Đại Kỷ Nguyên

Quý nhân trong đời, người xưa làm thế nào để có?

Những bậc minh chủ, tướng soái thời xưa thường có năng lực khiến mọi người xung quanh tình nguyện cống hiến tài năng tâm huyết, thậm chí là cả tính mạng cho họ. Vì sao quanh những người ấy lại có nhiều quý nhân như vậy?

Muốn người khác hết lòng vì mình thì không thể dùng mệnh lệnh mà chỉ có thể dùng đức cảm hoá người. Vì vậy, muốn có quý nhân xuất hiện thì bạn cần phải hiểu “cách làm người”. Dưới đây là ba câu chuyện, là những tấm gương trong lịch sử đáng để chúng ta học hỏi.

1. Tần Mục Công mất ngựa quý

Tần Mục Công rất thích ngựa. Ông không tiếc chi ra vàng bạc nặng tay để tìm mua vài chú ngựa nuôi trong cung. Một hôm, người tùy tùng phụ trách nuôi ngựa thần sắc hoảng hốt chạy tới bẩm báo nói rằng một con tuấn mã màu trắng đã biến mất.

Tần Mục Công nghe xong lập tức chạy tới chuồng ngựa kiểm tra, chỉ thấy nửa sợi dây thừng vẫn còn cột trên máng, nhất định là con ngựa quật cường này đã lồng khỏi dây cương chạy mất. Tần Mục Công sốt sắng đứng ngồi không yên, đích thân dẫn người đi tìm. Họ men theo dấu chân ngựa lúc ẩn, lúc hiện trên đường, đi mãi tới một sơn cốc, núi Kỳ Sơn. 

Không bao lâu, họ nghe thấy tiếng người náo nhiệt, hóa ra là nhóm người vùng sơn cốc đang vây quanh một đống lửa, nướng thịt ngựa, quây quần thưởng thức ngon lành. Tần Mục Công đưa mắt nhìn thì thấy tấm da ngựa màu trắng trong đám cỏ. Đó chính là con tuấn mã mà ông bị mất.

“Đây là ngựa của ta mà!”, ông kinh ngạc thốt lên. Những người dân miền sơn cước đang ăn thịt ngựa đứng phắt dậy, kinh sợ nhìn Tần Mục Công và binh lính đứng đằng sau. Những đôi mắt lo sợ nhìn nhau, nín thở. Họ đang chờ đợi sự trừng phạt từ đức vua. 

Nhưng trong khoảnh khắc ấy, khuôn mặt của Tần Mục Công đã trở lại điềm nhiên như thường. Ông cười nói: “Ăn thịt tuấn mã mà không uống rượu liền, sẽ bị đau bụng, tổn hại tới sức khỏe”. 

Thế là ông dặn dò tùy tùng quay về hoàng cung mang vài hũ rượu ngon tới để người dân sơn cước nhắm cùng thịt ngựa, rồi mới quay người bỏ đi. Phía sau bóng dáng của Tần Mục Công và binh lính là những ánh mắt đầy hoài nghi.

Một năm sau, Tần và Tấn đánh nhau to tại Hàn Nguyên. Trận chiến diễn ra vô cùng khốc liệt. Quân Tần rơi vào vòng vây của quân Tấn. Cỗ xe chiến mã của Tần Mục Công cũng sa lầy sâu trong trận địa, mũi giáo lớn của quân địch chĩa thẳng vào áo giáp của ông. 

Trong thời khắc tính mạng như ngọn đèn trước gió đó, đột nhiên một đội quân gồm mấy trăm tráng sĩ thét lớn, lao vào đột phá vòng vây. Họ quyết một phen sống mái, liều chết xông pha, khiến quân Tấn mặt mày choáng váng, lúng túng, hoang mang, nhất thời không biết phải làm thế nào. Quân Tần thừa cơ phản công, chỉ một trận đã đánh bại quân Tấn, đồng thời bắt sống Tấn Huệ Công. 

Sau chuyện đó, Tần Mục Công triệu kiến đội quân kỳ lạ đã kịp thời tới cứu viện. Ông bèn hỏi họ: “Trẫm không nhớ rằng mình đã gia ân gì cho các vị. Vì sao các vị lại sẵn sàng xả thân cứu trẫm?”. Những người đó cười mà đáp lại rằng: “Chúng thần chính là những người đã giết con tuấn mã của ngài năm xưa nhưng lại được ngài ban cho rượu ngon vậy!”. 

