Lời toà soạn: Lịch sử 5.000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và nguỵ tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Á Đông gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay.  

Tào Tháo (155 – 220) là một ngôi sao sáng trên vũ đài lịch sử Trung Hoa, mưu trí hơn người, toàn tài văn võ, một tay chống giữ triều cương, bình định phản loạn, gây nền thái bình, đặt định thống nhất giang sơn.

Suốt hàng nghìn năm qua, đã có biết bao câu chuyện xung quanh Tào Tháo, người gọi ông là quân tử, kẻ cho ông là tiểu nhân, người hâm mộ, kẻ khinh ghét, thực là trăm nhà đua tiếng. Chuyện cũ nghìn năm phủ bụi, thật giả đôi khi khó tường, loạt bài về Tào Tháo sẽ phần nào giúp quý độc giả có được cái nhìn toàn diện, chân thực và công bằng nhất về nhân vật từng tiêu tốn biết bao giấy mực này.

Xem thêm:  Kỳ 1,  Kỳ 2,  Kỳ 3,  Kỳ 4,  Kỳ 5,  Kỳ 6

***

Đánh Nghiệp Thành, thu Hà Bắc

Viên Thiệu có 3 con trai: Đàm, Hy, Thượng. Vợ của Thiệu là Lưu Thị rất quý Thượng, thường khen với Thiệu. Thiệu cũng muốn lập Thượng làm đích tử, trao quyền nối dõi, bèn cử con trưởng Viên Đàm tới trấn giữ Thanh Châu. Mưu sĩ là Thư Thụ can gián nhưng Thiệu cũng bỏ ngoài ta, chỉ nói: “Ta lệnh cho các con mỗi đứa giữ một châu quận để coi tài năng của chúng ra sao“.

Bởi thế, Thiệu phong con thứ hai Viên Hy làm Thứ sử U Châu, lại cho cháu ngoại là Cao Cán làm Thứ sử Tinh Châu. Mùa thu, tháng 9, Tào Tháo qua sông đánh Viên Đàm. Đàm cho người về cấp báo với Viên Thượng. Thượng để Thẩm Phối ở lại giữ Nghiệp Thành, thân chinh dẫn quân đi giúp Đàm, cùng đánh Tào Tháo. Đàm, Thượng liên hợp, cuối cùng vẫn bị đánh bại, phải lui binh cố thủ. 

Tháng 2, năm 203 (tức Kiến An năm thứ 8), Tào Tháo tấn công Lê Dương, cùng hai anh em Viên Đàm, Viên Thượng đánh nhau dưới thành. Đàm, Thượng lại thua, buộc phải bỏ chạy, trở về Nghiệp Thành. Mùa hạ, tháng 4, Tháo truy đuổi anh em họ Viên đến tận Nghiệp Thành, cho quân sĩ gặt hết lúa mạch.

Chư tướng thúc giục Tào Tháo thừa thắng công phá Nghiệp Thành nhưng Quách Gia hiến kế rằng: “Thiệu yêu quý hai đứa con này lắm, không biết nên lập đứa nào. Giờ quyền chúng ngang nhau, đều có thủ hạ dưới trướng phụ giúp, tất sẽ có lúc giao tranh. Nếu ta đánh gấp, chúng sẽ bảo vệ lẫn nhau, còn nếu trì hoãn thì chúng ắt nảy lòng tranh đoạt. Nay không gì bằng minh công xuôi về nam đến Kinh Châu, vờ đánh Lưu Biểu, đợi chúng sinh biến, lúc ấy bất ngờ tập kích, chỉ một trận là định được“. Tháo khen kế ấy hay, bèn làm theo. Tháng 5, Tháo về Hứa Đô, để Giả Tín ở lại Lê Dương, mặc cho Viên Đàm, Viên Thượng tự đánh lẫn nhau.

Viên Đàm, Viên Thượng con trai Viên Thiệu. Ảnh dẫn theo youtube.com

Tháng 8, Tào Tháo xuất quân đánh tiếng chinh phạt Lưu Biểu, tiến ra Tây Bình. Quả nhiên Viên Thượng đem quân đại phá Viên Đàm. Đàm chạy đến huyện Bình Nguyên, cố thủ trong thành. Thượng vây thành đánh gấp. Đàm túng thế, bèn cử Tân Tỉ đến ra mắt Tào Tháo, ngỏ ý xin hàng, mong được cứu viện.

Chư tướng nghi đó là gian kế, thuộc hạ phần đông đều cho rằng Lưu Biểu hùng mạnh cần phải đánh trước, còn Viên Đàm, Viên Thượng chưa cần lo lắng. Duy chỉ có mưu sĩ Tuân Du có cái nhìn khác, khuyên Tháo rằng: “Lúc này, thiên hạ đang có nhiều việc, thế mà Lưu Biểu ngồi giữ Giang, Hán, có thể thấy y không có chí tiến thủ bốn phương vậy. Họ Viên chiếm giữ đất đai 4 châu, giáp sĩ chục vạn, Thiệu lại lấy khoan hòa mà thu phục lòng người. Giả sử hai con Viên Thiệu anh em hòa mục, cùng giữ Nghiệp Thành thì ắt việc lớn thiên hạ khó mà xong được. Nay anh em chúng ghét bỏ nhau, ấy là cái thế khiến cả hai đều không thể vẹn toàn vậy. Nếu để chúng hợp lực lại thì càng khó mà đồ được. Nhân lúc chúng loạn, ta ra tay trước, thiên hạ ắt định. Cơ hội lần này không thể lỡ mất“.

Tháo cho là đúng, bèn nói: “Ta đánh Lã Bố, Biểu không vào cướp. Đánh nhau ở Quan Độ, Biểu cũng chẳng cứu Thiệu, ấy là tên giặc chỉ biết tự giữ mình, nên diệt trừ sau. Đàm, Thượng giảo hoạt, lại đang tranh nhau, trong ngoài đều loạn. Túng thế, Đàm mới hàng ta, chẳng qua là thế cùng bó tay vậy. Giả sử ta phá được Thượng, thu lấy đất đai, cũng nhiều điều lợi“. Bởi thế, Tào Tháo quyết định ứng cứu Viên Đàm.

Tân Tỉ, người quận Dĩnh Xuyên, khi ấy cũng khuyên Tào Tháo rằng: “Lấy uy đức của minh công mà đánh kẻ địch khốn cùng, diệt lũ giặc tàn kiệt quệ thì chẳng khác nào cái thế gió lốc quét lá vàng. Nay nhân lúc Đàm cầu cứu, minh công thuận tay mang quân đánh thẳng Nghiệp Quận thì Hà Bắc ắt là bình định. Hà Bắc định rồi thì minh công tất dựng được nghiệp bá vậy“. Tháo khen là phải, hết sức tán dương, bèn theo kế đó.

Mùa đông, tháng 10, Tào Tháo dẫn quân đến Lê Dương, cho con trai là Tào Chỉnh kết hôn ước với con gái của Viên Đàm. Viên Thượng nghe tin, bèn rời Bình Nguyên, trở về Nghiệp Quận. Bấy giờ, Lã Khoáng, Lã Tường ở Đông Bình phản Thượng, mang quân đến Dương Bình hàng Tào, được phong làm Liệt hầu.

Viên Đàm nhân đó được giải vây, bèn ngầm lấy ấn thụ Tướng quân đưa cho Khoáng. Khoáng nhận lấy ấn lại đưa cho Tào Tháo. Tháo nói: “Ta luôn biết Đàm có bụng toan tính. Hắn muốn ta đánh Thượng để được nhàn rỗi lấy dân tụ quân. Nếu Thượng bị phá, hắn sẽ tự cường, thừa cơ làm khó ta. Nhưng Thượng thua ta mạnh, Đàm có thể làm khó ta được sao?“. Mưu mô nhỏ mọn ấy của Viên Đàm quả thực chỉ là trò con nít trong mắt Tào Tháo. 

Năm 204 (tức Kiến An năm thứ 9), chiến sự liên tiếp nổ ra. Tháng 2, Thượng vây đánh Đàm, để Lưu Do, Thẩm Phối ở nhà giữ Nghiệp Thành. Tào Tháo tiến quân đến Hoàn Thủy, đánh bại Lưu Do. Mùa hạ tháng 4, Tháo đem quân chiếm thành Hàm Đan. Đến tháng 5, Tháo lại về đánh Nghiệp Thành, phá hủy núi đất, địa đạo, đào hào xung quanh dài đến 40 dặm.

Tháo lệnh cho quân sĩ đào hào nông, thoạt trông có vẻ dễ vượt qua để nhử quân trong thành đánh ra. Thẩm Phối lên lầu nhìn thấy chỉ cười lớn, đóng chặt cửa thành, quyết không tiến ra. Tháo lại cho dẫn nước sông Chương rót vào ngập thành. Người trong thành chết đói quá nửa. Mùa thu, tháng 7, Viên Thượng mang quân trở về cứu Nghiệp Thành. Chư tướng đều khuyên rằng: “Lần này hắn về, ắt sẽ tử chiến, nên tránh thì hơn“. Tào Tháo cười nói: “Nếu Thượng đến bằng đường lớn thì nên tránh đi. Nhược bằng hắn theo đường phía tây núi thì ắt bị ta bắt được“.

