Đằng sau hành trình thỉnh kinh gian nan và những cuộc trừ yêu diệt quái ly kỳ của Tây Du Ký, còn có một không gian đầy chất thơ…
- Trọn bộ: Tây Du Ký mạn đàm
Xuyên suốt bộ tiểu thuyết Tây Du Ký, chúng ta luôn bắt gặp những cặp vế đối, thơ từ:
“Sườn dựng đá cổ quái
Vách phẳng đỉnh thanh kỳ”
“Đêm ngủ vách núi non
Ngày chơi trong hang động”
“Rêu xanh xanh từng đám
Mây trăng trắng ngọc ngà”
Đây là một bộ tiểu thuyết thần thoại, một câu chuyện tu luyện, vì sao lại có nhiều thơ từ và câu đối đến thế? Điều này phải chăng cũng có liên quan đến một xu thế lớn trong lịch sử Trung Hoa?
Xu thế đó chính là: Đường thi, Tống từ, Nguyên khúc, tiểu thuyết thời Minh, và câu đối thời Thanh. Vì sao thời nhà Thanh xuất hiện câu đối? Đó là bởi càng mất cân bằng âm dương thì càng cần điều hoà âm dương. Cuối nhà Thanh âm dương phân hóa, văn mất kỷ cương, võ mất chân truyền nên cần thịnh hành câu đối để điều hoà trong giai đoạn đó.
Triều Minh thịnh hành việc tu Đạo, đa phần những đệ tử không nhập môn chỉ cần đọc câu thơ đối mà trong đó đã có cân bằng âm dương, thì tự nhiên cũng đạt được công hiệu điều hoà.
Lại nói về Tống từ và Đường thi, tiết tấu của Tống từ phù hợp với vận luật của nhân thể, do đó cũng phù hợp với hơi thở của trời đất. Đường thi mượt mà, hoàn chỉnh, thiên nhiên được miêu tả trong đó cũng chính là cảnh giới của người tu luyện. Thi Kinh xem thì chất phác, nhưng thực ra không tầm thường, mỗi bài thơ đều là quẻ tượng thể hiện thiên nhiên phù hợp với Kinh Dịch.
Mỗi thể văn đều bao hàm một cảnh giới tương ứng, người ngày nay có thể bắt chước thể văn nhưng vẫn không thể đạt đến mức độ biểu đạt đó. Người hiện đại dẫu thông minh tuyệt đỉnh cũng không viết ra được cảnh giới như trong Thi Kinh, không viết ra được cảnh giới của Tống từ và Đường thi, cũng không viết ra được cảnh giới của tiểu thuyết thời Minh. Không ở trình độ ấy đương nhiên sẽ không thể sáng tác đến cảnh giới đó.
Chỗ thú vị của văn hoá Trung Hoa cổ đại chính là ở đây: có cảnh giới. Cảnh giới này có tầng tầng ý nghĩa, lớp lớp nội hàm, vừa thâm thuý lại mang ý vị khoan thai, khiến người đọc vừa chiêm ngưỡng vừa thưởng thức, lại không ngớt lời ca tụng tài hoa trí huệ của tiền nhân.
Trong Tây Du Ký, mỗi vế đối đều có sẵn âm dương, cảnh giới thơ từ cũng đạt đến độ tinh hoa thâm thuý, độc giả đọc lên sẽ cảm thấy được điều hoà hơi thở, hoà hợp với đất trời một cách tự nhiên.
Trải qua bao thế hệ, từ già trẻ lớn bé, từ bần nông đến tri thức, người ta đã bàn luận say sưa về Tây Du Ký suốt mấy trăm năm. Đây không chỉ là bộ tiểu thuyết có nội dung sinh động, mà còn có tính điều hòa ẩn hình. Nếu phiên dịch sang ngôn ngữ khác thì các nhân tố ẩn hình cũng sẽ bị mất đi quá nửa. Bởi chữ Hán có tự âm, tự hình, tự nghĩa, mỗi một chữ là cả một câu chuyện ý nghĩa phía sau nên nội hàm vô cùng thâm sâu, uyên bác.
