Đại Kỷ Nguyên

Tào Tháo, trang sử thất lạc của một anh hùng (Kỳ 5): Diệt Lã Bố, bình Viên Thuật, xưng bá một phương

Lời toà soạn: Lịch sử 5.000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và nguỵ tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Á Đông gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay.  

Tào Tháo (155 – 220) là một ngôi sao sáng trên vũ đài lịch sử Trung Hoa, mưu trí hơn người, toàn tài văn võ, một tay chống giữ triều cương, bình định phản loạn, gây nền thái bình, đặt định thống nhất giang sơn.

Suốt hàng nghìn năm qua, đã có biết bao câu chuyện xung quanh Tào Tháo, người gọi ông là quân tử, kẻ cho ông là tiểu nhân, người hâm mộ, kẻ khinh ghét, thực là trăm nhà đua tiếng. Chuyện cũ nghìn năm phủ bụi, thật giả đôi khi khó tường, loạt bài về Tào Tháo sẽ phần nào giúp quý độc giả có được cái nhìn toàn diện, chân thực và công bằng nhất về nhân vật từng tiêu tốn biết bao giấy mực này.

Xem thêm:  Kỳ 1,  Kỳ 2,  Kỳ 3,  Kỳ 4 

***

1. Thảo phạt Trương Tú

Mở đầu cho cuộc đánh dẹp quần hùng, Tào Tháo quyết định chinh phạt Trương Tú trước tiên. Mùa xuân năm 197 (tức Kiến An năm thứ 2), tháng Giêng, Tào Tháo đưa quân xuống phía Nam đánh Trương Tú ở Uyển Thành. Đại quân tiến sát, Trương Tú cả sợ xin hàng. Sau này nghĩ lại thấy hối hận, Trương Tú dẫn quân bất ngờ đánh úp Tào doanh, hại chết con cả Tào Ngang và cháu họ Tào An Dân của Tào Tháo.

Bản thân Tào Tháo cũng trúng tên. Đô úy là Điển Vi liều chết đánh trả quân Trương Tú, quân hầu tả hữu đều bỏ mạng cả. Điển Vi chịu hơn mười vết thương nhưng vẫn anh dũng chiến đấu. Quân Trương Tú lại càng vây chặt hơn nữa. Điển Vi bèn xốc tới kẹp chết hai người, dùng làm vũ khí mà quật chết hơn chục người nữa. Nhưng vết thương quá nặng, quân địch lại vây hãm, bắn tên, Điển Vi cuối cùng tử trận. Khi chết hai mắt còn mở trừng trừng, nửa ngày sau quân Trương Tú mới dám bước qua xác Điển Vi.

Tào Tháo nhờ có Điển Vi chặn cửa mà bỏ chạy thoát thân, thu nhặt tàn binh, lui về Vũ Âm. Trương Tú lại dẫn kỵ binh đến đánh úp. Nhưng Tào Tháo tập kích phá tan. Tú chạy về đất Nhưỡng, liên hợp với Lưu Biểu. Tào Tháo hội các tướng lại, nói: “Ta cho bọn Trương Tú hàng, lỡ không giữ con tin, nên mới tạo nên họa này. Ta hiểu nguyên do thất bại hôm nay. Các tướng phải nhìn đó làm gương, từ nay về sau không được để thua trận như thế nữa“.

Sau đó, Tào Tháo dẫn quân về lại Hứa Đô, thương nhớ Điển Vi khôn nguôi, bèn lập đàn tế vọng, lại phong cho con ông là Điển Mãn làm Lang Trung, nhận nuôi trong phủ.

Cùng năm ấy, mùa đông, tháng 11, Tào Tháo đích thân nam chinh, lại kéo quân đến Uyển Thành, bắt sống được tướng của Lưu Biểu là Đặng Tế ở Hồ Dương, lại hạ được cả Vũ Âm. Đến mùa xuân năm Kiến An thứ 3 (tức năm 198), tháng Giêng, Tào Tháo rút về Hứa Đô. Tháng 3 năm đó, Tào Tháo tiếp tục dẫn quân thảo phạt Trương Tú một lần nữa. Trên đường hành quân, thấy dọc đường lúa mạch đã chín mà nông dân trốn chạy chiến loạn, không dám gặt về.

