Đại Kỷ Nguyên

Thân thế bí ẩn của Giả Bảo Ngọc trong Hồng Lâu Mộng ít người biết rõ

Thân thế bí ẩn của Giả Bảo Ngọc trong Hồng Lâu Mộng ít người biết rõ

Trong văn hóa cổ xưa, các câu chuyện Thần tiên hạ phàm giúp cho con người có được nhận thức chân chính về sinh mệnh, đồng thời tin tưởng vào nguồn gốc cao quý của chính mình.

Có lẽ, sự cao quý trong nguồn gốc sinh mệnh càng khiến con người ta xem trọng việc tu thân dưỡng tính, trọng đức hành thiện, mong có ngày được trở về ngôi nhà thật sự của mình.

Trích tiên, tức Thần tiên hạ phàm, là một trong những chủ đề thường thấy trong văn hóa cổ xưa. Trong các câu chuyện cổ tích, thần thoại, tiểu thuyết, hay truyền kỳ dã sử qua các triều đại khác nhau cũng có rất nhiều ghi chép. Ví dụ, Lý Bạch là Thái Bạch Kim Tinh hạ phàm, Đông Phương Sóc là Mộc Tinh giáng thế, Bao Chửng là Văn Khúc Tinh Quân chuyển sinh, ngoài ra còn có rất nhiều tiên nhân thánh giả khác nữa.

Danh tác “Hồng Lâu Mộng” cũng mượn chủ đề “Trích tiên”, qua đó đã diễn một vở kịch về muôn hình muôn vẻ nhân tình thế thái nơi thế gian. Bảo Ngọc sau khi trải qua một phen tình kiếp, trong tâm đã rèn giũa ra được ánh quang minh, tu thành bậc chính giác, cuối cùng nhìn thấu thật giả của cõi hồng trần, theo một tăng một đạo du ngoạn khắp đất trời.

Bảo Ngọc hạ thế

Trong thế giới “Hồng Lâu Mộng”, tiền thân của Giả Bảo Ngọc là một hòn đá thiêng còn sót lại khi Nữ Oa vá trời. Hòn đá trong sáng long lanh ở dưới chân núi Thanh Ngạnh hấp thụ tinh hoa nhật nguyệt, cuối cùng tự thông linh tính, trở thành Thông linh bảo ngọc đi lại tự do như ý.

Thông linh bảo ngọc tiêu diêu tự tại, đến du ngoạn các nơi cõi thiên giới. Một ngày kia, nó đến nơi của Cảnh Ảo tiên tử. Tiên tử biết nó rất có lai lịch, liền giữ nó lại làm Thần Anh thị giả chầu chực ở cung Xích Hà.

Bên bờ sông Linh Hà ở Tây phương, bên cạnh hòn đá Tam Sinh có một cây Giáng Châu tiên thảo. Thần Anh thấy nó duyên dáng đáng yêu, ngày ngày lấy nước cam lồ tưới bón, nó mới tươi tốt sống lâu. Cây tiên hấp thụ tinh hoa của trời đất, lại được nước cam lồ chăm bón, dần dần cây Giáng Châu thoát được hình cây, hóa thành hình người, tu luyện thành người con gái, suốt ngày rong chơi ngoài cõi trời Ly Hận, đói thì ăn quả “Mật Thanh”, khát thì uống nước bể “Quán Sầu”.

Chỉ vì chưa trả được ơn bón tưới, cho nên trong lòng nó vẫn mắc míu, khi nào cũng cảm thấy như còn vương một mối tình gì đây. Gần đây, Thần Anh bị lửa trần rực cháy trong lòng, nhân gặp trời đất thái bình thịnh vượng muốn xuống cõi trần để qua kiếp “ảo duyên”, nên đã đến trước mặt vị tiên Cảnh Ảo ghi sổ. Cảnh Ảo liền hỏi đến mối tình bón tưới, biết chưa trả xong, muốn nhân đó để kết liễu câu chuyện. Nàng Giáng Châu nói: “Chàng ra ơn mưa móc mà ta không có nước để trả lại. Chàng đã xuống trần làm người, ta cũng phải đi theo. Ta lấy hết nước mắt của đời ta để trả lại chàng, như thế mới trang trải xong!”.

Thông linh bảo ngọc tuy có thể tiêu diêu tự tại, nhưng nó lại buồn vì bản thân không có tài vá trời nên mới bị Nữ Oa bỏ lại, rất lấy làm tủi phận, ngày đêm kêu khóc buồn rầu. Một hôm, trong lúc nó đang than phiền, thì Mang Mang đạo sĩ, Diễu Diễu chân nhân thấy viên bảo ngọc trong sáng long lanh, cho rằng đây quả đúng là một linh vật. Hai vị bèn quyết định giúp nó thác sinh vào một gia tộc thi lễ trâm anh, ở vùng đất trù phú phồn hoa, quê làng phú quý êm ấm mà trải nghiệm một phen, rồi sau dẫn y bước trên chính đạo nơi bờ bên kia.

Thần Anh thị giả hạ phàm, biết bao nhiêu oan gia phong lưu cũng theo đó lần lượt giáng thế. Mang Mang đạo sĩ, Diễu Diễu chân nhân vì để độ thoát những người này, đã đến nơi Cảnh Ảo tiên tử cho biết lai lịch của Thông linh bảo ngọc, rồi biên ra vở kịch lớn với biết bao ân ân oán oán.

Trải qua không biết mấy đời mấy kiếp, Không Không đạo nhân tầm tiên học đạo đã phát hiện viên bảo ngọc, cũng đã nhìn thấy bộ kỳ thư được khắc trên thân nó. Nội dung của bộ kỳ thư khá tường tận, từ chuyện đầu thai vào đâu, trải qua đoạn đường thế nào, cả đến những việc vụn vặt trong gia đình, tư tình, thơ tứ trong khuê các, đều chép đủ cả. Đó cũng chính là kịch bản mà sau khi Bảo Ngọc đầu thai sẽ phải trình diễn vậy.

Tào Tuyết Cần sau khi trải qua một phen mộng ảo, đã mượn nhờ thông linh biên soạn “Thạch Đầu Ký”. Sau Tào Tuyết Cần mười năm đọc bộ sách này ở trong hiên Điệu Hồng, thêm bớt năm lần, xếp thành mục lục, chia ra từng chương hồi, lại đề là “Kim lăng thập nhị thoa”.

Tác phẩm ngoài tác dụng giải khuây cho mọi người sau những bữa cơm trà, cũng để lại cho người đời một cái nhìn sâu sắc về kiếp nhân sinh mộng ảo. Một giấc mộng với ảo ảnh huyền diệu mê hoặc con người trong danh, lợi, tình; những đắm say dù vô cùng ngắn ngủi nhưng cũng đủ xót xa cả đời. Một lần nữa tác phẩm đã cho người đời thêm hiểu về cảm ngộ danh lợi ở đời như kiếp mây trôi bèo dạt, vinh hoa phú quý là hư vô phảng phất, tình ái ngọt ngào như nước chảy hoa rơi.

Nguyên thần Bảo Ngọc vui chơi nơi Thái Hư cảnh ảo

“Mộng đẹp, mây tan mộng; hoa bay, nước cuốn hoa. Nhắn bảo bạn nhi nữ, buồn hão chuốc chi mà?”, đây là ca khúc đầu tiên Giả Bảo Ngọc nghe tiên nhân hát trong lúc xuất thần dạo chơi nơi Thái Hư cảnh ảo.

Thái Hư tiên cảnh đẹp như thế nào? Trong Hồng Lâu Mộng, nàng tiên ấy được miêu tả rằng:

“Ve vẩy tay tiên, xạ lan ngào ngạt,
Phất phơ tà áo, hoàn bội gần xa.
Mặt hoa đào, làn tóc mây xanh ngắt,
Môi anh đào, răng hạt lựu hương pha.
Tuyết múa, gió quay, lưng ong mềm mại,
Mặt tươi, da bóng, châu thúy chói lòa.
Thấp thoáng trong hoa, như mừng như giận.
Nhởn nhơ mặt nước, khi bổng, khi là.
Mày liễu cau cau, muốn nói mà còn e lệ,
Gót sen chầm chậm, muốn dừng mà vẫn dạo qua.
Phẩm chất đáng khen, giá trong ngọc sáng.
Áo quần rất đẹp, lộng lẫy văn hoa,
Kể dung mạo, hương lồng ngọc giát,
Ví phong tư, rồng cuốn, phượng sa.
Trắng như hoa mai tuyết phủ,
Sạch như bông huệ sương pha.
(…)
Tây Thi đáng thẹn, Vương Tường kém xa.”