Quay lại nhân vật chính của Tây Du Ký, chúng ta hãy cùng xem sự xuất thế của Thạch hầu
Thạch hầu sinh ra trong một tảng đá trên Hoa Quả Sơn. Tảng đá có chín khiếu tám lỗ, hợp với cửu cung bát quái. Trong truyện viết:
“Có lẽ từ khi tảng đá mới sinh ra, đã bám thụ khí thiêng của trời đất, tinh hoa của Mặt Trời, Mặt Trăng đã lâu, nên mới linh thông thế. Bên trong tảng đá chứa đựng một bào thai tiên. Một hôm tảng đá nứt đôi, sinh ra một quả trứng đá tròn, to bằng quả cầu, gặp gió hóa thành một con khỉ đá, đủ cả mặt mũi chân tay”.
Nói đến đá tiên và Thạch hầu, tuy Thạch hầu sinh ra rất trễ nhưng lai lịch của đá tiên lại rất xa xưa, có thể là tồn tại từ thời Bàn Cổ khai thiên tịch địa. Dù đã kinh qua bao nhiêu kiếp, bao nhiêu lần huỷ diệt và kiến tạo lại, nhưng đá tiên này vẫn trường tồn cùng với vũ trụ – vũ trụ mà Bàn Cổ khai sáng.
Hòn đá tiên đã cổ xưa lại còn linh dị, phù hợp cửu cung bát quái, là mạch tổ của mười châu. Bên trong tảng đá chứa đựng một bào thai tiên, hóa dục ra khỉ đá với đầy đủ ngũ quan và tứ chi. Giữa trời đất, con người là lớn nhất. Nhưng không, bên trong đá tiên không phải là người, mà thai nghén ra lại là một con khỉ. Còn khó tin hơn nữa, khỉ đá này vừa mới xuất sinh liền “học bò, học chạy, vái lạy bốn phương”.
Học bò học chạy không tính là kỳ lạ. Tất cả các loài động vật sau khi sinh ra đều bắt đầu bò và chạy một cách tự nhiên. Nhưng điều kỳ lạ là con khỉ này tự biết “vái lạy bốn phương”, hiểu được lễ nghĩa, vốn là sự việc mà ngay cả con người nếu chưa qua giáo dục thì đều không làm được.
Con khỉ này trời sinh đã biết lễ nghi, quả là điều xưa nay hiếm. Vái tứ phương thuộc về bái chư Thần tứ phương, vốn là các chư Thần trên mặt đất, rất có thể khi vừa sinh ra nó đã có thể nhìn thấy các địa Thần địa linh rồi. Nếu đó là các vị Thần mà nhân loại không thấy được, vậy thì họ đều ở không gian thời gian khác với thời không của chúng ta. Nếu hầu tử có thể thấy, vậy càng nói rõ rằng hầu tử cũng không ở tầng không gian nhân loại.
Hoa Quả Sơn có long phụng kỳ lân, nhưng Đông Hải Long Vương lại không thấy rồng ở Hoa Quả Sơn có bất cứ liên hệ gì với rồng dưới biển. Giống như rồng của Hoa Quả Sơn hoàn toàn không quan tâm rồng của bốn biển, rồng của bốn biển cũng hoàn toàn không thấy sự tồn tại của rồng ở Hoa Quả Sơn. Rồng phân thành thiên long, địa long và thuỷ long, do đó địa long trên Hoa Quả Sơn với hải long dưới biển không phải là cùng thể hệ, loài này không có liên quan với loài kia.
Trong Tây Du Ký có rất nhiều điềm báo ẩn hình, không chi tiết rõ ràng. Ví dụ như trên Hoa Quả Sơn có toàn là trân cầm dị thú, có cả loài dưới nước, trên bộ, trên không: nào là phượng đẹp, kỳ lân, gà vàng, nào là rồng, hươu, cáo tiên, hạc đen. Phượng, kì lân, rồng là những loài mang điềm lành, đến thời cận đại khi đạo đức nhân loại trượt dốc thì chúng không còn xuất hiện nữa, người hiện đại không có cách nào tin, cho rằng chúng chỉ là tưởng tượng. Những loài như gà vàng, hươu, hạc là động vật may mắn trong văn hoá truyền thống. Điều ấy nói lên rằng Hoa Quả Sơn là vùng đất lành.
Hoa Quả Sơn còn có rất nhiều thảo mộc kỳ dị: tùng xanh, đào tiên, trúc xanh, tử đằng… Nơi đây có cây cao, có cây bụi, lại có nóng có lạnh nhưng không có bốn mùa của nhân gian. Chính là nơi:
“Tùng xanh trắc biếc bóng um tùm
Đào tiên chín ngọt vẻ thơm ngon
Trúc xanh mây lành che vương vấn
Một ngọn suối trong dây mây quấn
Cũng là nơi:
“Trong non không hay năm tháng
Rét hết chẳng biết tiết xuân”
Hơn nữa Hoa Quả Sơn là núi trong biển, không phải trên lục địa: “Giữa biển có một ngọn núi đẹp, gọi là núi Hoa Quả”, hơn nữa: “Thế trấn giữa mênh mông / Oai yên nơi bể ngọc”.
Chuyện kể rằng Thạch hầu vừa mới xuất sinh đã có chân khí đầy đủ, mục quang thần sắc, chân khí dồi dào. Thạch hầu vì mục quang quá sắc bén nên phóng ra kim quang đến tận Thiên đình, khiến Ngọc Hoàng Đại Đế chú ý.
Hai vị Thần là Thiên Lý Nhãn và Thuận Phong Nhĩ bẩm báo nguyên lai của thạch hầu cho Ngọc Hoàng Đại Đế, từ đó nói ra thiên cơ, lại là huyền cơ với tầng tầng nội hàm:
“Thần vâng chỉ ra xem xét chỗ có ánh hào quang. Đó là nước Ngạo Lai ở biển Đông, thuộc Đông Thắng Thần Châu. Nơi ấy có ngọn núi Hoa Quả, trên núi có tảng đá tiên đẻ ra quả trứng đá, gặp gió hóa thành một con khỉ đá, biết vái lạy bốn phương, mắt rọi hào quang chiếu sáng tận thiên phủ. Nếu nay cho ăn mồi bằng nước cháo, hào quang sẽ tắt ngay”.
Hai vị Thiên Lý Nhãn và Thuận Phong Nhĩ không chỉ thấy được vị trí không gian sở tại mà còn thấy được quá trình xuất sinh của thạch hầu. Quá trình sinh ra ấy có gì đặc biệt? Đặc biệt ở chỗ người ta thấy nó đã phát sinh trong quá khứ (biết được thạch hầu là từ đá tiên có lịch sử xa xưa hóa sinh), lại còn dự đoán tương lai. Tương lai là gì? Là thấy được mục quang sáng rực của thạch hầu sẽ rất nhanh tiêu mất.
Nhưng vì sao kim quang của thạch hầu lại tiêu mất? Trong truyện viết là vì “cho ăn mồi bằng nước cháo”, vốn là thức ăn trong không gian nhân loại. Thạch hầu sinh ra tại không gian cao hơn tầng của nhân loại, nhưng hễ đến nơi con người là sẽ tiến nhập vào “thùng thuốc nhuộm xã hội”, do đó cũng sẽ bị tiêm nhiễm bởi vật chất không gian này, hễ tiến nhập vào rồi là sẽ rất nhanh bị vùi chôn. Bị thứ gì vùi chôn? Chính là bị vật chất của không gian tầng thấp này vùi chôn…
(Còn nữa)
Mạn Vũ
(Theo bài viết của Long Vương và Chu Dĩnh, đăng trên Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung)