Đại Kỷ Nguyên

Thánh điện thứ Ba vì sao là căn nguyên xung đột giữa Israel và Palestin?

Ảnh: Bí ẩn chưa được giải đáp - ET

Con bò cái tơ màu đỏ xuất hiện, người Israel sẽ xây dựng ngôi Thánh điện thứ ba?! Ngôi nhà của Chúa tại nhân gia đã biến mất 2.500 năm sắp xuất hiện trở lại? Đại thẩm phán ngày cuối cùng đang đến gần? 

Chào mừng các bạn đến với Bí ẩn chưa được giải đáp!

Gần đây, xung đột Israel-Palestine một lần nữa trở thành tiêu điểm của thế giới. Hai bên trả đũa lẫn nhau, số người thương vong tăng vọt. Kể từ khi Israel phục quốc vào năm 1948, đặc biệt là sau khi Israel chiếm Đông Jerusalem vào năm 1967, xung đột giữa hai bên chưa bao giờ dừng lại, chiến hỏa đã nổ ra hơn 5 lần. Trọng tâm của vấn đề chính là Nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa trên Núi Thánh điện ở Đông Jerusalem – đệ tam đại Thánh địa trong Hồi giáo.

Nhưng người Israel nói rằng, đây cũng là đất Thánh của chúng tôi, chúng tôi đã từng xây dựng hai ngôi Thánh điện ở đây, và sẽ xây dựng Thánh điện thứ ba tại đây để nghênh đón sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế Mê-si. Nhà thờ Hồi giáo của các bạn đã cướp đoạt lãnh thổ của chúng tôi.

Hôm nay chúng ta sẽ nói về ngôi Thánh điện thứ ba này và câu chuyện đằng sau nó.

Sự xuất hiện của Hòm Giao Ước

Trước tiên hãy nói về lý do tại sao việc xây dựng lại Thánh điện lại quan trọng như thế đối với người Israel. Bởi vì đây là nơi họ cất giữ Hòm Giao Ước. Hòm Giao Ước là một trong những thánh vật quan trọng nhất trong Kinh Thánh, nó lưu giữ những pháp tắc làm người mà Chúa ban cấp cho người Israel: “Mười Điều Răn”. Phía trên chiếc hòm còn có một ngai vàng, là nơi Chúa ngồi khi Ngài hạ xuống giao tiếp với các nhà tiên tri và thầy tế người Israel. Vì vậy, Hòm Giao Ước còn được gọi là ngôi nhà của Chúa tại nhân gian.

Mặc dù ngôi Thánh điện đã hai lần bị phá hủy, nhưng người Israel vẫn luôn tin rằng họ nên xây dựng lại Thánh điện, vì Kinh Thánh tiếng Do Thái nói rằng ngôi Thánh điện sẽ được xây dựng lại khi Đấng Cứu Thế Mê-si giáng lâm. Trong Kinh Thánh có một câu nói tương tự, đó là: “Chúa mà các ngươi đang tìm kiếm sẽ đột nhiên tiến nhập vào ngôi đền của Ngài” (Malachi 3:1). Ở đây “Chúa mà các ngươi tìm kiếm” là chỉ Đấng Mê-si (Messia), và khi Ngài đến, thánh điện của Ngài đã sẵn sàng. Đấng Mê-si xuất hiện là lúc người chết sống lại, là ngày Thẩm phán cuối cùng, người tốt sẽ lên thiên đàng, kẻ xấu sẽ bị ném vào hồ lửa. Vì vậy, đối với người Israel mà nói, để được cứu lên thiên đàng, thì nhất định phải xây xong ngôi Thánh điện thứ ba này.

Tuy nhiên, như chúng tôi đã đề cập trong tập trước, việc xây dựng lại Thánh điện gặp rất nhiều khó khăn, một trong những vấn đề lớn là Hòm Giao Ước đã biến mất suốt 2.500 năm. Nó liệu còn có thể tái hiện trong nhân gian không?

Vậy Hòm Giao Ước đã xuất hiện và biến mất như thế nào? Điều này bắt đầu với việc Môi-se (Moses) dẫn người Israel ra khỏi Ai Cập cách đây 3.300 năm. Vào thời điểm đó, người Israel đang phải làm nô lệ ở Ai Cập. Chúa không thể chịu đựng được nữa, nên đã truyền cho Môi-se đưa họ về quê hương Ca-na-an, chính là Israel ngày nay. Môi-se trên đường đi đã triển hiện nhiều thần tích, bao gồm cả việc rẽ nước biển Hồng Hải để người Israel có thể đi qua.

