Được mệnh danh là Thần Y, bí quyết dưỡng sinh của Tôn Tư Mạc hóa ra chẳng phải quá thần bí, chỉ là người đời sau đã chưa hiểu thấu mà thôi.
Tôn Tư Mạc sinh ra ở triều đại Tây Ngụy, 7 tuổi ông bắt đầu đi học và đã có thể học thuộc hàng nghìn từ mỗi ngày. Bậc lão thành thời Bắc Chu gọi ông là thánh đồng. Ông thông hiểu hàng trăm học thuyết, giỏi đàm luận về đạo lý của Lão Tử, Trang Tử, nắm vững thuyết âm dương, giỏi tính toán phong vũ, số học, chuyên biên soạn kinh điển Phật Pháp.
Tôn Tư Mạc từ nhỏ đã mắc nhiều bệnh, cộng thêm việc hàng xóm xung quanh đều rất nghèo khó, nhiều người vì không có tiền chữa trị mà qua đời, vì thế, từ khi 18 tuổi ông đã quyết chí theo học nghề Y. Ông cho rằng, tính mạng con người là quan trọng nhất, mạng người đáng ngàn vàng, cứu giúp được một mạng người, phúc đức giàu như biển cả.
Ông được mệnh danh là Dược Vương, được triều nhà Tống truy phong danh hiệu Diệu Ứng Chân Nhân. Đạo giáo tôn ông làm Thiên Y Diệu Ứng Quảng Viện Thiện Tế Chân Quân, người đời sau gọi ông là Thần Y.
Đối với đoạn viết về dưỡng sinh ở kiệt tác y học Bị Cấp Thiên Kim Yếu Phương (Phương thuốc giá trị ngàn lượng vàng) của Tôn Tư Mạc, mỗi người đứng ở mỗi góc độ khác nhau sẽ có cách lý giải khác nhau. Nhưng, nếu ta hiểu rõ Tôn Tư Mạc vốn là người tu đạo, không chỉ là một thầy thuốc, thì qua đoạn viết này sẽ hiểu được nội dung ở một cảnh giới khác, không chỉ đơn thuần là dưỡng sinh.
Nội dung đoạn viết về dưỡng sinh như sau:
Người dưỡng tính, muốn biến tất cả những gì học được thành thói quen của mình. Thực tế, “tính” (bản tính, tính người) ở đây vốn lương thiện, chưa học gì nó vốn đã tốt đẹp rồi. Tính người vốn đã lương thiện nên bệnh tật trong và ngoài cơ thể đều không thể có, tai họa cũng không có lý do để xảy ra, đây mới là căn nguyên của dưỡng tính (nói cách khác, phương pháp dưỡng tính ở một khía cạnh khác chính là được nuôi dưỡng từ chính gốc rễ này).
Vì thế, với những người giỏi dưỡng tính, họ sẽ trị nguyên nhân của bệnh từ ngay khi bệnh chưa xuất hiện, đây mới là ý nghĩa cốt lõi của dưỡng tính. Như phía trên đã nói, “tính vốn đã thiện, bệnh tật không thể sinh ra”, ta nên diệt bệnh ngay từ khi nó chưa sinh ra, cách làm cụ thể là cần loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực ra khỏi đầu để diệt trừ hậu họa. Với một con người tốt bụng, chỉ cần có suy nghĩ thiếu lành mạnh sẽ giống như bị mắc bệnh, mặc dù bệnh trong giai đoạn này chưa thể hiện thành bệnh cụ thể trong người.
Vì vậy, với người dưỡng tính, không chỉ là uống thuốc dưỡng sinh trường thọ, sáng sớm dung nạp sương mai (pháp thuật tu hành của đạo gia), mà còn phải không ngừng hoàn thiện phẩm chất, đức hạnh của bản thân. Khi đã hội tụ đủ các phẩm chất tốt đẹp, ta sẽ không cần uống thuốc bổ vẫn có thể kéo dài tuổi thọ. Còn khi đức hạnh không đủ, cho dù có uống thuốc tiên, nước ngọc cũng không thể sống lâu được.
