Đại Kỷ Nguyên

Thần thoại Hy Lạp diễn nghĩa (Kỳ 5): Chết trốn nợ đời xem ra dễ, sống làm nô lệ thấy khó ghê

Thần thoại Hy Lạp là tập hợp những câu chuyện mang tính huyền thoại và truyền thuyết của người Hy Lạp cổ. Các tác phẩm này có ảnh hưởng rất lớn đến văn hóa truyền thống, tín ngưỡng của con người phương Tây. Do vậy, muốn hiểu về văn hóa phương Tây, nhất thiết phải tìm hiểu về Thần thoại Hy Lạp. Ngày nay, người ta thường biết đến mảng đề tài này chủ yếu qua những lời kể rải rác trong các câu chuyện cổ của Hy Lạp.

Trong loạt bài viết này, Chuyên mục Văn Hóa – Thời báo Đại Kỷ Nguyên xin trân trọng giới thiệu tới quý độc giả về chủ đề ‘Thần thoại Hy Lạp’ thông qua hình thức biểu đạt độc đáo: tiểu thuyết chương hồi, ngõ hầu giúp bạn đọc tiếp cận, khám phá các tích truyện và nhân vật của Thần thoại Hy Lạp dưới một lăng kính mới mẻ, thú vị hơn.

Ban biên tập rất mong nhận được sự quan tâm theo dõi cũng như những ý kiến đóng góp, phản hồi từ quý độc giả để bài viết của chúng tôi ngày càng thêm hoàn thiện.

Kỳ 5: Chết trốn nợ đời xem ra dễ, sống làm nô lệ thấy khó ghê

“Nếu ngươi vượt qua được những thử thách đó, lập được những chiến công thì không những ngươi chuộc được lỗi lầm mà danh tiếng ngươi sẽ vang động đến trời xanh. Các vị Thần Olympus sẽ coi nhà ngươi như một vị thượng đẳng phúc Thần, ban cho nhà ngươi đặc ân, thoát khỏi số phận ngắn ngủi của người trần đoản mệnh…”

Hồ Yliki là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất của vùng Boeotia, cách thành Thebes khoảng 8km về phía Bắc. Hồ được bao quanh bởi những ngọn núi thấp. Nước hồ quanh năm trong vắt, phẳng lặng như tấm gương phản chiếu bầu trời xanh thanh bình của vùng Boeotia.

Hồ Yliki. (Ảnh: wikipedia.org)

Trên mỏm núi cao nhất ven hồ có một chàng dũng sĩ thân hình khôi vĩ mà sao hình dung tiều tụy. Hình như chàng mới ngoài ba mươi tuổi mà khuôn mặt hằn lên những nét nhăn nhó, đau đớn, già lão như đã trải qua hết thảy đắng cay khổ nhục của đời người. Chàng có đôi mắt sâu hoắm của một người mất ngủ nhiều ngày; nó đỏ đòng đọc, thấy rõ những đường gân máu. Trong bộ quần áo lấm lem và nồng nặc mùi cơ thể, chàng ngồi bó gối trên một tảng đá lớn, thân hình im phăng phắc như lẫn vào với đá. Chàng phóng mắt ra xa mà chẳng nhìn vào đâu cả như chìm vào trong suy nghĩ miên man. Rồi đến lúc tuồng như không thể chịu đựng nổi nữa, chàng gục mặt xuống đầu gối khóc rưng rức, bộ râu rối tung và mái tóc rũ rượi rung lên bần bật theo những âm thanh thổn thức nghẹn ngào. Rồi thân hình chàng từ từ ngã nghiêng xuống phiến đá, co quắp lại và run lên từng chập.

Đó chính là Heracles. Một tuần sau cái chết của vợ con chàng, Heracles vẫn như người mất hồn, cả ngày chỉ khóc than, ai hỏi gì cũng không nói, cũng chẳng thiết đến việc gì xung quanh. Đến sáng ngày thứ bảy sau thảm kịch, chàng mới hơi tỉnh ra một chút, tự mình đi ra khỏi thành Thebes, lần đến vùng hồ Yliki để mong khuây khỏa đôi chút.