Nhờ khi xưa không coi trọng lợi ích bản thân, có thể thấu hiểu và khoan dung cho lỗi lầm của người khác mà hôm nay Tần Mục Công có được niềm vui bất ngờ. Những bậc quân chủ thành tựu đại nghiệp xưa nay không phải vì họ có thần lực bách chiến bách thắng mà là vì họ có trái tim gói trọn cả thiên hạ. Tần Mục Công nhờ vậy mới có thể xưng bá thời Xuân Thu. Câu chuyện này cũng đã minh chứng cho câu nói: “Tấm lòng rộng rãi bao nhiêu thì vũ đài cũng lớn bấy nhiêu”.

2. “Bức tường nhìn trộm” của Tôn Quyền

Vào thời Tam Quốc, Lã Mông là tướng lĩnh do một tay Tôn Quyền bồi dưỡng mà thành, hai người thường xưng hô huynh đệ với nhau. Khi Quan Vũ mải đánh Phàn Thành của nước Nguỵ, một tay Lã Mông đạo diễn kế hoạch đánh úp Kinh Châu với chiến thuật “Bạch y độ giang” (áo trắng qua sông) nổi tiếng lịch sử.

Chỉ một trận ấy, Lã Mông đã giúp Tôn Quyền đoạt lại Kinh Châu, xoay chuyển thế cục của 3 nước: Nguỵ, Thục, Ngô. Đông Ngô từ yếu thế đã xoay chuyển cục diện, chiếm giữ được vùng đất chiến lược Kinh Châu, cân bằng thế chân vạc Tam Quốc. 

Mặc dù Lã Mông tham chiến rất dũng mãnh nhưng cũng thường mắc bệnh. Cuộc chiến Kinh Châu vừa kết thúc thì Lã Mông ngã bệnh, không ra được khỏi giường. 

Để chữa chạy, Tôn Quyền đích thân đón Lã Mông về cung, tìm danh y cả nước về bắt bệnh. Lúc này bệnh tình của Lã Mông đã vô cùng nghiêm trọng, ngoài dùng thuốc hàng ngày còn phải châm cứu. Lã Mông gầy chỉ còn da bọc xương nên châm cứu khiến ông vô cùng đau đớn. Tôn Quyền lo lắng cho Lã Mông, hàng ngày đều đích thân tới thăm ông vài lần. 

Lần nào Lã Mông cũng đều kiên quyết ngồi dậy để hành lễ quân thần. Điều này lại ảnh hưởng tới việc Lã Mông nghỉ ngơi, do vậy sức khỏe của ông càng khó hồi phục hơn. Không tới thăm Lã Mông thì Tôn Quyền lại không yên lòng, tới thăm lại trở thành gánh nặng cho người bệnh. Điều này khiến Tôn Quyền rất khó xử. 

Sau này Tôn Quyền nhân lúc Lã Mông ngủ say, bèn tìm người lặng lẽ khoét một lỗ nhỏ trên tường trong phòng của Lã Mông. Hàng ngày, Tôn Quyền không đích thân tới thăm Lã Mông nữa, mà nhìn trộm qua lỗ nhỏ này. Nếu vẻ mặt Lã Mông thư thái, có thể ăn uống được thì Tôn Quyền cũng vui vẻ ra mặt. Nếu Lã Mông có vẻ đau đớn hay không nuốt nổi cơm thì Tôn Quyền cũng trằn trọc cả đêm không yên giấc. 

Từ ngày khoét một lỗ nhỏ trên tường tới ngày Lã Mông khỏi bệnh là hơn 3 tháng. Tôn Quyền cũng “nhìn trộm” qua cái lỗ nhỏ này trong hơn 3 tháng. Sau khi Lã Mông khỏi bệnh, mỗi lần đại tướng quân của Đông Ngô như Lục Tốn, Chu Thái, Đinh Phụng sinh bệnh hoặc bị thương, Tôn Quyền cũng đều đón họ tới đây dưỡng bệnh. 

Các thủ hạ nhìn thấy cái lỗ này, không biết duyên cớ vì sao, bèn hỏi Tôn Quyền: “Chủ công quan tâm tới họ như vậy vì sao không tự mình tới thăm? Chí ít thì cũng khiến họ biết được rằng chủ công luôn canh cánh nhớ tới họ, như vậy chẳng phải họ lại càng bán mạng vì chủ công hay sao?”.

Tôn Quyền trả lời rằng: “Trẫm quan tâm tới họ hoàn toàn không phải là vì muốn họ biết điều đó. Nếu sự quan tâm mà tăng thêm gánh nặng cho người khác thì ngược lại lại là điều không tốt”. 

Tôn Quyền đối đãi với người khác như với chính bản thân mình. Cũng chính vì sự quan tâm của Tôn Quyền mà quan viên văn võ của Đông Ngô đều đoàn kết một lòng, dựng nên nghiệp đế vương tại vùng hẻo lánh Giang Đông này.

Chân dung Tôn Quyền được vẽ bởi Diêm Lập Bản (nguồn: Wikipedia).

3. Đường Thái Tông và viên quan thiếu khanh tại Đại Lý Tự 

Vào giữa những năm Trinh Quán, Đường Thái Tông Lý Thế Dân đã tổ chức một cuộc tuyển chọn nhân tài quy mô lớn. Do tiếng tăm của hoạt động này quá lớn, liền có người muốn đục nước béo cò. Thái Tông nghe nói có người làm giả chức vị quan và lý lịch cá nhân, bèn lệnh cho họ phải tự thú. Ông còn cảnh cáo rằng, nếu không tự thú thì một khi điều tra ra sẽ bị xử tử hình.

Đường Thái Tông và thiếu khanh Đại Lý Tự (một cơ quan chuyên thẩm tra các vụ án) phải điều tra rất lâu mới bắt được một người làm giả lý lịch nhưng không tự thú. Đường Thái Tông giao lại cho Đại Lý Tự xử lý. Đại Lý Tự chiểu theo hình luật và xử người này phải chịu tội lưu đày.

Thái Tông nghe xong chuyện này vô cùng tức giận, cho rằng phán quyết của Đại Lý Tự đã khiến mình thất tín với thiên hạ. Hoàng đế đã triệu quan thiếu khanh của Đại Lý Tự là Đái Trụ tới chất vấn: “Khanh lẽ ra nên biết rằng trong chiếu thư ban đầu mà trẫm ban ra, có nói rằng những người không tự thú sẽ bị xử tử. Bây giờ khanh lại xử y đi lưu đày, điều này chẳng phải thể hiện rằng ta nói lời mà không giữ lời hay sao?”.

Đái Trụ nghiêng mình kính cẩn thưa: “Nếu lúc đó bệ hạ giết y thì là chuyện của bệ hạ. Nhưng bây giờ ngài đã giao cho Đại Lý Tự xử lý rồi, thì thần không thể vi phạm pháp luật”. Thái Tông nói: “Vậy khanh tự mình tuân thủ pháp luật quốc gia để mặc ta thất tín với người trong thiên hạ sao?”. 

Đái Trụ thưa: “Pháp luật là sự đảm bảo cho quốc gia, là lấy uy tín với thiên hạ, nên uy tín của thiên hạ mới là uy tín lớn nhất. Lời của ngài chỉ là lời nói ra dựa vào cảm xúc hỷ nộ nhất thời. Bệ hạ nhất thời tức giận muốn giết y. Nhưng sau này biết rằng không thể làm vậy, mới đưa y cho Đại Lý Tự xét xử theo luật. Đây chính là bệ hạ đã nhẫn được cái phẫn nộ nhỏ mà giữ gìn được uy tín lớn. Thần nghĩ rằng cách làm của bệ hạ vô cùng đáng quý, do đó rất đáng trân trọng”. 

Thái Tông sực tỉnh, nói: “Khanh đã có thể không ngại mất lòng trẫm mà chỉ ra chỗ sai, sửa lại cho trẫm, trẫm thực vô cùng cảm kích”. Thế là hoàng đế đã thay đổi chủ ý ban đầu, đồng ý với phán quyết của Đại Lý Tự.

Đường Thái Tông có thể thẳng thắn nhận sai trước mặt quần thần, tu sửa điều không đúng, giữ nghiêm pháp luật, làm gương cho quần thần, thực đáng ngưỡng mộ. Bởi vậy, ông mới trở thành hoàng đế tài ba, thiết lập sự cường thịnh của Đại Đường, để lại tiếng thơm muôn đời.

***

Từ những câu chuyện của Tần Mục Công, Tôn Quyền và Đường Thái Tông ở trên, có lẽ bạn đã trả lời được phần nào thắc mắc “Làm sao để có được quý nhân?” rồi.

Nhân tài dễ tìm nhưng quý nhân thì khó kiếm. Nhân tài có thể tìm đến khi ta đầy đủ, sung túc, hùng mạnh. Nhưng quý nhân có khi chỉ xuất hiện vào lúc ta gặp vận bĩ cực, phút nguy nan.

Muốn quy tụ được những quý nhân bên cạnh mình thì điều cốt yếu chính là gìn giữ tâm thiện, khí độ bao dung, tấm lòng rộng mở, bao trùm thiên hạ.

Một người tự tư tự lợi sẽ không thể có được sự ủng hộ và giúp đỡ của người khác. Người biết hy sinh, quan tâm tới người khác thì “quý nhân” tự sẽ tới vây quanh họ.

Nhã Văn (biên dịch)

Video: 3 loại người nên tránh, 3 kiểu bạn nhất định phải kết giao

Exit mobile version