Lão Tử nói: với người chuyên dưỡng sinh, đi trên đường không bao giờ gặp phải thú dữ, “đạo đức” nói tới ở đây là chỉ ở cảnh giới cao siêu này. Sao có thể muốn sống lâu nhờ vào việc uống đơn dược? Thánh nhân chế ra thuốc chỉ là để cứu rỗi những người có hành vi sai phạm.
Với những người ngu muội, sống với bao năm bệnh tật, cũng không biết thay đổi tính tình, phẩm hạnh của bản thân, ôm bệnh sống cả đời mà không hề hay biết. Vì thế những nhà y học cổ xưa, người tu hành đắc đạo như Kỳ Bá, Y Hòa cũng rời khỏi nhân gian, Vu Bàng, Du Phu cũng ra đi vĩnh viễn, là đều do những nguyên nhân này.
Từ đoạn văn trên của Tôn Tư Mạc có thể thấy, ông chia con người thành ba dạng, dưỡng sinh chia thành 2 tầng.
Dạng thứ nhất cũng là dưỡng sinh ở tầng thứ nhất, là người có thể soi xét, nhìn nhận lại bản thân và hướng thiện, quay về với chính bản tính con người, các loại bệnh trong ngoài cơ thể đều không thể bị, tai họa cũng không thể tới. Cũng là những người đã đạt tới cảnh giới “đạo đức” của Lão Tử, trên đường đi không bao giờ gặp thú dữ.
Cảnh giới này không thể có được nhờ việc uống thuốc, chỉ có thể đi theo con đường tu luyện truyền thống mà thành, diệt trừ những suy nghĩ sai lệch, tu tâm, luyện công mà thành. Những người đạt tới cảnh giới này sẽ không bị che đậy bởi những quan niệm trường thọ nơi nhân gian.
Thực ra, đây mới là bản chất thực của dưỡng sinh mà người xưa muốn nói tới: dưỡng tốt, dùng tốt sinh mạng thể xác của mình, cuối cùng đạt tới bản gốc vốn có của con người.
Dạng thứ 2 cũng là dưỡng sinh ở tầng thứ 2, gồm những người muốn dưỡng tính, muốn khỏe mạnh sống lâu, muốn thay đổi bản thân. Với những người này, Tôn Tư Mạc đã nói như sau: Những người này để đạt được mục đích không thể chỉ dựa vào việc uống thuốc bổ, đồ ăn nhiều dưỡng chất, hay chỉ luyện tập sức khỏe, học chút dưỡng sinh là đạt được. Quan trọng là phải tu dưỡng đạo đức, phẩm hạnh, thay đổi những hành vi sai trái, chưa đúng mực của mình. Đối với họ, nếu thay đổi được tư tưởng, hành vi, không làm việc ảnh hưởng tới quyền lợi, hại người khác (thực tế đây cũng là đang đi theo phương hướng của tầng thứ 1), chỉ cần làm tốt được việc này thì không cần uống thuốc bổ cũng có thể sống trường thọ. Nhưng nếu cơ bản không muốn thay đổi hành vi của mình, đức hạnh không đủ, thì dù có uống tới thuốc tiên, nước ngọc thì cũng không thể sống lâu, uống thuốc chỉ lãng phí thuốc.
Dạng thứ 3, chính là những người mông muội làm việc xấu, không tu dưỡng đạo đức, họ bị bệnh suốt đời, đau khổ trọn kiếp mà không hề hối cải, không muốn thay đổi bản thân. Với dạng này không thể nói là dưỡng sinh được.
Tôn Tư Mạc cũng nói Thánh Nhân có cứu chữa những người có hành vi sai trái. Nếu nhân loại phần lớn đều phát triển (hoặc rơi vào) ở dạng thứ 3 thì Thánh Nhân cũng sẽ rời đi, họ sẽ không quan tâm tới loài người nữa.
Theo Soundofhope
Quỳnh Chi biên dịch
Video: Phong thủy quan trọng nhất trong gia đình, chỉ có một nơi