Đại Kỷ Nguyên

Tam Tự Kinh (chọn lọc): Bài 23 – Tuổi trẻ học, lớn thực hành

Tam Tự Kinh (chọn lọc): Bài 22 - Tuổi trẻ học, lớn thực hành

Ảnh ghép minh họa: Đại Kỷ Nguyên.

Nhiều người Việt Nam đã thuộc nằm lòng câu nói: “Nhân chi sơ, tính bản thiện”. Đây cũng chính là câu mở đầu của bộ sách giáo dục trẻ em truyền thống “Tam tự kinh”, từng được ngợi ca và sử dụng rộng rãi ở các nước Á Đông như Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. “Tam tự kinh” chỉ có trên 1000 chữ nhưng bao trùm cả văn học, lịch sử, triết học, thiên văn, địa lý, luân thường đạo lý. Sách thích hợp với trẻ nhỏ nhờ hình thức thơ 3 chữ ngắn, đơn giản, có thể hát như đồng dao nghe rất vui tai.

Tiếp theo bộ kinh điển giáo dục trẻ em “Phép tắc người con” (Đệ tử quy), Đại Kỷ Nguyên hy vọng rằng bộ sách “Tam tự kinh” này sẽ giúp các em nhỏ và mỗi người chúng ta nuôi dưỡng bản tính thiện lương, tịnh hóa tâm hồn, tìm lại và nâng cao những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp trong thời buổi đạo đức suy thoái hôm nay.

Kinh văn

 Tuổi trẻ học, lớn thực hành
Trên báo quốc, dưới lợi dân.
Tiếng vang danh, vinh cha mẹ
Rạng tổ tiên, ngời hậu thế.

Người cho con, vàng đầy rương
Ta dạy con, chỉ bộ kinh.
Cần bỏ công, chơi vô ích
Nhớ lời răn, nên gắng sức.

Diễn giải

Một người khi còn nhỏ nỗ lực học tập, sau khi lớn gắng sức thực hành, phát huy sở học. Trên có thể phò trợ quân vương, nỗ lực vì quốc gia. Dưới có thể tạo phúc cho nhân dân, suy tính lợi ích cho bách tính. Như thế không chỉ vẻ vang thanh danh bản thân, mang vinh diệu cho cha mẹ, mà còn có thể rạng rỡ tổ tiên, đem phúc lành cho con cháu đời sau. 

Cho con cái vàng bạc châu báu đầy rương không bằng cho chúng đạo lý làm người và cách đối nhân xử thế được giảng trong “Tam tự kinh”. Chỉ cần nỗ lực học tập, ắt có được thu hoạch. Nếu chỉ chăm chú vui chơi nô đùa mà không học hành tấn tới thì không có kết quả. Cho nên chúng ta cần ghi nhớ, chăm chỉ nỗ lực mới được.

Câu chuyện tham khảo

Sư Khoáng khuyến học

Sư Khoáng là bậc thầy âm nhạc thời nhà Tấn. Hai mắt ông bị mù, nhưng đôi tai lại rất giỏi phân biệt âm luật. Trong “Lã thị Xuân Thu – Trường kiến” có ghi lại: Tấn Bình Công cho người đúc một cái chuông, mời các nhạc công đến giám định, họ đều cho rằng âm điệu của chuông chuẩn rồi. Chỉ có Sư Khoáng nói: “Âm điệu không chuẩn, làm ơn đúc lại cái mới”. Tấn Bình Công nói: “Tất cả nhạc công đều cho là chuẩn rồi”. Sư Khoáng mới nói thêm: “Những người am hiểu âm luật sau này sẽ biết rằng âm điệu của chuông không chuẩn”. Sau đó có nhạc sư đi qua nước Vệ là Sư Quyên mới chứng thực được âm điệu của chuông không chuẩn. 

Sư Khoáng không chỉ là một nhạc công, ông còn là người hay khích lệ và biểu đạt chủ trương trị quốc cho Tấn Bình Công. Câu chuyện Sư Khoáng khuyến khích Tấn Bình Công học tập được ghi lại trong “Thuyết uyển – Kiến bản” như sau.

Một ngày nọ, Tấn Bình Công hỏi Sư Khoáng: “Ta đã 70 tuổi rồi, rất muốn học tập nhưng lại sợ tuổi xế chiều là quá muộn…”. Sư Khoáng nói: “Vậy ngài vì sao không ‘đốt nến’ lên đi?”. Bình Công nói: “Có bề tôi nào tùy tiện nói với quân vương như thế không?”. Sư Khoáng đáp: “Thần là kẻ mù nào dám cười giễu quốc vương? Thần nghe nói, lòng ham học lúc thiếu niên như mặt trời mới mọc, dương khí đầy đủ. Lòng ham học lúc tráng niên như mặt trời chính ngọ, ánh sáng chói lọi nóng bỏng. Lòng ham học lúc lão niên giống như ánh sáng ngọn nến. Ánh sáng ngọn nến tuy không bằng ánh sáng mặt trời, nhưng so sánh với việc đi lại trong đêm tối thì còn gì tốt hơn nữa!”. Tấn Bình Công nghe xong thì tán thưởng Sư Khoáng rằng: “Nói hay lắm, nói hay lắm!”.

Có công mài sắt có ngày nên kim

Lý Bạch là thi nhân nổi tiếng thời Đường. Lúc nhỏ ông rất ham chơi, cảm thấy ngày ngày đọc sách ở trường thật là khô khan buồn tẻ, cho nên ông thường bỏ sách, trốn học đi chơi. 

Có một ngày, ông trốn học đi chơi, một thân một mình chơi bên ngoài thật thích… Sau đó, ông tới bờ sông thì đột nhiên phát hiện một bà lão đang ngồi xổm bên một tảng đá lớn, tay bà cầm thanh sắt đang mài đi mài lại trên hòn đá. Lý Bạch rất hiếu kỳ bèn đến hỏi xem bà đang làm gì. Bà lão cười rồi nói: “Ta đang mài thanh sắt thành cây kim”. Lý Bạch kinh ngạc hỏi: “Thanh sắt dày như thế, sao có thể mài thành kim được?”. Bà lão giải thích cho ông: “Đúng rồi. Thanh sắt vừa dày vừa to, mài nó thành kim là việc rất khó khăn. Nhưng mỗi ngày ta đều mài nó, đến một lúc nào đó ta sẽ mài nó thành kim thôi. Cháu à, chỉ cần hạ quyết tâm và đặt công phu, thì có công mài sắt có ngày nên kim”. 

Lý Bạch nghe xong lời của bà lão thì đột nhiên hiểu ra: “Việc đọc sách học tập chẳng phải cũng như thế hay sao? Vì sao ta lại không dụng công chứ?!”. Từ đó, ông không trốn học đi chơi nữa, mà lập chí chăm chỉ đọc sách. Sau này, ông trở thành một nhà thơ vang danh thiên hạ, được hậu thế tán dương là Thi Tiên Lý Bạch. 

Tranh vẽ Lý Bạch (ảnh: Secretchina).

Phụ chú

Nguyên văn chữ Hán

 幼而學,壯而行
上致君,下澤民。
揚名聲,顯父母
光於前,裕於後。

人遺子,金滿籯
我教子,惟一經。
勤有功,戲無益
戒之哉,宜勉力。

Âm Hán Việt

 Ấu nhi học, tráng nhi hành
Thượng trí quân, hạ trạch dân.
Dương danh thanh, hiển phụ mẫu
Quang ư tiền, dụ ư hậu.

Nhân di tử, kim mãn doanh
Ngã giáo tử, duy nhất kinh. 
Cần hữu công, hý vô ích
Giới chi tai, nghi miễn lực.

Pinyin Hán ngữ

 Yòu ér xué, zhuàng ér xíng
Shàng zhì jūn, xià zé mín.
Yáng míng shēng, xiǎn fù mǔ
Guāng yú qián, yù yú hòu.

Rén yí zǐ, jīn mǎn yíng
Wǒ jiào zǐ, wéi yī jīng.
Qín yǒu gōng, xì wú yì
Jiè zhī zāi, yí miǎn lì.

Chú giải

(1) Tráng: lớn, lớn lên.

(2) Hành: nỗ lực thực hiện, thực hành.

(3) Trí: tận sức giúp.

(4) Trạch dân: mang lợi ích, tạo phúc cho bách tính.

(5) Dương: biểu dương.

(6) Danh thanh: danh dự, danh vọng.

(7) Hiển: vinh diệu.

(8) Quang: vinh quang, vẻ vang.

(9) Tiền: chỉ tổ tiên.

(10) Dụ: giàu có sung túc, chỉ phúc lành.

(11) Hậu: chỉ con cháu đời sau.

(12) Di: lưu lại.

(13) Mãn: tràn đầy, dồi dào.

(14) Doanh: cái rương.

(15) Duy: chỉ, chỉ có.

(16) Nhất kinh: một bộ kinh, ở đây chỉ “Tam tự kinh”.

(17) Cần: chăm chỉ vươn lên.

(18) Công: thu hoạch.

(19) Hý: vui chơi, nô đùa.

(20) Vô ích: không có chỗ tốt, không có trợ giúp gì.

(21) Giới: cảnh giác.

(22) Tai: trợ từ, biểu thị cảm thán.

(23) Nghi: nên, cần phải.

Đọc sách bút đàm

“Tam tự kinh” lấy tôn chỉ giáo dục của Khổng Tử làm mục tiêu, dần dần viết ra trình tự và phương pháp học tập từ nông cạn đến thâm sâu, trở thành kim chỉ nam cho Nho sinh tự học. 

“Tam tự kinh” lấy “Người ban đầu, vốn tính thiện. Tính gần nhau, thói cách xa” làm mở đầu để chỉ ra: giáo dục vốn là để bảo trì bản tính thiện lương của con người. Mục đích người ta đọc sách rồi nhận sự giáo dục là để hiểu được làm người tốt như thế nào. Dù sau này trưởng thành có nghiên cứu học vấn hay quản lý quốc gia, thì đều dựa vào điểm này. Tiến thêm bước nữa là nghiên cứu Tứ thư Ngũ kinh để trở thành người quân tử có tu dưỡng và phẩm hạnh đoan chính. Sau đó đọc lịch sử, mượn tấm gương trí tuệ và giáo huấn người xưa, từ đó minh bạch điểm cốt yếu trong trị quốc, dựa trên đạo đức cao thượng mà phát huy tài trí. Như thế mới có thể vì quốc gia, bách tính mà đem sức phục vụ, cả đời tận sức lấy đức thu phục lòng người, làm việc thiện, cứu tế bàn dân trăm họ. Đây là chí lớn của Nho sinh, cũng là lấy “thiện” làm cơ bản.

Bài học cuối cùng trong “Tam tự kinh”, cũng là bài cuối nói về khuyến học, đã khẳng định lại một lần nữa ý nghĩa và mục đích của việc đọc sách học tập: giúp đỡ quân vương quản lý đất nước, cứu trợ bách tính, đem lại phúc lợi cho nhân dân. Đây vốn là mục tiêu và chí hướng của Nho sinh qua các thời đại. Ý nghĩa chính của cuốn sách vỡ lòng “Tam tự kinh” này là, từ nay về sau người học nên nhớ mục đích của việc đọc sách học tập, phải hiếu học chăm chỉ thì mới được. Nếu không, sẽ sống cuộc đời không giá trị, tầm thường vô ích.

Toàn bộ cuốn sách xoay quanh việc khuyến khích học tập, đồng thời cũng thể hiện điều căn bản trong giáo dục truyền thống, chính là: không coi kỹ năng là thứ nhất. Nền giáo dục hiện đại dường như lại xem trọng phát triển kỹ năng hơn là dạy mục đích chân chính của việc học tập, cho nên xuất hiện nhiều hiện tượng và vấn đề hỗn loạn khiến người ta đau đầu. Xem ra, quay trở về giáo dục truyền thống là điều nên làm.

Theo Chánh Kiến
Mạn Vũ biên dịch

Video: Lời giải cho cuộc sống

Exit mobile version