Rặng thông mát mẻ,
Lối trúc thanh u.
Hạc trắng đón mây bay lượn,
Vượn hầu dâng quả vào ra.
Trước cổng hồ quang cây soi bóng,
Đá nứt rêu xanh hoa lờ mờ.
Cung điện ngất trời mây tía phủ,
Lâu đài lộng lẫy ráng hồng sa.
Thực là nơi phúc địa,
Bồng Lai tiên cảnh mà.
Thanh hư việc đời vắng,
Tĩnh mịch đạo tâm về.
Chim xanh mang thư Vương Mẫu đến,
Oanh tía gửi sách Lão Quân qua
Một vẻ thanh kỳ đạo đức,
Thực chốn thần tiên đây mà!
Khung cảnh thù thắng mỹ diệu ấy chính là nơi xuất sinh một loài cây thần kỳ, thú vị bậc nhất Tây du ký*: Nhân sâm quả, hay còn gọi là Thảo hoàn đơn. Bạn đọc yêu mến truyện Tây du đã bao giờ tự hỏi: Vì sao ăn nhân sâm quả có thể trường sinh?
Cây tiên sinh quả báu
Sau khi thu phục Sa Ngộ Tĩnh, vượt qua khảo nghiệm của bốn vị Nữ Thánh, Đường Tăng cùng các đồ đệ tiếp tục tiến bước trời Tây, một ngày nọ ghé vào Ngũ Trang quán. Tây du ký, hồi thứ 24: “Núi Vạn Thọ, Đại tiên lưu bạn cũ/ Quán Ngũ Trang, Hành Giả trộm nhân sâm” giới thiệu rằng:
“Lại nói chuyện tòa núi này tên gọi núi Vạn Thọ. Trong núi có một đạo quán gọi là quán Ngũ Trang. Trong quán có một vị tiên, đạo hiệu là Trấn Nguyên Tử, còn có tên là Dữ Thế Đồng Quân. Trong quán có một thức báu lạ thường, từ khi vũ trụ còn hỗn độn mới chia, trời đất còn mờ mịt chưa phân, đã có thứ cây linh thiêng này. Trong bốn đại bộ châu của thiên hạ chỉ có quán Ngũ Trang thuộc Tây Ngưu Hạ Châu là có cây này thôi, tên gọi là “thảo hoàn đơn”, lại có tên nữa là “nhân sâm quả”. Giống cây này ba nghìn năm mới nở hoa, ba nghìn năm mới kết quả, lại ba nghìn năm nữa mới chín. Tính ra phải một vạn năm mới được ăn. Và trong một vạn năm ấy chỉ kết được ba mươi quả. Hình dáng quả này tựa đứa bé mới sinh chưa đầy ba ngày, tứ chi hoàn toàn, ngũ quan đủ cả. Ai có duyên được ngửi quả này một lần, thì sống lâu ba trăm sáu mươi tuổi; ăn một quả, sống mãi bốn vạn bảy nghìn năm”.
Hồi trẻ xem Tây du ký, chỉ biết xuýt xoa “Quả này quý quá!”, tự nhủ rằng điều kỳ diệu như vậy chỉ có trong tiểu thuyết thôi chứ nào có ở trần gian? Được nếm quả nhân sâm là cơ duyên vạn cổ. Giờ đây, trải qua một quãng ngày tu luyện rồi đọc lại, người viết mới ngỡ ngàng nhận ra: Cơ duyên vạn cổ ấy đang hiện hữu trong cõi người. Đằng sau câu chuyện vui tươi và ngộ nghĩnh về nhân sâm quả, Tây du ký đã hé lộ huyền cơ.
Ai mới được ăn nhân sâm quả?
