Đại Kỷ Nguyên

Thay vì lấy trứng chọi đá, hãy tự rèn luyện để làm một quả trứng ngoan cường

Kẻ phàm phu vì không giữ được nhẫn mà lấy trứng chọi đá, trong khi người quân tử biết ước thúc bản thân, tự rèn luyện mình để trở thành một quả trứng ngoan cường…

Vỏ trứng rất mỏng manh, chỉ cần khẽ va chạm là có thể vỡ nát. Vì vậy mà tục ngữ có câu: “Lấy trứng chọi đá” để biểu đạt sự đối kháng không cân sức giữa hai bên. Một bên thì mạnh mẽ cứng rắn, một bên thì mềm yếu nhu mì, biết rõ bản thân không thể chống lại đối thủ mà vẫn cố tình đối mặt giống như là lấy trứng chọi đá vậy.

Kẻ mạnh thắng yếu

Trên thực tế, chúng ta ít khi thấy được cảnh trứng chọi đá này phát sinh. Bảo vệ bản thân là một bản năng có sẵn từ lúc sinh ra, ngay cả động vật khi cảm thấy yếu thế cũng liền tránh xa nguy hiểm nhằm tránh cho bản thân phải mang hoạ vào thân. Chúng ta có thể thấy trong những thước phim về thế giới động vật hoang dã, chỉ cần nhìn thấy cáo chồn ở xa là những chú gà đã chạy ngay đi, hay khi gà mẹ dẫn gà con đi kiếm mồi cũng vậy, chỉ cần thấy bóng dáng diều hâu là gà mẹ liền dẫn con đi chạy trốn.

Con người là cao quý và không thể đem so với động vật, nhưng cũng mang trong mình bản năng bảo vệ bản thân trước hiểm nguy. Chúng ta có thể quan sát một đứa trẻ đang tập đi, nó thận trọng nhích từng bước chân bé nhỏ. Nó phát hiện rằng nếu bước chân quá nhanh hoặc quá vội vàng sẽ khiến mình vấp ngã. Bởi vậy trẻ nhỏ luôn từ từ thận trọng từng bước, cứ như vậy cho tới một ngày nó đủ cứng cáp để tự tin rời xa vòng tay cha mẹ. Bản năng của nó cũng giống như quả trứng gà mỏng manh kia, khi gặp phải sỏi đá thì nên biết tự giữ mình.

Dựa theo phản ứng bản năng thì trứng sẽ không dám chọi với đá, nhưng thực tế không hoàn toàn như vậy. Trong chương trình Thế giới Động vật từng có cảnh đánh nhau giữa một con chim Giẻ Cùi và một con rắn Rào, so về sức mạnh cũng như trọng lượng cơ thể thì chim Giẻ Cùi chỉ giống như quả trứng mỏng manh kia, hoàn toàn không có lợi thế chiến đấu. Thế nhưng rắn Rào không thể đánh trúng chim Giẻ Cùi, cuối cùng nó đành bất lực bỏ đi. Tuy nhiên lúc này chim Giẻ Cùi lại không để cho rắn Rào bỏ đi, nó liên tục nhảy nhót và bay trên đầu rắn Rào, thi thoảng bổ vào đầu cho tới khi rắn Rào bỏ mạng mới thôi.

Sau đó người ta hiếu kỳ đem chú rắn Rào đi mổ, đến lúc này mới phát hiện ra trong bụng rắn Rào có một chú chim non. Thì ra chim Giẻ Cùi vì để báo thù mà quên bản thân mình là kẻ yếu thế, vậy nên nó mới có thể chiến thắng ngoan cường như vậy.

Ảnh minh họa. (youtube.com)

Hiểu rõ đạo lý, thay đổi góc độ hành sự

Câu chuyện này đã dạy cho chúng ta một điều, chọc giận người khác, cho dù là bên yếu thế như quả trứng kia đi chăng nữa cũng có thể chọi với đá. Ví như lực sỹ số một của Nhật Bản Rikidōzan, trong một lần va chạm ở hộp đêm đã bị đối phương dùng dao đâm chết khi tuổi đời của anh còn quá trẻ.

