Hầu hết các bác sĩ Trung Quốc cổ đại, mọi người đều có tâm tế thế cứu dân, giúp người lúc nguy nan, từ những tư liệu lịch sử phong phú không khó để tìm thấy họ, những bác sĩ “vô dục vô cầu, tâm đại bi trắc ẩn, thệ nguyện cứu vớt sinh linh”, không chỉ là những câu chữ được tuyển viết trong cuốn sách “Đại y tinh thành”. “Nếu có người đến cầu cứu người bệnh, không nên hỏi người đó giàu hay nghèo, già hay trẻ, ân oán thế nào, trí tuệ hay dốt nát, họ đều đồng đẳng, đều nên được đối xử như người chí thân”, đạo lý này đã được triển hiện bởi nhiều danh y qua nhiều thời đại.
Đạo tại tiên, thuật tại hậu. Tu Đạo, hành thiện, tích đức không chỉ làm lợi cho người khác, kỳ thực cũng cho phép bản thân và con cháu đời sau đắc được phúc báo từ Thiên thượng. Lão Tử giảng: “Nhân hành dương đức, nhân tự báo chi; Nhân hành âm đức, quỷ thần báo chi.” Điều này đã được triển hiện trên chính một số bác sĩ nổi tiếng thời nhà Minh.
Khi đó ở Lâm An, Chiết Giang có một bác sĩ tên là Trâu Quan, hiệu Giới Am. Ông có y thuật siêu quần, nhưng trong tâm lại luôn nghĩ đến những người không có tiền chữa bệnh.
Một lần nọ, một người dân ở làng bên cạnh bị nhọt độc. Trâu Quan biết được chuyện này liền lấy dược liệu mang đến nhà bệnh nhân. Sau khi điều trị cẩn thận, người dân làng này đã hồi phục nhanh chóng. Gia đình anh ta nghèo nên không có thức ăn, thứ duy nhất họ có thể dùng làm quà tạ lễ là một con bò buộc bên ngoài. Nhưng Trâu Quan cái gì cũng không nhận, quay người rời đi.
Hai năm sau, một ngày nọ, ông ra ngoài làm việc, trên đường tình cờ đi ngang qua ngôi làng. Lúc đó trời đã tối, một con hổ bất ngờ xuất hiện, chặn đường ông. Đúng vào thời khắc ngàn cân treo sợi tóc, một con bò từ bãi cỏ gần đó lao ra, dũng mãnh lao thẳng về phía con hổ. Cuối cùng, con hổ hoảng sợ bỏ chạy.
Không lâu sau, người chủ của con bò nghe thấy tiếng động liền đi tới. Anh ta nhìn kỹ hơn, thì thấy người trước mặt chính là Trâu đại phu, người đã mang dược liệu đến chữa bệnh nhọt độc cho anh hai năm trước! Không ngờ con bò của anh ta chỉ nhìn thoáng qua đã nhận ra vị đại ân nhân này. Lần này nó đuổi con hổ, cứu được Trâu Quan, có lẽ vì nó muốn báo đáp ân huệ cho chủ nhân!
Ở huyện Hạc Khánh, Vân Nam, có một bác sĩ nổi tiếng gần xa tên là Lý Đức Lân. Ông y thuật siêu phàm, rất tinh thông thuật bắt mạch. Có rất nhiều nghi nan tạp chứng chỉ có ông chữa khỏi, nên mỗi ngày, liên tục có bệnh nhân đến tìm ông chữa bệnh.
Có một người đàn ông nghèo sống ở phía đông sông Nhị Hà, có một hôm đột nhiên lâm bệnh không dậy nổi. Lý Đức Lân biết chuyện, không nói một lời, đến chẩn trị cho. Ông nhanh chóng chữa khỏi bệnh cho người đàn ông đó mà không nhận một xu nào. Sau một thời gian, có một ngày Lý Đức Lâm muốn qua sông Nhị Hà bằng thuyền. Chiếc thuyền sắp rời bến, ông nhanh chóng bước nhanh về phía chiếc thuyền. Lúc này, một người phụ nữ xách chậu bất ngờ bước ra khỏi một ngôi nhà ven đường. Cô tưởng bên ngoài không có ai nên hắt nước trong chậu ra. Lý Đức Lâm toàn thân ướt sũng không biết phải làm sao. Lúc này chồng cô bước ra khỏi nhà nhìn lên, đây chẳng phải là Lý đại phu đã chữa bệnh miễn phí cho mình lần trước sao? Nhận ra đại ân nhân của mình, người chồng lập tức quỳ xuống lạy, thịnh tình nài ông nghỉ lại nhà một đêm để bù đắp lỗi lầm cho vợ.