Tào Tháo sai người đi khắp các thôn trang, truyền dụ cho già trẻ, gái trai và các quan lại quanh vùng rằng: “Ta phụng chiếu vua, đem quân đánh giặc, trừ hại cho dân. Nay đang mùa lúa chín, bắt đắc dĩ phải khởi binh. Quân tướng lớn nhỏ đi qua ruộng, hễ ai dẫm lên lúa đều bị chém. Quân pháp thực nghiêm, nhân dân không việc gì phải lo sợ cả“.

Tào Tháo thảo phạt Trương Tú. Ảnh dẫn theo seowebsitevn.com

Không ngờ khi ấy con ngựa mà Tào Tháo cưỡi bỗng giật mình, chạy lồng lên, xéo nát cả ruộng lúa. Tào Tháo lập tức gọi quan hành quân chủ bạ đến để định tội chính mình. Ông nói: “Ta đặt ra pháp lệnh mà lại tự phạm vào thì làm sao quân sĩ phục được?“.

Tào Tháo khăng khăng tự cắt tóc mình coi như hình phạt răn đe, giữ nghiêm pháp lệnh. Chuyện Tào Tháo “cắt tóc thay đầu” khiến cho ba quân đều sợ hãi, nhất nhất tuân lệnh.

Đại quân Tào Tháo vây hãm Trương Tú ở đất Nhưỡng, đang chuẩn bị công thành thì được tin mưu sĩ của Viên Thiệu là Điền Phong hiến kế cho Thiệu tập kích Hứa Đô, ép thiên tử, lệnh chư hầu. Tào Tháo lập tức giải vây Trương Tú, vội vã quay về Hứa Đô.

Tháng 5, Lưu Biểu điều binh tới cứu Trương Tú, cắt đứt hậu quân của Tào Tháo. Binh của Tú lại kéo đến vây, quân Tào tiến thoái lưỡng nan, phải rút dần các trại. Nhưng chính ngay lúc ấy, Tào Tháo gửi thư cho Tuân Úc, nói: “Giặc truy đuổi ta, tuy mỗi ngày chỉ đi được mấy dặm nhưng ta đã có kế. Đến An Chúng, tất phá được Tú“.

Khi vừa đến An Chúng, Tú và Biểu đóng giữ những chỗ hiểm yếu, quân Tào hai đầu thọ địch. Tháo nhân trời đêm, cho đào địa đạo, bố trí kỳ binh. Lưu Biểu, Trương Tú tưởng rằng quân Tào đào hầm để chạy trốn liền dẫn quân truy kích. Tào Tháo bèn tung kỳ binh và quân bộ kỵ cùng giáp công, đại phá quân địch.

Mùa thu, tháng 7, Tào Tháo về đất Hứa. Tuân Úc hỏi: “Lúc trước minh công nói rằng đã có kế phá giặc là vì cớ gì?“. Tháo nói: “Giặc chặn đường về của ta mà cùng quân ta giao chiến ở nơi tử địa. Ta biết là chắc thắng“. Đó gọi là kế “đặt vào chỗ chết rồi mới tìm ra đường sống”. Quân sĩ một khi bị đặt vào tình cảnh hiểm nghèo thì sĩ khí tăng lên bội phần, sẽ liều chết cố đánh mà giải vây. Ở điểm này, Tào Tháo quả là vô cùng thông hiểu binh pháp mà cũng thật mạo hiểm vậy!

Tào Tháo dẫn quân thảo phạt Trương Tú đúng lúc ngày hè chói chang. Trên đường thiếu nước, quân sĩ đều khát. Tào Tháo nghĩ ra một kế, lấy roi trỏ về phía trước mà nói: “Phía trước có rừng mơ“. Quân sĩ nghe nói, đều chảy nước miếng, bởi thế hết khát. Đời sau gọi đó là kế “Vọng mai chỉ khát” (trông mơ giải khát).

2. Trừng phạt Viên Thuật

Mùa xuân năm 197 (tức Kiến An năm thứ 2), Viên Thuật xưng đế ở Thọ Xuân, tự xưng là Trọng Gia, đồ dùng, quần áo đều theo nghi lễ thiên tử. Có người lại khuyên Viên Thuật sau khi đăng cơ nên cho sứ giả đi bố cáo khắp thiên hạ. Thuật ngần ngại đáp: “Tào Tháo vẫn còn đó, việc này chưa làm được“.

