Có những nhân vật lịch sử đã đi vào huyền thoại, lại có những nhân vật bước ra từ huyền thoại để sống giữa đời thường. Phần lớn truyền thuyết và thần thoại lưu truyền trong dân gian đều ẩn chứa một phần hiện thực, nhưng trải qua thời gian mà bị cho là hư ảo. Dẫu là thực hay là hư, thì đó cũng là một phần của văn hóa Thần truyền, không chỉ kể câu chuyện về Thần Tiên mà còn lưu lại bài học đạo đức cho hậu thế.
Trong tám vị Tiên huyền thoại, chỉ duy nhất Lý Thiết Quải là mang dáng vẻ của một lão ăn mày với đôi chân khập khiễng, phải chống cây thiết trượng. Đường đường là một vị Thần pháp lực vô biên, thần thông quảng đại, vì sao lại có hình dung già nua xấu xí như vậy?
Có người giải thích rằng: Sau khi nguyên thần của Lý Thiết Quải ly thể, ông đã dặn dò đệ tử gìn giữ thân xác của mình trong 7 ngày, qua thời hạn này thì mới được mang xác đi thiêu. Nhưng mới được sáu ngày rưỡi, đệ tử của ông đã vội vàng hỏa táng thi thể của sư phụ nên Lý Thiết Quải đành phải bất đắc dĩ mượn thể xác của một lão ăn mày để hoàn hồn. Nhưng đó vẫn không phải là nguyên nhân thực sự, bởi đằng sau còn có mối quan hệ nhân quả từ tiền kiếp…
Truyện kể rằng, xưa kia bên bờ sông Dương Tử có một gia đình họ Mã sinh được người con gái có dung mạo và tài đức vẹn toàn. Năm Mã cô nương vừa tròn 18, cô được gả vào nhà họ Cổ. Chồng cô là người hiền lành chất phác, còn bà mẹ chồng là Vu thị thì lại độc ác cay nghiệt không ai bằng. Bà Vu thị thấy con dâu được mọi người yêu mến thì lại càng ghen ghét hơn, chỉ muốn tống khứ con dâu ra khỏi nhà cho hả lòng hả dạ.
Vì gia cảnh nghèo túng, Cổ sinh phải tạm biệt vợ để đi làm ăn ở nơi xa. Mã cô nương ở lại một mình chăm sóc mẹ chồng, chịu không biết bao nhiêu đắng cay tủi nhục, oan oan khuất khuất không thể diễn tả hết bằng lời. Cô tự nhủ: “Cho dù mẹ bất từ thì ta cũng quyết không tỏ ra bất hiếu. Vả lại trước khi ra đi chàng đã đặt trọn niềm tin ở nơi ta, ta càng phải làm tròn đạo dâu con mới xứng với chàng”.
Nhưng bà Vu thị lại không hiểu cho tấm lòng hiếu hảo của con dâu. Giờ con trai đi làm ăn xa, lại đều đặn gửi tiền về cho mẹ, nên bà Vu thị lại càng cảm thấy con dâu là ‘thừa thãi’ trong nhà. Bà ta đánh tiếng muốn bán Mã nương, ai muốn trả mức giá nào cũng được.
Trong vùng có một gã nhà giàu họ Lưu mà người dân quanh vùng vẫn quen gọi là “Hoạt Lão Hổ” (cọp già sống). Từ lâu đã hâm mộ danh tiếng Mã nương mà không được kết thân, nay lại có Vu thị đích thân rao bán, Hoạt Lão Hổ mừng quýnh sai người tới thương lượng, đồng thời ước hẹn hôm sau sẽ làm lễ đón dâu.
Hôm sau, bà Vu thị gọi con dâu đến và nói với giọng thân mật:
– Năm xưa bố chồng con mắc bệnh sợ không qua khỏi, mẹ phải tới khấn nguyện ở miếu thần sông. Về sau ông qua đời mẹ cũng quên trả lễ, không ngờ đêm qua nằm mơ thấy thần sông sai người tới trách mẹ đã thất hứa. Mẹ mới nói : “Nay con quá già yếu, đi đứng bất tiện, nên mới để trì hoãn tới tận hôm nay”. Thần sông nói: “Nếu thế, sao không bảo con dâu đi thay?”. Mẹ giật mình tỉnh dậy, chẳng biết làm sao, thôi thì con hãy thay mẹ đi một chuyến nhé. Mẹ đã gọi sẵn xe ngựa chờ ở ngoài kia, con nhanh nhanh chóng chóng rồi đi cho khỏi muộn.
Từ ngày Mã nương bước chân về nhà chồng đến nay, chưa bao giờ bà Vu thị tỏ ra ân cần thân mật đến thế. Mã nương cảm thấy kỳ lạ, nhưng cũng không dám trái lời.
Nhưng mới đi được ba, bốn dặm, chiếc xe không đi về hướng miếu thần sông mà lại quẹo sang đường khác. Mã nương thấy lạ bèn hỏi người đánh xe:
– Xin hỏi, có phải các vị được mẹ chồng tôi mướn để đưa tôi sang miếu thần sông hay không?
Mấy người phu xe tỏ ra ngạc nhiên, đáp:
– Không phải, chúng tôi là người của Lưu đại nhân ở thị trấn phía tây, sang để đón dâu đây mà.
Lúc này Mã nương mới hiểu ra mọi chuyện. Nhưng phải làm sao bây giờ? Cô giống như con nai nhỏ sập bẫy, chỉ muốn vùng vẫy thoát ra mà không sao thoát được.
Khi chiếc xe ngựa dừng lại ở bờ sông, có hai thị nữ chạy tới dìu Mã nương lên thuyền. Thuyền vừa đến giữa sông, Mã nương bèn vùng thoát khỏi những người hầu cận rồi lao mình xuống dòng nước xiết. Đám gia nhân trên thuyền nháo nhác chạy ra, nhưng nước sâu sóng cả, thân xác của vị tân nương cũng đã chìm sâu xuống đáy sông rồi.
Lúc bấy giờ, ở gần đó có vị đạo nhân đã hơn trăm tuổi, đầu tóc bạc phơ, lông mày dài rậm. Vị đạo nhân đang dong thuyền qua sông thì thấy phía thượng lưu có một cô gái đang trôi theo dòng nước.
Vị đạo nhân vốn là người tu luyện, cả đời ông chưa hề gần nữ sắc, thậm chí cũng chưa từng đụng tay đụng chân vào nữ giới. Nay ông thấy người gặp nạn không thể không cứu, nhưng muốn cứu cô thì ắt phải đụng đến thân thể, mà đụng đến thân thể thì nghĩa là ông đã phá vỡ giới hạnh suốt đời của mình.
– Chẳng thà mất giới hạnh, chứ không thể thấy chết mà không cứu!
Vị đạo nhân vừa nghĩ vừa đưa cây sào ra khều thi thể về phía mình. Nhưng quá trễ rồi, cô gái đã hồn lìa khỏi xác, không thể sống lại được nữa, giờ chỉ còn cách vớt thi thể lên bờ mai táng, ấy mới là trọn nghĩa với người đã khuất vậy.
Nhưng bất chợt một con sóng lớn ập tới lật úp chiếc thuyền của vị đạo nhân, khiến ông ngã nhào xuống sông. Thi thể tuột khỏi tay, lại chìm xuống dòng nước sâu thăm thẳm. Cố gắng mãi ông mới leo được lên bờ, nhưng vì chuyện cứu người bất thành mà ông day dứt mãi trong lòng, rồi quá suy tư mà phát bệnh, nằm liệt trên giường không sao dậy được.
Lại nói về Mã cô nương. Bởi trọng cô là người trung trinh hiếu nghĩa, nên Long vương thương tình đem linh hồn cô về thủy cung. Long vương nói:
– Cô vốn là “Tư hoa tiên nữ” trên Thiên đình, chỉ vì lỡ lời tranh cãi với “Tư hương lại” mà cả hai cùng bị đày xuống trần. Cô và vị Tư hương lại kia đã nhiều lần chuyển sinh trong nhân thế, lại có duyên trở thành đồng môn để kiếp sau tu Đạo thành Tiên, cùng nhau trở về Trời. Vị Tư hương lại ấy hiện là một đạo nhân, thành tâm tu hành, giữ giới luật rất nghiêm, năm nay đã hơn một trăm tuổi rồi. Chỉ vì vớt xác cô không thành mà ông ta buồn rầu hối tiếc, chẳng bao lâu cũng sẽ qua đời.
Mã nương nghe đến đây bất giác rơi lệ. Long vương nói tiếp:
– Có điều trong lúc vớt xác, đạo nhân đã vô tình làm tổn thương cẳng chân của cô. Con người ta trước khi chết mang khuyết tật gì, thì e rằng kiếp sau khó tránh khỏi mắc phải khuyết tật tương tự. Cây sào của vị đạo nhân đâm vào khiến chân cô bị thương, may nhờ có viên linh đơn của ta nên cô mới không bị tàn phế. Nhưng còn vị đạo nhân, e rằng theo luật nhân quả, ông ấy cũng sẽ phải mang tật ở chân mà bồi hoàn.
Sau này, Mã nương chuyển sinh vào nhà họ Hà ở chân núi Kim Sơn, là nơi mà trong tiền kiếp cô đã nhảy xuống sông tuẫn tiết. Còn vị đạo nhân thì sinh ra trong nhà họ Lý ở Lạc Dương, được cha mẹ đặt tên là Lý Huyền. Lý Huyền chính là tên từ thuở thiếu thời của ông tiên Lý Thiết Quải – một trong những đệ tử chân truyền của Thái Thượng Lão Quân; Còn Hà tiểu thư ở chân núi Kim Sơn về sau được Huyền Nữ truyền Đạo, trở thành vị tiên nữ duy nhất trong Bát Tiên.
(Tham khảo: “Bát Tiên đắc Đạo”)
Tâm Minh