Đại Kỷ Nguyên

Thần thoại Hy Lạp diễn nghĩa (Kỳ 3): Mãnh sư cũng tựa mèo hoang, to gan lớn mật thế gian xem thường

Thần thoại Hy Lạp là tập hợp những câu chuyện mang tính huyền thoại và truyền thuyết của người Hy Lạp cổ. Các tác phẩm này có ảnh hưởng rất lớn đến văn hóa truyền thống, tín ngưỡng của con người phương Tây. Do vậy, muốn hiểu về văn hóa phương Tây, nhất thiết phải tìm hiểu về Thần thoại Hy Lạp. Ngày nay, người ta thường biết đến mảng đề tài này chủ yếu qua những lời kể rải rác trong các câu chuyện cổ của Hy Lạp.

Trong loạt bài viết này, Chuyên mục Văn Hóa – Thời báo Đại Kỷ Nguyên xin trân trọng giới thiệu tới quý độc giả về chủ đề ‘Thần thoại Hy Lạp’ thông qua hình thức biểu đạt độc đáo: Tiểu thuyết chương hồi, ngõ hầu giúp bạn đọc tiếp cận, khám phá các tích truyện và nhân vật của Thần thoại Hy Lạp dưới một lăng kính mới mẻ, thú vị hơn.

Ban biên tập rất mong nhận được sự quan tâm theo dõi cũng như những ý kiến đóng góp, phản hồi từ quý độc giả để bài viết của chúng tôi ngày càng thêm hoàn thiện.

Kỳ 3: Mãnh sư cũng tựa mèo hoang, to gan lớn mật thế gian xem thường

Chỉ nghe tiếng gió vụt đến, một thân hình to lớn đầy sức lực nhưng êm nhẹ như một con mèo hoang từ phía sau chồm tới táp vào vai Heracles…

Cithaeron là một vùng núi đá vôi trải dài khoảng 10 dặm, nằm ở miền Trung Hy Lạp, giữa thành bang Boeotia ở phía bắc và Attica phía nam. Núi non ở đây không cao chất ngất mà trập trùng, thoai thoải, đều đặn hiền hòa. Trên sườn núi là những khu rừng thông mọc san sát nhau xanh rì. Giữa những dãy núi là những thung lũng bằng phẳng rộng rãi với thảm cỏ xanh êm mượt như một chiếc đệm thiên nhiên khổng lồ và những cây ô-liu xanh tốt mọc rải rác. Nơi đây có bầu trời xanh ngắt mang đặc trưng của vùng Địa Trung Hải: mây trắng mơ màng, nắng vàng mơn man và gió thổi nhẹ, mang theo mùi cỏ tươi và phảng phất hương hoa đồng nội.

Nếu đứng ở trên một đỉnh núi của Cithaeron nhìn xuống thung lũng thì người ta cũng trông thấy những cụm ‘mây’ trắng xốp lang thang di động. Lại gần hơn nữa sẽ thấy hóa ra đó là những bầy cừu đang tha thẩn gặm cỏ, trên cổ chúng đeo lục lạc kêu lanh canh. Những con chó chăn cừu sủa vang, chạy quanh đàn cừu. Ở giữa đàn cừu lớn ấy là một chàng chăn cừu tuấn tú với hình vóc thật là khôi vĩ.

Hóa ra đó là những bầy cừu đang tha thẩn gặm cỏ. (Ảnh minh họa: enduranceag.nz)

Chàng trai ấy còn trẻ lắm, chỉ chừng 18 tuổi. Chàng mặc một bộ Chilton [1] màu trắng làm bằng len lông cừu dài tới đầu gối, tay và vai trái che kín nhưng cả cánh tay và vai phải để hở, lộ ra những bắp thịt màu đồng đỏ cuộn vồng lên. Chân chàng đi một đôi sandal [2] da bò. Chàng rất cao lớn, thân thể rắn chắc, cân đối với dáng vẻ tự nhiên tuyệt đẹp. Dù chàng có ngồi bệt xuống đất cũng chẳng mất đi vẻ dũng mãnh. Khi chàng khoan thai vươn thẳng người dậy thì sừng sững như một ngọn núi vững chãi và tràn đầy ngạo khí. Cái vẻ ngạo khí ấy cũng được toát ra từ đôi mắt xanh trong vắt linh hoạt có khi mở to háo hức, nhưng lắm lúc lại khép hờ trông xuống một cách thờ ơ, rất hợp với bờ môi dày gợi cảm hơi nhếch lên một cách khinh thị. Tô điểm thêm phần ngạo nghễ là chòm râu quai nón rậm rì và mái tóc xoăn dày buông xuống bờ vai một cách hoang dã bất cần. Quả là hình mẫu biểu trưng cho vẻ đẹp nam tính khiến hầu hết các cô gái và các nhà điêu khắc phải mê mẩn.

Bên cạnh chàng là một cây chùy bằng đồng đỏ nặng đến mức mà khắp các thành bang Hy Lạp không có mấy người nhấc nổi. Nhưng nó lại là vũ khí chàng dùng để luyện tập hàng ngày.

Bỗng có tiếng gọi văng vẳng từ xa:

“Cậu chủ Heracles ơi!…”

Đúng vậy, chàng trai đó chính là Heracles, cậu bé bóp chết hai con rắn vào 18 năm trước. Chàng đứng dậy nhìn về phía chân núi. Một bóng người già nua bước thấp bước cao nhưng nhanh nhẹn đang chạy đến. Đúng lão bộc Doulos rồi.

Doulos được người cha dượng Amphitryon của Heracles cứu sống trong trận đánh vua Pteleas ở đảo Taphos; ông ta cảm kích nên nguyện đi theo hầu hạ Amphitryon đến hơi thở cuối cùng. Tuy vậy, từ sau trận đánh ấy, Doulos bị thương ở chân trái nên đi lại khập khiễng. Từ khi Heracles mới còn là chú nhóc sơ sinh Alcide, Doulos đã có tình cảm quyến luyến kỳ lạ với chàng, nên ông được giao nhiệm vụ làm nô bộc cho Heracles.

Chạy đến trước mặt Heracles, Doulos cúi người, tay chống đầu gối thở dốc. Heracles khoanh tay trước ngực cười khoái trá. Chắc là Doulos vội đến báo việc gì vui mừng đây, vội gì mà vội đến thế! Chàng để ông ta nghỉ một chút để lấy sức, trong khi ấy liếc mắt nhìn xuống lão bộc. Doulos có nước da màu mật, tóc dài và gần như bạc trắng, vóc người xương xương và cao dong dỏng. Đôi mắt hơi nhỏ nhưng dài, quen nhìn thẳng và nhìn xa với những vết rạn chân chim nơi khóe mắt. Chiếc áo Chilton và dép sandal Doulos đang dùng là được Amphitryon ban cho để thưởng công hầu hạ Heracles, mặc dù người ở tầng lớp ông ta hiếm khi được đi sandal ngoài trời. Doulos vẫn chưa hồi sức thì Heracles đã bắt đầu sốt ruột:

– Nào, có chuyện gì hả lão Doulos?

– Có tin mừng cậu chủ ạ! Thứ nhất là có cơ hội về lại Thebes rồi! – Doulos nói trong hơi thở vẫn còn hổn hển.

– Hóa ra là vậy à? – Heracles đáp hờ hững.

– Cậu chủ không quan tâm sao? – Doulos ngạc nhiên.

– Đúng thế. Ở đây ta còn thấy tự do hơn!

Doulos hơi thất vọng, ông tưởng Heracles phải vui mừng hơn mới phải.

– Lão tưởng cậu chủ muốn trở về Thebes gần gũi phụ vương. Một mai cậu phải thay ngài cai quản Thebes. Ngài đã chăm lo đến việc giáo dục cậu chủ, chuẩn bị cho cậu chu đáo để có ngày làm rạng danh ngài trên vương vị xứ Thebes đến thế cơ mà.

– Phải, phải. Ý lão muốn nói đến việc phụ vương thuê bao nhiêu thầy giỏi đến dạy ta phải không? Mặc dù rất yêu quý phụ vương nhưng ta chưa bao giờ muốn làm vua. Với lại, nhốt mình trong tường thành và học những môn thơ thẩn nhạc nhẽo, kiến thức văn vẻ là điều mà ta chán nhất.