Chuyện kể rằng, Trấn Nguyên Đại Tiên sửa soạn tới cung Di La nghe giảng Đạo, dặn dò hai đạo đồng là Thanh Phong, Minh Nguyệt ở nhà trẩy hai trái nhân sâm mời Đường Tăng khi ông ghé qua đây. Đường Tăng thấy hình hài quả nhân sâm như đứa bé mới sinh thì nhất định chối từ, hai đạo đồng bèn đem về phòng ăn chứ không mời anh em Hành Giả. Nghe lời Bát Giới xúi giục, Tôn Ngộ Không lẻn ra vườn sau trộm quả nhân sâm, bị hai đạo đồng phát giác, mắng nhiếc thậm tệ. Hành Giả tức giận quật đổ cây nhân sâm, quả cây mất hết, cành rơi lá rụng, rễ đứt thân lìa, cây chết khô. Thanh Phong, Minh Nguyệt dụng kế nhốt mấy trò lại, đợi Trấn Nguyên Đại Tiên về xử trị. Tôn Ngộ Không trổ tài mở khóa, nhân đêm tối đoàn người lẻn đi. Trấn Nguyên Đại Tiên trở về, dùng pháp lực vô biên tóm gọn cả mấy thầy trò, Ngộ Không phải đi cầu cứu thuốc chữa cây khắp ba đảo. Đến đảo Bồng Lai, ba vị tiên Phúc, Lộc, Thọ khi nghe xong câu chuyện thì buồn rầu nói:
“Con khỉ này, chẳng biết hay dở gì cả. Thứ quả ấy ngửi được nó đã sống lâu ba trăm sáu mươi năm; ăn một quả, thọ tới bốn vạn bảy nghìn năm, tên là “Vạn thọ thảo hoàn đơn”. Đạo của chúng tôi còn kém xa! Họ đắc đạo rất dễ, thọ ngang trời đất. Chúng tôi còn phải dưỡng tinh, luyện khí, tồn thần, điều hòa long hổ bồi bổ âm dương, tốn biết bao công sức, khắp cả thiên hạ chỉ có một cây thiêng ấy mà thôi, thế mà Đại Thánh lại bảo chẳng đáng là bao?” (Trích hồi thứ 26: “Khắp ba đảo, Ngộ Không tìm thuốc/ Nước cam lồ, Bồ Tát chữa cây”).
Như lời của ba vị tiên, các đạo sĩ ở quán Ngũ Trang chỉ cần ăn quả nhân sâm là trường sinh bất lão, dễ đến thế là cùng, chẳng như người tu luyện trong pháp môn khác phải bỏ bao công sức. Theo thiển ý của người viết, dễ dàng chỉ là vẻ bề ngoài, còn tu luyện không có con đường nào nhàn hạ. Ví như pháp môn Tịnh Độ giảng niệm Phật hiệu là có thể đến cõi Cực Lạc, niệm Phật hiệu thì dễ quá, nhưng phải niệm đến mức độ nào? Niệm tới mức nhất tâm bất loạn, trong tâm không còn nghĩ tưởng gì đến danh lợi tình thế gian. Người bình thường e rằng chỉ niệm được chục lần là tâm lại nhảy nhót lăng xăng như khỉ. Đằng sau việc niệm danh hiệu Phật tưởng chừng đơn giản ấy, là công phu hành trì, buông bỏ chấp trước nhân tâm, đề cao tâm tính. Từ đó mà suy, ăn quả nhân sâm chỉ là biểu hiện bề ngoài, đằng sau nó là công phu tu luyện, gian khổ vô chừng.
Vậy để nói, không phải ai cũng có duyên, có phúc được ăn nhân sâm quả. Theo từ điển tiếng Hán, nhân sâm (人參) còn có tên khác là “ngọc tinh” (玉精). Ở hồi thứ 91 “Phủ Kim Bình đêm nguyên tiêu xem xét/ Động Huyền Anh Đường Tam Tạng khai cung”, có bài thơ nhắc đến hai chữ “ngọc tinh” này:
Tu thiền nhất định tốn công phu,
Ý mã tâm viên thảy diệt trừ.
Buộc chặt giữ bền sinh ngũ sắc,
Lỏng lơi dừng lại rớt tam đồ.
Thần đan tiết lậu do buông thả,
Ngọc tinh khô gầy bởi chẳng tu.
Hỉ nộ ưu tư đều quét sạch,
Giúp thành huyền diệu hợp hư vô.