Những cơn gió nhẹ lướt qua thân hình co quắp của Heracles, mơn man bên tai chàng nghe như tiếng thì thầm tình tứ của người vợ hiền Megara. Heracles từ từ bò dậy. Hình như trong rừng cây ven hồ có tiếng cười đùa khanh khách của ba đứa trẻ trong một buổi sáng nào đó, khi nắng vàng cũng ngập tràn không gian như thế này. Heracles ôm mặt khóc rưng rức. Bên tai chàng lại như vang dội tiếng thét xé lòng của ba đứa con; hình ảnh 4 cái xác vợ con lăn lóc trong vũng máu cứ chập chờn trước mắt chàng.

Heracles đứng dậy, khật khưỡng đi ra phía bờ đá. Dưới kia là vùng hồ bao la thanh bình, có lẽ ở dưới đó sẽ không còn đau đớn nữa.

Một trận gió nổi lên, vùng hồ cuộn sóng, không gian tối đi nhanh chóng dù hiện đang là buổi sáng; nhưng bỗng nhiên trên những tầng mây như có ánh sáng ngũ sắc, những đám mây cuồn cuộn rẽ ra hai bên, lộ ra hình dáng của một người đàn ông trên không trung, trông giống Amphitryon:

Giọng nói Amphitryon từ trên không trung vang rền:

“Heracles, Heracles, con đã quên ta rồi!”

Heracles thảng thốt, hai tay giơ lên cao quá đầu như cố với lấy Amphitryon, khuôn mặt đầm đìa nước mắt hướng về phía ngài:

“Cha, cha ơi! Con làm sao quên cha được!”

Giọng nói kia lại vang lên:

“Con đã quên lời ta dặn, vậy nên con đã quên ta!”

Heracles nghẹn ngào thốt lên:

“Cha ơi! Con tưởng sức mạnh vô địch của mình có thể làm được tất cả mọi việc. Nhưng con đã lầm. Con không bảo vệ được những người con yêu thương. Con đã không bảo vệ được cha. Rồi chính sức mạnh của con đã hủy hoại gia đình mình. Con không muốn sống nữa. Giờ đây cứ nhắm mắt lại là con thấy hình ảnh của Megara và lũ trẻ khóc than đau đớn. Con sống để làm gì?”

Amphitryon nói:

“Con có sức mạnh, có tài năng, nhưng con không phải là một vị Thần, làm sao con có thể quyết định số phận của người khác, kể cả của vợ con mình? Con ơi, lý do con sinh ra là gì? Sứ mệnh của con còn chưa làm tròn, sao con lại tìm cách trốn tránh? Ta đã dặn con những gì con quên rồi sao? Khi con đã làm tròn sứ mệnh của mình, mọi việc mới rõ ràng sáng tỏ. Việc gì xảy ra đều là có lý do, không nói thành hay bại, thái độ và hành xử của con đối với việc ấy mới là điều quan trọng nhất”.

Heracles cúi đầu ngẫm nghĩ, những lời của người cha thân yêu như đánh thức chàng trong cơn mê ngủ. Nhưng chàng vẫn lẩm bẩm:

“Vâng, nhưng trên đời này con chỉ còn có một mình. Những người con yêu quý đều đã rời bỏ con. Con vô cùng đau khổ”.

Amphitryon nghiêm nghị:

“Megara và lũ trẻ đang ở dưới thế giới Âm phủ của thần Hades cùng với ta. Họ bình an và không giận con đâu. Họ vẫn ngóng theo từng bước chân của con. Còn ở trên đời này, con vẫn còn những người thân yêu. Hãy nhìn lại đằng sau mà xem! Và hãy nhớ, hãy nhớ lời ta! Đừng quên sứ mệnh thần thánh của con! Ta đi đây!…”

Những đám mây ngũ sắc dần dần biến đi, bóng hình Amphitryon cũng mờ dần rồi khuất hẳn, bầu trời lại quang đãng sáng sủa như chưa từng có chuyện gì xảy ra.

Heracles quay đầu lại. Đằng xa có bóng dáng 4 người đang hối hả chạy đến bên chàng. Đầu tiên là cháu trai Iolaus, rồi đến anh trai Iphicles, mẹ chàng Alcmene rồi đến lão bộc Doulos già nua tóc bạc trắng chân bước thấp bước cao. Họ lần lượt ùa đến ôm chầm lấy chàng rồi khóc òa lên. Heracles giang rộng vòng tay khổng lồ ôm cả 4 người vào lòng. Chàng thở dài: “Phải rồi, ta còn có nhiều việc để làm, còn có nhiều người để yêu thương. Còn cuộc chiến bảo vệ loài người nữa. Không, ta chưa thể yên lòng ra đi được!”