Còn chốn tiên giới ấy:

“Nhàn tĩnh như cỗi thông mọc trong không cốc,
Diễm lệ như mây ráng soi dưới trùng ba.
Văn vẻ như rồng bơi trong đầm uốn khúc,
Quang thái như trăng rọi trên sông Ngân Hà.”

Thần tiên tỉ tỉ đầu tiên Bảo Ngọc trông thấy chính là Cảnh Ảo tiên tử cai quản những việc nợ trăng tình gió, gái giận trai si ở cõi trần. Nàng cho Bảo Ngọc hay, hôm nay tương phùng, vốn chẳng phải chuyện ngẫu nhiên. Nàng mời Bảo Ngọc nếm thử rượu ngon nơi tiên giới, lắng nghe 12 tiên khúc “Hồng Lâu Mộng” nàng vừa mới sáng tác.

Chuyến du ngoạn lần này của Bảo Ngọc đã nói ra vận số của hai phủ Ninh Vinh, vận mệnh và thân phận của “Kim Lăng thập nhị thoa” (12 cô gái đất Kim Lăng).

Cảnh Ảo tiên tử vốn định ghé qua Vinh Quốc phủ để nghênh đón Giáng Châu tiên tử đến chơi, trên đường gặp linh hồn hai ông Ninh công, Vinh công. Linh hồn hai ông Ninh công, Vinh công nói rằng, bởi gia tộc có công với xã tắc từ đầu quốc triều, đời đời được hưởng công danh phú quý, tính đến nay đã hơn trăm năm. Bây giờ số vận đã hết, không thể kéo lại được nữa. Con cháu tuy nhiều, nhưng chẳng có ai nối nghiệp. Chỉ có cháu đích tôn là Bảo Ngọc, có chút thông minh đĩnh ngộ, may ra có thể thành đạt được, nhưng vì tính nó ngang trái kỳ quặc, sợ không ai dìu dắt vào đường chính.

Trong đoạn truyền kỳ này, thông qua Thông linh bảo ngọc, con người thế gian có thể thấy được thần tích thượng cổ Nữ Oa vá trời, khổ tâm độ hóa người đời của Mang Mang đạo sĩ, Diễu Diễu chân nhân, những lời nhắn nhủ tha thiết của linh hồn hai ông Ninh công và Vinh công, căn nguyên của Không Không đạo nhân khi sao chép “Thạch Đầu Ký”. Từ Thiên thượng xuống nhân gian, thần linh các giới đều nhất nhất an bài tường tận, tận tâm trải đường cho những thiên nhân tiên tử giáng thế này. Lớn đến thời vận đổi thay, nhỏ đến những chuyện vụn vặt nơi khuê các, ngâm thơ đối ẩm, thưởng nguyệt xem hoa. Thật đúng là một màn kịch chốn nhân gian, hao tâm tổn trí biết bao chư Thần.

Trong dự ngôn trong tôn giáo cũng như vô số các nhà tiên tri, vào thời mạt kiếp khi hoa Ưu Đàm khai nở, đó cũng chính là lúc Đức Di Lặc Chuyển Luân Thánh Vương hạ thế truyền Pháp cứu độ chúng sinh, vô số chúng Thần nơi thiên thượng đều sẽ lần lượt hạ thế chuyển sinh thành người để tìm kiếm chân kinh, nghe giảng Phật Pháp. Tào Tuyết Cần kể rằng bản thân đã trải qua một phen mộng ảo, mượn nhờ hòn đá thiêng mà biên soạn một giấc mộng chốn lầu hồng. Thế duyên của một tảng đá còn như vậy, thử hỏi nhân duyên của người đời há chẳng càng trân quý hơn sao?

Ảnh: Phim Hồng Lâu Mông 1987

Theo Epochtimes
Vũ Dương biên dịch

Exit mobile version