Viên Thuật lại muốn cùng mưu việc lớn với Trần Khuê, lúc ấy đang làm quân sư cho Lã Bố ở Hạ Bì (trị sở của Từ Châu). Viên Thuật và Trần Khuê đều là con cháu nhà quyền quý, công tộc nhưng không giao du mấy với nhau.

Thuật gửi thư cho Khuê, nói: “Nếu thành đại sự, ông chính là tâm phúc của ta“. Khuê trả lời thư Viên Thuật rằng: “Túc hạ nay tuy phú quý nhưng vị tất đã tránh khỏi được cái họa bại vong của nước Tần? Tào tướng quân uy phong, thần vũ, phục hưng hình pháp, trừ sạch gian tà, bình định nước nhà, gây được lòng tin. Nay túc hạ không biết hợp lực, đồng tâm mà khuông phò Hán thất, lại có âm mưu gian dối, chính là lấy thân mà gánh họa, chẳng phải đáng buồn lắm sao? Muốn ta theo túc hạ, có chết cũng không làm được vậy!“.

Trần Khuê một lòng hướng về Tào Tháo, quyết không về phe Viên Thuật.

Tào Tháo trừng phạt Viên Thuật. Ảnh dẫn theo sohu.com

Cùng năm đó, tháng 9, Tào Tháo kéo quân sang phía đông đánh Viên Thuật. Thuật nghe tin Tháo tới, kinh sợ khiếp vía, bỏ quân mà chạy, chỉ để các tướng Kiều Nhuy, Lý Phong, Lương Cương, Nhạc Tựu ở lại cự nhau với quân Tào. Tào Tháo đại phá bọn Nhuy, chém được cả. Sau đó, Tháo đem quân tấn công Thọ Xuân, tự mình đến dưới chân thành, đôn đốc quân sĩ khiêng đất, chuyển đá, lấp hào, đắp rãnh.

Trên thành tên bắn, đá quăng trút xuống như mưa. Lúc ấy có hai viên tì tướng sợ hãi bỏ chạy về. Tháo rút kiếm chém ngay dưới thành, tự mình xuống ngựa, khiêng đất lấp hố. Bởi thế tướng sĩ lớn nhỏ đều hăng hái xung phong, hướng về phía trước, quân uy chấn động, sĩ khí mãnh liệt. Quân Viên Thuật trên thành không ngăn cản được. Quân Tào tranh nhau lên thành, chém tướng mở cửa, đại quân ập vào. Sau khi vào thành, Tào Tháo thiêu hủy hết cung thất, đền đài của Viên Thuật, ra lệnh cấm quân sĩ phạm vào của dân một tấc, một ly. Viên Thuật chạy qua sông Hoài, gặp lúc mùa màng thất bát, ba quân đói rét, bởi thế càng thêm suy yếu.

Tào Tháo thu nhận bộ hạ cũ của Viên Thuật là Hà Quỳ về dưới trướng, nhân đó hỏi nguyên nhân vì sao Thuật sớm bại vong làm vậy. Hà Quỳ nói: “Trời giúp người theo lẽ phải, người hướng về kẻ tín nghĩa. Thuật không có tín nghĩa lẫn lẽ phải mà lại muốn trời giúp, người theo, liệu có được chăng?“. Tào Tháo nói: “Nước nhà mất kẻ hiền tài thì tất vong. Ngươi không được Thuật trọng dụng, bại vong còn gì để nghi ngờ nữa?“.

3. Bắt sống Lã Bố

Năm 198 (tức Kiến An năm thứ 3), tháng 9, Tào Tháo định đem quân đánh Lã Bố. Chư tướng đều can rằng: “Lưu Biểu, Trương Tú ở mặt sau, chúa công hành quân xa đánh Lã Bố, như thế thật nguy hiểm!“. Chỉ có Tuân Du hiến kế: “Biểu, Tú mới đại bại, chắc không dám động binh. Bố kiêu dũng lắm, nếu để hắn liên kết với Viên Thuật, tung hoành bên vùng Hoài, Tứ, hào kiệt tất theo hưởng ứng. Giờ nhân lúc hắn mới làm phản, bụng quân chưa phục, có thể phá được“. Tháo nói: “Hay!“, bèn cho quân tiến đến Bành Thành.