Nghe cậu chủ nói vậy, Doulos nhớ lại hồi Heracles còn nhỏ xíu, dường như Amphitryon đã dành sự quan tâm giáo dục đặc biệt cho chàng, mặc dù ngài yêu thương hai anh em Iphicles và Heracles như nhau. Sau sự kiện Heracles bóp chết hai con rắn, ngài có nhờ nhà tiên tri mù Tiresias tiên đoán số mệnh của Heracles, câu trả lời là sau này chàng sẽ lập những chiến công Thần kỳ và được Thiên đình Olympus cho gia nhập hàng ngũ các vị Thần. Do vậy, ngài nhất quyết sẽ truyền ngôi cho Heracles và huấn luyện cho chàng trở nên toàn tài. Tự ngài truyền dạy cho Heracles thuật điều khiển xe ngựa kéo. Ngài mời người anh hùng Autolycus – con trai của thần Hermes, để tới truyền dạy cho Heracles môn quyền thuật. Xạ thủ số 1 Hy Lạp là Euristus tới kèm riêng Heracles môn bắn cung. Ngoài ra, còn có Eumolpus và Linus dạy âm nhạc, vị nhân mã á Thần Chiron dạy các môn khoa học…

Doulos nhớ lại hồi Heracles còn nhỏ xíu, dường như Amphitryon đã dành sự quan tâm giáo dục đặc biệt cho chàng. (Ảnh minh họa: flickr.com)

Tiếng Heracles vang lên ồm ồm:

– Thôi được, lão sẽ nói lý do đến đây sau. Giờ hãy đi dắt hai con ngựa buộc đằng kia về đây. Trời đã chiều rồi, chúng ta phải đi lùa lũ cừu về chuồng kẻo sắp đến giờ con sư tử Cithaeron đi ăn rồi đấy. Nhanh nhanh lên nào.

Nghe vậy, Doulos khấp khởi mừng thầm. Lão lập tức làm theo lời Heracles. Hai người nhảy lên ngựa. Heracles huýt sáo, mấy con chó sủa vang, chia làm hai nhóm cùng hai người tản ra hai bên đàn cừu để xua chúng về chuồng.

Khi cừu đã về đến sân trại, Heracles mới hỏi:

– Chuyện quay về Thebes là thế nào?

Lão bộc trả lời:

– Đức vua Amphitryon truyền lệnh cho cậu chủ đi diệt con sư tử Cithaeron, nó đã bắt bao nhiêu gia súc của ngài và vua Thespius xứ Thespiae. Nếu cậu chủ diệt được nó thì có thể xóa bỏ lỗi lầm với thầy Linus và quay về Thebes.

Linus là ông thầy dạy nhạc. Nói chung, trái ngược với các môn võ nghệ côn quyền, Heracles là một học trò đáng thất vọng của các ông thầy dạy âm nhạc và khoa học. Bao giờ cũng thế, thầy giảng phía trên thì Heracles ngáy khò khò phía dưới. Hầu hết các thầy cũng đã quen với việc này. Duy chỉ có Linus một hôm bực quá mới cầm thước vụt vào người Heracles khiến cậu học trò đang ngủ say đột ngột thức giấc. Bị đánh bất thần, Heracles mắt nhắm mắt mở vớ ngay cây đàn Lyre bên cạnh đánh trả. Chẳng ngờ với sức vóc hơn người, chỉ bằng một cú đánh ấy, Heracles đã khiến thầy bị trọng thương và qua đời. Ra tòa, Heracles nhanh trí biện minh cho mình bằng một điều luật viết ra bởi nhà thông thái Rhadamanthe đã phổ biến khắp Hy Lạp: “Ai bị đánh trong bất kỳ trường hợp nào đều có quyền đánh lại”. Thế là chàng được tòa tha bổng; nhưng Amphitryon công bằng thì không bỏ qua, ông buộc chàng về Cithaeron chăn cừu để chuộc lỗi, cũng là một cách để Heracles thêm đầm tính giữa thiên nhiên thanh bình.

– Nhưng – lão bộc Doulos nhướng mày nói thêm – nghe nói con sư tử ấy rất to lớn và hung dữ. Lão sợ cậu chủ sẽ gặp nguy hiểm.

– Lão khỏi lo, nguy hiểm với ai chứ không phải với ta. Dù anh hùng khắp đất Hy Lạp này đã bó tay thì đối với ta, nó chỉ như một con mèo to xác mà thôi. Nếu phụ vương không ra lệnh thì ta cũng sẽ xin ngài cho đi săn con thú này. Nó cũng đã bắt mất nhiều cừu của ta. Còn nếu quay về Thebes để tiếp tục học hành mấy môn mà ta chẳng có chút năng khiếu nào thì ta thà chết già ở đây còn hơn.

