Đại Kỷ Nguyên

Tết Trung thu, lễ hội tiếp cận nhất với Tiên giới

Hình ảnh trăng tháng 8 thời nhà Thanh. (một phần bức tranh Viện họa thập nhị nguyệt lệnh đồ bát nguyệt thưởng nguyệt đồ, được cung cấp bởi Bảo tàng Cung điện Quốc gia, Đài Bắc)

Trăng cứ đến Trung thu lại tròn đầy! Biết bao câu chuyện dân gian xoay quanh vầng trăng sáng vào ngày 15 tháng 8 hoàng lịch, đặc biệt là những câu chuyện thần tiên trong thời không của ký ức lại hiện lên trong đầu, khiến người ta hoài niệm về sự thần kỳ của Tết Trung thu. Những câu chuyện đã trải qua hàng nghìn năm, xây dựng cầu nối giữa cõi tiên và cõi phàm.

Hằng Nga bay lên cung trăng, thoát ly phàm giới

Nữ thần đại diện cho trăng Trung Thu không ai khác chính là Hằng Nga. Các văn hiến từ thượng cổ như “Liên Sơn” vào thời nhà Hạ, “Quy Tàng” vào thời nhà Thương, và “Chu Dịch” đều đề cập đến chuyện Hằng Nga bay lên cung trăng. Hằng Nga còn được gọi là Thường Nga, chồng nàng là Hậu Nghệ (hay Phùng Nghệ); Hằng Nga vừa xinh đẹp dịu dàng lại vừa trí huệ, là mẫu nghi thiên hạ; Hậu Nghệ là một quốc vương của triều đại nhà Hạ, thần dũng siêu nhân.

Sách “Quy Tàng” ghi: “Ngày xưa Hằng Nga dùng thuốc trường sinh bất tử từ Tây Vương Mẫu, bay lên cung trăng và trở thành nguyệt tinh.” “Liên Sơn” ghi: “Phùng Nghệ có được thuốc trường sinh bất tử từ Tây Vương Mẫu, Hằng Nga lén trộm uống rồi bay lên cung trăng.” Lịch sử có nhiều cách giải thích khác nhau đối với việc Hằng Nga “trộm thuốc”, có thuyết nói rằng Hằng Nga bản thân muốn thành tiên, tự mình trộm thuốc; có thuyết nói Hằng Nga chia thuốc làm hai phần, nhưng Hậu Nghệ đã đánh đổ phần của mình, hai người đành tiếc nuối chia tay nhau; cũng có thuyết nói có kẻ ác lẻn vào cung trộm tiên dược trường sinh, Hằng Nga vì để ngăn thuốc không rơi vào tay kẻ cướp, nên đã nuốt toàn bộ tiên dược. Còn có thuyết nói Hậu Nghệ sau khi bắn Mặt trời, dần dần trở nên kiêu ngạo và dâm dật, Hằng Nga muốn ngăn chặn Hậu Nghệ không ngừng sát hại bách tính vô tội, liền nuốt hết tiên dược vào bụng, kết quả một người thăng thiên mà đi.

Hằng Nga bay lên cung trăng. (Ảnh: Đào Tửi/The Epoch Times)

Cứ như thế, kể từ thời nhà Hạ, trong hơn bốn nghìn năm, câu chuyện Hằng Nga bay lên cung trăng đã xuyên việt phàm giới và tiên giới, đắp nối một “con đường thành tiên”, lưu cấp cho con người trí tưởng tượng. Sau khi người Trái đất đặt chân lên Mặt trăng, nhìn không thấy bất kỳ sinh vật sống nào, chứ đừng nói đến tiên nữ Hằng Nga! Vì thế mà sinh ra thuyết “hoài nghi cổ điển”, đóng một chiếc quan tài chắc chắn, phủ nhận thần tích Hằng Nga bay lên cung trăng. Kỳ thực, kết cấu vật chất của tiên giới đương nhiên khác với phàm giới, vậy nên mắt phàm làm sao có thể nhìn thấy chân tướng của tiên giới? 