Quả nhiên, Viên Thượng vì sợ đường lớn có mai phục bèn chọn đi đường núi, tới ngay Phũ Thủy lập trại. Tối hôm đó, Thượng dẫn quân đánh úp trại Tào nhưng bị Tào Tháo đón lõng phá tan, lại vây chặt trại của Thượng. Không hợp binh với quân trong thành được, Thượng bèn sai Thứ sử Dự Châu ngày trước là Âm Quỳ cùng Trần Lâm đến xin hàng. Nhưng Tháo không cho, lại càng vây gấp.

Viên Thượng bỏ chạy trong đêm, ra giữ Kỳ Sơn. Tháo lại truy kích, thu được rất nhiều quân nhu, vũ khí, lại lấy được cả ấn thụ tiết việt của Thượng. Nghe được tin ấy, người trong Nghiệp Thành ý chí đều tan vỡ cả. Tháng 8, cháu của Thẩm Phối là Thẩm Vinh đang đêm mở cửa thành Đông môn rước quân ngoài vào. Thẩm Phối đón đánh, thua, bị bắt sống. Tháo sai chém đầu. Nghiệp Thành bình định.

Thời niên thiếu, Tào Tháo quen biết Viên Thiệu, sau đó cả hai cùng dấy binh trừ diệt Đổng Trác. Lúc này âm dương đôi đường cách biệt, Tào Tháo cảm khái, tự mình đến trước mộ Thiệu tế lễ người bạn cũ, đồng thời là địch thủ lớn nhất đời binh nghiệp. Tháo vừa đọc văn tế, vừa khóc lóc thảm thương, tình cảm rung động cả trời đất.

Tháo lại an ủi vợ Thiệu, trả lại bảo vật cho người nhà, lại ban cho các đồ vải lụa, bông mềm, cấp thêm lương thực. Đối với địch thủ cũ, Tào Tháo vẫn giữ được chữ “Nghĩa” ngời sáng như thế, tuyệt nhiên không vì ân oán cá nhân mà thù hằn, sân hận, chỉ là thuận theo ý Trời đành phải diễn nghĩa mà thôi.

Viên Thiệu là bạn thời niên thiếu với Tào Tháo. Ảnh dẫn theo youtube.com

Tháng 9, Tào Tháo hạ lệnh: “Hà Bắc mắc nạn họ Viên, vậy nên lệnh cho năm nay không phải nộp tô thuế nữa“. Tháo lại chiểu theo phép công, trừng phạt những kẻ cường hào, trăm họ vì thế vui sướng, cảm tạ ân đức. Thiên tử để Tháo lĩnh chức Ký Châu mục. Tháo lại khiêm nhường, giao trả lại đất Duyện Châu cho triều đình. Khi ấy Quách Gia khuyên Tào Tháo tuyển chọn nhân tài, danh sĩ của 4 châu Thanh, Ký, U, Tinh về giúp việc để quy thuận lòng người. Tháo đồng ý, bèn làm theo ngay.

Năm 205 (tức Kiến An năm thứ 10), mùa xuân tháng một, Tào Tháo công đánh Viên Đàm, kịch chiến từ sáng đến trưa nhưng không phá được. Tháo bèn tự mình cầm dùi đánh trống, cổ vũ sĩ khí. Sĩ tốt phấn chấn, lập tức phá thành, trảm Viên Đàm cùng cả vợ con. Ký Châu từ đây bình định.

Tào Tháo hạ lệnh: “Những kẻ cùng họ Viên làm điều ác cho phép hối cải“. Tấm lòng Tào Tháo thực bao dung, luôn cho kẻ thù một cơ hội, một đường lùi. Ông lại lệnh cho dân chúng không được trả thù riêng, nghiêm cấm ma chay linh đình, tất cả phải chiểu theo phép nước. Tháng ấy, đại tướng của Viên Hy là Tiêu Xúc, Trương Nam làm phản, mang quân đánh Viên Hy, Viên Thượng. Hy, Thượng lại trốn sang Tam Quận, Ô Hoàn. Bọn Xúc đem cả huyện đầu hàng Tào Tháo, được phong làm Liệt hầu.

