Đại Kỷ Nguyên

Tết đến: ‘Dọn nhà dọn cửa, gột rửa trái tim’

Ảnh minh họa: Shutterstock.

Dọn nhà ngày Tết, từ lúc nào đã trở thành “truyền thống” khiến nhiều người sợ hãi khi nghĩ tới và mệt tả tơi khi đã hoàn thành. Để tránh cảnh đầu bù tóc rối và tinh thần mệt mỏi mấy ngày trước Tết, hãy tham khảo chia sẻ của nhà sư người Nhật Shoukei Matsumoto, để biến dọn dẹp trở thành một nét đẹp của cuộc sống.

Dọn dẹp vừa tốn thời gian vừa mệt mỏi, có gì mà gọi là “nét đẹp của cuộc sống” được đây? Nhưng chỉ khi bạn dọn dẹp không phải vì bẩn, cũng chẳng phải vì bừa bộn, bạn sẽ không trở thành nô lệ thống khổ của nó.

Trong cuốn sách mang tên “Dọn nhà dọn cửa, gột rửa trái tim” của mình, nhà sư Matsumoto đã viết: “Từng việc mà chúng ta làm sẽ tạo ra trái tim, tạo ra tâm hồn của chúng ta. Nếu tồn tại một cách thô tục, tâm hồn sẽ vẩn đục. Nếu tồn tại với cách sống hòa nhã và từ tốn, dụng tâm với mọi sự trên đời này, từng chút một, trái tim bạn sẽ trở nên trong sáng và thanh khiết”. Có lẽ vì tư tưởng phái Thiền của Phật giáo Nhật Bản như vậy, nên việc dọn dẹp rất được họ coi trọng, vì đó là một hành động “thanh tẩy tâm hồn”. Và vì tồn tại một cách thô tục giữa cảnh nhà cửa bẩn thỉu không được lau dọn, thì tâm hồn cũng sẽ không thể trong sạch.

Nếu hàng ngày bạn không dọn dẹp thường xuyên, chất đống công việc lại cho một vài ngày Tết thì dọn nhà ngày Tết đúng là một cực hình. Nhưng nếu bạn thường xuyên lau dọn nhà cửa, thu xếp đồ đạc ngăn nắp một cách từ tốn nhưng đều đặn trong năm, thì Tết đến sẽ có nhiều thời gian thảnh thơi đi ngắm hoa, chuẩn bị mâm cúng, trang hoàng nhà cửa.

Hơn nữa sống trong một không gian sạch sẽ, gọn gàng hàng ngày, chứ không chỉ mấy ngày Tết, tâm trí bạn cũng thoáng đãng, nhẹ nhõm hơn. Vậy thì để tránh những cái Tết mệt mỏi sau này, hãy bắt đầu yêu thích sự dọn dẹp.

Nhưng nếu năm nay bạn vẫn đang phải vật lộn với khăn, chổi, thì hãy thay đổi tư duy như chia sẻ thú vị của Thiền sư Matsumoto, để việc dọn dẹp không khiến sắc mặt bạn xấu đi và tinh thần sụt giảm.

Dọn dẹp là tu tâm dưỡng tính

Hãy coi dọn dẹp nhà cửa cũng là để “loại bỏ những đám mây mù ẩn sâu trong trái tim, trong tâm hồn mỗi con người chúng ta… Để thanh tẩy những dục vọng ngoài thế giới trần tục, phải loại bỏ những bụi bẩn tồn tại trong tâm hồn. Để giũ bỏ những tham lam, phải lau đi những vết bẩn đã bám víu bấy lâu. Khoảng thời gian dọn dẹp thật cẩn thận và lưu tâm tới từng ngóc ngách như thế thực sự là một công việc khiến trái tim con người trở nên trọn vẹn”.

Đừng chán nản, thấy gánh nặng khi nhìn những kẽ bẩn uốn lượn, khó lau trên bộ tràng kỷ cổ của cha mẹ, bạn có thể coi đó là một cơ hội để mình tĩnh tâm, điều từng hơi thở nhịp nhàng cho mỗi hoạt động tỷ mỷ. Trong cuộc sống vội vã thường nhật, đâu có nhiều dịp để ta có thời gian một mình suy nghĩ, hoặc chẳng suy nghĩ gì mà chỉ nhìn từng vết bẩn được lau đi với cảm giác khoan khoái, gột rửa.

Ảnh minh họa: Shutterstock.