Điều thần kỳ hơn nữa, khoa học hiện đại đã phát hiện nhiều loại bằng chứng chỉ ra: Mặt trăng là một thiên thể do con người thời tiền sử tạo nên, không phải là một vệ tinh tự nhiên của Trái đất chúng ta. Kỳ thực, trước nền văn minh hiện tại của chúng ta đã từng tồn tại những thời kỳ văn minh khác, mà phương thức và cao độ phát triển của nó hoàn toàn không giống với nền khoa học hiện đại. Nhân loại nếu không thể phản bổn quy chân, đề cao tầng thứ của sinh mệnh, thì không những không thể nhìn được sự thật Hằng Nga bay lên cung trăng, mà cũng không thể lý giải được bí ảo và chân tướng của sinh mệnh.

Tại sao các nhà khoa học nói Mặt trăng là phi thuyền vũ trụ? (pixabay)

Trung Thu ngắm thủy triều sông Tiền Đường

Trăng tròn trong năm đặc biệt nhất là vào ngày 15 tháng 8. Từ ngày này đến 3 ngày tiếp theo, trăng tròn khiến thủy triều lên kịch cao, xuống kịch thấp, khơi dậy sự thích thú ngắm thủy triều của mọi người. Vào thời nhà Hán, có một phong tục phổ biến là xem thủy triều trong dịp Tết Trung thu. Bài thơ “Thất phát” của nhà thơ Mai Thừa, mô tả vào ngày rằm Trung thu, ông đến cửa sông Khúc Giang ở Dương Châu để xem thủy triều.

“Thủy triều Chiết Giang, thiên hạ vĩ quan”, ngắm thủy triều ở Tiền Đường, Hàng Châu là cảnh quan hùng vĩ nhất trong số những cảnh quan hùng vĩ. Thủy triều sông Tiền Đường lên đến đỉnh điểm sau rằm Trung thu cho đến ngày 18. Thủy triều dâng cao của sông Tiền Đường thường đạt tới độ cao năm mét, thủy triều gối đầu thậm chí có thể lên tới 20 mét, như thể đoàn binh mã ngàn vạn đang phi nước đại. Vào thời nhà Đường, quận thủ quận Tiền Đường mỗi năm đều cử hành tế lễ đón thủy triều vào Trung thu để bày tỏ mong muốn trăm họ được bình an.

Diêu Hợp, một nhà thơ thời Đường viết “Hàng Châu quan triều”, mô tả: “Thế liên thương hải khoát, sắc bỉ bạch vân thâm”, “Nộ tuyết khu hàn khí, cuồng lôi tán đại âm”, “Điểu cụ đa diêu quá, long kinh bất cảm ngâm.”  Thủy triều sông Tiền Đường mạnh mẽ như bài sơn đảo hải, khí thế như sấm sét cuồng nộ, kinh tâm động phách! Chim bay không dám đến gần, rồng bay trong im lặng. Trong phong tục chí đời nhà Tống và nhà Minh đều ghi lại tình huống tráng quan ngắm thủy triều trên sông Tiền Đường.

Thủy triều Tiền Đường là kỳ quan thiên hạ, mỗi năm thủy triều lớn nhất là vào ngày 18 tháng 8, thu hút rất nhiều du khách và người dân địa phương đến thăm quan. (Ảnh: shutterstock)

