Kể từ khi ông Tập lên nắm quyền tới nay, thế hệ đỏ thứ hai về cơ bản đã bị ông Tập làm mất mặt. Ai bất mãn đối với ông Tập? Có ít nhất bảy nhân vật mang tính đại biểu. Khả năng họ liên kết phản Tập có cao không?
Chào mừng các bạn đến với Trăm năm chân tướng!
Vào ngày 3 tháng 1 năm 2024, Viên Hồng Băng, một học giả luật sống ở Úc, đã đăng một bài báo trên tờ “Thời báo Tự do” của truyền thông Đài Loan, nói rằng theo báo cáo từ nhân sĩ có lương tri trong thể chế ĐCSTQ, một nhóm hồng nhị đại được đại diện bởi Lưu Nguyên, con trai của cựu chủ tịch quốc gia Lưu Thiếu Kỳ, dự định ký một bản kiến nghị chung kêu gọi lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình từ chức.
Ngoài Lưu Nguyên, những hồng nhị đại tham gia chữ ký chung chống Tập còn có: Đặng Phác Phương, con trai Đặng Tiểu Bình, lãnh đạo thế hệ thứ hai của ĐCSTQ, Hồ Đức Bình, con trai cả của cựu tổng bí thư ĐCSTQ Hồ Diệu Bang, La Điểm Điểm, con gái của đại tướng La Thụy Khanh, còn có các con của nguyên soái Diệp Kiếm Anh, Hạ Long, Nhiếp Vinh Trăn, Từ Hương Tiền, v.v.
Bài viết của Viên Hồng Băng vừa đăng đã lập tức gây bão mạng: có người tin, có người không tin, có người chất vấn, có người cho rằng chuyện xảy ra là có nguyên do, có người háo hức mong đợi, các loại quan điểm đều có.
Trong số những hồng nhị đại, có bao nhiêu người bất mãn với ông Tập? Sự kiện tập thể ký đơn kiến nghị chống lại ông Tập có khả năng cao không? Trong tập này, chúng ta hãy nói về việc này.
Khả năng là bao nhiêu?
Tiến sĩ Vương Hữu Quần, một cựu quan chức Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương của ĐCSTQ, tin rằng dưới sự thống trị cực quyền hiện nay của ĐCSTQ, khó có khả năng nhiều hồng nhị đại liên danh ký đơn kiến nghị phản đối Tập.
Đánh giá từ báo cáo của Viên Hồng Băng, chữ ký chung của các hồng nhị đại này diễn ra ít nhất trước ngày 31 tháng 7 năm 2023. Tuy nhiên, vào tối ngày 6 tháng 11 năm 2023, Lưu Nguyên đã tham dự buổi hòa nhạc kỷ niệm 125 năm ngày sinh của Lưu Thiếu Kỳ ở Bắc Kinh. Nếu Lưu Nguyên đứng đầu ký đơn chống Tập thì đã bị Tập bắt từ lâu rồi, làm sao còn có thể tham dự buổi hòa nhạc vào tháng 11?
Tuy nhiên, tiến sĩ Vương Hữu Quần tin rằng thực sự có rất nhiều người thuộc thế hệ đỏ thứ hai phản đối ông Tập. Vậy ai trong số họ bất mãn với ông Tập? Có ít nhất bảy nhân vật mang tính đại biểu.
Đặng Phác Phương, con trai Đặng Tiểu Bình
Đặng Tiểu Bình là nòng cốt của tập thể lãnh đạo thế hệ thứ hai của ĐCSTQ. Đặng Phác Phương là con trai cả của Đặng Tiểu Bình, ông từng giữ chức chủ tịch Liên đoàn Người khuyết tật và phó chủ tịch Chính hiệp Trung Quốc.
Việc Đặng Phác Phương lật mặt với Tập có thể liên quan đến việc bắt giữ Ngô Tiểu Huy, cháu rể nhà họ Đặng. Ngô Tiểu Huy từng là chồng của Đặng Trác Nhuế, con gái của Đặng Nam, thứ nữ của Đặng Tiểu Bình, là chủ tịch kiêm tổng giám đốc Tập đoàn Bảo hiểm An Bang.
Ngày 9 tháng 6 năm 2017, Ngô Tiểu Huy bị bắt và sau đó bị kết án 18 năm tù, tài sản bị tịch thu và thu hồi lên tới 85,7 tỷ nhân dân tệ.