Mưu sĩ Trần Cung bàn với Lã Bố: “Quân Tào mới đến, chưa lập trại xong, ta thong thả đánh địch khó nhọc, ắt là thành công“. Nhưng Bố gạt đi, cho rằng: “Ta vừa mới thua, không nên khinh địch, đợi quân Tào đến, ta sẽ ra đánh, ắt là quân nó phải lăn hết xuống sông Tứ Thủy“. Bấy giờ là mùa đông, tháng 10, Tào Tháo đánh gấp Bành Thành. Thái thú Quảng Lăng là Trần Đăng cũng mang quân theo Tào Tháo, xin làm tiên phong, tiến đánh Hạ Bì.

Lã Bố tự mình dẫn quân nhiều lần giao phong cùng quân Tào nhưng đều đại bại, phải chạy vào thành cố thủ, không dám xuất chiến. Tào Tháo gửi thư cho Lã Bố, bày rõ lẽ thiệt hơn. Lã Bố núng thế, sợ hãi muốn hàng nhưng Trần Cung liều chết ngăn cản. Bố lại cầu viện Viên Thuật. Nhưng Thuật vẫn để bụng chuyện Bố nuốt lời, không chịu gả con gái làm dâu nhà mình trước đó. Thuật giận, không chịu xuất binh ứng cứu. Bố bất đắc dĩ phải lấy bông quấn vào mình con gái, ngoài mặc áo giáp bạc, cõng con trên lưng, vác kích lên ngựa, mở cửa thành định chạy sang chỗ Viên Thuật để định chuyện hôn ước cũ. Tuy nhiên quân Tào vây thành tầng tầng lớp lớp, tên bắn như mưa. Bố không tài nào vượt qua được, đành phải về thành.

Tào Tháo đánh Hạ Bì mãi không hạ được, lâu ngày sĩ tốt mỏi mệt, toan muốn rút quân. Nhưng Tuân Du, Quách Gia can rằng: “Lã Bố hữu dũng vô mưu, nay liên tục thua trận, nhuệ khí đã suy lắm rồi. Ba quân lấy tướng làm chủ. Chủ suy thì quân không còn ý chí. Trần Cung lắm mưu mẹo nhưng ứng biến chậm. Nay nhân lúc nhuệ khí Lã Bố chưa hồi, mưu mẹo Trần Cung chưa định, ta đánh gấp, Bố tất phải bại vậy!“.

Tào Tháo dẫn nước 2 sông Nghi, Tứ dìm ngập thành Hạ Bì. Suốt hơn một tháng, Lã Bố bị vây khốn. Bố thấy nguy cấp quá, bèn lên lầu thành nói với thủ hạ của Tào Tháo rằng hãy nới vòng vây để mình ra ngoài thú tội, đầu hàng. Tuy nhiên Trần Cung một mực can ngăn, Lã Bố lại nghe theo, không hàng Tào nữa.

Bộ tướng là Hầu Thành chẳng may làm mất ngựa quý của Lã Bố, mới tìm lại được, chư tướng đều đến mừng. Hầu Thành bèn mang rượu thịt đến dâng Lã Bố trước, chẳng ngờ bị Bố mắng chửi thậm tệ. Hầu Thành nhân thế căm phẫn.

Tháng 12 năm ấy, Hầu Thành cùng chư tướng là Tống Hiến, Ngụy Tục cùng nhau bày kế bắt giữ Trần Cung, Cao Thuận, ra hàng Tào Tháo. Lã Bố cùng bộ tướng lên lầu Bạch Môn cố thủ. Quân Tào vây gấp, Lã Bố lệnh cho thủ hạ lấy đầu của mình dâng lên Tào Tháo. Nhưng tả hữu không đành lòng nên Lã Bố đành phải xuống thành đầu hàng.

Lã Bố gặp Tào Tháo, nói: “Kể từ hôm nay, thiên hạ đã định rồi!“. Tào Tháo hỏi: “Vì sao nói thế?“. Lã Bố trả lời: “Minh công không lo ai bằng tôi, nay đã bắt được rồi. Nếu để Bố này lĩnh kỵ binh, minh công điều bộ binh, việc thiên hạ còn lo gì nữa?“. Đoạn, Lã Bố ngoảnh lại nhìn Lưu Bị nói: “Huyền Đức nay ngồi ghế trên, ta giờ là phận tù binh dưới thềm, dây thừng buộc chặt, sao không nói giúp nhau một lời?“.

Tào Tháo bắt sống Lã Bố. Ảnh dẫn theo rekijin.com

Tào Tháo định cởi trói cho Lã Bố. Nhưng Lưu Bị can rằng: “Không thể được! Minh công còn không nhớ chuyện của Đinh Kiến Dương và Đổng Trác hay sao?“. Đinh Nguyên (tự Kiến Dương) và Đổng Trác đều là nghĩa phụ (cha nuôi) của Lã Bố nhưng rốt cuộc lại chết trong tay Bố. Tào Tháo gật đầu đồng ý. Lã Bố trừng mắt nhìn Lưu Bị quát lớn: “Đồ tai to vong ân bội nghĩa kia! Ngươi quên công ta bắn kích Viên Môn rồi sao?“. Đoạn, Tào Tháo sai quân sĩ mang Lã Bố xuống dưới thềm thắt cổ rồi bêu đầu thị chúng.

Trần Cung gặp lại Tào Tháo, nhất quyết đòi chết. Tào Tháo hỏi: “Ông đã vậy, còn mẹ già và vợ con thì làm sao?“. Trần Cung đáp: “Cung này nghe nói kẻ lấy đạo hiếu trị thiên hạ thì không hại đến thân nhân người ta, kẻ thi hành nhân chính trong thiên hạ thì không làm dứt hương hỏa người ta. Mẹ già và vợ con tôi đều ở tay minh công định đoạt. Tôi chết cũng không còn vướng bận gì“.

Sau đó, Trần Cung sải bước nhanh ra cửa ngoài, tả hữu không sao ngăn được. Tào Tháo theo sau khóc đưa tiễn Cung. Cung cũng không quay đầu nhìn lại. Sau khi Cung chết, Tào Tháo đối xử với người nhà ông rất hậu, cho người đón mẹ già ông về phủ phụng dưỡng đêm ngày.

Bộ tướng của Lã Bố là Trương Liêu dẫn quân xin hàng. Tào Tháo mừng lắm, hậu đãi vô cùng, bái Liêu làm Trung lang tướng. Viên Thuật trước bị Lã Bố đánh phá, sau lại bại dưới tay Tào Tháo, năm 199 (tức Kiến An năm thứ 4), chạy đến chỗ bộ tướng là Lôi Bạc, Trần Lan nhưng đều bị chối từ. Sĩ tốt đói ăn, ngày càng khốn quẫn, Viên Thuật cùng đường, đành phải hòa hiếu cùng Viên Thiệu khi ấy đang hùng cứ ở 4 châu: Thanh, U, Ký, Tinh ở Hà Bắc.

Thuật viết thư gửi Thiệu, xin nhường ngôi hoàng đế và ngọc tỷ cho anh. Thiệu đồng ý, sai người chuẩn bị đón tiếp. Thuật muốn vượt Hạ Bì lên phía bắc, theo về với Viên Đàm (con Viên Thiệu) ở Thanh Châu. Đúng lúc ấy, Tào Tháo phái Lưu Bị chẹn đường Viên Thuật đón đánh. Viên Thuật phát bệnh mà chết, tuổi mới 45.

Tôn Sách ở Giang Đông sai người đến cống phương vật. Tào Tháo vui vẻ tiếp nhận, nhân muốn lấy lòng Sách mà tâu biểu xin gia phong cho Sách làm Thảo nghịch tướng quân, tước Ngô hầu. Tào Tháo còn cho em gái của mình lấy em trai Tôn Sách là Tôn Khuông, lại hứa hôn cho con là Tào Chương với ái nữ của Tôn Sách, lấy lễ mà phủ dụ các em của Tôn Sách là Tôn Quyền, Tôn Dực.

Đến đây, một dải phía bắc Trường Giang gồm 4 châu: Từ Châu, Duyện Châu, Dự Châu và Dương Châu đều thuộc quyền cai quản của Tào Tháo cả. Bá nghiệp của Tào công đã đi được một nửa chặng đường. Nhưng đối thủ nguy hiểm nhất vẫn còn chờ phía trước, một trận kịch chiến với Viên Thiệu là chuyện khó tránh khỏi.

Mời quý độc giả theo dõi tiếp câu chuyện ở những hồi sau! 

Theo Đại Kỷ Nguyên Tiếng Trung
Hữu Bằng biên dịch

Xem thêm:

 

 

Exit mobile version