Nhiều người Việt Nam đã thuộc nằm lòng câu nói: “Nhân chi sơ, tính bản thiện”. Đây cũng chính là câu mở đầu của bộ sách giáo dục trẻ em truyền thống “Tam tự kinh”, từng được ngợi ca và sử dụng rộng rãi ở các nước Á Đông như Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. “Tam tự kinh” chỉ có trên 1000 chữ nhưng bao trùm cả văn học, lịch sử, triết học, thiên văn, địa lý, luân thường đạo lý. Sách thích hợp với trẻ nhỏ nhờ hình thức thơ 3 chữ ngắn, đơn giản, có thể hát như đồng dao nghe rất vui tai.
Tiếp theo bộ kinh điển giáo dục trẻ em “Phép tắc người con” (Đệ tử quy), Đại Kỷ Nguyên hy vọng rằng bộ sách “Tam tự kinh” (chọn lọc) này sẽ giúp các em nhỏ và mỗi người chúng ta nuôi dưỡng bản tính thiện lương, tịnh hóa tâm hồn, tìm lại và nâng cao những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp trong thời buổi đạo đức suy thoái hôm nay.
- Trọn bộ Tam Tự Kinh (chọn lọc)
Kinh văn
Ngọc không mài, không thành quý,
Người không học, mù nghĩa lý.
Làm người con, tuổi thiếu thời,
Gần thầy bạn, học lễ nghi.
Diễn giải
Một hòn ngọc thô, nếu không trải qua quá trình mài giũa tỉ mỉ thì không thể trở thành món đồ hữu dụng đẹp đẽ. Con người cũng vậy, dù có tư chất bẩm sinh rất tốt, nhưng không chịu khó học tập thì cũng không cách nào hiểu được đạo lý xử thế, làm người.
Là người con, cần phải tranh thủ lúc còn trẻ mà năng gần gũi với thầy tốt bạn hiền, khiêm tốn tiếp thu những lời dạy bảo và khuyên răn, đồng thời học tập lễ nghi đối nhân, xử sự, ứng đối, tiến thoái.
Câu chuyện tham khảo: Biện Hòa dâng ngọc
Thời Xuân Thu, nước Sở có một người tên là Biện Hòa. Một hôm, Biện Hòa nhặt được một hòn ngọc thô ở trên núi. Ông biết rằng đây là miếng ngọc quý hiếm có, liền mang đi dâng cho Sở Lệ Vương. Sở Lệ Vương liền gọi thợ làm ngọc trong cung đến giám định hòn ngọc thô này. Thợ làm ngọc nhìn qua, liền nói: “Đây chỉ là hòn đá bình thường mà thôi”.
Lệ Vương cho rằng Biện Hòa mang đá đến lừa mình, liền sai người chặt chân trái của Biện Hòa.
Sau khi Lệ Vương qua đời, Sở Vũ Vương kế vị. Biện Hòa lại đem miếng ngọc thô đó đến dâng cho Vũ Vương. Vũ Vương lại sai người làm ngọc đến giám định. Thợ làm ngọc nói: “Đây chẳng qua chỉ là hòn đá thôi”.
Vũ Vương cũng cho rằng mình bị Biện Hòa lừa, bèn sai người chặt chân phải của ông.
Sau khi Vũ Vương qua đời, Sở Văn Vương đăng cơ. Lúc này, Biện Hòa ôm hòn ngọc thô của mình, ở dưới chân núi gào khóc thống thiết. Ông khóc ba ngày ba đêm, khóc đến cạn nước mắt, cuối cùng hai mắt ông đẫm máu. Văn Vương nghe được tin đó, liền sai người đi hỏi Biện Hòa rằng: “Thiên hạ có biết bao nhiêu người bị hình phạt chặt mất hai chân, sao chỉ có mình ông lại khóc đau khổ thế này cơ chứ?”.
Biện Hòa trả lời: “Tôi không phải đau buồn vì chân mình bị chặt, mà là vì hòn ngọc quý giá này lại bị người ta cho là hòn đá bình thường không đáng giá gì, kẻ trung thành lại bị người ta nói thành kẻ lừa đảo!”.
Sau khi Văn Vương biết được sự tình, liền sai thợ làm ngọc đem hòn đá đó đi mài giũa cẩn thận, thì phát hiện ra đây đúng là một viên ngọc hiếm có trên đời. Loại ngọc quý giá này chính là ngọc “Hòa Thị Bích” vô cùng nổi tiếng trong lịch sử.
Xem phim hoạt hình Tam Tự Kinh – Tập 4: Biện Hoà dâng ngọc
Phụ chú
Nguyên văn chữ Hán
玉不琢,不成器
人不學,不知義
為人子,方少時
親師友,習禮儀
Âm Hán Việt
Ngọc bất trác, bất thành khí
Nhân bất học, bất tri nghĩa.
Vi nhân tử, phương thiếu thời
Thân sư hữu, tập lễ nghi.
