Vì sao phần mở đầu của Tây Du Ký lại giảng về khởi nguyên của vũ trụ?
- Trọn bộ: Tây Du Ký mạn đàm
Hồi đầu tiên của Tây Du Ký có tiêu đề là: “Gốc thiêng ấp ủ nguồn rộng chảy – Tâm tính tu trì đạo lớn sinh”, mở đầu này không giống như mở đầu thông thường trong tiểu thuyết, mà là giảng tu luyện đại Đạo.
Tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc có một đặc điểm rất đặc biệt, đó là khí phách hùng hồn treo ngay trước mặt, vừa bước vào là thấy ‘trên là trời, dưới là đất’. Các đại danh tác như “Tam quốc diễn nghĩa”, “Thuỷ hử”, “Hồng lâu mộng”… đều như vậy. Nhưng trong các danh tác cổ điển không có bộ nào giống Tây Du Ký, tiêu đề mở đầu nói trực tiếp đến tu hành, phần chính văn là nói đến khởi nguyên của vũ trụ.
Đầu đề hồi thứ nhất trong Tây Du Ký chính là: “Gốc thiêng ấp ủ nguồn rộng chảy – Tâm tính tu trì đạo lớn sinh”. Người xưa dù học vấn cao hay thấp, có biết chữ hay không, hễ nghe đoạn đề mục này đa phần đều biết đó là bộ tiểu thuyết nói về tu Đạo.
Mở đầu là bài thơ kể về khởi nguyên vũ trụ:
Thuở hoang sơ đất trời chưa tỏ,
Chốn mênh mông nào có bóng người.
Từ khi Bàn Cổ ra đời,
Đục trong phân biệt, khác thời hỗn mang.
Che chở khắp nhờ ơn trời đất,
Phát minh ra muôn vật tốt thay.
Muốn xem tạo hóa công dày,
Tây Du truyện ấy đọc ngay đi nào.
Vì sao câu chuyện tu luyện phải bắt đầu từ khởi nguyên của vũ trụ, móc nối đến việc Bàn Cổ khai trời mở đất?
Qua nhiều năm nghiên cứu cổ thư, tôi thể ngộ rằng quá trình tu luyện cũng chính là quá trình sáng thế (sáng tạo thế giới). Đạo gia giảng tiểu vũ trụ, Phật gia giảng mười phương thế giới, Cơ Đốc giáo giảng Thiên quốc… Muốn sáng thế thì phải biết khởi nguyên của vũ trụ, không biết khởi nguyên thì không biết các vị Thần làm thế nào sáng thế. Muốn sáng thế đương nhiên còn phải biết kết cấu của vũ trụ, không biết kết cấu của vũ trụ thì đương nhiên làm cũng không thành. Nếu biết kết cấu thực sự của vũ trụ, vậy thì nói một cách hình tượng, sáng thế cũng giống như trẻ nhỏ xây lâu đài cát vậy.
Cho nên mở đầu Kinh Thánh là “Sáng Thế Ký”, mở đầu của Tây Du Ký cũng là sáng thế.
Đã là sáng thế, thì liệu giữa tôn giáo khác nhau, tín ngưỡng khác nhau… cấu tạo vũ trụ có khác nhau hay không? Kỳ thực là giống nhau. Mà “Sáng Thế Ký” của phương Tây, hay câu chuyện Bàn Cổ khai thiên tịch địa của phương Đông đều giảng về kết cấu của vũ trụ.
Lý luận vũ trụ thời cổ đại của các tôn giáo và các trường phái tu luyện là giống nhau. Nhưng người hiện đại không tin, cho rằng sách của Thánh hiền là giảng lý luận viển vông, hoặc là vì để thu hút sự chú ý của người khác mà cố tình nói ra những lời huyền hoặc. Thực ra không phải. Người xưa là giảng về kết cấu chân thực của vũ trụ, kết cấu của vật chất.
Trong quan niệm của con người thời cổ đại, những khái niệm về nhân văn, nhân thể, tu luyện… rất nhiều hàm nghĩa đều không giống với ngôn ngữ của thời hiện đại. Điều khác biệt lớn nhất là gì? Chính là quan niệm của người xưa không phải ở trên tầng diện đơn nhất như chúng ta, mà là rất nhiều tầng. Bàn Cổ khai trời mở đất, nếu căn cứ theo vũ trụ quan thời cổ đại, thì đó chính là tổ hợp từng tầng từng tầng. Bàn Cổ đến, khai mở tân thiên địa, lấy hỗn độn hư không mà tổ hợp thành thanh trọc (trong đục), âm dương, hai cực lưỡng nghi.