Chứng kiến ​​những thần tích này, dân Israel cùng nhau biểu thị lòng kính úy đối với Chúa và tôi tớ của Chúa là Môi-se. Và Chúa đã đối đãi họ rất tốt. Mọi người phàn nàn nước quá đắng, Chúa liền làm cho nước ngọt hơn; mọi người phàn nàn rằng không có thịt để ăn, và một đàn chim cút lớn đã bay đến trại của họ vào một đêm. Cùng với chim cút xuất hiện, còn có lộc thánh manna từ trên trời rơi xuống, đẹp như trân châu, ngọt ngào và thơm ngon. Chim cút nướng ăn cùng bánh manna, trên thế gian không có mỹ vị nào sánh bằng.

Ba tháng sau, dân Israel đến chân núi Sinai. Tại đây, Chúa hiển hiện trên không trung và tuyên giảng “Mười Điều Răn”, bao gồm cần hiếu kính người già, không được tôn sùng ngẫu tượng, không được sát nhân, ngoại tình, trộm cắp, gian lận và tham luyến vật phẩm của người khác, v.v.

Sau đó, Môi-se liền lên núi, học tập từ Chúa pháp luật để quản lý người Israel, ở lại đó trong 40 ngày. Khi xuống núi, Chúa đã ban cho ông hai bia đá có khắc “Mười Điều Răn”, bảo ông quay lại làm một cái hòm bằng gỗ keo để cất vào cho ngăn nắp. Chiếc hòm này phải dát vàng từ trong ra ngoài, chân hòm phải đặt bốn khoen vàng để dễ mang theo. Phía trên hòm phải đặt một chiếc ngai vàng bằng vàng ròng, để khi Chúa hạ xuống có thể ngồi lên đó, hai bên ngai vàng phải có hai thiên sứ xòe cánh thủ hộ.

Môi-se được lệnh xuống núi, nhưng khi đi được nửa đường, ông nhìn thấy một nhóm người Israel đang lễ bái một con bê vàng. Bấy giờ, Môi-se rất tức giận. Thần đã đối rất tốt với các người, vậy tại sao chỉ trong chớp mắt các người đã quay lưng lại với Ngài? Chẳng phải “Mười Điều Răn” dạy không được sùng bái ngẫu tượng sao? Hơn nữa, đây chỉ là một con vật. Trong cơn tức giận, ông đã ném vỡ hai bia đá.

Nhưng Chúa hiển nhiên rất kiên nhẫn đối với người dân Ngài. Sau một phen trừng phạt, Chúa lại đã tha thứ cho dân Israel, và ban cho Môi-se thêm hai bia đá nữa.

Lần này, cơn giận của Môi-se nguôi ngoai, ông đã đóng chiếc Hòm Giao Ước theo chỉ dẫn của Chúa. Một chiếc lều đặc biệt được dựng lên gọi là “Đền tạm” để cất giữ Hòm Giao Ước. Trong lều có một không gian kín được bao bọc bởi một tấm màn trướng, được gọi là Nơi Chí Thánh, và Hòm Giao Ước được đặt trong đó.

Mỗi lần Môi-se vào đó thưa chuyện với Chúa, liền có một cột mây giáng xuống và dừng lại trước cửa Đền tạm.

Hòm Giao Ước lưu lạc

Hơn bốn mươi năm sau đó, người dân Israel tiếp tục tiến bước trong sa mạc cát, không bao giờ quên mang theo Hòm Giao Ước bên mình. Hòm Giao Ước cũng triển hiện rất nhiều thần tích giúp đỡ người Israel. Khi vượt qua sông Jordan, ngay khi chân các thầy tế lễ khiêng Hòm Giao Ước chạm xuống mặt nước, thì nước liền cạn, và người dân băng qua sông dễ dàng.

