Câu thành ngữ “thập dương cửu mục” bắt nguồn từ một câu chuyện về bản tấu trình mà một viên quan cao cấp đưa lên cho hoàng đế Trung Quốc cổ đại. Câu thành ngữ chứa đựng trí tuệ và kiến thức vẫn còn hữu dụng cho các nhà quản lý trong thời hiện đại.
Khoảng 1.500 năm trước, Trung Quốc đang ở trong thời kỳ hỗn loạn kéo dài hơn 100 năm, đất nước bị chia cắt thành hai phần nam – bắc, mỗi phần lại bị cai trị bởi các triều đại ngắn ngủi. Chiến tranh và bất ổn xã hội đã diễn ra liên tục, nhưng đây cũng là thời điểm hưng thịnh của nghệ thuật, văn hóa và tôn giáo. Giai đoạn này được gọi là Nam – Bắc triều (420 – 581 sau Công nguyên).
Sau thời Nam – Bắc triều, triều đại nhà Tùy (581 – 618 sau Công nguyên) được dựng nên bởi vua Tùy Văn Đế, người đã thống nhất Trung Hoa lần đầu tiên sau hơn một thế kỷ phân chia nam bắc.
Vua Tùy có một số quan thân cận trung thành hỗ trợ việc nước. Một trong số đó là Yang Shangxi (sống vào khoảng 533 – 590 sau Công nguyên).
Yang nhận thấy một số khó khăn trong việc quản lý đất nước. Có quá nhiều châu huyện và quan lại cấp châu huyện, do phân chia khu vực hành chính để lại từ triều đại trước. Vì vậy, hầu hết các quan chức chỉ chịu trách nhiệm ở một khu vực nhỏ, hoặc không có thực quyền và không hữu ích.
Tình trạng này không chỉ gây ra gánh nặng chi phí cho triều đình, mà còn là trở ngại cho việc thực hiện công việc suôn sẻ. Yang cảm thấy rất lo lắng, vì vậy ông đã thảo một bản tấu trình lên nhà vua.
Yang viết: “Hiện này có quá nhiều huyện và quá nhiều quan lại, giống như có tới 9 người chỉ để chăn 10 con dê. Điều này khiến triều đình chịu nhiều chi phí và làm tốn thời gian thực hiện công việc.
“Việc giảm số lượng các huyện và quan lại là ưu tiên hàng đầu đối với quốc gia. Thần xin đề xuất duy trì các khu vực hành chính hợp lý, và cử những quan lại có năng lực tới những nơi thực sự cần. Đối với những vị trí phải giảm bớt, có thể cho họ những công việc khác.”
“Những thay đổi này sẽ làm giảm đáng kể chi phí cho triều đình và giúp điều hành công việc quốc gia hiệu quả hơn.”
Sau khi đọc bản tấu trình của Yang, Tùy Văn Đế đã sử dụng những lời tâm huyết của vị quan và thực hiện một loạt những cải cách tập trung, đưa đến kết quả rất khả quan.
Câu chuyện này nằm trong phần tiểu sử của Yang Shangxi trong cuốn “Tùy Thư” (1). Cụm từ “Thập dương cửu mục” trong bản tấu của ông lên vua Tùy sau này đã trở thành một thành ngữ.
Thành ngữ này có thể dịch theo nghĩa đen là “có 9 người chăn 10 con dê”, và dùng để miêu tả một tình huống trong đó có quá nhiều người ra lệnh và không đủ người thực hiện.
Nó cũng truyền đạt tầm quan trọng phải xây dựng hệ thống phân quyền rõ ràng, mạch lạc trong việc quản lý hoặc tổ chức, để không xảy ra sự nhầm lẫn hoặc không biết phải tuân thủ mệnh lệnh của ai, tránh xảy ra sự chồng chéo, gây lãng phí cho đất nước và phiền hà cho nhân dân.
Ghi chú: (1) Cuốn “Tùy Thư” là sách lịch sử của thời kỳ nhà Tùy. Sách được biên soạn bởi nhóm sử quan đời nhà Đường và hoàn thành vào năm 636 sau Công nguyên. Cuốn sách bao gồm 5 Đế kỷ, 30 Chí và 50 Liệt truyện.
Duoyu Zhong, Epoch Times
Lê Anh biên tập