể tự mình trồng trọt chăn nuôi. Lục súc, lục cốc cũng trở thành những thứ tất yếu trong cuộc sống thường ngày của con người.
Câu chuyện tham khảo: Nguồn gốc của lúa gạo
“Cày đồng đang buổi ban trưa
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày
Ai ơi bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”.
Bài ca dao trên đã đi vào ký ức của bao người. Thời nhà Đường, Lý Thân cũng có bài thơ “Mẫn nông thi” với ý nghĩa tương tự. “Mẫn” là thương xót, “mẫn nông” chính là đồng tình, thương xót nông dân. Toàn bài thơ khắc hoạ chân dung người nông dân thời cổ đại mỗi ngày vác cuốc trên vai, dưới ánh mặt trời, cực nhọc chảy mồ hôi, trồng ra những hạt gạo mà chúng ta mỗi ngày ăn ba bữa. Bài thơ cảnh giác thế nhân rằng một hạt cơm hạt cháo có được không dễ, cho nên nhất định không được lãng phí. Vậy thì bát cơm thơm ngon ngào ngạt chúng ta ăn mỗi ngày là đến từ đâu? Liên quan đến nguồn gốc lúa nước, có một truyền thuyết rất thú vị.
Thời đại viễn cổ, trên mặt đất không có ruộng lúa, phòng ốc, chỉ có một cánh rừng rậm lớn. Con người khi đó chỉ biết săn bắt và hái lượm. Có một ngày, bầu trời giống như bị thủng, mưa lớn ngày đêm không dứt, tạo thành đại hồng thủy chưa từng có trên mặt đất.
Sau đó rất lâu, con nước lớn mới rút, những động vật nhỏ đều bị ngập chết hết, trái cây rừng cũng đã thối rữa rồi. Có người vì bắt động vật nhỏ mà bị động vật khác ăn thịt, không có đồ ăn nên rất nhiều người đói chết. Nhân loại đáng thương chỉ biết hàng ngày buồn rầu ảo não, hầu như không nghĩ ra biện pháp nào.
Khi đó, trên một hòn đảo ở phương Đông, có rất nhiều Thiên Thần trú ngụ. Nhìn thấy đồ ăn của nhân loại càng ngày càng ít, các Thiên Thần rất thương cảm loài người, thế là họ họp nhau lại rồi quyết định giúp đỡ con người vượt qua quan nạn.
Các Thiên Thần nhất trí phái Phục Hy đến dạy con người chăn nuôi, Thần Nông dạy con người canh tác. Trâu và ngựa cần cù chịu khổ, giúp con người cày ruộng kéo xe; sữa dê có thể dùng để uống và cung cấp dinh dưỡng; gà mỗi buổi sớm có thể cất cao tiếng gáy gọi người thức dậy đi làm việc; lợn tuy chỉ ăn và ngủ nhưng thịt của chúng có thể cung cấp đồ ăn cho con người; còn chó biết trông nhà và trung thành với con người.
Lúa gạo ở thế giới của Thần, hạt lúc lỉu phủ kín từ đầu đến ngọn, lúa chín thì hạt dễ từ thân cây rơi xuống. Vấn đề ở đây là lúa nước muốn đưa đến nhân gian, giữa đường phải đi qua một vùng biển lớn mênh mông, cây lúa mong manh như thế phải như thế nào mới vận chuyển được đây? Do ai vận chuyển đây?
Sau đó các Thiên Thần quyết định, để phòng ngừa việc lúa trong quá trình vận chuyển bị rơi rớt thì lúa mang đến nhân gian nhất định phải dính trên thân một loài vật. Các Thiên Thần hỏi lục súc là trâu, ngựa, dê, gà, chó, lợn; hỏi có con vật nào muốn hoàn thành nhiệm vụ khó khăn này không.
Đầu tiên, trâu biểu thị thái độ bất lực: “Moa… Moa… Tôi to lớn thô kệch chỉ có thể dùng sức, không thể làm tốt việc này. Tôi nghĩ có lẽ bác ngựa hành động linh hoạt làm được đấy!”.
Ngựa nghe thấy thì nhanh nhảu đáp: “Lông trên người tôi trơn trượt, dính không được một hạt gạo, đành mời bác gà vậy!”. Ngựa chỉ gà đứng sát bên mình.
Gà lắc đầu quầy quậy nói: “Cục cục! Cục cục! Thế không được đâu! Thân tôi nhỏ bé thế này mang không được nhiều gạo như như thế đâu”.
Tiếp đến là dê và lợn cũng đưa ra lý do từ chối. Lúc này, chỉ có chó nghĩ đến nhân loại bị đói chết, chó bèn nhẹ nhàng nói: “Gâu gâu! Gâu! Nhân loại bây giờ thật đáng thương, vậy cho phép tôi vận chuyển gạo đi!”.
Các Thiên Thần vui vẻ vỗ vào lưng chó và dặn dò: “Suốt con đường này phải hết sức cẩn thận, gạo mà ngươi mang trên thân còn lại bao nhiêu sẽ quyết định số hạt có trên thân lúa ở nhân gian từ nay trở đi”.
Chó nhúng ướt toàn thân, đến đống ngũ cốc lăn lộn, từng hạt từng hạt thóc vàng kim dính đầy thân, sau đó đội quân đặc biệt này xuất phát. Trên biển lớn mênh mông, sóng cả trập trùng, những hạt thóc trên thân chú cẩu, từng hạt từng hạt cứ trôi đi. Vì bảo vệ những hạt ngũ cốc trân quý, chú chó ra sức nâng thân thể lên, lấy đuôi dựng cao lên, nỗ lực nhảy vượt qua từng đợt từng đợt sóng.
