Đại Kỷ Nguyên

Tây Du Ký: Kết cục bi thảm của Long Vương đầm Bích Ba và lời cảnh tỉnh cho kẻ khinh mạn Phật pháp

Người không nhìn thấy Thần Phật thường cho rằng Thần Phật không tồn tại, từ đó mà tỏ ra bất kính và hủy hoại kinh Phật. Nhưng họ có hay rằng tạo nghiệp thì sẽ chịu báo ứng vì hành động vô minh của chính mình?

Trong Tây Du Ký, Vạn Thánh Long Vương là người không thích va chạm gây chuyện thị phi, nhưng tại sao gia đình lại rơi vào kết cục tử tôn tận diệt? Con gái ông là Vạn Thánh công chúa có dung mạo đoan trang xinh đẹp, tố chất thông minh thiên bẩm, còn phò mã Cửu Đầu Trùng lại vô cùng thần thông quảng đại, pháp lực siêu phàm. Về lý mà nói, một gia đình như vậy sẽ có danh vọng và tương lai tốt đẹp vô cùng.

Nhưng thật không may, chỉ vì một niệm sai trái mà họ đã mất đi cả tương lai và hủy hoại cả gia đình. Cửu Đầu Trùng biết trên bảo tháp Kim Quang của Tế Trại Quốc có Phật Bảo Xá Lợi, liền xúi giục Long Vương tìm cách đánh cắp vật báu. Họ cùng nhau thi triển yêu thuật, làm mưa huyết rồi thừa cơ đánh cắp bảo vật. Chỉ vì muốn chiếm vật báu làm của riêng mà họ đã tự chuốc lấy vận rủi. 

Bi kịch của gia đình Long Vương 

Hồi thứ 63 Tây Du Ký kể về chuyện Ngộ Không và Bát Giới đại náo long cung, đánh chết lão long. Khi ấy, Nhị Lang Thần cùng Mai Sơn lục huynh đệ trợ giúp hai người đối đầu với cháu của Long Vương. Nhị Lang hiển thánh lấy cung và đạn vàng bắn lên, Cửu Ðầu Trùng liệng ngang muốn tấn công Nhị Lang, chẳng ngờ Hạo Thiên Khuyển ở sau lưng thấy yêu quái ló đầu ra, liền nhảy bổ lên cắn khiến một cái đầu máu chảy ròng ròng. Cửu Đầu Trùng đau đớn tháo chạy, Bát Giới muốn đuổi theo nhưng bị Ngộ Không ngăn lại. Ngộ Không cho rằng Cửu Đầu Trùng bị Thần Khuyển cắn mất một đầu, chắc chắn không thể sống nổi. 

Sau cuộc đại chiến, Long Vương tử vong, con rể tuyệt diệt, con gái cũng chết, chỉ còn lại Long lão bà sống lẻ loi hiu quạnh những ngày cuối đời. Chẳng ai có thể nghĩ rằng gia đình Long Vương lại nhận về kết cục bi thảm đến thế. 

Tế Trại Quốc là nơi bốn thầy trò Đường Tăng phải đi qua trên đường thỉnh kinh. Có lẽ bởi lòng từ bi của Thần Phật, vì để tạo phúc và cứu độ bách tính muôn dân, nên Thần Phật mới an bài đem Phật Bảo đặt trong bảo tháp, để quân thần dân chúng và lân bang chi quốc tới bái lạy chiêm ngưỡng. Mặc dù bộ tiểu thuyết không nói rõ Tế Trại Quốc bắt đầu thờ Phật Bảo Xá Lợi từ khi nào, nhưng có thể thấy sự xuất hiện của Phật bảo là để duy trì chính tín của một nước, duy trì thiện tâm của quân thần, dân chúng và các nước lân bang xung quanh. Có được Phật bảo thì quốc thái dân an, quốc gia thái bình thịnh trị. Mất đi bảo vật cũng là mất đi nền tảng bảo vệ lớn nhất giúp quân thần và bách tín duy trì chính tính và đạo đức. 