Dụng tâm làm một việc nhỏ như lau dọn, cũng là một bước gần hơn để có được tâm thái hòa ái, bình tĩnh của một người trưởng thành sâu sắc. Có một dịp để từng phút từng giây, từng khoảng khắc sống với trái tim từ tốn, an yên, việc đó không chỉ tốt cho người tu luyện mà cho cả chính những người đã quá mệt mỏi quanh năm tất bật ngược xuôi.

Ở Nhật, dọn dẹp không chỉ là việc thanh tẩy vết bẩn mà nó còn được coi là một hành động để “bồi dưỡng vẻ đẹp nội tại của trái tim”.

Hay như Matsumoto đã viết: “Cuộc đời là một chuỗi những ngày tu hành”. Tu không phải là ngồi thiền tụng kinh, tách biệt với trần thế, mà chính là sửa bỏ những khuyết điểm, tật xấu, thói hư của mình, để thành người hoàn thiện và siêu việt hơn, đó chính là mục đích sống cao thượng tuyệt đẹp.

Thế nên hãy dành một cái nhìn thiện cảm và trân trọng cho việc dọn dẹp, bạn sẽ thấy từng giây từng phút làm việc đó trở nên ý nghĩa và muốn tận dụng nó một cách triệt để.

Đừng chỉ dọn dẹp một mình

Thường thì ngày Tết bận rộn, mỗi người một việc, những đứa con hoặc người vợ trong gia đình sẽ tự mình đảm nhiệm việc lau dọn, như vậy sẽ rất nhanh mệt mỏi và chán nản. Nhưng nếu cả gia đình cùng làm với tâm thái hỗ trợ nhau và vui vẻ, trân trọng giây phút được cùng nhau làm một việc ý nghĩa, thì không chỉ công việc sẽ trôi nhanh mà tình cảm gia đình cũng thêm gắn bó.

Thiền sư Matsumoto cũng cho biết, dù hàng ngày đều lau dọn, nhưng trong chùa vẫn sẽ có ngày tổng vệ sinh cuối năm, và nó mang ý nghĩa tinh thần nhiều hơn. Bởi đó chính là tượng trưng cho việc ta “loại bỏ tất cả những bụi bẩn dồn ứ và còn đọng lại trong tâm hồn suốt cả một năm”. Cùng nhau dọn dẹp, ta sẽ cùng nhau cảm ơn và hạnh phúc.

Gia đình nào chắc cũng đôi lần có xung đột, sóng gió. Năm hết Tết đến rồi, những gì xưa cũ mục nát hãy gột rửa đi, đừng để những oán hận, tức tối, chán ghét, thất vọng đọng lại thành những vết cáu bẩn trong tâm hồn và gia đình mình.

Ảnh minh họa: Shutterstock.

Thiền sư Matsumoto cũng có một kiến giải thú vị, rằng nên phân công mọi người dọn dẹp những khu vực mà bình thường mình không đảm nhiệm việc vệ sinh nơi đó. Vì như vây, ta sẽ biết ơn và quý trọng công sức của người khác hơn nữa. Để người chồng lau dọn căn bếp, anh ấy có thể nhận ra, hàng ngày vợ mình phải tốn biết bao thời gian, công sức để dọn dẹp sau mỗi bữa nấu ăn cho cả nhà. Để người cháu quét dọn sân vườn, cậu ấy có thể nhận ra, hàng ngày bà mình phải vượt qua bệnh đau lưng để có được một cái sân thoáng đãng gọn gàng cho cậu chơi đùa cùng bạn bè mình như thế nào.

Dọn dẹp không chỉ là nhiệm vụ, đó là thời gian để kết nối và yêu thương.

***

Con người sống ở trên đời, ai cũng phải ăn, uống, mặc, ở. Dù giản dị đến mấy thì vẫn có những đồ đạc phục vụ chúng ta. Theo một cách nhìn nào đó, thì dọn dẹp, có khi cũng chính là một cách chúng ta hoàn trả những lợi ích mà đồ đạc, vật dụng, nhà cửa đã cung cấp cho chúng ta. Đó cũng là một cách ta tìm ra và khẳng định sự tự do của mình. Bởi tự do không phải là muốn gì làm nấy, không muốn gì thì không làm, mà tự do chính là sự tự tại, an yên khi làm bất kể việc gì, kể cả một việc tưởng chừng nhỏ bé đơn giản và “phiền hà” như dọn dẹp. Thông qua dọn dẹp, khi bạn có thể đối đãi bằng tâm thế bình thản, hạnh phúc, đó là khi bạn đã đạt được tự do ở một phương diện của cuộc sống.

Video: Ý nghĩa của cuộc sống không phải ở chỗ nhìn thấu mà chính là trải nghiệm

Exit mobile version