Đại Kỷ Nguyên

Tào Tháo, trang sử thất lạc của một anh hùng (Kỳ 12): Thành đại nghiệp, quyết không xưng Đế, lưu danh thiên cổ

Lời toà soạn: Lịch sử 5.000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và nguỵ tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Á Đông gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay.  

Tào Tháo (155 – 220) là một ngôi sao sáng trên vũ đài lịch sử Trung Hoa, mưu trí hơn người, toàn tài văn võ, một tay chống giữ triều cương, bình định phản loạn, gây nền thái bình, đặt định thống nhất giang sơn.

Suốt hàng nghìn năm qua, đã có biết bao câu chuyện xung quanh Tào Tháo, người gọi ông là quân tử, kẻ cho ông là tiểu nhân, người hâm mộ, kẻ khinh ghét, thực là trăm nhà đua tiếng. Chuyện cũ nghìn năm phủ bụi, thật giả đôi khi khó tường, loạt bài về Tào Tháo sẽ phần nào giúp quý độc giả có được cái nhìn toàn diện, chân thực và công bằng nhất về nhân vật từng tiêu tốn biết bao giấy mực này.

Cầu hiền tài như khát nước

Bắt đầu từ thời Hán Vũ Đế, tư tưởng nho gia và học thuyết Sấm Vĩ ngoại nho được lưu hành rộng rãi trong hai triều đại Đông Hán và Tây Hán, cũng được gọi là Lưỡng Hán. “Thông kinh” và “nhân hiếu” là hai điều mà các nhân sĩ của Lưỡng Hán tuân theo. Vào thời đại của Linh Đế và Hiến Đế, nhà Hán sắp diệt vong, đạo đức xã hội không ngừng đi xuống, “hủ nho tục đạo” lan tràn khắp nơi.

Trong “Bão phác tử ngoại thiên” quyển thứ 15 đã miêu tả giai đoạn này như sau: “Đương thời, nhân sĩ có tài rất hiếm, con cái bất hiếu, quan lại tham ô, các Tướng đều nhát gan, sợ chết”. Trước tình trạng này, Tào Tháo ba lần phát “cầu hiền lệnh”, không câu nệ phẩm hạnh, chỉ cần có tài là được, cũng thu được những anh hào trong thiên hạ.

Cầu Hiền Lệnh (Kiến An năm thứ 15, năm 210)

Xưa nay các bậc quân chủ khai quốc và chấn hưng quốc gia, có ai là không có được người hiền tài cùng quân vương trị quốc? Lúc các quân vương có được hiền tài, nhiều hiền tài chưa từng bước chân ra khỏi làng, ra khỏi ngõ, chẳng lẽ là ngẫu nhiên gặp được? Chắc chắn phải cầu tìm và phát hiện ra. Nay thiên hạ chưa định, chính là thời điểm cấp thiết cầu tìm người hiền tài.

“Mạnh Công Xước làm quan cho hai nhà Triệu, Ngụy rất xuất sắc, nhưng lại không thể làm quan giỏi cho hai nước nhỏ như Tiết, Đằng”. Nếu như không có được những người tài năng liêm khiết để sau đó sử dụng, thì Tề Hoàn Công làm sao có thể xưng bá thiên hạ. Ngày nay có ai giống như Khương Tử Nha mặc vải thô nhưng lại có tài năng thật sự ngồi câu cá bên Vị Thủy hay không? Cũng có ai giống như Trần Bình mang ô danh “đạo tẩu thụ kim” (vụng trộm chị dâu, nhận tiền vàng) nhưng chưa gặp được người tiến cử như Ngụy Vô Tri không? Mọi người nên giúp ta phát hiện ra những nhân tài đang bị vùi lấp ở đáy xã hội, chỉ cần có tài năng thì cứ việc đề cử, để ta có thể có được họ và sử dụng họ.