Điều kỳ diệu khi ngắm thủy triều sông Tiền Đường trong dịp Tết Trung thu không chỉ là thanh thế hoành tráng của “nước gào oanh chấn, thanh như núi lở”, mà còn gắn liền với những sự tích thần kỳ. Vào thời Nam Tống, mỗi dịp Trung thu, hơn một nửa dân số Lâm An đều đến Tiền Đường để xem thủy triều. Cuốn “Di Kiên Chí” của Hồng Mại triều Tống ghi rằng, hai đêm trước Tết Trung thu năm Thiệu Hưng thứ 10, một số cư dân trên sông Tiền Đường đã nghe thấy những giọng nói từ trong không trung truyền lại, nói rằng năm nay sẽ có hàng trăm người chết trên cầu, họ đều là những kẻ tà ác, dâm loạn, bất hiếu. Lại nói: Những người có tên trong danh sách tử vong hãy bảo họ đến nhanh, còn những người không có tên trong danh sách hãy nhanh chóng rời đi. Đêm trước Tết Trung thu, người dân sống hai bên cầu mơ thấy có người đến cảnh giới rằng ngày mai không được lên cầu vì cầu sẽ gãy. Vào sáng Trung thu, người dân mấy nhà gần cầu bàn tán xôn xao, mới phát hiện đêm qua họ đều có giấc mơ giống nhau.

Vào ngày Trung thu, khi thủy triều đang đến gần, trên cầu chật kín người, những người nhận được lời khuyên từ giấc mơ đã đến cầu và tha thiết khuyến cáo mọi người nhanh chóng rời khỏi cầu. Tuy nhiên, những người trên cầu không nghe, cho rằng đó là yêu ngôn đánh lừa dân chúng. Một lúc sau, những đợt sóng triều dị thường lồng lên tràn vào bờ làm rung chuyển cây cầu, ủn nó sập xuống nước, hàng trăm người khi đó đã bị đè chết hoặc chết đuối. Người ta sau này phát hiện, những người tử vong đều là những kẻ hung ác, dâm đãng và bất hiếu. Sau khi nhận được giáo huấn kinh hoàng như vậy, con người mới biết Thần có thể dùng những sự việc dị thường mà con người không thể tưởng tượng nổi để trừng trị ác nhân, phàm sự đều không có gì là ngẫu nhiên.

Điệu múa vũ y cầu vồng, ca khúc mây tím truyền từ Tiên cung

Hoàng đế Đường Huyền Tông nhiều lần nằm mơ được du hành đến cung Quảng Hán trên mặt trăng, ông nhìn thấy các tiên nga khiêu vũ, nghe thấy nhạc khúc du dương của tiên cảnh, từ đó mà lưu truyền lại. Trong “Long Thành Lục” của Liễu Tông Nguyên thời nhà Đường, “Khai thiên truyền tín ký” thời Đường, và “Tây Hồ nhị tập” của Chu Tiếp cuối thời nhà Minh, đều có những ghi chép loại này, hậu thế cũng có những hí khúc được biểu diễn và lưu truyền thời thời đại đại.

“Tây Hồ nhị tập” của Chu Tiếp vào cuối thời nhà Minh ghi lại, vào dịp Trung thu tháng 8, sắc nguyệt tinh khiết, hoàng đế Đường Huyền Tông hỏi cao nhân tu Đạo Diệp Pháp Thiện đang ở bên cạnh ông: “Có thể lên trời thưởng trăng không?” Diệp Pháp Thiện hua tay, từ những bậc thang bằng ngọc của cung điện hóa xuất ra một cây cầu ngọc trắng, vươn lên trời, rồi ông nói với Huyền Tông: “Có thể đi!” Quân thần hai người cùng nhau bước lên cầu, chẳng mấy chốc đã tiếp cận nguyệt cung trên thiên thượng.

Hoàng đế Đường Huyền Tông lên cung trăng dưới sự hướng dẫn của Đạo sĩ Diệp Pháp Thiện. (Minh họa) (Pixabay)

Cây ngọc quế trong nguyệt cung um tùm và tràn đầy sức sống, cổng nguyệt cung Quảng Hàn khắc sáu chữ vàng “Quảng Hàn thanh hư chi phủ”. Có một số nàng tiên mặc xiêm y màu tím đang thổi khúc “Tử vân khúc” (Bài ca mây tím) và nhảy điệu “Vũ y cầu vồng”, thật mỹ diệu, duyên dáng khoan thai làm sao!

Huyền Tông nghe thấy tiên khúc thì phi thường hoan hỉ, ông tinh thông âm luật, mỗi giai điệu nghe xong đều ghi nhớ trong lòng. Đến nửa đêm, Diệp Pháp Thiện nói với Huyền Tông: “Có thể trở về rồi!” Lúc đó, ánh trăng đã dần tàn, cảnh trí như ban ngày, Huyền Tông bỗng có nhã hứng thổi sáo, nhưng cây sáo ngọc của ông vẫn đang ở Trường An tẩm điện. Diệp Pháp Thiện huýt một tiếng sáo trong không trung, sáo ngọc lập tức ứng thanh mà đến. Huyền Tông sau đó thổi một ca khúc trên cầu Bạch Ngọc, lúc này ông cúi mặt nhìn xuống hạ giới, nhìn thấy là thành Lộ Châu (nay là thành Trường Trị, tỉnh Sơn Tây). Huyền Tông thò tay vào tay áo, lấy ra mấy đồng xu bạc ném xuống thành Lộ Châu ở hạ giới, sau đó mang mối tơ tình quyến luyến, chậm rãi theo Diệp Pháp Thiện trở về. Khi họ trở lại hoàng cung, cây cầu ngọc trắng cũng biến mất.

Khoảng mười ngày sau, quan phủ Lộ Châu thượng tấu, nói rằng trong dịp Tết Trung thu vào tháng 8 có âm nhạc từ thiên thượng vang vọng xuống thành, đồng thời một số tiền xu vàng được thả xuống, nên gom lại để dâng lên. Huyền Tông thấy mấy đồng xu tiền vàng, chính xác là những gì mà bản thân ông đã thả xuống. Sau đó, ông ghi lại nhạc khúc “Tử vân khúc” và “Vũ điệu cầu vồng” của tiên giới mà bản thân đã thuộc lòng, lưu truyền lại cho hậu thế. Khúc nhạc tiên này như một lá bùa mở ra cánh cổng thiên đường, được Thần giới lưu cấp cho nhân gian.

Trung thu hạt quế trong trăng rơi xuống, thiên hương thu hút người trong Đạo

Người xưa kể rằng vào đêm 15 tháng 8, hạt của hoa quế tên cung trăng có thể rơi xuống trong ánh trăng sáng. Trong thơ Đường có nhiều bài ghi lại thần tích đêm Trung thu khi hoa quế rơi trong trăng. Hầu hết những thần tích này đều xoay quanh những người tu hành và chùa miếu.

Lý Bạch nghe thấy lá quế rơi trong trăng Trung thu, điều này càng kiên định chí hướng tầm tiên tu đạo của ông. Ông nói với người bạn Thôi Thập Nhị của mình: “Đãi ngã lai tuế hành, tương tùy phù mình bột”, cho thấy tâm nguyện được đến thăm Núi tiên Bồng Lai trên biển và chí hướng tu Đạo kiên định của ông.

Hàng Châu Giang Nam là một nơi thích hợp để thưởng trăng ngắm quế, các ngôi chùa ở Hàng Châu luôn là địa điểm nổi tiếng ngắm hoa quế rơi trong trăng. Thần tích sẽ hiển hiện với những người trong đạo. Sách “Phật tổ thống ký” ghi rằng, vào đêm rằm tháng 8 năm thứ năm đời hoàng đế Tống Nhân Tông, pháp sư Tôn Thức trong đình điện chùa Thiên Trúc đã gặp một cơn mưa hạt quế từ trên trời giáng xuống trong sân chùa, ông lấy hạt quế gieo vào rừng, rồi sáng tác bài thơ Quế Tử.