Tại chiến dịch đầu tiên trong cuộc chinh phục Ca-na-an của người Israel, Hòm Giao Ước được khiêng đi mỗi ngày, đi vòng quanh thành Giê-ri-cô một vòng, binh sĩ đi phía trước, theo sau là bảy thầy tế thổi bảy chiếc sừng dê. Vào ngày thứ bảy, dân Israel khiêng Hòm đi vòng quanh thành như thường lệ, lần này là lần thứ bảy, sau đó các thầy tế hét lên một tiếng lớn, tường thành liền sụp đổ, người Israel chiếm được thành mà không tốn một giọt máu.

Nhưng sau đó, người Israel đã quên mất Hòm Giao Ước nguyên bản dùng để làm gì, họ bắt đầu mang Hòm ra chiến trường, cầu xin Chúa bảo hộ cho họ chiến thắng. Nhưng làm sao Chúa có thể nghe theo mệnh lệnh của con người mà can thiệp vào những chuyện nhân gian? Vì vậy, quân đội Israel bắt đầu phải hứng chịu những thất bại liên tiếp, cuối cùng trong một trận chiến chống lại quân Phi-li-tin (Philistine), ngay cả Hòm Giao Ước cũng bị đối phương cướp đi.

Nhưng là thánh vật mà, nó có linh tính. Người Phi-li-tin nhanh chóng phát hiện ra họ không thể đặt chiếc Hòm này ở đâu cả, vì bất cứ nơi nào nó đi đến, Hòm Giao Ước đều mang lại tai nạn cho nơi đó. Có nơi xuất hiện cái chết đen, có nơi người dân bắt đầu phải chịu đựng những khối u. Sau đó, các thầy tế của họ lên tiếng, nói rằng tốt hơn hết là trả lại Hòm Giao Ước cho người Israel, vì đó là kho báu của họ.

Bảy tháng sau, Hòm Giao Ước lưu lạc đã trở về Israel. Tuy nhiên, sự kiện bị cướp này đã đả kích kích nặng nề tín ngưỡng của người Israel, họ không còn coi trọng Hòm Giao Ước nữa, cứ như vậy mãi cho đến thời đại vua David, sau thời đại Môi-se khoảng 300 năm, tức là cách đây 3.000 năm.

Thánh điện của Thần

Có thể nói David là vị vua vĩ đại nhất trong lịch sử Do Thái, và ngay cả những tín đồ Cơ Đốc giáo cũng tự hào về ông. Một trong những câu chuyện nổi tiếng nhất trong Kinh Thánh là câu chuyện David đánh bại người khổng lồ Goliath khi còn niên thiếu.

Khi đó, David ra chiến trường để chuyển lương thực cho các anh em, tình cờ nhìn thấy gã khổng lồ Gô-li-át trong quân địch đang hô hào giao chiến. Không ai trong quân đội Israel dám bước ra ngoài. Nhưng David không hề sợ hãi, ông bước ra mà thân không mặc áo giáp, trong tay chỉ cầm một dụng cụ ném đá và năm viên đá, lớn tiếng nói với tên khổng lồ: “Ta sẽ giết ngươi và sẽ chặt đầu ngươi”, “để cả thế giới biết rằng người Israel có một Thiên Chúa”, “Ngài sẽ trao các ngươi vào tay chúng ta, không phải bằng gươm hay giáo.” (Theo Sa-mu-ên 17 chương 46, tiết 47). Sau đó, David ném hòn đá ra khỏi tay vào trúng giữa đầu Gô-li-át, người khổng lồ quỵ xuống. David cũng thành danh anh hùng dân tộc nhờ trận chiến này, sau đó đương nhiên trở thành quốc vương.

Sau khi trở thành quốc vương, David rất cảm ân Thần, nói rằng việc bản thân sống trong một cung điện hào hoa, trong khi ngôi nhà của Chúa tại nhân gian chỉ là trong một cái lều là không thích hợp, ông hy vọng có thể xây dựng một Thánh điện cho Hòm Giao Ước. Dưới sự sắp đặt của nhà tiên tri Nathan, vua David đã được gặp Chúa tại Hòm Giao Ước. Tuy nhiên, mặc dù Chúa đồng ý với kiến nghị của ông, nhưng Ngài vẫn nói rằng Thánh điện này là do con trai ông xây dựng.