Hai hôm sau.

Có hai kỵ sĩ một trẻ một già cưỡi trên hai con chiến mã to cao đang hướng đến ngôi đền Delphi của Thần Apollon. Delphi là một ngôi đền thiêng liêng nơi bao anh hùng, thủ lĩnh nổi danh của đất Hy Lạp đã đến để xin những lời khuyên bảo khôn ngoan của Thần Apollon. Delphi được coi là trung tâm của vũ trụ, nơi đặt hòn đá Omphalos. Đây là một vùng đất linh thiêng nơi con người và Thần Thánh gặp gỡ, bởi vậy là trung tâm của tiên tri và sấm truyền của cả vùng Địa Trung Hải.

Đền Delphi nằm trên sườn phía tây nam của núi Parnassus nhìn ra đồng bằng ven biển phía nam và thung lũng của Phocis. Nơi đây có núi cao, lũng sâu, vực thẳm, biển rộng… hệt như rốn của mẹ Đất Gaia. Để tới được Delphi, con người phải hết sức khó khăn để vượt qua được địa hình hiểm trở. Càng khó khăn hiểm trở, thì những lời tiên tri càng khó tiếp cận và càng màu nhiệm.

Di tích đền Delphi. (Ảnh: vyctravel.com)

Heracles và lão bộc Doulos đã vượt qua chặng hành trình khó khăn ấy, giờ đây họ đang tiến vào con đường uốn khúc đến đền thờ Thần Apollon. Dọc hai bên con đường là những kho báu và những ngôi miếu nhỏ để các đồ tế lễ trên đó. Phía trên đền có một nhà hát, một sân vận động và một đấu trường ở gần con suối tên là Castalic.

Heracles và Doulos xuống ngựa, trước mặt họ là ngôi đền Delphi nổi tiếng.

Đó là một tòa nhà lớn xây dựng bằng đá cẩm thạch với những hàng cột Doric mạnh mẽ. Trên mái vòm bằng gỗ tuyết tùng khắc nổi những chiến công lẫy lừng của Thần Apollon.

Đón họ trước đền là hai cô đồng Pythia, những người truyền lời của thần Apollon.

Họ mặc bộ Peplos [1] màu trắng, một màu trắng tinh khiết như tuyết trên đỉnh Olympus. Một cô đồng tóc xoăn đen nhánh, và một cô tóc nâu vàng, óng mượt.

Cô đồng tóc xoăn tiến lên nói:

“Hỡi chiến binh, ngươi có phải là Heracles nổi tiếng của đô thành Thebes đất Boeotia?”

“Vâng, thưa các nữ tiên tri Pythia cao quý của Thần Apollon. Chính tôi là Heracles”.

Hai cô đồng xinh đẹp mỉm cười.

Cô tóc nâu vàng cất tiếng:

“Hỡi Heracles, người con vinh quang của Zeus! Thần Apollon đã đoán biết hôm nay ngươi sẽ đến đây nên truyền cho ngươi lời này. Để thanh tẩy tội lỗi, ngươi phải quay về đất Tyrins để hầu hạ cho vua Eurystheus trong mười hai năm. Trong mười hai năm ấy, ngươi sẽ phải trải qua mười hai thử thách lớn. Nếu ngươi vượt qua được những thử thách đó, lập được những chiến công thì không những ngươi chuộc được lỗi lầm mà danh tiếng ngươi sẽ vang động đến trời xanh. Các vị Thần Olympus sẽ coi nhà ngươi như một vị thượng đẳng phúc Thần, ban cho nhà ngươi đặc ân, thoát khỏi số phận ngắn ngủi của người trần đoản mệnh. Nhà ngươi sẽ là một vị Thần bất tử xứng đáng với vinh quang là con của đấng phụ vương Zeus”.