Ngày hôm sau, bỗng có tin hôm qua chiếc thuyền hôm qua bị lật trên sông. Sau khi biết Lý Đức Lân thoát chết lần này, người dân địa phương đều nói, là do ông đã tích được đại đức.
Đương thời, không chỉ có bác sĩ không thu phí chẩn trị, mà còn có bác sĩ lấy tiền của bản thân để tiếp tế người khác. Có một bác sĩ ở huyện Thượng Nguyên, Nam Kinh, tên là Diêu Khản, tự Văn Cương. Khi còn trẻ, ông đã học tập y thuật từ một danh y họ Lý, nhanh chóng đắc được chân truyền của thầy. Những bệnh lâu ngày không khỏi, chỉ cần qua tay ông, đều có thuốc chữa khỏi.
Ông không chỉ y thuật cao, mà còn rất trọng tình trọng nghĩa. Bất cứ khi nào ông thấy ai đang sống trong cảnh nghèo khó, không có tiền để phát tang, ông đều rút tiền túi ra giúp đỡ họ. Sau này, con trai ông trúng tiến sĩ, được phong quan, đầu tiên làm Công bộ chủ sự, không lâu sau lại thăng lên tri phủ Vĩnh Châu. Người con kế tục sự khoan hậu nhân nghĩa của cha mình, làm quan luôn thi hành thiện chính, rất được trăm họ đương địa yêu mến. Còn Diêu Khản trong những năm cuối đời được ban một chức lang trung trong Bộ Lễ vì con trai ông được hoàng đế coi trọng.
Cũng có một bác sĩ như vậy ở Xứ Châu, Chiết Giang, ông tên là Hứa Thành Nhân, tự Tử Mỹ. Ông là một nhà nho và một bác sĩ, trong nghiên cứu y thuật ông có thiên phú cực cao. Ông không bao giờ để tâm đến danh lợi được mất, gặp người nghèo khổ có bệnh, ông tự mình mua thuốc mua than, chưng thuốc cho họ điều dưỡng thân thể. Ông nhất tâm vì bệnh nhân, có ai cần giúp, ông liền rút tiền túi của mình ra giúp, không giữ bất kỳ khoản tích lũy nào. Tất cả những bệnh nhân được ông tận tâm điều trị không ai không khỏi bệnh.
Vì đức hành xuất chúng của ông, các quan huyện đều tặng ông một tấm bảng khen ngợi. Sau này, cả hai người con trai của ông đều đỗ khoa thi, cháu trai của ông cũng được chọn vào học tập tại Thái Học (học viện Hoàng gia). Những người biết ông đều nói rằng đây chính là phúc báo ông có được sau khi tích đức hành thiện!
Ngoài ra còn có một bác sĩ tên là Thi Giáo ở Vô Tích, Giang Tô, tự Tử Thừa, hiệu Tâm Cúc. Mặc dù ông học Nho giáo từ khi còn nhỏ, nhưng khi lớn lên ông liên tục thi trượt trong các kỳ khảo thí. Ông thích đọc sách, nên khi rảnh rỗi ông lấy những cuốn sách y học cổ đại thâm sâu khó hiểu ra đọc để nghiên cứu. Thời gian lâu dần, y thuật của ông cũng được tích lũy ngày một nhiều. Ông bắt mạch cho người, có thể nhanh chóng tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Người bệnh uống thuốc ông kê, cũng đều có thể thuốc vào bệnh hết.
Ông rất nổi tiếng ở địa phương, nhưng không bao giờ dùng nó để truy cầu danh lợi. Chỉ cần có người nghèo đến khám bệnh, ông không những không nhận tiền, mà còn dùng tiền của mình giúp đỡ họ. Khi không có bệnh nhân, Thi Giáo rất thích làm việc thiện. Gặp những người đang cần tiền gấp, ông luôn hào phóng giúp đỡ. Về sau, con cháu của ông làm ăn phát đạt, thành tựu sự nghiệp, quả là: “Tích thiện chi gia, tất hữu dư khánh”!
Nguồn: “Khâm định cổ kim đồ thư tập thành”
Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch