Đại Kỷ Nguyên

Thần Phật hiện thân trước mắt, vì sao con người cứ mãi chẳng nhìn ra?

Con người thường xét đoán sự vật theo vẻ bề ngoài, không nhìn thấu suốt đạo lý bên trong. Vậy nên người ta thường dẫn đến hành động hồ đồ. Vậy làm thế nào để có được trí huệ sâu sắc, nhìn thấu sự đời? 

Cư sĩ Già La Việt vốn luôn mong có được trí huệ sâu sắc như Văn Thù Bồ Tát. Vậy nên, hễ đến chùa ông liền thành tâm đảnh lễ trước tượng Văn Thù Bồ Tát thân đeo chuỗi ngọc, cưỡi trên sư tử, tay cầm thanh bảo kiếm trí huệ.

Già La Việt một lòng khẩn cầu: Văn Thù Bồ Tát đại từ đại bi, đệ tử Già La Việt khẩn xin ngài hiện thân gia trì, đại khai trí huệ cho đệ tử“.

Một ngày kia, cư sĩ Già La Việt chuẩn bị tiệc chay thịnh soạn cúng dường chư tăng. Ở phía trước yến hội có đặt một chiếc ghế ngồi cao lớn, tinh mỹ, mong rằng Văn Thù Bồ Tát trang nghiêm có thể hiện thân, nhận sự cúng dường của mình.

Không lâu sau, trong số tăng chúng đến thọ cúng dường, có một ông lão chân bị què, bộ dạng xấu xí, trên mình mặc một bộ quần áo rách nát, dài ngắn không đều, trông vô cùng nhếch nhác, bẩn thỉu. Ông lão bị què chân đi từng bước, từng bước cà nhắc đến chỗ chiếc ghế sang trọng rồi ngồi xuống.

Già La Việt trông thấy, lòng nghĩ: “Chỗ ngồi cao quý này nguyên là để dành cho Văn Thù Bồ Tát trang nghiêm, làm sao có thể để cho một tên ăn mày nhếch nhác thế kia ngồi vào được!“.

Thế là, Già La Việt vội vàng chạy đến, lôi ông lão từ trên ghế xuống, yêu cầu ông hãy đi sang phía bên dùng bữa. 

Một lúc sau, ông lão chân thấp chân cao, lại mon men đến chỗ ghế ngồi. Sao lại chạy đến đó nữa!“, Già La Việt không còn giữ được bình tĩnh, sấn sổ bước đến, ra sức lôi ông lão xuống. Nhưng chỉ sau một lúc, ông lão lại chống gậy đến ngồi trên chiếc ghế trang nghiêm đó. Cứ lôi lôi kéo kéo 7 lần như vậy, cuối cùng ông lão bèn tìm một nơi vắng vẻ nhất ngồi xuống. Già La Việt thấy vậy thở phào nhẹ nhõm.

Sau bữa cúng dường, Già La Việt đi vào Phật điện, hết sức cung kính đảnh lễ, cầu nguyện hồi hướng: “Đệ tử Già La Việt, thành khẩn cầu xin: Nguyện đem công đức cúng dường chư tăng hôm nay hồi hướng đời này có thể thấy được Văn Thù Bồ Tát hiện thân gia trì, khiến cho để tự đắc được đại trí huệ“.

Bận rộn mệt nhọc cả một ngày trời, sau khi Già La Việt từ chùa trở về nhà, vừa mới nằm xuống đã ngủ thiếp đi. Trong mơ, ông chợt thấy Văn Thù Bồ Tát mà mình hàng ngày sớm tối cầu nguyện. Văn Thù Bồ Tát nói với ông:

Nhà ngươi không phải từ sáng đến tối đều tụng niệm, mong được tận mắt trông thấy ta đó sao? Mong ta đến nhận sự cúng dường. Vì để thỏa mãn tâm nguyện của ngươi, hôm nay ta đã tự mình hiện thân đến nhận cúng dường nhưng nhà ngươi lần nào cũng lôi ta từ trên ghế xuống, tất thảy 7 lần. Vì không để nhà ngươi buồn lòng, ta đành phải đến một góc vắng vẻ dùng bữa cơm chay“.

Lúc này, Già La Việt bỗng từ trong mộng sực tỉnh, nhớ lại ông lão què quặt trong yến hội cúng dường chúng tăng hôm nay cứ luôn muốn được ngồi lên chiếc ghế sang trọng đó. Hóa ra đó chính là hóa thân của Văn Thù Bồ Tát!

Văn Thù Bồ Tát từ bi hiện thân, bản thân không những không bước lên lễ bái, lại có mắt không tròng, ra sức lôi Bồ Tát ra khỏi ghế, thực là đại tội, cũng là hối tiếc lớn nhất trong đời Già La Việt. 

Cư sỹ Già La Việt vô cùng hối tiếc về việc làm của mình. Ảnh minh họa dẫn theo podroze.onet.pl

***

Người trần mắt thịt, chỉ thấy những chuyện hữu hình, chỉ cầu những điều lợi nhìn được. Họ vốn không thể có được “tuệ nhãn” mà nhìn thấu chân tướng như các bậc thánh nhân. Già La Việt nguyên là một cư sĩ, bất quá cũng chỉ là một người thường đang tu hành, không thể nhận ra hóa thân của Văn Thù Bồ Tát cũng là chuyện không lạ vậy.

Con người thường cho rằng ‘không thấy thì không tin’. Nhưng như lời Chúa: “phúc cho ai không thấy mà tin”. Họ không nhìn bằng đôi mắt thịt hạn hẹp kia, mà chính là thấu suốt bằng cái tâm chân thành, từ bi, hồn hậu.

Lễ cúng dường cho chư Phật dù nhiều hay thật trang trọng mà cái tâm người ta không sáng, không thanh thì tất cả đều là hoài công vô ích. Trong cuộc sống này, một tấm lòng chân thành, thiện lương là điều đáng quý hơn mọi thứ. Có thiện lương thì ắt có đại trí, đại huệ. Có tấm lòng từ bi thì cũng có được cảnh giới cao thâm nhất.

Chẳng cần Già La Việt thật sự nhìn ra hóa thân của Văn Thù Bồ Tát, nếu ông có thể đối xử thiện lành hơn với ông lão què thì có thể câu chuyện đã khác. Trong tâm tồn giữ thiện niệm, lấy thiện đãi người thì Thần linh sẽ chở che và cấp cho trí huệ. Còn trong lòng luôn tham  lam và đầy ác niệm, Thần Phật có ở ngay trước mắt cũng không cách nào thấy được? Phật gia giảng: “Phật tại tâm trung” là có hàm nghĩa như thế.

Trên đường đi lấy kinh, phải qua núi thẳm hang hoang, có lần Đường Tăng chồn chân mỏi gối, bèn nói với các đồ đệ: “Đồ đệ ơi, các con, nhìn thế núi trước mặt cao vòi vọi thế kia, vậy phải cẩn thận nhé! Ta thấy núi ấy sừng sững, hung khí bảng lảng, mây độc chập chờn, bất giác cảm thấy hoảng sợ, toàn thân tê dại, thần trí chẳng an“.

Ngộ Không nghe nói, cười bảo Đường Tăng: “Sư phụ đã quên bản Đa Tâm Kinh của Thiền sư Ô Sào rồi chăng?“. Đường Tăng đáp: “Ta vẫn nhớ chứ!“. Ngộ Không lại nói: “Sư Phụ tuy nhớ nhưng lại quên mất 4 câu tụng này“:

Phật ở Linh Sơn lọ phải cầu
Linh Sơn trước mắt lại tìm đâu!
Ai ai cũng có Linh Sơn tháp
Tu ở Linh Sơn đạo rất mầu.

Trong tâm luôn hướng Phật, ôm giữ lòng thiện lương, khoan dung thì cõi Phật cực lạc chính là ở ngay trước mắt vậy!

Thiện Sinh 

Xem thêm:

 

Exit mobile version