Vạn Thánh Long Vương và phò mã Cửu Đầu Trùng chỉ vì tư tâm mà đã liên minh đánh cắp xá lợi. Sự tham lam của họ đã phá hủy tâm tôn kính Thần Phật vốn là truyền thống lâu đời của một quốc gia. Trận máu huyết khủng bố mà họ tạo ra đã làm dơ bẩn bảo tháp Kim Quang, cũng đồng thời làm ảnh hưởng tới tín tâm cũng như sự lương thiện của vua tôi ở Tế Trại Quốc. 

Kết quả, khi mất đi nền tảng đạo đức thì văn minh tinh thần của người dân cũng theo đó sụp đổ, dẫn tới tình trạng quan lại sa đọa làm điều xấu, án oan nổi lên khắp nơi, bách tính rơi vào cảnh khốn cùng, các tăng nhân bị bắt giam và tra tấn cực hình tới chết. Những tăng nhân trẻ bị bắt đi đày, phải mang gông xích vô cùng cực khổ. Lại có những tăng nhân phải trốn tránh, quần áo rách rưới, lẩn trốn ngoài thành khất thực xin ăn. 

Quốc vương Tế Trại Quốc vốn là người tôn kính Thần Phật, từng ra sắc phong xây dựng chùa Kim Quang. Sau một trận mưa huyết, tâm trí ông bị mê mờ nên đã làm Phật môn gặp nạn, đền chùa khắp nơi phải đóng cửa. Cũng từ đó đất nước mất đi vị trí thượng bang chính yếu ở Tây Vực, mất đi vị trí “quốc tế” trong lòng các quốc gia lân bang. 

Nhìn nhận từ phương diện tinh thần, gia đình Vạn Thánh Long Vương đã đồng thời hủy hoại cả nền tảng đạo đức cơ bản và truyền thống tôn Thần kính Phật vốn có từ lâu đời của Tế Trại Quốc. Sự tham lam ngông cuồng của họ đã cắt đứt con đường kết nối với Thần Phật của đất nước này, đồng thời họ cũng tự hủy hoại sự sống của bản thân mình. 

Gia đình Long Vương vì cản trở và hủy hoại tín ngưỡng của một đất nước, đương nhiên sẽ nhận phải kết cục bi thương, tuyệt tự tuyệt tôn. Từ xưa tới nay, có nhiều bài học giáo huấn về hậu quả của việc hủy hoại chính tín vào Thần Phật. Trong câu chuyện về quá trình thỉnh kinh của thầy trò Đường Tăng hay trong thời kỳ La Mã cổ đại cũng có thể dễ dàng tìm thấy được những ví dụ tương tự. 

Thế kỷ thứ nhất, đế quốc La Mã cổ đại vì tiêu trừ Cơ Đốc giáo nên đã bịa đặt, bôi nhọ, và hãm hại các giáo đồ, đã dùng lời dối trá để lừa người dân cùng tham gia bức hại. Hậu quả là bốn lần đại dịch tràn khắp toàn quốc, khiến một nửa dân số mất mạng trong dịch bệnh. Đế quốc La Mã hùng mạnh không ai sánh bằng cũng vì thế mà suy vong sụp đổ.

Kiên định tu luyện, thành tựu uy đức 

Hành động xấu xa của gia đình Long Vương đã làm cho chúng tăng trong đất nước chịu oan khuất và gặp thống khổ. Vậy ở trong ma nạn khó khăn đó, những tăng nhân này đã đối đãi như thế nào? 

Quốc vương Tế Trại Quốc nghi ngờ các tăng nhân ăn trộm Phật Bảo, không tra xét kỹ lưỡng mà đã hạ lệnh cho quan lại bắt giam và tra tấn họ vô cùng thảm khốc. Kết quả trong ba thế hệ hòa thượng ở chùa Kim Quang, có hai thế hệ bị tra tấn hành hạ tới chết. 

Khi đối diện với sự áp bức tàn khốc của triều đình, những hòa thượng còn lại không vì sợ hãi mà trốn khỏi chùa, cũng không cởi bỏ tăng y hay để tóc hoàn tục. Họ cũng không vì sự cưỡng bức hung hãn của quan phủ mà đối kháng một cách cực đoan. Họ lại cũng không vì những tăng nhân hai đời trước đã bị bức hại tới chết mà thay đổi tín niệm tu hành. Các tăng nhân không oán trời trách đất, không oán giận Thần Phật hoặc sinh tâm hoài nghi trong tu luyện: “Hay là Thần Phật không bảo hộ nữa rồi?”. 