Có rất nhiều cây quế ở núi Linh Ẩn, Hàng Châu. “Hàng Châu phủ chí” ghi chép nhiều trường hợp các tăng nhân chùa Linh Ẩn Sơn nhìn thấy hạt hoa quế từ trên trời rơi xuống, cảnh tượng giống như mưa hạt hoa quế, hạt hoa quế to như hạt đậu, tròn như hạt châu, có màu trắng, vàng, đen và các màu sắc khác, mang vị cay.

Trong “Tiểu phẩm dũng tràng” do Chu Quốc Trinh, thượng thư Bộ Lễ  của nhà Minh, cũng có ghi chép trong “Quế tử lạc thu nguyệt” vào thời Nam Tống. Ông kể rằng vào những năm Thiệu Định thời Nam Tống, thi nhân Thư Nhạc Tường đang đọc sách vào đêm Trung thu, đêm đó ánh trăng vô cùng trong sáng, Thư Nhạc Tường đột nhiên nghe thấy âm thanh như mưa đá rơi trên mái ngói. Ông nội của ông mở cửa nhìn, rồi nói với ông: “Hạt quế trong trăng này”.

Bản thân Thư Nhạc Tường cũng có kinh nghiệm tự thân, vào một đêm Trung thu năm nọ, ông từng gặp những hạt hoa quế rơi giữa đêm trăng trên dãy núi Thiên Thai, có rất nhiều hạt hoa quế rơi xuống nên ông đã gọi cậu bé bên cạnh cùng nhặt chúng lên, họ nhặt được tới hai thăng. Ông nói, hạt quế trong trăng to như chương, không có vỏ, có nhân ở giữa, màu sắc như bạch ngọc với hoa văn hình trứng chim sẻ, nhai có mùi hạt vừng, có thể dùng làm gối, mùi hương thơm nưng nức. Những hạt hoa quế rơi vào đêm Trung thu này dường như có thần lực, lập tức sống dậy, rải rác trong các vết nứt của gạch, chỉ mười ngày là có thể mọc thành cây, lá mầm dài mềm mại, dù vào mùa đông vẫn thanh tú không điêu tàn. Thần tích như vậy làm sao không khiến người ta nhớ đến cây nguyệt quế thần kỳ trong truyền thuyết! Truyền thuyết kể rằng cây nguyệt quế bị Ngô Cương chặt giữa đêm trăng có năng lượng thần kỳ, đắp nó lên miệng vết thương có thể lành ngay lập tức.

Vào đêm 15 tháng 8 hoàng lịch, từ trong ánh trăng thanh khiết có thể rơi xuống những hạt hoa quế thần kỳ (pixabay)

Thắp ngọn đèn thần, hồi quy thiện Đạo

Vào đêm Trung thu, trong hoàng gia và một số dân gian địa phương có phong tục thắp đèn lồng và đốt lửa trợ ánh trăng. Trong cung điện thời Nam Tống, đèn và nến được thắp suốt đêm từ Tết Trung thu cho đến rạng sáng, khiến Tết Trung thu trong nhân gian trở nên quang minh huy hoàng.

Tết Trung thu có thể nói là lễ hội dân gian tiếp cận Thiên giới nhất. Nhân gian cổ đại có rất nhiều thần tích từng triển hiện trong tết Trung thu, nhưng rất nhiều thần tích đến nay không còn được triển hiện, bởi vì nhân loại ngày nay đang ngày càng rời xa Đạo. Nhật nguyệt luân chuyển, năm tháng tuế nguyệt đã trải qua mấy ngàn năm, Đạo của thiên địa trời đất vĩnh tồn, chỉ là do nhân tâm dần biến đổi! Chỉ khi nhân loại có thể hồi quy thiên tính, trở về với Thần tính linh minh, thì chúng ta mới có thể bước trên con đường hướng thiện hồi Thiên mà Thần đã lưu cấp cho nhân loại!

Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch

Exit mobile version