Tây du ký đề cập tới nhiều thuật ngữ tu luyện Đạo gia, mà “ngọc tinh” ở đây là một trong những thành quả tu xuất lai nhờ tu luyện. “Ngọc tinh khô gầy” trùng khớp với việc cây nhân sâm bị Tôn Ngộ Không quật đổ, rễ đứt thân lìa cây héo khô. Lý do là “bởi chẳng tu”: người tu luyện nếu buông tuồng phóng túng, không giữ gìn tâm tính, như Ngộ Không phá giới đã ăn trộm, nói dối, thì ở một không gian khác, những thành quả của tu luyện đang bị hao tổn, chết mòn mất rồi. Khi ấy, chỉ có nước Cam Lồ của Bồ Tát, hàm ý chỉ Phật Pháp như mưa thấm nhuần, mới có thể giúp cây hồi sinh.
Như vậy, nhân sâm quả không phải là thứ trái cây tự sinh tự dưỡng, tuỳ ý hái ăn, mà là biểu trưng cho thành quả tu luyện của một người. Thật vậy, Tây du ký, hồi thứ 24 viết:
“Đúng hôm ấy, Trấn Nguyên Đại Tiên nhận được tờ thiếp của Nguyên Thủy Thiên Tôn mời đến cung Di La trên Thương Thanh Thiên nghe giảng về “Hỗn nguyên đạo quả”. Các vị tiên trưởng thành từ cửa của Đại Tiên tản đi các nơi đã không biết bao nhiêu mà kể, hiện nay ngài vẫn còn bốn mươi tám người đồ đệ nữa, cả thảy đều đắc đạo toàn chân”.
Tên bài giảng mà Đại Tiên đi nghe là “Hỗn nguyên đạo quả”, diễn nghĩa bề mặt là quả vị của tu đạo từ thuở hỗn nguyên, nhưng đó chẳng phải cũng là đang nói đến quả nhân sâm báu ở nhà đạo sĩ, sinh ra từ thứ cây linh thiêng có từ khi trời đất mờ mịt hay sao? Được nếm mùi vị của quả ấy, phải chăng là ẩn dụ cho “đắc quả vị” mà tu luyện Phật gia và Đạo gia nói đến, cũng là chỉ một người “tu thành chính quả”? Chữ “vị” trong “quả vị” có nghĩa là vị trí, đồng âm với chữ “‘vị” trong mùi vị.
Lại nữa, lúc sắp đi, Trấn Nguyên Đại Tiên đinh ninh dặn dò đồ đệ thêm rằng: “Nhân sâm quả đã có số, chỉ được mời ngài ấy hai quả, không được mời nhiều”. Chữ “số” này là số lượng, cũng chính là chữ “số” trong “số phận”, “số mệnh”. Số quả nhân sâm trên cây là có hạn, phải chăng cũng là nói những ai tu thành chính quả là đã được số mệnh an bài cả rồi, là cơ duyên đặt định từ lịch sử rất xa xưa? Ví như Đường Tăng vốn là Kim Thiền trưởng lão, đồ đệ thứ hai của Phật Tổ giáng sinh, trải qua mười kiếp tu hành, kiếp này mới có duyên được sang Tây Thiên bái Phật. Hay như các đồ đệ của Trấn Nguyên Đại Tiên đều đã tu thành đắc đạo, thế nên mới có phúc báu được ăn thứ quả thần tiên.
Pháp môn tu luyện
Trong Tây du ký, ngoài nhân sâm quả, còn một loại quả khác ăn vào cũng trường sinh. Đó là quả đào tiên của Tây Vương Mẫu, mà Tôn Ngộ Không đã trộm ăn biết bao nhiêu hồi đại náo thiên cung. Hồi thứ năm “Loạn vườn đào Đại thánh trộm thuốc tiên/ Về thiên cung, các thần bắt yêu quái” có viết:
“Đại Thánh ngắm nghía hồi lâu, hỏi thổ địa rằng:
– Vườn đào này có bao nhiêu gốc?
Thổ địa đáp:
– Có ba nghìn sáu trăm cây, đằng trước có một nghìn hai trăm cây, hoa quả nhỏ bé, ba nghìn năm mới chín, người ăn vào sẽ thành tiên, thân nhẹ người khỏe. Ở giữa có một nghìn hai trăm cây, hoa thơm quả ngọt, sáu nghìn năm mới chín, người ăn vào có thể bay bổng lên mây, trẻ mãi không già. Một nghìn hai trăm cây ở phía sau, vỏ vân tím hột vàng lợt, chín nghìn năm mới chín, người ăn vào thọ ngang trời đất, sánh cùng nhật nguyệt”.