Bịa đặt, bạo hành, đàn áp, đánh mắng, tử vong, khủng bố… những điều này đều không là gì với người tu luyện. Nguyên nhân bởi điều họ tin là Thần Phật, tâm không lay động, tâm thái này siêu việt quá tầng thứ của người thường. Có lẽ họ hiểu rằng, cho dù bị đánh tới chết hay phải mất đi tấm thân người này, thì tâm kiên định với tu luyện ấy sẽ giúp linh hồn họ bất diệt, hướng tới sự bất tử, kiếp sau nếu chuyển sinh họ sẽ tiếp tục tu luyện. Sự kiên trì tín ngưỡng của kiếp trước sẽ hòa vào trong chặng đường cần trải qua của sinh mệnh, sẽ thành tựu cho họ uy đức càng ngày càng vĩ đại hơn. 

An bài tốt nhất 

Có câu rằng: “Tất cả đều là an bài tốt nhất”. Trong hồi truyện này, mặc dù không có sự xuất hiện của Phật hay Bồ Tát, nhưng bạn có cảm thấy tất cả đều là sự an bài tốt nhất? Nếu không có hạn khi đi qua Hỏa Diệm Sơn trước đó, thầy trò Đường Tăng cũng không thể dập tắt lửa và nhanh chóng tới Tế Trại Quốc trong hành trình lấy kinh đầy gian nan. Nếu không có Thần báo mộng, các hòa thượng ở chùa Kim Quang không biết rằng thánh tăng ở Đông Thổ Đại Đường là người có thể cứu giúp họ. Nếu Đường Tăng và Ngộ Không không kịp thời đi quét bảo tháp, họ cũng không thể bắt được hai con yêu quái ở đầm Bích Ba, nhanh chóng biết được nguyên nhân vật báu bị mất, từ đó diệt trừ được yêu ma. 

Mỗi sự việc xảy đến ở Tế Trại Quốc, nhìn thì thấy như là ngẫu nhiên, như không có gì đáng chú ý, các phân đoạn dường như diễn ra một cách đơn lẻ. Nhưng cuối cùng đều không chạy khỏi lòng bàn tay của Phật Như Lai. Từ khi yêu quái lấy trộm Phật bảo, thầy trò Đường Tăng đi quét bảo tháp, Ngộ Không và Bát giới diệt trừ yêu ma một cách thuận lợi, vua tôi và nhân dân Tế Trại Quốc lại lần nữa khởi tâm kính ngưỡng với Phật môn. Các tình tiết trong câu chuyện là một khối thống nhất, giữa các sự việc xảy ra đều có mối liên hệ và được an bài sắp xếp vô hình. 

Những tăng nhân trong khổ hạnh vì bị bức hại vẫn kiên trì tín niệm. Trước khi thầy trò Đường Tăng tới Tế Trại Quốc một ngày, họ được Thần minh báo mộng: Thánh nhân có thể cứu giúp họ đã đến rồi. Hôm sau, oan khuất của những hòa thượng này được rửa sạch, chân tướng về việc vật báu bị đánh cắp được sáng tỏ. 

Khi Ngộ Không và Bát Giới được Nhị Lang Thần hỗ trợ diệt trừ yêu quái và lấy lại được vật báu, họ còn được thêm một bảo vật đó chính là cỏ Cửu Diệp Linh Chi. Nước Tế Trại Quốc lại khởi tâm tín ngưỡng và tôn kính Thần Phật, chùa Kim Quang lại sáng bừng lên, phóng ra vạn tia điềm lành, soi sáng khắp không gian. Đây thật đúng là: 

“Tà quái tiễn trừ chư cảnh tịnh
Bảo tháp hồi quang đại địa minh”

Diễn nghĩa:

Tà ma bị tiễu trừ rồi, cảnh vật đã được làm tịnh
Ngọn bảo tháp xưa giờ sáng tỏ trở lại, mặt đất như bừng sáng

Dịch thơ:

Yêu tà trừ sạch, nay cảnh đẹp
Bảo tháp sáng bừng muôn dặm xa 

Ảnh minh họa: Quyensach.blogspot.

Kiên Định
Theo Secretchina

Exit mobile version