Ngày xưa, ở Trung Quốc có một bậc thầy về đánh cờ tên là Dịch Thu. Ông nổi tiếng là cao thủ chơi cờ lão luyện nhất thời bấy giờ. Một lần, ông nhận hai người Ah và Bi làm đệ tử và hàng ngày dạy họ đánh cờ.
Một hôm, ông dạy họ một số thuật đánh cờ quan trọng. Ah nghe giảng rất chăm chú và hoàn toàn nhập tâm vào bài. Trong khi đó, Bi vừa nghe giảng vừa để tâm trí ở nơi khác.
Trong giờ học, Bi nhìn ra ngoài cửa sổ. Anh ta thấy một con thiên nga ở ngoài hồ và liền tưởng tượng ra việc trong tay có một cây cung cùng mũi tên, anh giương cung bắn con thiên nga đó rồi mang về nấu một bữa tối ngon lành.
Ngay sau đó Bi nhận ra đó chỉ là tưởng tượng trong khi anh vẫn ở trong lớp học. Anh cảm thấy thật đáng tiếc khi phải học bài lúc này. Bi quay lại nghe giảng nhưng chỉ được một lúc lại quay ra cửa sổ nhìn một con thiên nga khác. Bi lại nghĩ tới việc bắn con thiên nga kia rồi nấu nó cho bữa tối.
Dù Bi cùng học một bài giảng giống như Ah nhưng anh lại không tập trung vào lời dạy của sư phụ mà lại để đầu óc mình lơ đễnh vào những việc khác. Thậm chí Bi vẫn quẩn quanh trong tưởng tượng của mình khi bài giảng đã kết thúc.
Sư phụ Thu cũng nhận ra việc Bi lơ đãng việc học. Ông yêu cầu hai học trò của mình chơi một ván cờ vào cuối buổi học.
Ah đã áp dụng ngay những kĩ thuật vừa được học và chơi rất tốt. Trong khi đó, Bi phải rất vất vả để chống đỡ nước cờ của Ah và cuối cùng đã thua cuộc.
Sư phụ Thu nói với học trò: “Nếu một người không toàn tâm toàn ý vào việc học, anh ta sẽ không học được điều gì cả.”
Câu truyện trên dựa theo một trích đoạn trong thiên Cáo tử sách Mạnh Tử(1). Sau này, câu nói trong truyện 專心致志 (zhuān xīn zhì zhì), nghĩa là “chuyên tâm mới đắc đạo”, đã trở thành một câu thành ngữ.
Ghi chú: Mạnh Tử sinh năm 372 mất năm 289 trước công nguyên, là một triết gia nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc. Ông là Nho sĩ nổi tiếng chỉ sau Khổng Tử, người sáng lập ra Nho giáo. Triết lý của ông chủ yếu tập trung vào bản tính thiện của con người.
Theo Epoch Times