David ngoan ngoãn phục tùng, và lặng lẽ bắt đầu công việc chuẩn bị sơ bộ, bao gồm chọn địa điểm xây dựng Thánh điện, mua vật liệu, thiết kế kiến trúc, v.v. Sau này, Thánh điện quả thực được xây dựng dưới tay con trai của David, vua Sa-lô-môn, phải mất 20 năm mới hoàn thành, riêng phần móng đã mất 7 năm. Toàn bộ Thánh điện được Sa-lô-môn làm cho lộng lẫy huy hoàng, những chiếc bàn bằng vàng, chân nến bằng vàng, thậm chí cả dây xích trên cửa cũng được làm bằng vàng, điều này thể hiện thành ý của David và con trai ông đối với ngôi Thánh điện này.

Hòm Giao Ước được đặt trong một mật thất không có cửa sổ nằm sâu trong Thánh điện, mật thất này gọi là “Nơi Chí Thánh” – nơi Chúa giao tiếp với con người. Khi các thầy tế khiêng Hòm Giao Ước vào, cả ngôi Thánh điện được bao phủ bởi một đám mây ngũ sắc, mọi người đều nói rằng đó là vinh quang của Chúa.

Hòm Giao Ước mất tích

Thật không may, ngôi Thánh điện đầy công phu này đã bị người Babylon san bằng vào 400 năm sau, và Hòm Giao Ước cũng biến mất. Tuy nhiên, nhiều người Do Thái tin rằng Hòm Giao Ước không bị người Babylon phá hủy, mà thay vào đó được cất giấu ở đâu đó trên thế giới. Dù sao nó cũng là thánh vật có linh tính, làm sao ngôi nhà của Chúa tại nhân gian lại có thể bị người thường tùy tiện phá hủy? Hãy xem, chẳng phải năm đó nó đã từng lưu lạc bên ngoài một thời gian, rồi lại quay trở về an toàn sao?

Nhưng tiếc thay, 70 năm sau, khi người Israel quay lại xây dựng lại Thánh điện, Hòm Giao Ước vẫn không xuất hiện. Trên thực tế, từ đó đến nay, Hòm Giao Ước vẫn chưa từng xuất hiện trở lại. Tuy nhiên, trong số những người Do Thái, có thuyết pháp rằng Hòm Giao Ước vẫn còn tại nhân gian.

Kinh thánh Do Thái “Sách 2 Mã Gia Bỉ” kể rằng, nhà tiên tri Giê-rê-mi, người đầu tiên tiên tri về cuộc xâm lược của người Babylon vào Jerusalem, đã lấy được Hòm Giao Ước và chôn trong một hang động, sau đó ông nói với những người đi theo ông, rằng cho đến khi Chúa lại lần nữa tụ tập con dân của Ngài và chấp nhận họ, thì nơi này không nên để người khác biết. 

Người Lemba ở Nam Phi cho rằng tổ tiên của họ đã mang Hòm Giao Ước đến phương Nam, cuối cùng giấu nó trong một hang động sâu ở dãy núi Dummbach, quê hương tâm linh của họ. Câu nói này nghe rất giống phần tiếp theo của câu chuyện Giê-rê-mi: Vậy Hòm Giao Ước có thực sự được đưa đến Châu Phi không?

Năm 2008, Tudor Parfitt, một chuyên gia người Do Thái đến từ Anh, đã thực hiện chuyến đi đặc biệt tới Nam Phi để tiến hành nghiên cứu. Sau đó, ông nói rằng Hòm Giao Ước đã được đưa đến Sena, Yemen và sau một thời gian lưu trú ngắn ngủi, nó đã vượt đại dương đến Đông Phi và sau đó được đưa vào đất liền. Nhưng không lâu sau đó, Hòm Giao Ước đã tự hủy diệt. Các linh mục ở Lombardy đã làm một bản phục chế. Bản phục chế này được một giáo sĩ Thụy Điển phát hiện vào những năm 1940, sau đó được thu tàng trong bảo tàng khoa học nhân loại.

Cũng tại Ethiopia, Giáo đường Thánh Mary ở thành phố Axum cũng tuyên bố rằng Hòm Giao Ước được cất giữ trong một kho vàng gần họ. Tuy nhiên, khi Kênh Discovery của Mỹ cử một đội quay phim đến và nói rằng họ chỉ muốn nhìn thoáng qua vẻ đẹp của nó, các giáo sĩ đã từ chối yêu cầu này.