Năm 206 (tức Kiến An năm thứ 11), mùa xuân tháng một, Tào Tháo đánh Cao Cán (cháu ngoại Viên Thiệu). Nguyên trước kia khi Tào Tháo bình định Nghiệp Quận, Cán đã xin hàng, được phong làm Thứ sử. Sau Cán nghe tin Tào Tháo mang quân chinh phạt Ô Hoàn bèn làm phản ở trong châu, cử binh giữ ải Hồ Quan. Cao Cán nghe Tào Tháo thân chinh đến đánh thì sợ hãi, để biệt tướng ở lại thủ thành, chạy sang nương nhờ Hung Nô, cầu cứu Thiền Vu. Thiền Vu không chịu giúp. Tào Tháo vây ải Hồ Quan suốt 3 tháng ròng, phá được. Cán lại chạy trốn đến Kinh Châu, bị Đô úy Thượng Lạc là Vương Diễm lùng bắt được, đem chém. Cuộc chiến này quả là vô cùng gian khổ, Tào Tháo làm bài “Khổ hàn hành” để ghi nhớ lại, viết rằng:

Ảnh dẫn theo youtube.com

Bắc thượng Thái Hàng sơn, gian tai hà nguy nguy!
Dương trường bang cật quật, xa luân vị chi tồi
Thụ mộc hà tiêu sắt, bắc phong thanh chính bi
Hùng bi đối ngã tôn, hổ báo hiệp lộ đề
Khê cốc thiểu nhân dân, tuyết lạc hà phi phi
Diên canh trường thán tức, viễn hành đa sở hoài
Ngã tâm hà phẫn uất? Tứ dục nhất đông quy
Thuỷ thâm kiều lương tuyệt, trung lộ chính bồi hồi
Mê hoặc thất cố lộ, bạc mộ vô túc lâu
Hành hành nhật dĩ viễn, nhân mã đồng thời cơ
Đảm nang hành thủ tân, phủ băng trì tác my
Bi bỉ “Đông Sơn” thi, du du linh ngã ai! 

Dịch nghĩa: Xuôi miền Bắc vượt lên núi Thái Hàng, cao chót vót thật là gian nguy! Đường đi trên dốc núi quanh co như ruột dê. Bánh xe muốn gãy đổ. Cây cối hiu hắt buồn bã làm sao! Nghe gió bắc thổi thật sầu não. Beo gấu ngồi xổm trước mặt. Hổ báo kêu gào ở giữa đường. Khe vực không có người dân nào ở. Mưa tuyết rơi mịt mù. Dài cổ kêu than cực khổ. Viễn chinh chất ngất nhiều nỗi. Tâm can u uất nghẹn ngào. Muốn trở về miền Đông ngay. Nước sâu cầu lại gãy. Đường chính đi quanh co. Mê hoặc lạc mất đường. Trời chiều không biết ở lại đâu. Ngày ngày đi mãi xa xôi ròng rã. Người ngựa đói meo. Lấy đòn gánh làm củi. Đập băng để nấu cháo ăn. Bi phẫn quá làm thơ Đông Sơn. Nỗi buồn này dài dằng dặc! (Bản dịch từ thivien.net).

Câu thơ chất phác, không màu mè nhưng giọng thơ thì đầy khí lực, miêu tả những cảnh tượng vô cùng tráng lệ, gió tuyết đan xen trên đường chinh phạt, đồ ăn thức uống kham khổ, thực là sầu thảm muôn phần. Giọng thơ vừa trầm hùng, vừa bi thiết, mang đậm phong cách thơ ca Tào Tháo.

Năm 207 (tức Kiến An năm thứ 12), tháng 2, Tào Tháo từ đất Hung Nô trở về Nghiệp Thành, lệnh rằng: “Ta khởi nghĩa binh trừ bạo loạn, đến nay trải 19 năm, đánh đâu thắng đó, há phải công lao riêng mình? Đó thảy đều là sức lực của các bậc hiền sĩ đại phu vậy. Nay thiên hạ vẫn còn chưa yên, ta đang muốn cùng hiền sĩ đại phu hợp sức bình định, nếu hưởng công lao một mình, sao ta có thể yên lòng? Vậy gấp rút định công, phong thưởng cho những người ấy“.

Tháo bèn phong thưởng rất hậu cho hơn 20 người, tất cả đều được làm Liệt hầu. Những người còn lại cũng theo thứ bậc mà nhận thưởng, thụ phong. Ngay cả đến con côi của những binh tướng tử trận vì việc công cũng được ban ân nặng nhẹ khác nhau, chẳng hề sơ suất. Tháo lại dâng biểu lên Hán đế xin phong cho Tuân Úc làm Vạn Tuế đình hầu, tháng 3 lại cho Tuân Úc thực ấp 1000 hộ.