Ngô Tiểu Huy kết hôn với Đặng Trác Nhuế vào năm 2003, sáng lập Tập đoàn Bảo hiểm An Bang vào năm 2004. Nhờ có danh hiệu vàng “Con rể nhà họ Đặng”, mà chỉ trong 13 năm, tổng tài sản tích lũy của tập đoàn này đã lên tới gần 2 nghìn tỷ nhân dân tệ.
Sự việc mang tính bước ngoặt trong đó Đặng Phác Phương lật mặt với Tập Cận Bình là trong một lần phát biểu trước công chúng của Đặng Phác Phương.
Ngày 16 tháng 9 năm 2018, Đặng Phác Phương phát biểu tại lễ bế mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII Liên đoàn người khuyết tật, từ đầu đến cuối chỉ nói về việc “lấy lý luận Đặng Tiểu Bình làm kim chỉ nam”, không một câu đề cập tới “lấy tư tưởng Tập làm kim chỉ nam”.
Hồ Đức Hoa, con trai Hồ Diệu Bang
Một hồng nhị đại khác bất mãn với Tập là Hồ Đức Hoa, con trai thứ ba của cựu tổng bí thư ĐCSTQ Hồ Diệu Bang, từng là phó xã trưởng tạp chí “Viêm hoàng xuân thu”.
“Viêm hoàng xuân thu” là cơ quan truyền thông do các thành viên phái cải cách khai phóng trong thể chế ĐCSTQ thành lập, từng đăng một số bài báo vạch trần sự thật mờ ám của ĐCSTQ, gây bất bình với chính quyền đương cục ĐCSTQ.
Vào ngày 27 tháng 2 năm 2013, tại một buổi họp mặt mừng năm mới do “Viêm hoàng xuân thu” tổ chức, để đáp lại tuyên bố của Tập Cận Bình rằng khi ĐCS Liên Xô sụp đổ, “không có ai xứng mặt nam nhi” đứng ra phản đối, Hồ Đức Hoa bèn dẫn lời tổng bí thư ĐCS Nga Zyuganov, rằng: Sự sụp đổ của ĐCS Liên Xô xuất phát từ việc ĐCSLX lũng đoạn quyền lực chính trị, lũng đoạn đối với kinh tế và hết thảy mọi nguồn tài nguyên, lũng đoạn đối với “chân lý”. Lý giải được những tình huống này, không còn gì đáng để than khóc cho sự sụp đổ của ĐCS Liên Xô.
Đáp lại những gì ông Tập nói, Hồ Đức Hoa đáp lại: “Chúng ta không thể phủ định ba mươi năm đầu tiên, chúng ta chẳng phải là không thể phủ định Cách mạng Văn hóa?… Những gì Mao chủ tịch nói về cha của Tập tổng Tập Trong Huân rằng ‘lợi dụng tiểu thuyết tiến hành phản đảng là một phát minh lớn’, chúng ta có thể phủ định sự thật đó không?”
Vào tháng 7 năm 2016, “Viêm hoàng xuân thu” bị đương cục ĐCSTQ cưỡng hành đoạt quyền dưới hình thức Cách mạng Văn hóa. Hồ Đức Hoa rất tức giận về điều này, ông nói trong một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông: “Viêm hoàng xuân thu” không phải là doanh nghiệp nhà nước, cũng không phải tài sản của đảng. Tài sản của nó là do các nhân viên của “Viêm hoàng xuân thu” đã lao động trong 25 năm. Nếu dùng một văn kiện liền quy công nó thì giống như hành vi cướp bóc.
Triệu Đại Quân, con trai Triệu Tử Dương
Triệu Tử Dương từng giữ chức tổng bí thư ĐCSTQ. Ông có bốn con trai và một con gái: Triệu Đại Quân, Triệu Nhị Quân, Triệu Tam Quân (chết trẻ), Triệu Tứ Quân và Triệu Lượng.
Ngày 17 tháng 10 năm 2019 là sinh nhật lần thứ 100 của Triệu Tử Dương. Bốn anh chị em Triệu Đại Quân đã đăng một bài báo trên tờ “Minh Báo” của Hồng Kông, trong khi tưởng nhớ về cuộc đời của Triệu Tử Dương, họ cũng nói lên quan điểm của mình về thời cuộc của ĐCSTQ.
Bài báo viết: “Ngày nay, điều chúng ta đang đối mặt là sự thoái hóa về tư tưởng, sự bần khốn về triết học; …, nhìn không thấy những tia sáng trí tuệ nhấp nháy yếu ớt; không còn chút hơi ấm quan tâm nhân đạo nào, cũng không còn chút cảm động lay động lòng người nào. Đây là một khốn cục tinh thần trăm năm chưa từng thấy.”