Điều ấy nói nên rằng, làm người điều quan trọng là cần phải biết từ tốn khiêm nhường. Đặc biệt trong xã hội hỗn loạn ngày nay, càng là kẻ mạnh thì lại càng nên khiêm tốn; không ai là ngoại lệ, ngay cả những người có uy lực trong thế giới ngầm cũng càng nên hiểu đạo lý này.

Theo phản ứng bản năng thì trứng sẽ không dám chọi đá, nhưng con người thông qua giáo dục có tính cách sẽ khác. Trong lịch sử, khi đối diện với quyền lực và sức mạnh tuyệt đối của hoàng đế, vẫn có rất nhiều quần thần dám cả gan lên tiếng phản đối đến cùng. Minh Thành Tổ là một ví dụ. Sau khi soán vị thành công, Minh Thành Tổ cưỡng chế Phương Hiếu Nhụ viết chiếu ban cáo khắp thiên hạ.

Minh Thành Tổ nói: “Trẫm làm hoàng đế rồi, chiếu thư tuyên bố thiên hạ không thể nào không do khanh viết được”.

Đáp lại, Phương Hiếu Nhụ lập tức viết bốn chữ: “Yên tặc soái ngôi” sau đó vứt bút xuống đất mà chửi.

Minh Thành tổ nổi giận quát: “Nhà ngươi không sợ chết sao?”

Phương Hiếu Nhụ: “Chết thì chết, ta cũng không bao giờ viết chiếu thư!”

Minh Thành Tổ: “Nhà ngươi không sợ trẫm chu di cửu tộc?”

Phương Hiếu Nhụ một chút cũng không chau mày: “Cho dù giết 10 tộc nhà ta, ta cũng không làm”.

Minh Thành Tổ tức giận liền hạ chiếu giết 10 tộc nhà Phương Hiếu Nhụ.

Mỗi lần nhớ lại, đoạn hội thoại này trong lịch sử luôn khiến hậu nhân phải cảm thán. Là trứng thì cớ sao phải chọi với đá? Dẫu Phương Hiếu Nhụ sẵn sàng hy sinh bản thân mình, nhưng chỉ vì một tiếng trung quân ái quốc mà làm liên lụy tới cả dòng tộc thì thật quá bi thương…

Thay vì lấy trứng chọi đá, hãy tự rèn luyện để trở thành một quả trứng ngoan cường

Đương nhiên không phải nói rằng trứng không thể chọi với đá. Ví như truyện ngụ ngôn “Rùa và Thỏ” khích lệ con người cần phải kiên trì và nhẫn nhịn tiến về phía trước, như vậy sẽ nhất định có cơ hội chiến thắng đối phương. Trong xã hội bon chen này, khi chúng ta biết rõ bản thân mình là bên yếu thế thì nên nhẫn chịu một chút, thầm lặng một chút mà học tập, mà rèn luyện bản thân, đợi một ngày trứng kia biến thành đá thì mọi gian nan trên đường đời cũng không thể làm ta run sợ.

Nói đến đây tôi chợt nhớ lại câu chuyện của 40 năm trước, có một võ sinh tên là A Lý, đương thời A Lý từng đạt giải quán quân vô địch. Mỗi lần có người muốn chinh phục ngôi vị quán quân của mình, anh ta đều tuyên bố trước khi thi đấu rằng: “Ngày mai trong trận đấu, tôi chỉ cần một quyền là đánh gục đối phương”.

Mỗi lần nghĩ lại sự kiêu ngạo của A Lý năm đó, tôi luôn lấy làm nghi hoặc khó hiểu. Một quyền đánh gục người khác thì có gì làm kiêu ngạo? Lấy đá mà đập vào trứng thì có gì làm hay ho? Nếu như mình là bên yếu thế và đối thủ là kẻ mạnh, thì lấy yếu khuất phục mạnh, lấy nhu thắng cương mà có thể khiến đối phương tâm phục khẩu phục thì mới đáng tự hào. Lúc này cho dù bản thân có nhiều thiếu khuyết thì người khác cũng sẽ vì bạn mà cúi đầu…

Minh Vũ

Exit mobile version