“Sắc hữu ti thủ sĩ vật phế thiên đoản lệnh” (Kiến An năm thứ 19, năm 214)

Những người có đức hạnh đầy đủ chưa chắc đã làm nên đại nghiệp, mà người làm nên đại nghiệp cũng không nhất định có phẩm đức hoàn mỹ. Trần Bình có phẩm đức hoàn mỹ sao? Tô Tần nói có giữ chữ tín sao? Nhưng Trần Bình giúp nhà Hán xây dựng đại nghiệp, Tô Tần lại giúp nhà Yên yếu nhược mạnh trở lại . Do đó có thể thấy, người có tài cao cũng có sở đoản, sao có thể vì có sở đoản mà không sử dụng. Hy vọng các quan đều hiểu rõ đạo lý này, thì sẽ không để mai một người tài, như vậy mới có thể làm hết chức trách.

Tào Tháo và Lưu Bị uống rượu dưới gốc cây thanh mai đàm luận về thế nào là anh hùng trong thiên hạ. (Ảnh: Youtube)

“Cử hiền vật câu phẩm hạnh lệnh” (Kiến An năm thứ 22, năm 217)

Vào thời cổ đại Y Doãn, Phó Thuyết đều là người xuất thân từ dân chúng hèn mọn, Quản Trọng là người đối địch với Tề Hoàn Công, cả hai đều được trọng dụng mà làm cho đất nước thêm hưng thịnh. Tiêu Hà và Tào Tham đều là những thư lại nhỏ ở các huyện phủ. Hàn Tín và Trần Bình đều mang ô danh chịu nhục, bị người chê cười, nhưng cuối cùng đều có công giúp đế vương thành đại nghiệp, lưu danh thiên cổ. Ngô Khởi vì muốn được làm Tướng đã giết vợ để có được tín nhiệm, không tiếc bạc vàng để mua được quan chức, mẫu thân qua đời cũng không trở về chịu tang.

Lúc Ngô Khởi ở nước Ngụy, nước Tần không dám nhòm ngó phương đông (tức nước Ngụy). Khi Ngô Khởi ở nước Sở, Tam Tấn (Hàn, Triệu, Ngụy) dám có mưu đồ thôn tính phương nam (tức nước Sở). Ngày nay trong thiên hạ có hay không người mang đạo đức cao thượng ẩn mình trong bách tính; người quả đoán, dũng cảm, liều chết tác chiến khi gặp địch; hoặc có viên quan văn thông tục nhưng có tài năng có khí chất, có thể làm mưu sỹ cho tướng lĩnh trấn thủ; hoặc là những người từng mang ô danh, bị người đời chê cười đức hạnh, hoặc người từng có hành vi bất nhân bất hiếu, nhưng lại biết cách dùng binh, trị nước, thì mọi người đều phải tiến cử, không được bỏ sót. 

Trong sử sách ghi chép về Tào Tháo như thế này: “Có tài nhìn người, hơn nữa còn biết cách dùng người, biết ai là nhân tài, chiêu mộ họ đến giúp ngài tạo dựng đế nghiệp, những người mà ngài trọng dụng hầu như đều được liệt vào hàng ngũ danh tướng”.

Tào Tháo có tài nhìn người, hơn nữa còn biết cách dùng người, biết ai là nhân tài, chiêu mộ họ đến giúp ngài tạo dựng đế nghiệp. (Ảnh: Youtube)

Kiến An năm thứ 24 (năm 219), Tào Tháo phong cho Tôn Quyền làm Phiêu Kỵ Tướng Quân, ban cho cờ tiết, cai trị Kinh Châu, phong Nam Xương Hầu. Tôn Quyền phái Giáo Úy Lương Ngụ tiến cống, lại cho phép Chu Quang, vốn dĩ là tu binh, trở về phương bắc, dâng sớ xưng thần với Tào Tháo, nói rằng đây là thiên mệnh. Tào Tháo nhận lấy tấu sớ của Tôn Quyền đề lên một dòng chữ: “Thị nhi dục cứ ngô trứ lô hỏa thượng tà”. (Trong tình thế lúc bấy giờ, ai xưng đế trước sẽ trở thành kẻ địch chung của thiên hạ). Vì vậy câu nói này của Tào Tháo có nghĩa là: Ngươi muốn đẩy ta lên ngọn lửa nướng sao?