Heracles nhíu mày. Ông vua Eurystheus này chàng biết. Ông ta là cháu nội của dũng sĩ Perseus, vị anh hùng lừng danh của đất Hy Lạp. Nếu kể vai vế thì ông ta là em họ của Almene, là cậu họ của chàng. Nhưng chàng cũng nghe nói rằng ông vua này ốm yếu và hèn nhát, không đáng mặt một đấng quân vương, thậm chí còn chẳng đáng mặt đàn ông. Chàng lớn tiếng:

“Hỡi các nữ tiên tri Pythia cao quý sáng suốt! Tôi là một người anh hùng đất Hy Lạp, lẽ ra đã là quân vương của đô thành Thebes hùng mạnh, sao có thể làm tôi tớ cho một người như Eurystheus? Xin hãy giao cho tôi những nhiệm vụ nguy hiểm nhất nhưng đừng bắt tôi phải phục vụ một người như vậy!”

Cô đồng tóc xoăn nghiêm giọng:

“Hỡi chiến binh, ngươi đến xin lời khuyên khôn ngoan của Thần Apollon, giờ đây ngươi đã có lời khuyên khôn ngoan rồi đấy! Ngươi hãy thực hiện và ngươi sẽ hiểu. Thôi, ngươi hãy về đi!”

Dứt lời, hai cô đồng quay người đi vào đền thờ Apollon, để lại Heracles tần ngần đứng giữa quảng trường vắng lặng.

Nỗi băn khoăn ấy theo chàng suốt dọc đường về và càng lớn lên thành nỗi lo ngại khi chàng yết kiến Eurystheus trong cung điện của hắn ở thành Mycenae.

Eurystheus lưng còng xuống, ho sù sụ, mắt láo liên đang ngồi lọt thỏm trên ngai vàng. Cái ngai vàng lộng lẫy và hoành tráng tương phản với dáng vẻ rúm ró thảm hại của Eurystheus. Thật chẳng hiểu sao hắn lại có thể là dòng dõi của Perseus anh hùng. Đó chỉ có thể là sắp đặt trớ trêu của số phận mà con người chẳng thể nhúng tay vào được.

Nhưng Heracles e ngại làm nô bộc cho Eurystheus một, thì Eurystheus còn e ngại phải sử dụng Heracles mười. Hắn cúi xuống ho, tay nắm thành nắm đấm che trên miệng, mắt lấm lét liếc nhìn Heracles. Cái thân hình đồ sộ kia, cái sức mạnh bất kham kinh khủng kia quả là một nỗi đe dọa tiềm ẩn đối với tính mạng và vương vị của Eurystheus. Ở gần Heracles, khí phách của chàng tạo nên một sức ép vô hình khiến hắn ngộp thở.

“Nghe nói một mình hắn diệt hai con sư tử to lớn như diệt mèo. Hắn có thể đánh bại cả một đoàn quân. Ta phải lệnh cho hắn cách xa ta mới được!”, Eurystheus thầm nghĩ.

Rồi hắn đằng hắng và lên giọng oai vệ:

“Hỡi Heracles của thành Thebes, ngươi không cần ở tại Mycenae, hãy trú tạm tại thành Tyrins của ta. Đợi khi nào có việc ta sẽ sai người đến báo cho ngươi”.

Heracles gật đầu rồi quay lưng bước đi.

Một buổi chiều, có một kỵ sĩ từ Mycenae phóng ngựa tới nơi ở của Heracles tại Tyrins và trao cho chàng lệnh của vua Eurystheus.

Đó là thử thách đầu tiên: Diệt con sư tử Nemea. Nemea là một con sư tử khổng lồ to lớn gấp mấy lần sư tử Cithaeron; nó thực sự là một quái vật, con của các quái vật ghê gớm nhất trong thế giới Thần thoại Hy Lạp chứ không còn là một con thú dữ bình thường nữa.

Muốn biết Heracles có vượt qua được thử thách này hay không, xin mời quý độc giả xem hồi sau sẽ rõ.

Bình Nguyên

Chú thích:

[1]: Loại trang phục được tạo thành từ một mảnh vải hình chữ nhật, được cố định bằng những chiếc ghim vắt trên vai, phần eo có thắt lưng (thông thường là một sợi dây) quấn quanh, vải thừa còn lại để rủ xuống. Thời kỳ đầu Peplos chỉ có màu trắng hoặc trắng ngà. Sau này Peplos có thể được thêu thêm hoa văn.

Exit mobile version