Nghĩ đến đó, Heracles ha hả cười vang, bỗng chàng sực nhớ ra điều gì đó:

– À, đó mới là điều thứ nhất lão kể, còn tin mừng thứ hai là gì?

– Thưa cậu chủ, anh trai cậu – Iphicles, đã có con trai đầu lòng, đặt tên là Iolaus. Iphicles rất mong cậu chủ về uống rượu mừng.

– Ối chà, vậy hả? Khuôn mặt Heracles sáng bừng lên, đôi mắt mở to long lanh đầy ngạc nhiên, và chàng lại càng cười to sảng khoái… hình như đây mới là tin mừng thật sự!

***

Heracles âm thầm ngồi núp trong đám lá trên cao của một cây sồi cổ thụ. Dưới gốc cây, chàng buộc một đôi cừu béo mập. Suốt 49 ngày qua, chàng ròng rã đi khắp các cánh rừng của vùng núi Cithaeron này để theo đuổi con sư tử đực Cithaeron và bạn đời của nó.

Suốt 49 ngày, Heracles ròng rã đi khắp các cánh rừng của vùng núi Cithaeron để theo đuổi con sư tử. (Ảnh minh họa: tranhsondau.net)

Hôm đầu tiên, chàng đã giết thịt con cừu to béo nhất trong đàn rồi đặt xác nó vào một con mương đã cạn khô ở giữa bãi đất trống gần bìa rừng; ở hai phía lòng mương, chàng đặt mỗi bên 5 cái bẫy lớn và sắp xếp sao cho con sư tử chỉ có hai lối đó để tiếp cận con mồi. Rồi chàng ngồi rình ở đằng sau hướng gió, miệng phun phì phì hạt ô-liu. Chả là hồi chiều, chàng hái được một vốc quả ô-liu tím dưới thung lũng, cho vào túi để dành đến lúc này ăn cho đỡ buồn. Không chóng thì chầy, kiểu gì con sư tử chẳng sập bẫy. Lo gì.

Đến sẩm tối, sư tử Cithaeron từ trong rừng mò ra bãi đất trống, tiến về phía con mương. Thân hình đồ sộ màu nâu vàng của nó nhún những bước thong thả và êm như nhung tiến tới con mồi. Không may, hai con kền kền phát hiện ra xác chết đã bay tới trước và sập những cái bẫy nằm trên đường tiến tới của con sư tử. Con ác thú tức khắc dừng lại, ngẩng đầu lên hít ngửi. Rồi nó khôn ngoan cẩn thận đặt từng bàn chân vào cái vết chân cũ đi giật lùi lại cho đến khi ra khỏi con mương. Thật là một con thú tinh quái, bảo sao bao nhiêu năm nay không ai làm gì được nó. Từ trong chỗ nấp, Heracles giận điên người chạy vụt ra với cây chùy đồng trên tay, miệng la ó, nhưng sư tử Cithaeron đã chạy biến vào rừng.

Heracles biết rằng mưu chước lần này không thể dùng lại với con vật tinh khôn. Con sư tử sẽ không ăn mồi chết nữa. Chàng quyết định thay đổi chiến thuật. Trước hết, chàng vào rừng kiếm một cây ô-liu già nhất với những thớ gỗ đặc quánh, nặng trịch và rắn như sắt. Chàng đốn lấy nó và mang về cho thợ mộc đánh giúp chàng một đôi chùy, mỗi chiếc nặng đến cả trăm cân. Cái chùy đồng của chàng tuy tốt nhưng có nhược điểm là khi chẳng may bị hơ nóng thì không thể cầm được.

Rồi chàng quay trở lại rừng, theo vết cũ của con sư tử Cithaeron mà đuổi theo. Nhưng con thú tinh khôn hình như cảm nhận được nguy hiểm gần kề nên liên tục di chuyển. Trừ những lúc săn mồi và ngủ, nó không bao giờ dừng lại. Hình như, nó không chỉ có một mình, có một con cái nhỏ hơn đi cùng nó.

Được vài ngày, Heracles bắt đầu nản. Chàng thấy rằng những bài giảng âm nhạc triền miên của thầy Linus chưa chắc đã là trò chán nhất. Đã nhiều lúc, chàng định bỏ về nhưng vì trót huênh hoang trước mặt người nô bộc, và có thể câu chuyện đó đã lan truyền đi khá xa trong các thành bang Hy Lạp, Heracles đành dấn bước đuổi tiếp.