“Che chở khắp nhờ ơn trời đất”, sinh linh vạn vật được che phủ, bao dung, lại được nâng chở, tức là được hàm chứa, lại được nâng lên. Được thứ gì hàm chứa? Được vũ trụ, được ngân hà, được thái dương… hàm chứa. Được thứ gì nâng đỡ? Được đại địa, được đất đá, được địa cầu… nâng đỡ. Vũ trụ cũng vậy, đại địa cũng vậy, sai khác lớn nhỏ rất lớn. Kết cấu chân thực của vũ trụ với điều con người ngày nay nhận thức được là không giống nhau.
Để sáng tạo ra vũ trụ và chúng sinh, Bàn Cổ đã dựa vào công cụ gì? Là “chí nhân”, cũng gọi là “thiện”. Phát minh vạn vật đều thành thiện, sinh sôi hết thảy những thứ bên dưới.
“Thiện” này, “chí nhân” này, đó là cội nguồn sinh thành ra vạn vật, Bàn Cổ lúc đương sơ đã dựa vào đó để sáng thế. Đây là công tạo hóa đã tạo ra thiên địa, sinh hóa ra vạn vật, tập hợp tụ hội các nhân tố nguyên thuỷ mà tạo thành hết thảy.
Sau bài thơ tóm tắt quá trình sáng thế là nói đến tam giới, trong đó thuật lại chi tiết việc tạo ra mặt trời, mặt trăng, các vì tinh tú và con người:
“Từng nghe số của trời đất, gồm một trăm hai mươi chín nghìn sáu trăm năm là một nguyên. Một nguyên chia làm mười hai hội, tức mười hai chi: Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi…”.
Đây là cơ quan vận tác từng tầng từng tầng, tầng tầng đan xen, suy diễn, phảng phất như tầng tầng bánh xe chuyển động. Thế giới, tam giới, tam tài… cũng sản sinh như thế, vận tác như thế. Tu hành cũng là ngược dòng mà lên, diễn luyện hòa hợp.
Đạo đức lý luận truyền thống là đến như thế nào? Trong sách viết:
“Nhớ xưa từ thuở Bàn Cổ mới mở mang, đời Tam hoàng vừa cai trị, đời Ngũ đế định ra nhân luân”.
Một câu rất đơn giản ngắn gọn nhưng đã bao hàm rất nhiều nội dung bên trong. Tam hoàng, Ngũ đế là kế tục việc sáng thế của Bàn Cổ. Họ là có trước có sau, là từng tầng từng tầng mà truyền lại. Sau khi định ra nhân luân, con người mới có hình thức sinh tồn hoàn chỉnh.
Sau khi hết thảy những thứ nói trên đã được định hình xong rồi, trên thế giới mới xuất hiện tứ đại bộ châu là: Đông Thắng Thần Châu, Tây Ngưu Hạ Châu, Nam Thiệm Bộ Châu, Bắc Câu Lư Châu. Chỉ là tứ đại bộ châu này thì xưa nay con người chưa từng thấy. Vậy thì theo trình tự sáng tạo thế giới mà giảng, rất có khả năng đây không phải là điều của tầng diện nhân loại chúng ta. Trong Tây Du Ký có nói đến Hoa Quả Sơn:
“Chính núi này là mạch tổ của mười châu, cội nguồn của ba đảo, đứng sừng sững từ lúc đất trời mới chia trong đục, hình thành từ thuở thế giới vẫn hồng hoang”.
Chỗ này ghi mười châu, không phải là tứ đại bộ châu. Hoa Quả Sơn tuy ở Đông Thắng Thần Châu, lại có thể là mạch tổ mười châu. Cũng chính là nói: còn sáu đại bộ châu khác nữa. Nhưng trước đó lại nói rất rõ:
“Nhớ xưa từ thuở Bàn Cổ mới mở mang, đời Tam hoàng vừa cai trị, đời Ngũ đế định ra nhân luân, bấy giờ thế giới mới chia ra làm bốn châu lớn là: Đông Thắng Thần Châu, Tây Ngưu Hạ Châu, Nam Thiệm Bộ Châu, Bắc Câu Lư Châu”.
Tứ đại bộ châu này, nếu căn cứ kết cấu phân tầng vật chất thời cổ đại thì cũng không tồn tại ở không gian của chúng ta. Nhưng sáu bộ châu khác ở đâu thì vẫn còn là nghi vấn.
Theo đạo lý mà nói, sau khi có tứ đại bộ châu thì mới có Hoa Quả Sơn. Nhưng Tây Du Ký lại nói, Hoa Quả Sơn là tổ mạch mười châu, cũng chính là nói: có Hoa Quả Sơn trước mới có mười đại châu, tức là sự xuất hiện của Hoa Quả Sơn không muộn hơn mười đại châu. Theo Tây Du Ký, Hoa Quả Sơn này có quan hệ với Phật quốc, với thế giới của Đạo. Hoa Quả Sơn đã có nguồn gốc xa xưa cho nên Tôn Ngộ Không có thể tu luyện Đạo gia (do Bồ Đề Tổ Sư truyền dạy), đồng thời theo Đường Tăng lấy kinh là theo trường phái Phật gia, điều này cũng là tất nhiên.
Tiếp theo hãy thử bàn về thân thế của Thạch hầu
Vị trí của Hoa Quả Sơn và hòn đá trên núi đều rất đặc biệt. Tảng đá có vị trí đặc thù, có kích thước đặc thù, có cấu tạo đặc thù, mang trong mình một sinh mệnh đặc thù – Thạch hầu.
Vị trí đặc thù của Hoa Quả Sơn: “Cột trời sừng sững dựng giữa trăm sông. Gốc đất lớn to muôn đời không đổi”.
Kích thước đặc thù của tảng đá: “Cao đến ba trượng sáu thước năm tấc, xung quanh hai trượng bốn thước. Chiều cao ba trượng sáu thước năm tấc cùng hợp với vòng trời ba trăm sáu mươi lăm độ. Xung quanh hai trượng bốn thước, hợp với chính lịch hai mươi bốn khí”.
Cấu tạo đặc thù của tảng đá: “Trên có chín khiếu tám lỗ hợp với cửu cung bát quái”.
Hoa Quả Sơn này là cùng một tầng lớn với nhân loại, nhưng lại không ở tầng không gian mà nhân loại đang sinh tồn. Vậy thì Thạch hầu hễ sinh ra cũng không ở không gian này của chúng ta. Toàn bộ Tây Du Ký đề cập đến rất nhiều trường cảnh, đa phần đều không ở trên tầng diện của không gian nhân loại, có tầng diện cao, có tầng diện thấp. Tầng diện cao thấp ở đây không phải là khái niệm ‘trên, dưới’ mà là quan hệ lồng ghép, đan xen vào nhau như củ hành.
Trong văn hoá truyền thống, Đạo gia rất chú trọng chữ số, để ý tới một vài con số mà chúng ta hôm nay xem là rất kỳ lạ: có con số không lớn, có con số rất lớn, lớn đến mức vượt quá lịch sử mà nhân loại biết. Những con số này, theo học thuyết cấu tạo thế giới truyền thống thì không có gì kỳ lạ, đây là cơ lý vận tác từng tầng từng từng tầng của thế giới, là quy luật của sự biến động:
“Từng nghe số của trời đất, gồm một trăm hai mươi chín nghìn sáu trăm năm là một nguyên. Một nguyên chia làm mười hai hội, tức mười hai chi: Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi. Mỗi một hội là mười nghìn tám trăm năm…”.
Không gian thế giới của tầng diện nhân loại là biến động, tùy theo biến động trên dưới mà biến động theo, giống như bánh răng chuyển động. Số răng của bánh răng là cố định, bất biến. Nhưng bánh răng giao thoa mà vận động thì kết quả của sự vận động lại làm người ta rối mắt, cảm thấy biến hoá vô cùng. Thực ra đều có quy luật.
Người hiện nay không cách nào tiếp thu quy luật nói trên, bởi vì những quy luật này đều thể hiện ở tầng không gian khác. Hơn nữa điều cổ nhân giảng đến là quy luật của nhiều tầng diện. Quy luật này thì cần dùng thân thể, tâm linh để thể nghiệm và quan sát. Thân thể con người, quan niệm nhận thức của con người cũng như vũ trụ, cũng có nhiều tầng diện.
(Còn nữa)
Mạn Vũ
(Theo bài viết của Long Vương và Chu Dĩnh, đăng trên Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung)
Bạn đang đọc bài viết: “Tây Du mạn đàm (P1): Vì sao mở đầu giảng về khởi nguyên của vũ trụ?” tại chuyên mục Văn hóa của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn! |