Phương pháp châm cứu của Hoạt Thọ được bậc thầy Cao Đỗng Dương truyền thụ. Ông không chỉ đạt tới “tận đắc kỳ thuật” của sư phụ, mà đồng thời còn phát hiện ra rằng cơ thể con người “có mười hai đường kinh; mạch Nhâm nằm ở bụng và mạch Đốc nằm ở lưng; bảy trong số sáu trăm năm mươi huyệt đạo bao xung quanh thân người”.
Hoạt Thọ, có tên tự là Bách Nhân, sinh vào thời nhà Nguyên, và mất vào thời Minh Hồng Vũ. Theo ghi chép trong “Chiết Giang Thông Chí” của triều Minh, ông “chữa bệnh như Thần, trị liệu có hiệu quả kỳ diệu”. Trong “Thiệu Hưng Phủ Chí” cũng nói rằng, ông có thể phán định sinh tử của con người, và nổi tiếng không kém gì Chu Đan Khê, một trong “Kim Nguyên tứ đại gia” thời nhà Nguyên.
Chu Hữu, một Nho sĩ đã tham gia biên soạn cuốn “Nguyên Sử” (Sử triều Nguyên) được Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương đánh giá cao, đã nói trong tiểu sử của mình: “Nho giả Hoạt Thọ có thể thông giải ý nghĩa của sách cổ”. Tống Liêm, một Nho sĩ thời nhà Minh, đã cảm thán khi giới thiệu người bạn của mình và nói: “Hoạt quân… một học giả bác thông kinh sử” “và đặc biệt ưu tú thâm sâu về y học”.
Sinh ra trong một gia đình vọng tộc danh tiếng
Quê tổ của Hoạt Thọ ở huyện Tương Thành, Hứa Châu, Hà Nam, và gia đình ông rất danh giá. Vào đầu thời nhà Nguyên, cả ông nội và cha của ông đều làm quan ở Giang Nam, vì vậy gia đình ông chuyển đến Nghĩa Chân, Giang Tô (sau đổi tên là Nghi Chinh). Hoạt Thọ sinh ra ở đây và sau đó chuyển đến Dư Diêu, Chiết Giang.
Hoạt Thọ từ nhỏ đã rất thông tuệ, thông minh và ham học, đặc biệt rất thích đọc sách. Ông lớn lên trong một gia đình danh giá, nên việc đọc các tác phẩm kinh điển của Nho giáo đã trở thành bài tập bắt buộc hàng ngày của ông. Rất nhiều danh y nổi tiếng ở Trung Quốc cổ đại đều là ‘tự Nho nhi y’ (khởi đầu từ Nho đạo mà đến với Y) – học Nho có thể tạo nền tảng vững chắc cho học y. Nếu không đọc thuộc kinh điển của Nho gia thì khó trở thành lương tướng [vị quan tốt]; nếu không nghiên cứu kinh điển y học thì tự nhiên khó trở thành lương y.
Hoạt Thụ đọc thuộc kinh điển của Nho gia, chính là bắt nguồn từ những lời giáo huấn của gia đình; và các tác phẩm kinh điển về y học mà ông dành hết tâm trí để nghiên cứu khi trưởng thành, là bắt nguồn từ những lời chỉ bảo giáo huấn lặp đi lặp lại của lão sư Vương Cư Trung. Đương thời, lão sư Vương Cư Trung là một danh y ở Kinh Khẩu, có một thời gian ngắn ông ở Nghĩa Chân; sau khi Hoạt Thu nghe danh ông không lâu, cậu đã nhiều lần đến gặp ông bái sư. Bằng cách này, Hoạt Thoại bắt đầu theo lão sư Vương Cư học y. Lão sư nói với cậu: “Phần lớn những gì mà các tổ sư ngành y Hoàng Đế và Kì Bá giảng đã bị thất truyền, bây giờ còn lưu truyền lại hậu thế chỉ có ‘Tố Vấn’ và ‘Nan Kinh’. Hai cuốn sách y học này con không đọc không được!”