Tu luyện Đạo gia có 3600 pháp môn, phải chăng đây là hàm ý đằng sau 3600 cây đào của Tây Vương Mẫu? Tu Đạo có thể khai thông kinh mạch, thân nhẹ người khoẻ, thư tịch cổ có ghi chép nhiều trường hợp đắc đạo “bạch nhật phi thăng” (giữa ban ngày sáng tỏ người kia bay lên) như Hiên Viên Hoàng Đế, Tư Mã Thời Trinh và Tạ Tự Nhiên đời Đường… Những điều này ứng với công hiệu thần kỳ của đào tiên. Tu luyện cải biến thân thể nội tại của con người, không còn chịu sự ước thúc của quy luật vật chất của tầng không gian này, nên người tu luyện đắc Đạo có thể trường sinh bất lão. Nhưng đắc được chân Pháp để tu hành nào có dễ, cây đào tiên và cây nhân sâm mấy nghìn năm mới ra hoa kết quả, con người muốn tu thành chính quả phải trải qua bao đời bao kiếp gian truân.
Tương tự như quả nhân sâm và trái đào tiên, Tây du ký nhắc đến việc ăn linh đơn có thể thọ cùng nhật nguyệt. Thứ linh đơn của Thái Thượng Lão Quân là “kim đơn chín lần luyện” (Trích hồi thứ năm), đây cũng là chỉ “Cửu chuyển kim đan thuật”, một pháp tu của Đạo gia. Cây nhân sâm còn có tên “Thảo hoàn đơn”, ý nghĩa đằng sau có lẽ tương tự như thế. An đỉnh thiết lư, thái dược luyện đan (đặt đỉnh lập lò, gom thuốc luyện đan), nghe thì như chuyện bếp núc tầm thường, mà kỳ thực là công phu tu luyện tâm tính.
Cây nhân sâm nở hoa
Nếu như ăn quả nhân sâm là hình tượng một người tu luyện đắc quả vị, thì cây nhân sâm khai hoa có ẩn ý gì? Tây du ký, hồi thứ 19 “Động Vân Sạn, Ngộ Không thu Bát Giới, Núi Phù Đồ, Tam Tạng nhận Tâm Kinh”, Trư Bát Giới lần đầu giao chiến với Tôn Ngộ Không cũng đã từng nhắc đến ba bông hoa nở:
Từ nhỏ sinh ra vốn vụng về,
Ưa nhàn lười biếng chẳng làm chi.
Chẳng thích tu tâm cùng dưỡng tính,
Hỗn độn, ngu si sống thỏa thuê.
Bỗng hôm nhàn nhã gặp chân tiên,
Hay dở đường tu, kể chuyện liền.
Khuyên hãy quay đầu, đừng trụy lạc,
Thương sinh thì sẽ chịu oan khiên.
Một sớm lâm chung về địa phủ,
Tám nạn ba đường chẳng lối lên.
Ta nghe đổi ý xin tu luyện,
Quyết chí vâng lời, học đạo tiên.
Có phúc gặp người sư phụ giỏi,
Chỉ cho địa quyết với thiên quan.
Luyện suốt đêm ngày, không biết mỏi,
Thầy lại truyền cho cửu chuyển đơn.
Từ cung nê hoàn trên đỉnh thóp,
Tới giữa bàn chân huyệt dũng tuyền.
Rồi từ thận thủy hoa trì nhập,
Đê mê dược bổ ấm đan điền.
Thủy ngân, chì, âm dương phối hợp,
Nhật nguyệt đôi vầng rõ rệt cho.
Ly rồng, Khảm hổ điều hòa khéo
Rùa thiêng hút hết nước kim ô.
Quy căn đỉnh thóp ba hoa nở,
Nguyên thông thấu triệt mây lành che.
Công thành danh toại lên trời ở,
Người tiên từng cặp đón đưa về.
Ba hoa nở trên đỉnh thóp ở đây là chỉ “tam hoa tụ đỉnh”, hiện tượng xuất hiện khi người tu luyện đã tu đến tầng thứ rất cao, khi cơ thể người tu luyện chuẩn bị được chuyển hoá hoàn toàn thành vật chất cao năng lượng. Bức tranh “Thiên nhân hợp nhất” của hoạ sĩ Trần Tiếu Bình vẽ một cô gái trẻ đang tập bài thiền định của Pháp Luân Đại Pháp, thể hiện sinh động trạng thái “tam hoa tụ đỉnh” này.