Thị trung Trần Ngẫu và Thượng thư Hoàn Giai khuyên Tào Tháo nên đoạt lấy thiên hạ nhà Hán, bởi vì nhà Hán đã tận khí số, tương lai sẽ do Tào Ngụy nắm quyền theo thiên mệnh, trong tấu sớ viết: “Từ đời Hán An Đế quyền lực bị hoàng thất thao túng, cho đến nay chỉ còn lại danh tiếng, khí số đã đến hồi tận. Thời Hán Hoàn Đế và Hán Linh Đế, chỉ cần là người hiểu được trị lý đất nước đều biết nhà Hán lụn bại. Nay điện hạ nắm quyền, chín phần thiên hạ đều đã nắm trong tay, xa gần đều kính phục. Ngay cả kẻ thù của ngài là Tôn Quyền cũng đã cúi đầu xưng thần. Trong lịch sử, chưa từng có chuyện “một núi chứa được hai hổ”, vì vậy thiên mệnh đã định ngài chính là người thống nhất thiên hạ”.

Đại tướng Hạ Hầu Đôn cũng khuyên Ngụy Vương: “Cả thiên hạ đều cảm nhận được nhà Hán đã đến hồi tận, một triều đại khác bắt đầu. Từ xưa đến nay đều cần một minh chủ có thể giúp dân trừ hại, thống nhất thiên hạ. Điện hạ chinh chiến hơn ba mươi năm, công đức vô lượng, ngày nay có thống nhất thiên hạ cũng là nghe theo thiên mệnh, thuận theo lòng dân”. Cuối cùng Tào Tháo cũng không nghe theo khuyên can của thuộc hạ, ngài nói: “Nếu như thiên mệnh thực sự là do ở ta, vậy ta nguyện làm Chu Văn Vương”. Tào Tháo vẫn muốn làm thần tử, từ chối xưng đế, tiếp tục phò tá nhà Hán.

Tào Tháo vẫn muốn làm thần tử, từ chối xưng đế, tiếp tục phò tá nhà Hán. (Ảnh: Youtube)

Tào Tháo phụng theo thiên ý, cả đời chinh chiến, giải thích quy tắc “Binh chinh thiên hạ, Vương giả trị quốc” một cách hoàn mỹ, hoàn thành đại nghiệp. Ngài dựa theo ý trời, từ chối xưng đế, thiên hạ phân làm ba. So với những anh hùng cùng thời, thì hàm ý của từ “nghĩa” được Tào Tháo giải thích triệt để. Lưu lại cho hậu thế một thiên anh hùng ca tuyệt vời.

Tháng giêng Kiến An năm thứ 25 (năm 220), Tào Tháo đến Lạc Dương, ngài mất ở Lạc Dương khi vừa tròn 66 tuổi.

Trước khi mất, Tào Tháo đã hạ lệnh an bài hậu sự của mình như thế này: “Theo phong tục từ xưa đến nay, người mất đều phải an táng ở một nơi hoang vắng. Mộ phần nên chọn nơi dốc cao ở gần biên giới Từ Tây của Tây Môn Báo. Như vậy thì sẽ không cần đến nhân lực đấp mộ cao, đạt đến hiệu quả cao, thích hợp với địa hình nơi đó. Không cần phong tỏa khu vực đất đai, xây dựng mộ phần, cũng không cần lập bia văn. Tuy nhiên có thể dựa theo “Chu lễ” bồi lăng, vì vậy nên chọn khu vực đất đai rộng rãi, dung nạp những người đã qua đời cùng bồi lăng.”

Ngài còn dặn dò: “Ta thực hiện pháp lệnh trong quân là đúng, nhưng không tránh khỏi những lúc thất thoát, tức giận, không đáng để người học hỏi. Thiên hạ vẫn chưa ổn định, không nên tuân theo chế độ lễ táng cổ đại. Sau khi an táng ta, thì hãy cởi bỏ tang phục, những tướng sĩ trấn thủ quan ải không được rời khỏi vị trí. Những quan chức trong triều đình nên làm đúng chức trách. Khi tấn liệm cứ để nguyên y phục ta đã mặc, mai táng ở trên Sơn Cương phía tây Nghiệp Thành, gần với Từ Tây của Tây Môn Báo. Không được dùng vàng ngọc trân bảo bồi táng”.

Trưởng tử của Tào Tháo và Biện Thị là Tào Phi kế vị, Tào Tháo được truy phong làm Vũ Vương. Tháng hai năm Đinh Mão, dựa vào di lệnh của Tào Tháo, ngài được an táng ở Cao Lăng.

Trưởng tử của Tào Tháo và Biện Thị là Tào Phi kế vị (Ảnh: Đại Kỷ Nguyên Tiếng Trung).

Lưu Bị viết thư thể hiện thương xót: “Bị nghe tin Tào Công hoăng (đây là từ dùng để chỉ các chư hầu qua đời), sai Hàn Nhiễm đến dâng thư điếu”, “tịnh cống cẩm bố” (cống nạp vải gấm)

Tháng mười một năm Quý Dậu, Hán Đế tuyên bố nhượng vị, đổi xưng là Sơn Dương công. Tào Phi lên ngôi Hoàng Đế, sử dụng lễ nghi Thiên Tử truy tôn Tào Tháo làm Thái Tổ Vũ Hoàng đế.

Lời khen tiếng chê hậu thế

Trần Thọ: “Cuối thời nhà Hán, thiên hạ đại loạn, anh hùng hào kiệt nổi dậy ở khắp nơi, mà Viên Thiệu giống như hổ vồ tứ châu, cường hãn không ai địch nổi. Ngụy Thái Tổ Tào Tháo bày mưu tính kế, không ngừng chiến đấu dẹp loạn, sử dụng tư tưởng Pháp gia của Thân Bất Hại và Thương Ưởng. Áp dụng mưu kế biến hóa khôn lường của Hàn Tín và Bạch Khởi. Chọn dùng người hiền tùy vào tài năng, cho dù nắm quyền lớn trong thiên hạ nhưng không hiềm thù cũ. Cuối cùng cũng nắm giữ được thời vận của bậc Đế Vương, lập nên nghiệp lớn. Ngụy Thái Tổ có mưu lược và sự sáng suốt ưu việt. Có thể nói ngài là một người phi thường, một bậc hào kiệt vượt cả thời đại” (Tam Quốc Chí).

Lý Toản: “Anh hùng thời loạn thế không ai qua được Tào Tháo” (Hậu Hán Thư quyển thứ 67, Đảng Cố Liệt Truyện quyển thứ 57). 

Lương Mậu: “Tào Công buồn rầu vì sự nguy bại của đất nước, xót thương trước cảnh bách tính lầm than, vì thiên hạ mà thống lĩnh nghĩa binh tiêu diệt những kẻ hung bạo. Công đức vô lượng, có thể nói là có một không ai” (Tam Quốc Chí). 

Tôn Sở: “Thái Tổ tiếp nhận vận mệnh, mang theo sức mạnh của bậc thánh nhân mà chinh phạt bạo loạn, bình định thiên hạ. Thiên mệnh đã định, cơ nghiệp của nhà Ngụy ngày càng hưng thịnh, mở rộng lãnh thổ” (Tấn Thư).

Binh chinh thiên hạ, Vương giả trị quốc một cách hoàn mỹ, hoàn thành đại nghiệp.(Ảnh: Youtube)

Lục Cơ: “Cuối thời nhà Hán là tình cảnh đất nước loạn lạc. Từ trong đầm sâu tiềm ẩn một mãnh long vỗ cánh lượn trên những đám mây cát tường bay về phương xa. Vận dụng Thần đạo làm nhiều việc thiện phù hợp đạo đức, uy phong cỡi gió, lướt mây. Phá hủy quần hùng cũng nhanh như tia sét đánh vào vạn vật. Đánh bại đối thủ lớn mạnh cũng dễ dàng giống như vứt đi một đồ vật. Dùng mưu lược cao thâm chỉ huy tám phương, trước tiên diệt trừ họa hoạn, sau đó mới tiến hành vỗ về, an ủi. Chỉnh lý lại pháp chế bị mai một, mở ra cấm địa trong trời đất. Chỉnh đốn kỷ cương vốn dĩ đã đánh mất, kết thúc sự chia cắt lãnh thổ, thống nhất đất nước, thiên hạ thái bình. Dùng ánh sáng đạo đức hòa lẫn cùng ánh sáng nhật nguyệt đồng thời chiếu sáng khắp thiên hạ. Thực hiện công lớn đầu tiên tại Cửu Châu, người khắp thiên hạ đều ngưỡng mộ”.

Phan Nhạc: “Ngụy Vũ tức giận như sấm vang, dùng lý do vì “nghĩa” mà thảo phạt phản loạn. Thuộc hạ của Hàn Toại, Mã Siêu mặc dù nhiều vô số kể nhưng vẫn không có tác dụng, vẫn bị Ngụy Vũ Đế đánh bại một cách thần kỳ” (Tây Chinh Phú). 

Vương Đạo: “Xưa Ngụy Vũ đạt được quyền chính của bậc Đế Vương; Tuân Văn Nhược là công thần có công lớn nhất” (Tấn thư).

Bùi Tùng Chi:” Ngụy Thái Tổ sử dụng kế sách linh hoạt, mưu lược cao minh” (Tam Quốc Chí).

Vương Bột: “Tào Tháo dụng binh giống như Tôn Tử và Ngô Tử, dùng kỳ mưu đối với kẻ địch và rất ít khi thất bại. Vì vậy mà ngài có thể bắt được Lữ Bố ở phía đông, đánh bại Viên Thiệu ở phía bắc. Ở Thọ Trương đánh bại Hoàng Cân (Khăn Vàng), chém chết Huy Cố tại Xạ Khuyển. Đại quân của Tào Công tiến quân đến phương bắc giết chết Đạp Đốn, tiến công đến phương nam bắt giữ được Lưu Tông”.

Một Tào Tháo dũng mãnh trước quân địch như vậy nhưng sau này lại vị tô vẽ thành hình tượng xấu. (Ảnh: Youtube)

Hà Khứ Phi bình luận rằng: “Tào Tháo bàn binh pháp không giống Tôn Vũ, dùng binh không giống Hàn Tín. Tôn Vũ viết ra binh thư nhưng không chắc có thể tự thân sử dụng, vẫn được lưu truyền hậu thế. Ngược lại Hàn Tín không viết binh thư, Tào Tháo mặc dù có viết tuy nhiên không được lưu truyền cho hậu thế. Tất nhiên Hàn Tín và Tào Tháo đều học binh pháp Tôn Vũ, nhưng họ phải có bản lĩnh, có năng lực của riêng mình mới có thể đánh thắng trận, lưu danh thiên cổ. Cũng như khắp thiên hạ vô số người đọc binh pháp Tôn Vũ nhưng không phải ai cũng có thể lãnh quân đánh trận, nếu không thì tất cả những người đọc qua đều đã là Hàn Tín và Tào Tháo rồi”. 

Tuy nhiên, bắt đầu từ triều đại nhà Tấn, có nhiều người phỉ báng, bêu xấu Tào Tháo. Trong “Dị Đồng Tạp Ngữ”, Tôn Thịnh cũng đồng ý với lời bình của Hứa Thiệu về Tào Tháo, gọi ngài là “gian hùng thời loạn”. Còn thuật lại Tào Tháo giết chết Lã Bá Sa. Câu nói: “Thà ta phụ người, tuyệt không để người phụ ta” cũng được gắn vào cho Tào Tháo.

Hơn nữa thông qua “Tam quốc diễn nghĩa”, hình ảnh phản diện về Tào Tháo bị tô đậm, mặc dù chỉ là các tình tiết được biên tạo ra nhưng lại hủy diệt hình tượng anh hùng chân chính của Tào Tháo, khiến cho Tào Tháo trở thành một gian hùng nổi tiếng nhất trong thiên hạ. Đối với việc Tào Tháo công phạt Từ Châu của Đào Khiêm, Tôn Thịnh thậm chí nhận xét như thế này: “Dùng lý do trách tội Đào Khiêm để tàn sát giết hại bộ hạ của Đào Khiêm là một hành vi vô cùng sai trái”…

Trong tác phẩm “Hán Tấn Xuân Thu” của Tập Tạc Xỉ, vào thời Đông Tấn, Tào Tháo bị coi là kẻ phản nghịch, soán ngôi vua. Tập Tạc Xỉ đã đưa ra nhận định của bản thân như thế này: “Vào thời đại Tam quốc, chính quyền chính thống kế nghiệp nhà Hán nên là Thục Hán, còn Ngụy Vũ Đế mặc dù nhận được chỉ lệnh của vua Hán, nhưng đó cũng chỉ là phản nghịch, soán ngôi”. Những điều này hoàn toàn làm nghiêng lệch lịch sử.

Những lý lẽ của ngụy quân tử đưa ra như: Ngụy Vũ Đế mặc dù nhận được chỉ lệnh của vua Hán, nhưng đó cũng chỉ là phản nghịch, soán ngôi. (Ảnh: Youtube)

Bị Tôn Thịnh và Tập Tạc Xỉ ảnh hưởng mà sau thời Nam Bắc Triều và Đường Tống chuyên lưu hành những câu chuyện hủy hoại hình tượng của Tào Tháo, khiến cho hình tượng anh hùng của ngài ngày càng sút kém.

Trong tác phẩm “Thế thuyết tân ngữ”, Lưu Nghĩa Khánh (một nhà văn học của Nam Triều Tống, cháu của Tống Vũ Đế Lưu Dụ) đã xem Tào Tháo là “kẻ xảo trá”.

Sau Ngũ Đại Thập Quốc, Nam Đường, Nam Tống làm đại biểu cho chính quyền phương nam, tự sánh bản thân giống như Tôn Ngô và Thục Hán của thời đại Tam quốc, sáng tạo ra cái gọi là “Nam triều chính thống luận” (luận về Nam triều chính thống), lên án những chính quyền phương bắc là kẻ cướp, những vương triều không chính thống. Hơn nữa, vào thời đại nhà Tống, “Trình Chu Lý học” trở nên hưng thịnh và phổ biến, đặc biệt chú trọng và nhấn mạnh lễ quân – thần, vì vậy hình tượng của Tào Tháo ngược lại với hình tượng mà triều đại đương thời cần thiết.

Vào thời nhà Tống, Tư Mã Quang biên soạn cuốn sử nổi tiếng “Tư trị thông giám” đã đưa ra đánh giá Tào Tháo, tuy nhiên ông không dùng cụm từ “anh hùng thời loạn” của “Hậu Hán Thư. Hứa Thiệu Truyện”, mà lựa chọn dùng cụm từ “gian thần thời loạn” của Tôn Thịnh.

Đến triều đại Nam Tống, Tào Tháo bị kỳ thị và thù ghét, khi Chu Hi biên soạn “Thông giám cương mục”, ông thà rằng bỏ qua một đoạn thời gian dài loại bỏ “Hoàng Sơ kỷ niên” của Tào Ngụy mà sưu tập “Chương Vũ kỷ niên” của Lưu Bị. Hơn nữa còn trực tiếp gọi Tào Tháo là “Soán đạo”, ý nói ngài là một kẻ cướp chiếm đoạt quyền lực.

Từ thời nhà Nguyên đến thời Nguyên Minh, có hơn sáu mươi loại Hí Khúc lấy chủ đề về thời Tam Quốc. Đại đa số đều lấy Thục Hán làm trung tâm, tôn kính Lưu Bị, chê bai Tào Tháo, tâng bốc Lưu Bị, hạ thấp Tào Tháo. Vào thời kỳ Nguyên Minh, Thanh, hình tượng của Tào Tháo được định là “gian hùng”, vì vậy những mặt tốt của ngài đều không được đưa vào kịch.

Về sau các sử sách loạn bậy một phần vì chính trị mà cố tô vẽ tào tháo hung bạo, phần vì Bị Tôn Thịnh và Tập Tạc Xỉ ảnh hưởng mà sau thời Nam Bắc Triều và Đường Tống chuyên lưu hành những câu chuyện hủy hoại hình tượng của Tào Tháo. (Ảnh: Youtube)

Phía dưới là một số đoạn ghi chép lại sự kiện lịch sử, chứng thực Tào Tháo là một vị anh hùng chân chính.

“Tam Quốc Chí, Thục Chí Gia Cát Lượng truyện” được hậu thế gọi là “Long Trung Đối” có ghi chép một đoạn Gia Cát Lượng trả lời Lưu Bị như thế này: “Nếu so sánh giữa Tào Tháo và Viên Thiệu thì Tào Tháo danh tiếng nhỏ, binh lực yếu. Tuy nhiên Tào Tháo có thể đánh thắng Viên Thiệu, từ nhỏ yếu biến thành hùng mạnh, điều này không những nhờ vào thời cơ tốt, mà còn nhờ vào mưu lược cao thâm của người. Bây giờ Tào Tháo đã sở hữu trăm vạn đại quân, khống chế Hoàng Đế hiệu lệnh chư hầu, về điểm này chúng ta thật sự không thể sánh bằng”.

Gia Cát Lượng là quân sư của Lưu Bị, hiểu thiên tượng và đại nghĩa, nói Tào Tháo “khống chế Hoàng Đế hiệu lệnh chư hầu”, hoặc “kẻ địch” cũng không có gì lạ. Nhưng đồng thời ông cũng dùng những từ ngữ đánh giá cao như “thời cơ”, “mưu lược cao thâm” để nói về Tào Tháo cho thấy, cho dù đạo bất đồng tuy nhiên Gia Cát Lượng vẫn kính trọng ngưỡng mộ Tào Tháo.

“Tam Quốc Chí, Ngụy Thư, Mao Giới Truyện” ghi chép: Giới ngữ Thái tổ từng nói với Tào Tháo: “Dùng binh thắng ở tuân thủ lễ nghĩa, muốn bảo vệ địa vị nhất định phải dựa vào tài lực, ngài nên tôn phụng Thiên Tử mà phát lệnh với những kẻ không tuân thủ đạo làm thần tử”.

Trong “Tam Quốc Chí, Ngụy Thư, Giả Hủ Truyện” ghi chép lời nói của Giả Hủ: “Tào Công phụng lệnh Thiên Tử mà hiệu lệnh thiên hạ”.

Đồng thời, trong “Tam Quốc Chí, Ngụy Thư, Viên Thiệu Truyện” cũng có ghi chép, mưu sĩ Thư Thụ từng hiến kế cho Viên Thiệu như thế này: “Khống chế Hoàng Đế hiệu lệnh chư hầu, chiêu hiền nạp sĩ, thảo phạt những kẻ không nghe lệnh”. Tuy nhiên, trong “Tam Quốc Diễn Nghĩa” của mình, La Quán Trung có ý muốn dùng cụm từ “Khống chế Hoàng Đế hiệu lệnh chư hầu” vốn dĩ chỉ Viên Thiệu thay thế cho cụm từ “phụng lệnh Thiên Tử” chỉ Tào Tháo, điều này hoàn toàn làm ô danh một vĩ nhân trong lòng của hậu thế.

“Tam quốc diễn nghĩa” khiến cho hình tượng Tào Tháo xấu đi, từ anh hùng biến thành gian hùng, không ngừng miêu tả Tào Tháo thích giết người, tàn nhẫn, âm hiểm, quỷ quyệt, gian trá, soán đạo, gây hiểu lầm nghiêm trọng cho các thế hệ tương lai, làm biến chất lịch sử của vị anh hùng Tào Tháo.

Theo Đại Kỷ Nguyên Tiếng Trung
Khải Phong biên dịch

Exit mobile version