Sau khi nghe thầy nói, Hoạt Thọ đọc một mạch hai cuốn sách từ đầu đến cuối. Sau khi đọc xong, cậu phát hiện cuốn “Tố Vấn” có nội dung rất hoàn bị, nhưng do sách lưu truyền quá lâu, cấu trúc và thứ tự bài viết bị đảo loạn, nên cậu đề xuất với thầy cho phép mình được chia nội dung cuốn sách thành 12 phần gồm tàng tượng, kinh độ, mạch hậu, bệnh năng, nhiếp sinh, luận trị, sắc mạch, châm cứu, âm dương, tiêu bản, vận khí, hối tụy; tiến hành chỉnh lý và sao lục mới lại. Ngoài ra, mặc dù y thuyết của “Nan Kinh” bao trùm một phạm vi rộng lớn, nhưng có nhiều chỗ thiếu sót. Tuy nhiên, các ghi chú trong lịch sử không hoàn toàn mở ra được ý nghĩa nguyên bản của nó; vì vậy Hoạt Thọ cũng có ý định sẽ đính chính và chú thích đầy đủ sau khi đã tiến hành phân biệt và khảo chứng nội dung cuốn sách.
Vương Cư Trung thấy học trò có thành ý, vui vẻ động viên và nói: “Con học rất tốt, điều này thật tuyệt, con bắt tay vào làm đi!” Kể từ đó, Hoạt Thọ bắt đầu chuyên tâm vào việc nghiên cứu, chỉnh lý hai cuốn “Tố Vấn” và “Nan Kinh”. Kinh qua nhiều năm khổ tâm cô nghệ, nỗ lực miệt mài, ông đã biên soạn thành hai cuốn sách chuyên khảo về y học, mang tên “Độc Tố Vấn sao” và “Nan Kinh bổn nghĩa”, được các thế hệ học giả ngành y sau này vô cùng trân quý.
Uông Cơ, một danh y thời nhà Minh, đã từng viết lời tựa cho cuốn “Độc Tố Vấn sao”, rằng cuốn sách này “đã làm rõ và tóm tắt những điểm then chốt, và đã chỉnh sửa, phân minh từng loại từng loại một cách có trật tự; y giả có kiến thức thâm sâu như Tề, Hoàng cũng không làm được”. Còn đối với “Nan Kinh bổn nghĩa”, Nho sĩ thời Nguyên Yết Hoành thậm chí tin rằng, nó so với “Nan Kinh” của Biển Thước thì còn “từ đạt lý minh, điều phân lũ giải” (dùng từ chuẩn xác, giải thích minh bạch, lý giải có trật tự và khai thông hơn), và giải được những bí ẩn còn tồn tại của “Tố Vấn” và “Linh Xu”. Sau khi đọc xong, nhà thơ Trương Giai thời nhà Nguyên khen cuốn sách là “giản mà thông, quyết mà minh”, “đọc khiến người ta kính phục”.
Học châm pháp của Cao Đỗng Dương, viết chuyên khảo về châm cứu
Y thuật của Hoạt Thọ rất cao, và về châm pháp của ông thậm chí còn tốt hơn. Dư Diêu, nơi Hoạt Thọ cư ngụ, từng lưu truyền hai y án: Một phụ nữ bị đau bụng dữ dội không ngừng. Tiếng rên rỉ của cô vang ra ngoài bức tường, cô lo lắng cho tính mạng của mình. Sau khi Hoạt Thọ kiểm tra liền nói, “Đây là xà yêu tác quái”; vì vậy, cô ấy đã được điều trị bằng châm cứu. Và người phụ nữ đã sống sót sau khi sinh ra một con rắn. Một sản phụ khác đột nhiên ngất xỉu khi lâm bồn; sau khi Hoạt Thọ chẩn đoán, ông nói: “Đó là do bàn tay của đứa trẻ đang nắm lấy trái tim của người mẹ”. Ông vội vàng châm cứu, và người phụ nữ tỉnh dậy trong chốc lát, còn đứa trẻ được sinh ra ngay sau đó. Nhìn kỹ ngón tay cái của đứa trẻ, vẫn còn dấu châm của kim.
Phương pháp châm cứu của Hoạt Thọ là do bậc thầy về châm cứu Cao Đỗng Dương truyền thụ. Ông không chỉ đạt tới “tận đắc kỳ thuật”, học được hết y thuật của sư phụ, mà đồng thời còn phát hiện ra rằng cơ thể con người “có mười hai đường kinh; mạch Nhâm ở bụng, mạch Đốc ở lưng; bảy trong số sáu trăm năm mươi huyệt đạo bao quanh thân người”. Theo đó về sau, ông đã sử dụng kinh huyệt chuyên luận trong “Tố Vấn”, “Linh Xu” để viết cuốn sách “Thập tứ kinh phát huy”. Mặc dù cuốn sách này được đặt tên là “phát huy”, nhưng nó đề cao các liệu pháp truyền thống trong các sách cổ kinh điển.
Khi Hoạt Thọ viết lời tựa cho cuốn sách này, ông đã cảm khái mà thốt lên: “Viễn cổ chi thư, uyên hồ thâm tai”; “Châm chi công, kỳ đại hĩ” (đại ý: sách cổ thật uyên thâm; Thuật châm cứu thật tuyệt vời). Ông đề cập rằng phương pháp dùng thuốc được ghi trong “Hoàng Đế Nội Kinh” chỉ chiếm một đến hai phần trăm, phương pháp châm cứu chiếm đến 30 đến 40 phần trăm, các phương pháp khác cơ bản đều là châm pháp, và chiếm đến chín phần mười [ca bệnh] là không có gì đáng lo. Nhưng điều đáng tiếc là, các y học gia sau này càng ngày càng đi lệch khỏi phương pháp điều trị cổ xưa. Kết quả là dạy dùng thuốc một cách phóng túng, mà không giảng về châm đạo toại tẩm, hoặc vì họ lo lắng rằng “châm đạo thì nhỏ mà kinh lạc thì không biết rõ; kinh lạc không rõ thì biết tà khí ngụ ở đâu?”. Do đó ông liền đi bái sư học chuyên môn về châm pháp, và cuối cùng đã viết một cuốn sách có tên là “Hậu chi y giả khả phi quyển nhi đắc” (đại ý: các y gia sau này có thể dùng sách này mà học), một cuốn sách chuyên khảo về châm cứu học.
Lá cây ngô đồng chữa bệnh khó đẻ, liệu bệnh như Thần bất cầu hồi báo
Đối với Hoạt Thọ, ngoài những cuốn sách về y học của mình, ông còn được người dân đương thời và các thế hệ sau vô cùng ngưỡng mộ bởi tài năng chữa bệnh phi thường của ông. Sử gia nhà Minh Hứa Hạo từng ghi lại trong “Phục Trai nhật ký” câu chuyện Hoạt Thọ dùng lá cây ngô đồng để giúp một sản phụ khó đẻ. Vào một mùa thu, các quan viên Tô Châu mời Hoạt Thọ đến núi Hổ Khâu đi du ngoạn. Khi đó, một người phụ nữ trong gia đình giàu có mang thai khó sinh đã sai người đến mời Hoạt Thọ, nhưng các quan viên lại không muốn Hoạt Thọ rời đi. Khi Hoạt Thọ bước tới một bậc đá, tình cờ thấy có một chiếc lá cây ngô đồng rơi xuống, bèn nhặt lá đưa cho người nhà bệnh nhân, bảo rằng: “Mang lá này về, dùng nước sắc thuốc, cho người phụ nữ mang thai uống.”
