Giới thiệu
Nhiều người Việt Nam đã thuộc nằm lòng câu nói: “Nhân chi sơ, tính bản thiện”. Đây cũng chính là câu mở đầu của bộ sách giáo dục trẻ em truyền thống “Tam tự kinh”, từng được ngợi ca và sử dụng rộng rãi ở các nước Á Đông như Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Sách do tiên sinh Vương Ứng Lân triều Tống biên soạn và tiên sinh Âu Thích Tử cuối đời Tống bổ sung.
Cùng với “Đệ tử quy” và “Thiên tự văn”, “Tam tự kinh” được mệnh danh là một trong ba kinh điển giáo dục con em tốt nhất trong lịch sử Á Đông. “Kinh” nghĩa là “đạo lý bất biến”. Cổ nhân gọi sách là kinh nếu sách thể hiện giá trị to lớn. “Tam tự kinh” chỉ có trên 1000 chữ nhưng bao trùm cả văn học, lịch sử, triết học, thiên văn, địa lý, luân thường đạo lý. Sách thích hợp với trẻ nhỏ nhờ hình thức thơ 3 chữ ngắn, đơn giản, có thể hát như đồng dao nghe rất vui tai.
Tư tưởng xuyên suốt của “Tam tự kinh” là chuyên cần học tập. Bởi vì “Nhân chi sơ, tính bản thiện” (Lúc ban đầu của con người vốn tính thiện), nhưng nếu không giáo dục, không chăm chỉ học tập, cái bản tính thiện đó của con người trong quá trình bị ô nhiễm bởi thế tục sẽ biểu hiện càng ngày càng ít đi. Do đó, “Giáo chi đạo, quý dĩ chuyên” (Cái đạo của giáo dục, quan trọng nhất, mấu chốt nhất là ở chuyên cần).
Với ước nguyện phục hưng văn hoá truyền thống, Đại Kỷ Nguyên xin kính cẩn giới thiệu tới quý vị độc giả bộ giáo trình “Tam tự kinh” (tuyển chọn) gồm 23 bài thích hợp nhất với trẻ em Việt Nam thời nay, được chọn lọc từ tài liệu giáo khoa văn hoá của mạng Chánh Kiến (zhengjian.org). Mỗi bài đều có bản dịch, diễn giải, câu chuyện tham khảo và phần phụ chú, giúp các em và cha mẹ thầy cô hiểu hàm nghĩa sâu sắc của kinh điển. Ngoài ra, phần “Đọc sách bút đàm” đưa ra thảo luận sâu rộng về ý nghĩa của bài, độc giả trưởng thành có thể tìm thấy ít nhiều tâm đắc.
Tiếp theo bộ kinh điển giáo dục trẻ em “Phép tắc người con” (Đệ tử quy), Đại Kỷ Nguyên hy vọng rằng bộ sách “Tam tự kinh” này sẽ giúp các em nhỏ và mỗi người chúng ta nuôi dưỡng bản tính thiện lương, tịnh hóa tâm hồn, tìm lại và nâng cao những giá trị truyền thống tốt đẹp trong thời buổi đạo đức suy thoái hôm nay.
BBT Đại Kỷ Nguyên
Kinh văn
1. Người ban đầu, tính vốn thiện
Tính gần nhau, thói cách xa.
Nếu không dạy, tính đổi liền
Đạo dạy học, quý chuyên tâm.
2. Xưa Mạnh mẫu, chọn chỗ ở
Con không học, chặt khung cửi.
Đậu Yên Sơn, có cách hay
Dạy năm con, đều lừng lẫy.
3. Nuôi không dạy, lỗi của cha
Dạy không nghiêm, lỗi ở thầy.
Con không học, lẽ chẳng nên
Trẻ không học, già buồn thêm.
4. Ngọc không mài, không thành quý
Người không học, mù nghĩa lý.
Làm người con, tuổi thiếu thời
Gần thầy bạn, học lễ nghi.
5. Hương chín tuổi, ủ chiếu chăn
Hiếu với cha, cần siêng năng.
Dung bốn tuổi, biết nhường lê
Yêu quý anh, nên cố gắng.
6. Hiếu đễ trước, rồi học văn
Biết toán số, biết làm văn.
Một đến mười, mười đến trăm
Trăm đến ngàn, ngàn đến vạn.
7. Tam tài là: Thiên – Địa – Nhân
Tam quang là: Nhật – Nguyệt – Tinh.
Tam cương là: nghĩa vua tôi
Tình cha con, thuận vợ chồng.
8. Rằng xuân hạ, đến thu đông
Bốn mùa đó, chuyển không ngừng.
Rằng nam bắc, với tây đông
Bốn phương đó, ứng trung tâm.
9. Rằng thủy hỏa, mộc kim thổ
Ngũ hành đó, theo lý số.
10. Rằng nhân nghĩa, lễ trí tín
Ngũ thường đó, chớ rối loạn.
11. Đạo lương thúc, mạch thử tắc
Sáu giống lúa, mọi người ăn.
Ngựa trâu dê, gà chó lợn
Sáu giống vật, mọi người nuôi.
12. Rằng mừng giận, với thương sợ
Yêu ghét muốn, đủ thất tình.
Bầu đất da, gỗ đá kim
Tơ và trúc, đủ bát âm.
13. Sơ cố nội, cha đến mình
Mình đến con, con đến cháu
Từ con cháu, đến chắt chít
Là chín đời, là luân thường.
Ân cha con, thuận vợ chồng,
Anh yêu thương, em cung kính.
Có tôn ti, yêu thương bạn.
Vua phải kính, thần phải trung
Mười nghĩa này, người đều giống.
14. Phàm dạy trẻ, phải giảng kỹ
Tỏ lời huấn, rõ câu cú.
Kẻ đi học, phải khởi đầu
Hết tiểu học, đến Tứ thư.
15. Người đọc sử, khảo thực lục
Thông cổ kim, như mắt thấy.
Miệng đọc rõ, tâm nghĩ suy
Sáng như thế, tối cũng thế.
16. Xưa Trọng Ni, học Hạng Thác
Thánh hiền xưa, còn chăm học.
Triệu Trung lệnh, đọc Lỗ luận
Làm quan to, học vẫn chăm.
17. Bện cói viết, cạo thẻ tre
Không có sách, vẫn cố gắng.
Tóc treo xà, dùi đâm chân
Không người dạy, tự khổ học.
18. Dùng đom đóm, dùng ánh tuyết
Nhà tuy nghèo, không bỏ học.
Cõng củi đọc, sách treo sừng
Thân mệt nhọc, vẫn khổ học.
19. Tô Lão Tuyền, hai bảy tuổi
Mới quyết tâm, đọc thư tịch.
Ông lớn tuổi, còn hối cải
Trò tuổi nhỏ, nên sớm nghĩ.
Như Lương Hạo, tuổi tám hai
Dự thi đình, tài xuất chúng.
Ông già cả, xứng kỳ tài
Trò tuổi nhỏ, nên lập chí.
20. Oánh tám tuổi, biết làm thơ
Bí lên bảy, giỏi thơ cờ.
Họ dĩnh ngộ, người người khen
Trò đang học, nên bắt chước.
21. Thái Văn Cơ, giỏi đoán đàn
Tạ Đạo Uẩn, giỏi làm thơ.
Họ là nữ, lại thông minh
Trò nam nhi, nên gắng sức.
22. Đường Lưu Yến, mới bảy tuổi
Thi Thần đồng, quan Chính tự.
Cậu tuy nhỏ, đã làm quan
Trò đang học, gắng là được.
Người thành đạt, đều như vậy.
Chó canh đêm, gà báo sáng
Nếu không học, sao nên người?
Tằm nhả tơ, ong gây mật
Người không học, không bằng vật.
23. Tuổi trẻ học, lớn thực hành
Trên báo quốc, dưới lợi dân.
Tiếng vang danh, vinh cha mẹ
Rạng tổ tiên, ngời hậu thế.
Người cho con, vàng đầy rương
Ta dạy con, chỉ bộ kinh.
Cần bỏ công, chơi vô ích
Nhớ lời răn, nên gắng sức.
Loạt bài giảng “Tam tự kinh” dự kiến xuất bản vào mỗi 8h sáng thứ Ba, Năm, Bảy hàng tuần kể từ thứ Ba, ngày 3/3/2020. Kính mời quý vị độc giả đón đọc!
Video: “Phép tắc người con” (Đệ tử quy)