Sau khi lặn lội đường sá xa xôi, cuối cùng cũng đến được nhân gian. Tiếc rằng đa số những hạt thóc mang trên thân chó bị sóng lớn dội đi rồi, chỉ còn lại một chút ít, dính ở trên đuôi.
Từ đó, lúa ở nhân gian được trồng rộng rãi, nhân loại có cơm thơm ngon để ăn, không còn chịu đói nữa. Vì chó đem đến một ít lúa bám trên đuôi nên sau này, lúa trên mặt đất chỉ kết hạt ở ngọn.
Sau này, nhân loại vì báo đáp chó đã trăm cay nghìn đắng mà đem lúa đến, bèn cho chó ăn cơm. Mà trâu, ngựa, dê thì sao? Chỉ có thể ăn rơm rạ. Gà và heo chỉ có thể ăn thóc thôi.
Chó là người bạn trung thành nhất của con người, đuôi của nó trông giống như bông lúa đầy hạt. Từ câu chuyện trên chúng ta có thể thấy quá trình vận chuyển gạo chính là gian khổ như thế, giống như nông dân trồng lúa phải bỏ ra trí tuệ, công sức, mồ hôi và nước mắt! Cho nên chúng ta càng cần trân quý mỗi hạt gạo và món ăn hơn nữa.
Xem phim hoạt hình Tam Tự Kinh – Tập 10: Câu chuyện Nguồn gốc của lúa gạo
Phụ chú
Nguyên văn chữ Hán
稻粱菽 麥黍稷
此六穀 人所食
馬牛羊 雞犬豕
此六畜 人所飼
Âm Hán Việt
Đạo lương thúc, mạch thử tắc
Thử lục cốc, nhân sở thực.
Mã ngưu dương, kê khuyển thỉ
Thử lục súc, nhân sở tự.
Pinyin Hán ngữ
Dào liáng shū – mài shǔ jì
Cǐ liù gǔ – rén suǒ shí
Mǎ niú yáng – jī quǎn shǐ
Cǐ liù chù – rén suǒ sì
Chú giải
(1) Đạo: lúa nước, tên loài thực vật. Thân cao ba đến bốn xích (tầm 1m-1,3m), bông lúa là những hạt kết thành từng xâu. Hạt hình bầu dục, rắn chắc, bỏ vỏ cứng thì thành gạo.
(2) Lương: tên loài thực vật. Khi kết hạt lộ ra hạt nhỏ, màu vàng, có thể dùng để ăn. Thường gọi là kê, đây chính là gạo nhỏ.
(3) Thúc: chỉ chung các loại đậu.
(4) Mạch: tên loài thực vật, chính là lúa mạch. Tháng hè khai hoa kết hạt, có thể dùng để xay thành bột mì, chế ra đường hoặc làm thành rượu. Chủng loại rất nhiều: có hắc mạch, yến mạch, tiểu mạch, đại mạch…
(5) Thử: tên loài thực vật, chính là lúa nếp. Lá mỏng dài mà nhọn, có lông thô, gân lá song song. Kết hạt lộ ra màu vàng nhạt, có độ dẻo dính.
(6) Tắc: lúa tắc, loại ngũ cốc thường thấy trong sách cổ, hiện tại gọi là cao lương.
(7) Cốc: gọi chung các cây lương thực.
(8) Khuyển: chó.
(9) Thỉ: lợn.
(10) Súc: các loại cầm thú con người nuôi.
(11) Tự: chăn nuôi.
Đọc sách bút đàm
Hai bài trước giảng về ngũ hành và ngũ thường, bài này mới giảng đến lục cốc và lục súc. Điều giảng giải vẫn là tất cả những điều liên quan đến cuộc sống thường ngày của con người. Nền tảng ắt phải có cho sinh tồn là đồ ăn và vật nuôi.
Thực ra, hiểu được cuộc sống của người dân là cơ bản của việc đọc sách làm người, không hiểu những kiến thức thông thường trong đời sống thường ngày thì người đọc sách sẽ thành người chỉ biết đọc mà không biết vận dụng. Thoát ly cuộc sống con người mà nghiên cứu học vấn, sẽ không biết vận dụng để trở thành người có ích, được thế nhân và xã hội trọng dụng. Cho nên chữ “trí” (智) trong trí tuệ là do chữ “tri” (知 – biết) và chữ “nhật” (日 – hàng ngày) cấu thành. Biết và hiểu được những hoạt động, nhu cầu của cuộc sống thường ngày và mối quan hệ giữa người với người, biết được ý nghĩa mặt trời chiếu rọi trái đất, hiểu được quan hệ giữa con người với tự nhiên, khiến thiên hạ quốc thái dân an, đấy mới là căn bản của học vấn.
Cho nên, hết thảy học vấn cần thiết trong cuộc sống con người đều liên quan đến Nho gia. Nho sinh nếu không hiểu được nông sự, thiên văn, lịch pháp, địa lý thì tương lai không có cách nào an bang trị quốc, cứu tế bách tính thiên hạ. Đây là những thứ ắt phải hiểu.
Theo Chánh Kiến
Mạn Vũ biên dịch
Video: Bạn lựa chọn cúi đầu làm bông lúa hay ngẩng đầu làm cỏ dại?