Đại Kỷ Nguyên

Thành ngữ Trung Hoa: “Tự tương mâu thuẫn”

Trong thời Chiến Quốc (475-221 TCN), có một thương nhân tại nước Chu chuyên bán mâu (cây giáo có cán dài và mũi nhọn) và thuẫn (khiên).

Một ngày, vị thương nhân nọ lên phố để bán hai loại vũ khí của mình. Ông tìm được vị trí có nhiều người qua lại và bày hàng hóa lên mặt đất.

Trước hết, ông giơ chiếc thuẫn lên và hô to rằng: “Các quý ông, quý bà, hãy đến và xem chiếc thuẫn lừng danh thiên hạ này! Không gì có thể sánh được với độ bền của nó. Thậm chí cả những chiếc mâu sắc nhọn nhất trên đời cũng không thể đâm qua được”.

Một đám đông lớn xúm lại quanh gian hàng của ông để cùng chiêm ngưỡng chiếc thuẫn vô song này.

Sau đó, vị thương nhân lại giơ lên một cây mâu và không ngớt lời ca ngợi: “Và các quý ông, quý bà, hãy nhìn chiếc mâu này. Không gì có thể chịu được độ sắc nhọn của nó, bởi đây là chiếc mâu sắc nhất dưới bầu trời. Nó có thể đâm thủng ngay cả chiếc thuẫn chắc khỏe nhất thế gian.”

Nghe những lời này, đám đông bắt đầu nghiêng ngả cười. Một trong số đó hỏi thương nhân: “Như những gì ngài vừa mới nói, không gì có thể sánh với chiếc mâu sắc nhọn của ngài bởi nó có thể đâm thủng cả chiếc thuẫn mạnh nhất thế gian. Và chiếc thuẫn của ngài là bền chắc nhất và có thể ngăn bất cứ chiếc mâu nào. Vậy nếu thử lấy mâu của ngài đâm vào thuẫn của ngài thì sao?”

Vị thương nhân không nói lên lời. Ông không thể đưa ra dù chỉ một lời đáp lại. Quá bối rối, ông vội vàng thu dọn mâu và thuẫn rồi rời đi.

Thành ngữ “Tự tương mâu thuẫn” (自相矛盾) xuất phát từ câu chuyện này. Theo nghĩa đen, đó là sử dụng mâu của một người đối lại với thuẫn của chính người đó. Truyện được viết trong cuốn cổ thư “Hàn Phi Tử” bởi Hàn Phi (khoảng 280-233 TCN), một trong những triết gia thời đầu của Trung Quốc.

Ý nghĩa chung của thành ngữ là ‘tự mâu thuẫn với chính bản thân mình’. Ngày nay, thành ngữ này được dùng để diễn tả những lời nói và hành động trái ngược với nhau ngay từ lúc đầu, và do đó, sẽ đưa đến một kết quả bất khả thi.

Trong tiếng Anh cũng có những cụm từ tương đương biểu thị sự trái ngược, như “a wealthy pauper” (một người ăn xin giàu có) hay “an honest thief” (một tên trộm thật thà). Còn trong tiếng Việt, chúng ta thường dùng ngắn gọn là “mâu thuẫn”.

Duoyu Zhong và Tanya Harrison, Epoch Times
Biên tập: Hồng Liên

Exit mobile version