“Trải qua nhiều năm ‘đào thải ngược hướng’ ưu bại liệt thắng”, trong nội bộ ĐCSTQ, “người cương nghị chính trực lèo tèo thưa thớt; kẻ vô liêm sỉ đại thế lấn lướt.”
Mặc dù bài báo không nhắc đến tên ông Tập, nhưng đó là sự chỉ trích gay gắt các chính sách của ông Tập.
Bạc Hy Lai, con trai Bạc Nhất Ba
Bạc Nhất Ba là một trong tám đại nguyên lão của ĐCSTQ thời kỳ Đặng Tiểu Bình, từng giữ chức vụ phó thủ tướng Quốc vụ viện, phó chủ nhiệm thường vụ Ủy ban Cố vấn Trung ương ĐCSTQ.
Bạc Hy Lai, con trai thứ của Bạc Nhất Ba, từng là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Tập Cận Bình. Năm đó, khi lãnh đạo cao tầng của ĐCSTQ đang lựa chọn người kế nhiệm, Bạc Hy Lai quá kiêu ngạo, trong khi Tập Cận Bình tương đối biết điều, cuối cùng Tập thắng Bạc thua.
Tuy nhiên, Bạc Hy Lai không cam tâm, từ khi còn là ủy viên Bộ Chính trị ĐCSTQ, bí thư Thành ủy Trùng Khánh, ông ta đã âm mưu với Chu Vĩnh Khang, lúc đó là ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, bí thư Ủy ban Chính pháp Trung ương, rằng: tại Đại hội toàn quốc lần thứ 18 của ĐCSTQ năm 2012, Bạc sẽ tiếp quản Chu làm ủy viên thường vụ Bộ Chính trị và bí thư Ủy ban Chính pháp Trung ương, sau đó chờ đợi cơ hội tiến hành “chính biến” lật đổ Tập, lên thay thế.
Vào ngày 6 tháng 2 năm 2012, Vương Lập Quân, cựu cục trưởng Công an Thành phố Trùng Khánh, đào thoát đến Lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô, đã tiết lộ tin tức cho Mỹ rằng Bạc Hy Lai và Chu Vĩnh Khang đang bí mật âm mưu đoạt quyền.
Tập Cận Bình biết được tin này trong chuyến thăm Mỹ từ ngày 13 đến 17 tháng 2 năm 2012. Không lâu sau khi Tập trở về Trung Quốc, Bạc Hy Lai bị bắt. Ngày 25 tháng 10 năm 2013, Bạc Hy Lai bị kết án tù chung thân.
Tập kết án nghiêm khắc Bạc Hy Lai, kết thù kết oán với nhà họ Bạc, Bạc gia đương nhiên trở thành kẻ đối đầu của Tập.
Lưu Á Châu, con rể của Lý Tiên Niệm
Bản thân Lưu Á Châu là thế hệ đỏ thứ hai, cha ông là Lưu Kiến Đức, từng làm phó chính ủy Bộ Hậu cần Quân khu Lan Châu, bố vợ là Lý Tiên Niệm, nguyên chủ tịch nước ĐCSTQ. Vợ ông, Lý Tiểu Lâm là con gái út của Lý Tiên Niệm.
Lưu Á Châu làm quan đến chính ủy Đại học Quốc phòng, thượng tướng Không quân, năm 2017 mới đến tuổi nghỉ hưu, nhưng đã nghỉ hưu sớm.
Cuối năm 2021 có tin Lưu Á Châu bị chính quyền Tập Cận Bình bắt giữ; năm 2023, tờ Minh Báo của Hồng Kông dẫn nhiều “nguồn tin ở Bắc Kinh” cho biết Lưu Á Châu có thể bị kết án tử hình hoãn chấp hành hai năm vì vấn đề tham nhũng hủ bại.
Vào ngày 12 tháng 4 năm 2023, “Mạng văn hóa sắc đỏ” đăng bài viết của Hà Lan Phong “Lưu Á Châu sẽ vì ai mà ‘tuẫn đạo’”, tố cáo Lưu Á Châu là “kẻ dã tâm và âm mưu điển hình”.
Từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền, ai bị gọi là kẻ dã tâm, kẻ âm mưu? Chính là những quan cao “mưu đồ tranh đoạt quyền lực đảng và nhà nước”.