Vậy bản thân người Israel thì nói gì? Họ nói rằng Hòm Giao Ước chưa bao giờ rời đi, và luôn được giấu trong một mật thất dưới lòng đất trên Núi Thánh điện. Năm 1981, ba giáo sĩ cấp cao ở Israel cho biết họ đã căn cứ bản đồ Thánh điện thời cổ đại, đào một lối đi ngầm nối với lối đi bên dưới Thánh điện, theo lối đi đó đến một căn phòng bí mật, tại đây họ đã nhìn thấy Hòm Giao Ước. Nhà khảo cổ học Kinh Thánh Ron Wyatt cũng tuyên bố rằng ông đã phát hiện ra Hòm Giao Ước trong một căn phòng sâu 20 feet  dưới lòng đất, bên dưới địa điểm Chúa Giê-su bị đóng đinh bên ngoài thành phố cổ Jerusalem vào năm 1982.

Hai mật thất này chẳng phải cùng là một sao? Hòm Giao Ước rốt cuộc có ở bên trong không? Nếu có thì đó là chiếc hòm nguyên trạng do Môi-se năm đó tạo ra hay là bản phục chế? Hiện chưa có tin tức rõ ràng.

Tái thiết Thánh điện

Nhưng bất kể có thể tìm thấy Hòm Giao Ước hay không, việc xây dựng Thánh điện lần thứ ba đã nằm trong kế hoạch của người Israel. Trong một cuộc thăm dò năm 2010, gần một nửa số người Israel muốn xây dựng lại Thánh điện. Họ cũng đã thành lập “Sở nghiên cứu tái thiết Thánh điện” và bắt đầu các công tác sơ bộ như chuẩn bị kinh phí, thiết kế kiến ​​trúc theo đúng hướng dẫn về thiết bị và dụng cụ trong Kinh Thánh, cũng đã thông qua giám định ADN để tìm kiếm những người Levi khiêng Hòm Giao Ước. Bởi vì Môi-se quy định rằng chỉ có các thầy tế mới có vinh dự được khiêng Hòm Giao Ước, và những thầy tế chỉ có thể được chọn trong số người Levi.

Điều làm tăng thêm tín tâm của họ là dấu hiệu tiên tri về việc xây dựng lại Thánh điện đã xuất hiện: Một con bò cái tơ màu đỏ dùng cho hiến tế đã sinh ra ở Israel. Bò đỏ phi thường hiếm thấy. Vì để thực hiện lời tiên tri, sở nghiên cứu đã nhập khẩu bò lông đỏ từ nước ngoài vài năm trước và bắt đầu tự nhân giống chúng. Trong báo cáo năm 2020, sở này khẳng định đã cho ra một con bò đỏ gốc Israel, tuy nhiên trên cơ thể nó vẫn còn một mảng lông nhỏ màu trắng, vẫn chưa phù hợp yêu cầu, nhưng mục tiêu đã rất gần.

Dường như mọi thứ đã sẵn sàng, chỉ cần gió đông nổi lên. Nhưng khi nào thì người Ả Rập mới từ bỏ khối phong thủy bảo địa này? Tự nguyện từ bỏ dường như không có khả năng. Nhưng có người nói, liệu có động đất bất ngờ không? Hoặc giả, một quả tên lửa bị bắn trượt? Lập tức có người phản đối, nói rằng, tại sao các người chỉ nghĩ đến tai họa? Kinh Thánh tiên tri rằng khi Thánh điện được tái thiết, thì phản Cơ Đốc cũng sẽ xuất hiện, lúc đó nền kinh tế thế giới sẽ rất tồi tệ. Nếu không thể bán được dầu với giá cao hơn, nền kinh tế Ả Rập sẽ sụp đổ, liệu mảnh đất đó có thể nào được bán cho người Israel không? Đây là giải pháp hòa bình nhất.

Vậy bạn cảm thấy Thánh điện thứ ba có thể được xây dựng không? Nó sẽ được xây dựng như thế nào? Nếu nó thực sự được xây dựng lại, và các thầy tế của Israel khiêng Hòm Giao Ước đi tuần du, bạn có nghĩ rằng Đấng Cứu Thế Mê-si sẽ thực sự đến không?

Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch

Exit mobile version