Có lúc, chàng bắt gặp trong khoảng rừng thông vi vu cái xác còn mới của một con nai tơ, những lốt chân khổng lồ của con sư tử Cithaeron và lốt chân nhỏ hơn của bạn đời của nó. Nhưng rồi, chúng đã lại lên đường ngay khi Heracles đuổi tới, bỏ lại con mồi đang ăn dở. Hình như hai con vật này đã thành tinh. Một người, hai con vật cứ thế đuổi nhau khắp các khu rừng của vùng núi Cithaeron.

48 ngày đã trôi qua!

Sang ngày thứ 49, Heracles quyết định quay về trại dắt lên một đôi cừu béo mập và giờ thì chàng đang để mặc chúng kêu be be dưới gốc cây sồi. Cây sồi nằm ngay trên lối hai con sư tử thường qua lại, có lần chúng còn nằm ngủ dưới gốc sồi này.

Đã nửa ngày trôi qua, ngoài tiếng kêu be be của hai con cừu thì chỉ có tiếng thông reo vi vút. Heracles đang buồn chán đánh một giấc trên chạc ba cây sồi trong um tùm lá ngụy trang thì một tiếng khịt lớn làm chàng tỉnh giấc.

Một mùi tanh thối làm oi nồng không khí, trong đám cây bụi lúp xúp, ló ra một cái đầu đồ sộ hơi cúi xuống với con mắt vàng rực và đồng tử co hẹp lại, đôi tai vểnh lên thể hiện sự chú ý cao độ. Con sư tử há miệng, chun mũi để lộ ra hai hàng nanh dài trắng nhởn, nhọn hoắt; những tiếng gầm gừ từ chiếc cổ họng to lớn của nó cứ rung rung và vang rền trong không khí.

Cuối cùng con sư tử Cithaeron cũng xuất hiện. (Ảnh minh họa: boredpanda.com)

“Sao chỉ có một mình nó? Con cái của nó đâu rồi?” – Heracles tự hỏi.

Đôi cừu hoảng sợ thét lên be be và vùng vẫy giật mình ra khỏi sợi dây buộc, càng tăng thêm không khí khẩn trương.

Nhưng không kịp nữa rồi. Chỉ bằng một bước nhảy, con sư tử đã lao vút tới. Và cũng chỉ với một cú tát trời giáng, một con cừu đã chết tươi, con còn lại bị xé toạc cổ họng ngay lập tức. Trong phút chốc, chỉ còn tiếng gầm gừ của con sư tử Cithaeron và tiếng xương cừu gãy răng rắc.

Heracles hét lớn một tiếng, chàng cầm chiếc chùy gỗ ô-liu nhảy bổ từ trên cây xuống giáng một chùy vào giữa sống lưng của con sư tử đực khổng lồ.

Bằng phản ứng nhanh khôn tả của loài thú hoang, con sư tử Cithaeron né mình tránh được đòn đánh nặng như núi đổ của Heracles. Nó quay ngoắt mình lại, chồm tới há cái mõm to tướng táp vào tay Heracles, nhưng chàng dũng sĩ đã kịp rút tay về và hét vang một tiếng.

Sư tử Cithaeron chậm rãi đi vòng quanh Heracles, miệng há ra gầm ghè, khuôn mặt nó nhăn nhúm dữ tợn, từ mõm nó từng dải bọt dãi trắng xóa rơi xuống đất. Đã mấy ngày nay nó không kiếm được mồi. Kẻ kia đã khiến nó phải từ bỏ cuộc sống tự do tự tại để trốn chui trốn lủi, giờ lại cướp đoạt con mồi của nó. Cơn điên giận từ trong ánh mắt của con sư tử dường như có thể thiêu cháy cả khoảng rừng.

Heracles cũng đi vòng quanh con vật để tìm sơ hở. Một người một sư tử cứ vờn nhau như thế.

Tại sao con sư tử cứ nhìn Heracles chăm chăm như muốn thôi miên chàng mà không tấn công?

Câu trả lời tới ngay lập tức.

Chỉ nghe tiếng gió vụt đến, một thân hình to lớn đầy sức lực nhưng êm nhẹ như một con mèo hoang từ phía sau chồm tới táp vào vai Heracles. Ngay lập tức, Heracles buông cây chùy xuống, đưa hai tay ra sau tóm lấy cổ con sư tử cái, rồi cúi mình xuống ném mạnh nó ra đằng trước. Thân hình con sư tử cái nặng nề bay vút về phía gốc cây sồi, đập mạnh vào đó, rơi đánh huỵch xuống đất và nằm im không động đậy. Hai con sư tử tinh khôn đã áp dụng chiến thuật dương Đông kích Tây để đánh lừa Heracles; ngờ đâu Heracles cũng có phản ứng nhanh kinh người. Chàng đã hạ được một con, nhưng giờ đây lại rơi mất cây chùy.

Sư tử Cithaeron không bỏ lỡ thời cơ, nó hộc lên một tiếng lớn rồi chồm tới vồ mồi. Heracles chân đứng yên, nghiêng người sang bên tránh cú vồ của ác thú; đồng thời khi thân hình nó bay vụt qua, chàng lập tức nắm lấy bờm của nó, đu lên, rồi thoắt một cái nhảy lên lưng nó. Chàng vận sức xuống tấn đè chặt con sư tử xuống đất, một tay ấn đầu nó xuống, tay kia giáng liên hồi những cú thôi sơn vào đầu con sư tử khổng lồ, cú đấm nào cũng mạnh đến mức có thể nát bia vỡ đá!

Con sư tử hộc lên giận dữ, nó cố sức cựa quậy nhưng cái thân hình to lớn ấy cứ bị đè dí xuống đất như dính bằng keo vậy. Móng chân nó đạp điên cuồng vào đất thành những cái rãnh dài sâu hoắm, nhưng rồi chúng cứ yếu dần, yếu dần đi. Một lát sau, máu trào ra khỏi tai, khỏi mõm nó. Sư tử Cithaeron, ông vua của rừng núi xứ Cithaeron bao năm gieo rắc tai họa cho xứ sở này đã nằm yên không cựa quậy. Và người dũng sĩ đứng dậy khỏi thân hình to lớn gấp đôi một con sư tử đực bình thường ấy, khẽ phủi phủi mấy đám bụi trên áo quần, miệng nở nụ cười đắc thắng.

50 ngày gian khổ đã kết thúc.

Sáng hôm sau, người dân xứ Thespiae hoảng hồn khi thấy một chàng trai trẻ cao lớn khác thường vác xác một con sư tử đực khổng lồ trên vai, tay kia ôm xác một con sư tử cái nhỏ hơn. Chàng tự xưng là Heracles, con trai của vua Amphitryon xứ Thebes đến biếu vua Thespius 2 con sư tử, kẻ thù chung của hai đô thành Thebes và Thespiae. Tối hôm ấy, thành Thespiae mở hội lớn. Đức vua Thespius mừng rỡ và quý mến chàng đến nỗi, ngài gả một lúc 50 công chúa cho Heracles, chắc để lưu lại tối đa dòng máu của người hùng diệt sư tử. Và thế là Heracles lại phải mất 50 ngày nữa để làm đám cưới và làm chồng của 50 nàng công chúa xinh đẹp – một nhiệm vụ không kém phần khó khăn và ‘nguy hiểm’ so với nhiệm vụ diệt sư tử xứ Cithaeron.

Heracles bắt đầu nổi danh thiên hạ như vậy đấy.

(Còn tiếp…)

Bình Nguyên

Chú thích:

[1] Chilton: trang phục làm từ một mảnh vải hình chữ nhật, ôm lấy cơ thể, che kín phần tay trái trong khi đó phần tay phải để hở. Những bộ Chilton này có thể dài tới đầu gối hoặc mắt cá chân. Chiều dài của Chilton cũng như những trang trí trên nó thể hiện địa vị xã hội của người mặc. Người lao động bình thường mặc Chilton đơn giản, một màu và ngắn hơn so với Chilton của giới quý tộc.

[2] Sandal: Loại dép xếp nghiêng hình cánh quạt kết hợp với dây đeo nối từ đầu các ngón chân tới cổ chân. Dây nối được làm mảnh và nhẹ tạo cảm giác như đang đi chân trần. Sandal có thể làm từ da động vật. Người Hy Lạp cổ đại thường đi chân trần trong nhà, nhưng chỉ người ở giới hạ lưu mới đi chân trần ngoài trời.

Exit mobile version