Tuân úc, mưu sỹ tài ba bên cạnh Tào Tháo. Ảnh dẫn theo youtube.com

Bình định Ô Hoàn, thống nhất miền Bắc

Tào Tháo quyết ý dẫn quân Bắc tiến, chinh phạt Ô Hoàn. Chư tướng đều can: “Viên Thượng chẳng qua chỉ là tên giặc mất nước, Ô Hoàn tham lam chẳng kể tình thân, chắc gì đã để cho Thượng sai khiến? Nay minh công vào sâu đất giặc, Lưu Bị tất xui Lưu Biểu tập kích Hứa Đô. Vạn nhất có biến, hối hận sao kịp“.

Duy chỉ có Quách Gia lúc đó đoán rằng Lưu Biểu sẽ không nghe theo Lưu Bị, khuyên Tào Tháo đánh Ô Hoàn gấp, không phải lo lắng. Gia nói: “Minh công tuy uy chấn thiên hạ nhưng người Hồ ở xa, cậy thế đất hiểm trở, tất không có phòng bị. Nhân khi chúng lơi lỏng, ta bất ngờ tập kích mau lẹ thì chắc phá được. Vả lại Viên Thiệu có ơn với dân Ô Hoàn, mà anh em Hy, Thượng hãy còn sống. Nay dân ở 4 châu sợ uy ta mà nương dựa, chứ ân đức chưa rủ đến. Nếu minh công bỏ về đánh phương Nam, Thượng dựa vào người Ô Hoàn, chiêu tập bầy tôi của chủ đã chết. Người Hồ nhất loạt nổi dậy, dân Di cũng hưởng ứng, Đạp Đốn ắt là sinh lòng dòm ngó, e rằng đất Thanh, Ký sẽ không còn là của ta nữa. Còn như Biểu chỉ ngồi nói chuyện suông với khách mà thôi, tự biết tài không đủ để chế ngự Bị, dùng vào việc lớn thì sợ không kiềm chế được, dùng vào việc nhỏ thì Bị không chịu làm. Dẫu có bỏ trống nước nhà mà viễn chinh, minh công cũng chẳng phải lo nghĩ gì vậy”. Tào Tháo nghe lời Quách Gia, bỏ trống cả hậu phương, toàn lực đánh Ô Hoàn.

Người Hồ vốn tính kiêu căng, nguyên là hậu duệ của Hiên Viên Hoàng Đế, là con dân Hoa Hạ nhưng rời bỏ Trung Nguyên, thành dân du mục. Người Hồ với mảnh đất Trung thổ Thần Châu quả thực có mối quan hệ dây mơ rễ má phức tạp. Họ cùng với các bộ tộc sống xung quanh mảnh đất Trung Nguyên cũng đều là con dân Hoa Hạ cả, bởi thế luôn được các bậc anh hùng thiên cổ xem trọng, chiếu cố. Qua từng triều đại, các anh hùng thiên cổ luôn cố gắng truyền bá văn hóa Thần truyền cho họ, hoặc thông qua chiến tranh, hoặc thông qua giao thương, buôn bán, hoặc là bằng con đường truyền bá tôn giáo.

Người Hồ ở phía Bắc Trung Nguyên gọi là Hung Nô. Ở phía Đông, một chi tộc của Hung Nô cũng tự xưng là Đông Hồ. Cuối thời Tần, đầu thời Hán, Mặc Đốn Thiền Vu đánh bại Đông Hồ, dựng thành một đế quốc hùng mạnh, uy hiếp biên cương phía Bắc nhà Hán. Người Đông Hồ lưu vong, chạy lên phía Bắc, tới núi Tiên Ti và núi Ô Hoàn, lấy những ngọn núi này đặt làm tên gọi cho bộ lạc của mình, từ đó tạo thành tộc người Tiên Ti và Ô Hoàn.

Năm 119 TCN (tức Nguyên Thú năm thứ 4), Hán Vũ Đế sai Phiêu kỵ tướng quân Hoắc Khứ Bệnh đánh phá Hung Nô. Ông cho dời người Ô Hoàn đến 5 quận: Thượng Cốc, Ngư Dương, Hữu Bắc Bình, Liêu Đông và Liêu Tây. Người Ô Hoàn vốn cưỡi ngựa bắn cung giỏi, tìm thảo nguyên làm nơi cư ngụ, lấy lều cỏ mà xây cất nhà, có bệnh thì dùng ngải cứu phơi khô, đốt vào chỗ đau mà trị, hoặc rạch dao lấy máu, hướng về sông núi mà cầu đảo quỷ thần. Họ cũng không có chữ viết, văn tự, mọi thứ đều là truyền miệng, bởi thế hết sức coi trọng lời hứa, đã nói là làm.

Năm 207 (tức Kiến An năm thứ 12), tháng 5, Tào Tháo thân chinh dẫn đại quân lên phía Bắc, vào đất Vô Chung (nay là huyện Kế, Thiên Tân). Đến đất Dịch, Quách Gia lại hiến kế với Tào Tháo: “Binh quý thần tốc, nay ngàn dặm đánh địch, đồ truy trọng nhiều, khó mà tranh lợi, nếu địch biết được tất có phòng bị. Chẳng bằng bỏ lại truy trọng, xuất đạo khinh binh, đánh úp chỗ địch không ngờ”. Tào Tháo cho là phải, bèn làm theo kế.

Mùa thu, tháng 7, có mưa lớn, đường ven biển không đi được, Điền Trù xin làm hướng đạo, Tháo ưng thuận. Trước, Viên Thiệu nhiều lần sai sứ triệu Điền Trù đến Vô Chung, trao cho ấn tướng, lại chiêu an bọn thuộc hạ dưới trướng Trù. Tuy nhiên, Trù đều cự tuyệt. Trù vốn căm phẫn quân Ô Hoàn nhiều lần giết hại quan lại trong bản quận, có ý muốn đánh nhưng không đủ sức.

Sau, Tào Tháo sai sứ đến gặp Trù. Trù bèn sai thuộc hạ tiếp đãi rất hậu. Thuộc hạ thắc mắc: “Xưa Viên công ngưỡng mộ ngài, năm lần cầu kiến, ngài không chịu khuất. Nay sứ của Tào công mới đến một lần, ngài vội vội vàng vàng, sợ chẳng kịp tiếp đón là cớ gì?”. Trù cười nói: “Đó không phải là chuyện ngươi biết được“. 

Khi ấy đang có mưa lớn, bờ biển Tân Hải trũng nước, bùn lầy, không đi lại được. Quân Ô Hoàn lại cố thủ, giữ chặn đường hiểm. Quân của Tào Tháo không thể tiến lên. Tháo lấy làm lo, hỏi kế Điền Trù. Trù nói:

Đường ấy, mùa hạ, mùa thu thường có nước, nông không thể chạy xe ngựa, sâu chẳng đi nổi thuyền bè, là nỗi khó nhọc từ lâu. Trước kia sở trị của quận Bắc Bình ở Bình Cường, có đường đi thẳng tới Lô Long, thông đến Liễu Thành. Từ năm Kiến Vũ đến nay, đường đất sụt lở ngăn cách, qua hai trăm năm rồi, xem ra chỉ quay lại thì có con đường nhỏ là có thể đi được. Nay tướng giặc thấy đại quân nhất định đi qua Vô Chung, không tiến được mà lui, sẽ nới lỏng không phòng bị. Nếu ta dần dần thu quân về, từ cửa Lô Long vượt ải hiểm Bạch Đàn, ra chỗ đất hoang rộng rãi, đường gần mà tiện lợi, đánh úp chỗ chúng không phòng bị, cái đầu của Đạp Đốn có thể không đánh mà lấy được vậy”.

Tào Tháo khen phải, bèn dẫn quân về, rồi khắc chữ lên cây gỗ lớn bên đường, cạnh bờ sông, viết: “Nay giữa hạ nắng nóng, đường tất không thông, đợi đến tiết thu đông, sẽ lại tiến quân“. Quân kỵ do thám của Ô Hoàn thấy dòng chữ ấy thì cho rằng quân Tào đã bỏ đi. 

Ảnh dẫn theo youtube.com

Điền Trù dẫn quân ra ải Lô Long, ngoài ải đường đi không thông, bèn đào núi lấp hang suốt hơn 500 dặm, vượt Bình Cương, áp sát phía Đông của Liễu Thành. Bọn Viên Thượng, Viên Hy cùng Đạp Đốn cũng thống lĩnh mấy vạn kỵ binh chống đỡ quân Tào. Tháng 8, Tháo lên núi Bạch Lang, đột nhiên gặp quân địch. Quân địch rất đông, có tới vạn kỵ binh lục tục kéo nhau đi. Trọng binh của Tào Tháo vẫn ở phía sau, lúc này giáp sĩ không nhiều, tả hữu đều sợ. Tháo bình tĩnh lên cao ngắm nhìn trận địa, thấy quân giặc hàng ngũ lộn xộn, bèn ra lệnh tiến quân đánh gấp, sai Trương Liêu làm tiên phong. Quân Ô Hoàn đại bại, Tháo chém được Đạp Đốn, tàn quân đều xin hàng. Tính chung, cả người Hồ, người Hán ra hàng có đến hơn 20 vạn.

Viên Thượng, Viên Hy dẫn mấy ngàn quân kỵ chạy sang Liêu Đông. Trước, Thái thú Liêu Đông là Công Tôn Khang cậy mình ở xa, có ý không phục. Đến khi Tào Tháo phá Ô Hoàn, tả hữu dưới trướng đều khuyên nên thừa cơ đánh thẳng Liêu Đông, bắt sống anh em Viên Thượng. Tào Tháo nghe nói cười rằng: “Ta đã có kế khiến Công Tôn Khang phải chém đầu Thượng, Hy mà không phải động binh vậy“.

Tháng 9, Tào Tháo dẫn binh từ Liễu Thành trở về. Công Tôn Khang quả nhiên liền chém đầu Viên Thượng, Viên Hy, cùng Tốc Bộc Hoàn đem thủ cấp hai anh em đến chỗ Tào Tháo. Chư tướng băn khoăn hỏi: “Minh công rút lui mà Khang lại trảm Thượng, Hy là cớ làm sao?“. Tào Tháo cười rằng: “Khang vốn sợ bọn Thượng có bụng khác. Nếu ta đánh gấp chúng ắt hợp sức chống lại. Nay ta thong thả thì chúng tự nghi kỵ mà tàn sát lẫn nhau. Ấy là cái lẽ tự nhiên vậy“.  Điều đó càng tỏ rõ rằng Tào Tháo liệu sự như Thần, biết mình biết người, bình tĩnh quyết đoán, chính là nhà quân sự oai phong, lẫm liệt, khí phách trùm non sông.

Quách Gia, tuổi vừa 38, từ Liễu Thành về, thân mang trọng bệnh, Tào Tháo thường thăm viếng luôn. Khi Gia chết, Tào Tháo đến viếng tang, đau xót nói với bọn Tuân Du rằng: “Các ông tuổi đều suýt soát cô, duy chỉ có Phụng Hiếu là trẻ nhất. Cô tính xong việc thiên hạ, muốn phó thác về sau, nay đang tuổi tráng niên chẳng may qua đời, đó là số mệnh đã định sao?“. Tào Tháo đau lòng vì mất tri âm, xót thương mà rằng: “Than ôi Phụng Hiếu, cũng là người hiểu cô, người trong thiên hạ ít kẻ tri âm, lòng bao thương tiếc biết phải làm sao! Thương thay Phụng Hiếu! Xót thay Phụng Hiếu! Tiếc thay Phụng Hiếu“. 

“Tào Man truyện” chép rằng, khi Tào Tháo rút về, trời rất lạnh, lại có hạn hán, suốt hai trăm dặm không có nước uống. Quân lính thiếu lương, phải giết mấy nghìn con ngựa để làm lương ăn, đào sâu xuống đất hơn ba mươi trượng mới có nước. Trở về, Tào Tháo tra vấn những người ngày trước can gián việc đánh Ô Hoàn. Chẳng ai biết nguyên do, người người đều kinh sợ. Cuối cùng, Tháo đều thưởng lớn cho họ, nói: “Cô đi lúc trước, thừa nguy mà cầu may, cho dù đắc thắng, là Trời giúp vậy, cho nên không phải sự thường. Các vị can gián là kế vạn toàn, nên đáng được thưởng, sau này cứ nói chớ e ngại gì!“.  

Dẫn quân trở về, Tào Tháo luận công ban thưởng, lấy 500 hộ phong cho Điền Trù làm Đình hầu. Trù nói: “Khi trước, thần vì báo thù cho Lưu Công, mới dẫn người chạy trốn. Nay chí nghĩa không lập được, lại lấy đó làm mối lợi quả là không phải ý nguyện vậy“. Trù mấy lần từ chối, quyết không nhận phong. Tào Tháo biết chí Điền Trù, nên không ép nữa.

Tào Tháo dẫn quân khải hoàn trở về. Tháng 11, đại quân về đến bờ sông Dịch Thủy, Thiền Vu Phổ Phú Lô ở đại quận Ô Hoàn, Thiền Vu Na Lâu ở thượng quận Ô Hoàn dẫn người đến gặp Tào Tháo, tỏ ý quy phục. Ba quận Ô Hoàn từ đó nhập vào Trung Nguyên. Tào Tháo làm bài “Quy tuy thọ” chính vào lúc này:

Thần quy tuy thọ
Do hữu cánh thì
Đằng xà thừa vụ
Chung vi thổ hôi
Lão ký phục lịch
Chí tại thiên lý
Liệt sĩ mộ niên
Tráng tâm bất dĩ
Doanh súc chi kỳ
Bất đãn tại thiên
Dưỡng di chi phúc
Khả đắc vĩnh niên
Hạnh thậm chí tai
Ca dĩ vịnh chí

Dịch nghĩa:

Thần quy tuy thọ, nhưng cũng đến lúc tử vong
Đằng xà tuy có thể cưỡi mây lướt gió, nhưng cũng có ngày trở thành tro bụi
Ngựa kí tuy nằm trong chuồng, nhưng chí nơi ngàn dặm
Người có hoài bão to lớn tuy đã già, nhưng hùng tâm tráng chí không suy giảm
Thọ mạng ngắn dài, không chỉ do trời
Biết dụng tâm điều dưỡng mới có thể kéo dài tuổi thọ
May mắn thay, viết bài ca này để vịnh chí.

Lúc đánh dẹp xong Ô Hoàn, Tào Tháo đã 53 tuổi. Tuy tuổi gần xế chiều nhưng tráng chí của người anh hùng vẫn còn muốn dời non lấp bể. Bởi thế, Tháo bèn viết ra bài thơ này để khích lệ bản thân tích cực tiến thủ, lập được công nghiệp, hoàn thành đại nghiệp thiên hạ vậy. Bài thơ này hình tượng so sánh sinh động, ngữ điệu vang vang, âm vận hài hòa, tình cảm chân thành, trữ tình, ngôn chí, thuyết lí đạt được sự hài hòa thống nhất, thực là có sức truyền cảm và thuyết phục mãnh liệt.

Ảnh dẫn theo youtube.com

Khi ban sư, trên đường dẫn quân trở về, Tào Tháo qua Kiệt Thạch Sơn, tham quan di tích cổ. Kiệt Thạch Sơn (nay ở Hà Bắc), đối diện vịnh Bột Hải. Khi Tần Thủy Hoàng đi tuần về phía Đông, từng khắc đá ghi công: “Hoàng đế uy phong lẫm liệt, gồm hết chư hầu, thiên hạ thái bình“. Hán Vũ Đế cũng từng lên Kiệt Thạch Sơn ngắm biển. Trải qua nhiều năm chinh chiến, phương Bắc rốt cuộc cũng hoàn toàn bình định. Tào Tháo muôn vàn cảm khái, bèn lưu lại cho đời một áng tuyệt bút: “Bộ xuất Hạ Môn hành – Quan thương hải“: 

Đông lâm Kiệt Thạch
Dĩ quan thương hải
Thuỷ hà đạm đạm
Sơn đảo lạt trì
Thụ mộc tùng sinh
Bách thảo phong mậu
Thu phong tiêu sắt
Hồng ba dũng khởi
Nhật nguyệt chi hành
Nhược xuất kỳ trung
Tinh hán xán lạn
Nhược xuất kỳ lý
Hạnh thậm chí tai
Ca dĩ vịnh chí

Dịch nghĩa:

Lên đỉnh núi Kiệt Thạch cao cao mé phía đông, ngắm nhìn biển xanh mênh mông bao la
Chỉ thấy sóng nước dập dờn mênh mang, bao nhiêu núi đảo nhấp nhô sừng sững giữa biển trời
Cây cối trên núi đảo xanh rì tươi tốt, trăm loài hoa cỏ um tùm đua chen
Nơi bờ biển gió thu thổi nghe vi vút, biển động từng từng lớp lớp sóng dồn tung bọt vây quanh
Vầng nhật nguyệt ngày đêm vận hành, đều như xuống lên từ biển cả
Tinh hán ngân hà xán lạn hằng đêm, cũng như mọc ra từ lòng biển cả
Mừng vui, may mắn thay khi đứng trước cảnh quan hùng vĩ tráng lệ, bởi thế ca ngâm mà tỏ chí này.

(Còn nữa)

Theo Đại Kỷ Nguyên Tiếng Trung 
Văn Nhược biên dịch