“… tôi đã quyết định tập trung vào sự hòa hợp giữa người tu luyện và thiên giới thông qua tam hoa tụ đỉnh. Nhằm bộc lộ được chiều sâu và bề rộng của cột trụ ánh sáng, tôi đã vẽ biển làm nền. Bằng cách này, người tu luyện đang thiền định và cột trụ ánh sáng trên đầu của cô sẽ trở nên nổi bật. Tôi cũng vẽ các hài nhi từ khác không gian khác để làm bức tranh thu hút hơn và để lái sự chú ý khỏi đường thẳng tắp trong cột trụ ánh sáng. Những hài nhi đang bay lơ lửng mang lại nhiều sức sống cho bức tranh. Những hài nhi này thực sự tồn tại trong các không gian khác, chỉ có là người thường không thể nhìn thấy chúng”.
Hoạ sĩ Trần Tiếu Bình
Những hài nhi này có mối liên hệ gì với hình dáng trẻ sơ sinh của quả nhân sâm? Tu luyện là điều siêu thường, những cảnh tượng mà người tu luyện nhìn thấy cũng siêu thường, đây là điều mà khoa học thực chứng khó lòng đo lường được. Vậy nên, các loại tu luyện và tín ngưỡng trong lịch sử xưa nay đều giảng Tín, trước cần tin, sau mới có thể nhìn thấy. Cây nhân sâm 3000 năm mới nở hoa, lại 3000 năm nữa mới kết quả, chính là nói “Tam hoa tụ đỉnh” vẫn chưa phải là tầng thứ cuối cùng trên hành trình tu luyện. Người tu luyện có căn cơ, ngộ tính tốt, quyết tâm cao, có thể tiếp tục tu lên trên, cho đến ngày thành chính quả.
Mở đầu Tây du ký có viết: “Dục trị tạo hóa hội nguyên công, Tu khán Tây Du thích ách truyện”, ý nói rằng: Muốn biết công của tạo hóa ra sao, muốn hiểu được ý nghĩa của đời người thế nào, vậy cần phải hiểu Tây du ký. Tây du ký tiết lộ những huyền cơ cao siêu ảo diệu về tu luyện, mà lại ẩn dưới vẻ ngoài thú vị vui nhộn của một cuốn tiểu thuyết hấp dẫn thiếu nhi. Là vì người thường không hiểu, không tin tu luyện, biết đâu một lúc nào đó sẽ phỉ báng Thần Phật, nên muốn lưu truyền ngàn năm không thể nói toạc hết thiên cơ.
Nhưng lịch sử đằng đẵng đi tới hôm nay, đã là thời mạt kiếp, rất nhiều bí mật chôn giấu rất sâu đều đang dần hé lộ. Những điều người viết chợt hiểu ra khi đọc cố sự Đại Thánh trộm nhân sâm trên đây chỉ là thể ngộ hạn hẹp trong cảnh giới sở tại, trong khi danh tác Thần truyền lại có nội uẩn thâm sâu vô vàn. Quý độc giả muốn tự mình cảm ngộ, tự mình chứng đắc, xin hãy thử một lần kính cẩn đọc toàn bộ Chuyển Pháp Luân** – cuốn sách chỉ đạo tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, là thiên cổ kỳ thư khai mở mọi ẩn đố về sinh mệnh và vũ trụ.
Mọi trần duyên rũ hết,
Thảy vật sắc là không.
Mộc mạc phác thuần tình dục ít.
Tự nhiên hưởng thọ mãi vô cùng.
Chú thích:
*Bài viết có tham khảo bản dịch Tây Du Ký của Như Sơn, Mai Xuân Hải, Phương Oanh, Nhà xuất bản Văn học.
**Quý độc giả có thể đọc và tải cuốn Chuyển Pháp Luân trên trang web chính thức của Pháp Luân Công (Pháp Luân Đại Pháp): https://vi.falundafa.org/
Ảnh: Phim Tây Du Ký 1986