Sau đó không lâu, trước khi các quan viên du sơn ngồi xuống dùng tiệc, người nhà bệnh nhân đến nói với Hoạt Thọ rằng đứa trẻ đã được sinh ra. Mọi người đều cảm thấy thật thần kỳ, và hỏi Hoạt Thọ đã sử dụng loại dược phương nào. Hoạt Thọ nói với họ: “Cái gọi là ‘Y’ chính là ‘Ý’, cần phải dựa vào lý giải của bản thân để tìm ra cách xử lý, làm gì có thứ dược phương cố định nào? Một phụ nữ mang thai sau tháng 10 vẫn chưa sinh con, đó là do khí bị hư. Lá cây ngô đồng nhằm mùa thu mà rơi, dùng nó để hỗ trợ sinh nở sẽ có tác dụng thần kỳ!”
Có rất nhiều ví dụ về việc kê đơn của Hoạt Thư dựa trên “Ý”. Cách ông chữa bệnh cho mọi người chính là như thế, không câu nệ vào đơn thuốc trong sách y, mà lồng ghép những gì ông đã học thông thạo và sử dụng sự lĩnh ngộ của bản thân mà tiến hành chẩn đoán. Đơn thuốc của ông luôn có tác dụng tức thì, thuốc vào là bệnh hết.
Ông trị bệnh linh nghiệm đến nỗi, đi đâu cũng được mọi người chào đón nồng nhiệt. Vì Hoạt Thọ cũng giỏi chẩn mạch, thông qua mạch tượng thậm chí có thể phán định được sự sống chết của một người, nên rất nhiều bệnh nhân mời ông đến nhà của họ, nhờ ông phán định tình trạng của bệnh nhân thì tâm lý mới cảm thấy yên tâm. Chu Hữu, người tham gia biên soạn cuốn “Nguyên Sử”, đã ghi lại y án chữa bệnh như Thần của ông. Nho sĩ Tống Liêm cũng nói: “Các lương y xứ Giang Nam xưa nay không ai làm được như ông”.
Bất luận bệnh nhân giàu hay nghèo, Hoạt Thọ đều đối xử bình đẳng với họ, dụng tâm vì họ chẩn trị mà không bao giờ đòi báo đáp. Ông sớm nổi tiếng ở đất Ngô Sở trong những năm đầu lập nghiệp; cho đến những năm tháng sau này, ông đã nổi tiếng khắp cả Giang Nam. Ngày nay, “Hoạt Thọ Đình” vẫn còn sừng sững trên núi Long Tuyền ở thành Dư Diêu. Trên đình trụ còn được khắc những câu thơ như:
“Kế Thần Nông biến thường bách thảo
Thừa Trọng Cảnh phổ tế thiên gia
Hạnh lâm độc tú văn thiên hạ
Đào lý tranh nghiên mãn cổ thành”
Tạm dịch:
Theo Thần nông nếm cỏ trăm loài
Kế tục Trọng Cảnh cứu giúp hàng ngàn gia đình
Ưu việt xuất chúng nổi tiếng khắp thiên hạ
Ai cũng không bì được sự tuấn tú, tao nhã của ông
Giỏi làm thơ và hát rất hay, nên vào những năm cuối đời, ông được các danh sĩ thán phục, gọi là “lão tiên”
Hoạt Thọ là người thật tình, đôn hậu và thông mẫn. Ông đã đọc nhiều cuốn sách uyên thâm trong suốt cuộc đời của mình; mỗi ngày sau khi đọc tụng Tứ thư Ngũ kinh (chín tác phẩm kinh điển của Nho giáo), ông đều có thể nhớ một nghìn từ. Ông hễ cầm bút là có thể viết ra văn chương có nội hàm sâu rộng, có kiến giải độc đáo. Ông từ nhỏ đã có thể sáng tác thơ, và đặc biệt chuyên làm thơ phổ nhạc (Nhạc Phủ thi). Những thờ từ của ông chứa đựng cảm giác hào hùng, mạnh mẽ, nhưng không mất đi sự trang nhã và ấm áp. Ông giao lưu với nhiều Nho sĩ và danh thần; Tống Hi, người đã tham gia biên soạn cuốn “Nguyên sử” và cuốn “Vĩnh nhạc đại điển”, đã từng viết một bài thơ về ông:
“Hoạt công giang hải khách
Tần đáo Hạ Gia Khê
Thái dược hành vân tế
Ngâm thi quá thủy tây”
Tạm dịch:
Người khách giang hồ Hoạt công
Thường đến Hạ Gia Khê
Thu hái thảo dược và phiêu du trên mây
Ngâm thơ khắp miền Tây sông nước
Chỉ riêng bài thơ nhỏ này đã cho thấy Hoạt Thọ không màng danh lợi, tính tình khoát đạt, tùy ngộ mà an, có thể tức cảnh mà sáng tác, xuất khẩu thành thơ.
Khi ông đã hơn bảy mươi tuổi, râu tóc trắng như lông hạc và nước da hồng hào như trẻ thơ, bước đi vẫn mạnh mẽ khoan thai. Ông thích uống rượu, và khi gặp bạn bè, luôn uống một cách vui vẻ. Trong những năm cuối đời, ông tìm kiếm con đường trường sinh, tự gọi mình là “Oanh Ninh Sinh”. “Oanh Ninh” là cảnh giới được các đạo sĩ theo đuổi, tức là tâm hồn ninh tĩnh bình yên, không bị ngoại tục can nhiễu.
Thi nhân Lưu Nhân Bổn của nhà Nguyên đã viết về ông trong bài thơ “Chính nguyệt vọng tiền nhất tịch, dữ Hoạt bách nhân luyện dược”:
“Uy Vũ sơn trung hạc đọa linh, lão tiên vi ngã chế Đồi Linh
Nhân vô kim thạch thiên niên thọ, dược hữu Đan Sa Cửu Chuyển Linh
Hậu thục đỉnh khư phân thủy hỏa, sở thôn bằng hữu tẩu phong sương
Khinh thân dĩ đắc đao khuê bí, mịch vấn Xương Dương dữ Phục Linh.”
Tạm dịch:
“Một đêm trước trăng rằm, cùng Hoạt bách nhân luyện đan dược”
Núi Uy Vũ có lão tiên râu tóc trắng như lông hạc, vì tôi chế Đồi Linh
Con người không thọ ngàn năm như vàng đá, thuốc có Đan Sa Cửu Chuyển Linh.
Sau khi Đỉnh Khư phân thủy hỏa, liền cùng bạn bè đi phơi sương gió
Thân bay bổng nhờ có được bí mật của y thuật, đừng hỏi Xương Dương và Phục Linh.
Hoạt Thọ là người siêng năng cần mẫn, nhân đức động tới trời xanh; số bệnh nhân được ông chữa trị trong đời khó có thể đếm xuể. Ông là nhà bác học đa tài, nhưng không nguyện trở thành lương tướng [quan chức]; ông coi việc cứu trị bệnh nhân là nhiệm vụ của mình, và hậu duệ của ông đã trở thành một thế hệ lương y ở Trung Quốc cho đến ngày nay.
Tài liệu tham khảo:
“Ghi chép toàn diện về sách cổ đại và hiện đại Khoa y học tích hợp ‧ Tiểu sử các kỹ năng y học nổi tiếng” Qing ‧ Chen Menglei, Lời nói đầu của cuốn “Độc Tố Vấn sao”, Lời nói đầu của cuốn “Nan Kinh bổn nghĩa”, Lời nói đầu của cuốn “Thập tứ kinh phát huy”,“Càn Long Dư Diêu Chí: Nghệ thuật và Văn học”
Tác giả: Nhan Đan – The Epoch Times, Hương Thảo biên dịch