Đại Kỷ Nguyên

Thảm kịch Vũ Hán: Khi Trường Giang hoá thành sông lệ

Ảnh minh hoạ: Shutterstock.

Tôi đặt bút viết về Vũ Hán, trước tiên, từ sự thôi thúc của lương tri. Vũ Hán tang tóc, dòng Trường Giang đã nổi sóng cồn, một Trung Hoa 5.000 năm văn hoá đang chìm trong hoả ngục. Bách tính Vũ Hán rồi sẽ về đâu? Trái tim của Trung Hoa rồi sẽ trở thành thế nào? Có lẽ chẳng ai dám nói trước…

Vũ Hán đã từng là một miền đất hứa

Nằm ở ngã ba sông Trường Giang và sông Hán Thuỷ, Vũ Hán ở trên một trong những “long mạch” lớn nhất của Trung Hoa. Ngay cả cái tên Vũ Hán cũng đã chất chứa nhiều nội hàm: Vũ (武) có một nghĩa là “mạnh mẽ, oai phong”, còn Hán (漢) là chữ dùng để chỉ người Trung Hoa. Do đó, Vũ Hán có thể hiểu là “người Trung Hoa mạnh mẽ” (ấy thế mà giờ đây Vũ Hán lại yếu ớt đến lạ thường!).

Thành Vũ Hán lại nằm ở trung tâm của Trung Quốc, tựa như trái tim của cả đất nước này. Người Trung Hoa tự coi mình là “vương quốc trung tâm”, vậy thì Vũ Hán chính là “trung tâm của trung tâm”. Linh khí của Vũ Hán hẳn là có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến cả một dân tộc Trung Hoa. Ảnh hưởng mạnh mẽ thế nào, những ngày qua hẳn bạn đã nhìn rõ: chỉ một Vũ Hán suy yếu trong đại dịch mà tựa như cả Trung Quốc lao đao như người ốm thập tử nhất sinh. Quả là kỳ lạ!

Người Trung Quốc còn gọi Vũ Hán bằng một cái tên mềm mại hơn: Giang Thành. Vì thành phố này có nhiều con sông chảy qua, bản thân sông Trường Giang cũng chia đôi Vũ Hán thành hai bờ nam bắc. Người dân bờ bắc (ở Hán Dương, Hán Khẩu) tự nhận mình là người Hoa Bắc, còn cư dân ở bờ nam (Vũ Xương) lại thích coi mình là người Hoa Nam hơn. Thế là một cách tự nhiên Vũ Hán trở thành nơi hợp lưu của hai dòng chảy văn hoá nam – bắc cơ hồ rất khác biệt: người miền bắc mạnh mẽ, khẳng khái, bộc trực còn người miền nam ưu nhã, lãng mạn, có tâm hồn nghệ sĩ.

Người ta nói rằng, Vũ Hán là mảnh đất dành cho những người yêu lịch sử, văn hoá. Tạo hoá ban cho “Giang Thành” rất nhiều ân sủng. Thành phố vừa có một lịch sử dày dặn, nhiều nội hàm, vừa có những cảnh trí thiên nhiên tuyệt mĩ, lại vừa có nhiều danh thắng đậm màu sắc văn hoá. Dù chưa đặt chân đến nơi này lần nào nhưng hai chữ “Vũ Hán” cứ ngân vang trong đầu tôi mãi.

Những ảnh hình của quá khứ vàng son cứ thế dội về. Này là chỗ Thôi Hiệu uống rượu, phất tay áo, cất bút đề thơ trên lầu Hoàng Hạc. Kìa là chỗ Bá Nha – Tử Kỳ người gảy đàn, kẻ thưởng âm tiêu dao ngày tháng. Kia nữa là nơi Tôn Quyền, một trong những anh hùng Tam Quốc, lên ngôi Hoàng đế… Và kia nữa là Quy Sơn, Xà Sơn uy nghiêm, sừng sững nhìn xuống dòng Trường Giang cuồn cuộn chảy về đông, là Đông Hồ lãng đãng khói sương gợi niềm thi hứng…

Hoàng Hạc Lâu ở Vũ Hán (thế kỷ XIX). Ảnh: Wikimedia Commons.

Nhưng rồi một ngày tất cả bỗng vụt tắt…

Virus Corona lây lan, phát tán không thể kiềm chế. Đại ôn dịch từ trên trời giáng xuống đầu bách tính. Chính quyền phong thành, ngăn sông cấm chợ như thời Đại Cách mạng Văn hoá. Bệnh nhân đổ ngã giữa đường. Bệnh viện chật ních người. Lò hoả táng hoạt động suốt ngày đêm không nghỉ. Vũ Hán chìm trong khói lửa giữa thời bình…

Những ngày này, khi gõ dòng chữ “Vũ Hán” vào công cụ tìm kiếm internet, bạn sẽ rùng mình bởi rất nhiều tin tức u ám: nào là số nạn nhân tử vong mới nhất là bao nhiêu, bệnh viện quá tải ra sao, nào là cư dân khổ sở thế nào, nào là chính quyền gay gắt phong thành ra sao… Cái tên Vũ Hán đã nổi tiếng khắp thế giới.

Một người bạn từng nói với tôi: “Cậu biết bây giờ ra đường người ta sợ nghe nhất câu gì không? Chính là: Tôi đến từ Vũ Hán!”. Bài hát “Người đến từ Triều Châu” từng là niềm tự hào của nhiều người Hoa khi ra ngoại quốc. Bây giờ, có lẽ xưng hiệu “Người đến từ Vũ Hán” lại khiến họ khổ sở khắp nơi vì bị kỳ thị.

Là một người Việt bản địa, trước giờ tôi không hề có quan hệ máu mủ, ruột thịt gì với Vũ Hán. Nhưng nếu là một người còn có lòng trắc ẩn, hẳn bạn cũng như tôi, sẽ tự thấy một nỗi buồn len lén trong tâm, một nỗi xót xa dâng dâng trong lồng ngực. Vũ Hán, bây giờ đã là nỗi đau chung của cả thế giới này… 

Trường Giang nghìn năm, vạn năm chảy qua Vũ Hán, đã chứng kiến hưng phế, thịnh suy của biết bao nhiêu triều đại, đã cuốn theo dòng chảy của mình bao kẻ anh hùng, vĩ nhân lịch sử. Những ngày này, Trường Giang cuồn cuộn nước, nổi sóng cồn như chất chứa trong lòng bao oán trách: Vì ai gây ra cơ sự này?

Vũ Hán hôm nay đã đổi áo, thay màu. Dưới bóng lầu Hoàng Hạc, nào còn thấy tiên nhân cưỡi hạc vàng du ngoạn? Cả thành phố chỉ rặt một màu tang tóc. Người ta huy động quân đội, cảnh sát, thậm chí viện đến cả súng ống để dập dịch, để cách ly, để ngăn ngừa virus. Cả thành Vũ Hán lung linh hào hoa thuở nào giờ im lìm dưới lệnh giới nghiêm, thiết quân luật. Hơn 11 triệu dân Vũ Hán ẩn núp trong nhà tránh đại dịch. Cơn ác mộng Corona đang tàn phá cả thể chất và tinh thần người Vũ Hán.

Sông Trường Giang (Trung Quốc). Ảnh: Pixabay.

Tôi không muốn nói nhiều về việc chính quyền Trung Quốc đang cố lấy giấy bọc lửa, múa tay trong bị khi che giấu tất cả những thông tin xác thực nhất về đại dịch Vũ Hán. Tôi cũng không muốn đề cập đến câu chuyện virus viêm phổi thực ra là sản phẩm nhân tạo “gậy ông đập lưng ông” của một ai đó. Đó là những câu chuyện đã quá đủ buồn. Tôi chỉ thương người dân Vũ Hán! Dù tốt, dù xấu, dù là bất kể ai, chúng ta đều chỉ có một sinh mạng này. Sinh mệnh con người là trân quý nhất bởi đó là tạo tác của Thần, của Thượng Đế. Khi chứng kiến những đứa con của mình đang phải oằn mình trong nỗi đau đớn, hành hạ thể xác như thế, có lẽ Thượng Đế cũng phải rơi lệ.

Những sinh mệnh bị bàn tay ác quỷ cướp đi đã quá nhiều, quá nhiều…

Ai đó đã phát ra lời kêu gọi cả thế giới hướng về Vũ Hán, cầu nguyện cho người dân Vũ Hán. Ai đó cũng đã buông bỏ sinh tử cá nhân mà hướng về vùng tâm dịch để đồng cam cộng khổ cùng bách tính. Nhưng kiếp nạn trời xanh kia bao giờ mới dứt? Trong đại nạn, làm thế nào để giữ được sinh mệnh quý giá của mình? Câu hỏi ấy, xin dành để mỗi người tự trả lời trong tâm…

Video: Nội tình cuộc khủng bố gần hai thập kỷ đang diễn ra tại Trung Quốc

Exit mobile version