Pinyin Hán ngữ
yù bù zhuó , bù chéng qì
rén bù xué , bù zhī yì
wéi rén zǐ , fāng shào shí
qīn shī yǒu , xí lǐ yí
Chú giải
(1) Ngọc (玉): Ngọc – loại đá đẹp vật chất rắn chắc, bề ngoài bóng sáng, trong, mịn, thường dùng để làm đồ trang sức và vật liệu điêu khắc.
(2) Trác (琢): mài, giũa, đẽo gọt.
(3) Thành khí (成器): chế tác thành vật phẩm đẹp và tinh xảo sử dụng được. Cũng dùng để hình dung một người thành tài, có thành tựu.
(4) Nghĩa (義): việc đúng đắn hoặc chính đạo, chính lý.
(5) Vi (為): là, đảm nhiệm.
(6) Phương (方): lúc, khi.
(7) Thiếu thời (少時): lúc nhỏ, lúc còn trẻ tuổi.
(8) Thân (親): gần gũi.
(9) Sư (師): thầy. Người có thể nhắc nhở hoặc dạy bảo chúng ta đạo lý xử thế, làm người.
(10) Hữu (友): bạn bè.
(11) Lễ nghi (禮儀): quy phạm và nghi thức lễ tiết.
Đọc sách bút đàm
Hòn đá ngọc phải trải qua đẽo đục, mài giũa tinh tế tỉ mỉ mới có thể trở thành món đồ quý hữu dụng; cũng như con người cần được bồi dưỡng, dạy dỗ tinh tế tỉ mỉ, nếu không thì không thể trở thành nhân tài hữu dụng được. Trọng tâm vẫn là nói cho trẻ tầm quan trọng của việc học tập và tiếp thu giáo dục, mà học tập chính là để hiểu được đạo lý làm người.
Học vấn truyền thống đặt trọng tâm vào hiểu rõ đạo lý, chứ không phải biết được bao nhiêu tri thức và kiến thức, có bao nhiêu tài cán, từ đó mà coi thường người khác. Do đó, mấy bài học đầu của “Tam tự kinh” đã lặp đi lặp lại điểm này. Nếu điểm này không làm rõ thì học sinh sẽ mơ hồ ý nghĩa của học vấn, trở thành những văn nhân cổ hủ chỉ biết châm chọc người, lòng dạ hẹp hòi; hết thảy tri thức, sở học và tài năng được sử dụng như một công cụ sắc bén làm nguy hại cho xã hội. Đó chính là lý do tại sao học vấn truyền thống trước sau luôn đặt hai chữ Nhân – Nghĩa lên vị trí hàng đầu.
Nhân Nghĩa Lễ luôn luôn là trọng tâm của giáo dục truyền thống, trọng tâm của Nho học, cũng là trọng tâm làm người. Ở đây lấy một chữ Nghĩa (nghĩa lý) để đại biểu cho đức dục. Khổng Tử nhấn mạnh hai chữ Nhân Nghĩa, còn Lễ là quy phạm cụ thể và biểu hiện bên ngoài của Nhân Nghĩa. Dân tộc khác nhau có lễ nghi cụ thể khác nhau, nhưng đều biểu đạt những thiện ý giữa người với người như kính trọng, tôn trọng, cảm ân, thăm hỏi, quan tâm…
Lấy ví dụ: trên đường gặp người, nếu là người quen mà người ta nhìn bạn như không thấy, ánh mắt hướng đi chỗ khác thì có lẽ bạn sẽ thấy không thoải mái, có cảm giác bị coi thường, tự nhiên bực tức vì tình cảm bị tổn thương. Trái lại, nếu người ta chào hỏi, thăm hỏi tình hình dạo này ra sao, thì sẽ cảm thấy được quan tâm coi trọng.
Do đó, nước Nhật coi trọng lễ nghi truyền thống, cho dù là người lạ thì vẫn coi như người hữu duyên, cùng hỏi han thăm hỏi lẫn nhau. Lễ nghi chào hỏi sẽ căn cứ vào trường hợp, đối tượng, quan hệ lớn bé, thân sơ khác nhau mà có hình thức cụ thể khác nhau, nhưng gốc rễ đều là để biểu đạt thiện ý giữa người với người.
Là người con, là học trò thì từ nhỏ phải gây dựng được nền tảng làm người vững chắc, cần phải gần gũi với thầy tốt bạn tốt, học các lễ nghi đối xử cơ bản. Mục đích là để hành vi cử chỉ có thể biểu đạt ra thiện ý, hợp tình, hợp lý, hợp hoàn cảnh. Nếu không thì sẽ gây hiểu lầm, làm tổn thương người khác, thậm chí có thể kết ác duyên, bị người ta chỉ trích, bài xích, không có ích lợi đối với người cũng như đối với mình. Việc này rất quan trọng, nếu không chú ý sẽ hình thành thói quen xấu, lúc đó muốn sửa chữa cũng rất khó khăn rồi.
Theo Chánh Kiến
Kiến Thiện biên dịch
Video: 20 năm đi dạy, giờ tôi mới nhận ra môn học quan trọng nhất cuộc đời