Đại Kỷ Nguyên

Thành ngữ cổ: Trí huệ của văn minh 5000 năm

Thành ngữ là di sản vô giá, nó bám rễ sâu vào nền văn hóa truyền thống, góp phần làm cho ngôn ngữ này thật giàu nội hàm và vì thế cũng hết sức quyến rũ.

Đằng sau mỗi câu thành ngữ đều chưa đựng một câu chuyện, một giai thoại sâu sắc và ý nghĩa, là tinh hoa của văn hóa cổ đại. Chuyên mục “Câu chuyện thành ngữ” Thời báo Đại Kỷ Nguyên xin gửi đến quý độc giả những câu thành ngữ đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống, như một sự nâng niu, giữ gìn và trân quý nét đẹp văn hóa truyền thống của người xưa.

Thành ngữ Trung Hoa thể hiện bản chất và trí huệ của lịch sử Trung Hoa. (Ảnh: Nipic)
Thành ngữ Trung Hoa thể hiện bản chất và trí huệ của lịch sử Trung Hoa. (Ảnh: Nipic)

Trong nền văn minh Hoa Hạ 5000 năm, thành ngữ như những viên ngọc sáng lấp lánh. Chúng ngắn gọn, sinh động, biểu cảm và là chứng tích của những sự kiện lịch sử và nền văn hóa dân tộc. Chúng giúp chúng ta hiểu rõ hơn về lịch sử Trung Hoa lâu đời, về trí huệ thông thái và trường cửu của người xưa.

Với nội hàm thâm thúy, thành ngữ vừa cô đọng, mang tính tượng trưng và thường được sử dụng rộng rãi trong dân gian. Hầu hết các thành ngữ có 4 từ, mặc dù một số thành ngữ có 3 từ, và một số có 5 hoặc nhiều hơn.

Trương Lương tâu với Hán Cao Tổ Lưu Bang rằng: “Lời ngay nghe chướng tai”. (Ảnh: Daikynguyenvn)

Ước tính khoảng 30.000 thành ngữ đã được lưu truyền trong dân gian. Trong đó, câu thành ngữ lâu đời nhất xuất hiện vào thời Chiến Quốc (475-221 trước công nguyên). Có nhiều cuốn sách đã sưu tầm được hầu hết những câu thành ngữ thông dụng trong cuộc sống thường nhật. Chẳng hạn như, “Từ điển Thành ngữ Trung Hoa” của Song Yongpei, xuất bản năm 2000, có khoảng 14.000 câu thành ngữ.

Nhiều thành ngữ có nguồn gốc từ những câu chuyện của Nho gia, Đạo gia, và Phật gia. Những lời giáo huấn của 3 “gia” này là hệ thống tiêu chuẩn đạo đức phong phú và thâm thúy, hình thành nên những lý tưởng đạo đức trong văn hóa Trung Hoa truyền thống, như là sự kính ngưỡng thiên địa, nhân đức, chính nghĩa, lễ nghi và trí huệ.

Nếu so sánh định nghĩa “thành ngữ” trong tiếng Anh, thì thành ngữ Trung Hoa mang nhiều màu sắc lịch sử hơn và chứa đựng nhiều hàm nghĩa văn học hơn, đặc biệt là những thành ngữ có xuất xứ từ truyện ngụ ngôn và huyền thoại.

Hơn nữa, thật khó mà tìm được những câu thành ngữ tương đương trong tiếng Anh cũng như trong những ngôn ngữ khác mà có thể bao hàm và miêu tả một cách tương đồng.

Lấy ví dụ, thành ngữ “cao sơn lưu thủy” (高山流水) khi dịch thì có nghĩa là “núi cao nước chảy,” nhưng lại nói đến một câu chuyện về tình bạn tri âm giữa một nhà soạn nhạc và một anh tiều phu, hai người bạn tâm giao thật sự hiểu và tôn trọng lẫn nhau.

Bá Nha và Chung Tử Kỳ, người tấu đàn, người thưởng đàn. (Ảnh: Internet)

Nó nói về hai đoạn nhạc mà người nhạc sỹ đã tấu cho người bạn của ông, người ngay lập tức hiểu được ý nghĩa của chúng.

Đồng thời, các thành ngữ Trung Hoa miêu tả một cách chính xác và sinh động nhãn quan của người Trung Hoa về cuộc sống, về xã hội, và về những quan điểm triết lý. Chẳng hạn, “minh biện thị phi” (明辨是非), dịch nghĩa là “phân biệt rõ ràng giữa đúng và sai,” nói đến tầm quan trọng của việc nhận thức được đúng sai.

Việc nhận thức được rõ giữa “đúng và sai”, cũng giống như cán cân công lý mà Bao Thanh Thiên thời xưa khi xử án đã làm rất “thanh thiên” vậy. (Ảnh: Internet)

Thành ngữ Trung Hoa là di sản văn học phong phú của nền văn minh Hoa Hạ, nó biểu thị bản chất của ngôn ngữ và trí tuệ của dân tộc này, và là một biểu hiện vi mô của lịch sử.

Chúng là hiện thân bản chất tự nhiên của nền văn hóa truyền thống Trung Hoa cũng như sự tiến hóa của tư tưởng nhân văn Trung Hoa qua hàng nghìn năm lịch sử, khiến những lý tưởng đạo đức truyền thống Trung Hoa được thấm nhuần trong tinh thần dân tộc.

Trong các kỳ tiếp theo, Đại Kỷ Nguyên xin trân trọng cung cấp cho quý độc giả những câu thành ngữ Trung Hoa thông dụng nhất và những mẫu chuyện lịch sử đi kèm.

Tác giả Lily Choo

Theo Epoch Times Staff

Xem thêm:

Exit mobile version