Lưu Á Châu được gọi là “kẻ dã tâm, kẻ âm mưu điển hình”, cho thấy vấn đề chủ yếu của ông ta không phải là tham nhũng mà là phản Tập.
Nhậm Chí Cường, con trai Nhậm Toàn Sinh
Cha của Nhậm Chí Cường, Nhậm Toàn Sinh, từng giữ chức thứ trưởng Bộ Thương mại ĐCSTQ, Nhậm Chí Cường đã nghỉ hưu với tư cách là chủ tịch của Công ty Bất động sản Hoa Viễn thành Bắc Kinh. Vì dám lên tiếng, nên được gọi là “Nhậm đại pháo”.
Đầu năm 2020, đại dịch bùng phát ở Vũ Hán sau đó nhanh chóng lan rộng khắp toàn Trung Quốc và toàn thế giới.
Vào ngày 23 tháng 2 năm 2020, ĐCSTQ tổ chức một “đại hội 17 vạn người”, trong đó ông Tập có bài phát biểu dài thảo luận về công tác phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh. Nhậm Chí Cường sau khi đọc bài phát biểu của Tập và những bài tâng bốc của một số người, đã viết một bài báo dài công kích Tập. Bài viết nêu rõ:
“Người dân không nhìn thấy những ý kiến phản biện tại đại hội, không có truy cứu và phơi bày chân tướng sự thật, không điều tra nguyên nhân bùng phát, cũng không có ai kiểm điểm trách nhiệm và nhận trách nhiệm, mà họ đang cố gắng dùng đủ loại ‘thành tựu vĩ đại’ để che đậy chân tướng sự thật.”
“Bài học rút ra cách đây 17 năm (đề cập đến dịch SARS mất kiểm soát năm 2003) đã hoàn toàn không làm thể chế này phát sinh cải biến triệt để, đó là lý do tại sao dịch bệnh ngày nay lại lần nữa bùng phát. Nếu vấn đề này không được giải quyết về căn bản, lần sau nhất định sẽ lại xuất hiện tai nạn lớn hơn.”
Nếu Nhậm Chí Cường không viết bài này để công kích Tập, không phê bình ĐCSTQ, thì ông ấy có thể sống yên ổn tuổi già.
Tuy nhiên, vì bài báo này mà vào ngày 22 tháng 9 năm 2020, Nhậm Chí Cường bị buộc 4 tội danh trong đó có “tham nhũng”, và bị kết án 18 năm.
Tăng Khánh Hồng, con trai của Tăng Sơn
Tăng Sơn từng giữ chức bộ trưởng Bộ Thương mại, bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, bộ trưởng Bộ Nội vụ, v.v. của ĐCSTQ. Vợ ông, Đặng Lưu Kim, là cựu chiến binh hồng quân, chịu trách nhiệm thành lập trường mẫu giáo của Cục Hoa Đông và giữ chức vụ hiệu trưởng trường mẫu giáo được mệnh danh là cái nôi của các “thái tử đảng”.
Con trai của họ là Tăng Khánh Hồng được đề bạt trọng dụng khi Giang Trạch Dân đương quyền với chức vụ chủ nhiệm Văn phòng Trung ương ĐCSTQ, bí thư Ban Bí thư Trung ương, bộ trưởng Bộ Tổ chức Trung ương, thường ủy Bộ chính trị Trung ương, phó chủ tịch nước, hiệu trưởng Trường Đảng Trung ương.
Khi lúc Giang và Tăng còn tại vị cho đến sau khi nghỉ hưu, họ đã trường kỳ nắm giữ quyền lực cao nhất của ĐCSTQ. Trước khi ông Tập lên nắm quyền vào năm 2012, quyền lực tối cao thực chất vẫn nằm trong tay hai người này.
Sau khi Tập lên nắm quyền, bắt đầu từ tháng 1 năm 2013, ông đã phát động chiến dịch đả hổ chống tham nhũng nhằm đoạt quyền từ Giang và Tăng. Trong nhiệm kỳ 5 năm đầu tiên của ông Tập, ông đã điều tra và xử lý 440 quan chức cấp cao từ cấp phó tỉnh (bộ trưởng) trở lên, cũng như các cán bộ quản lý trung ương khác, trong đó đại đa số là do Giang, Tăng đề bạt. Trong nhiệm kỳ 5 năm thứ hai của Tập, ông đã điều tra và xử lý một nhóm quan cao của đảng, chính phủ và quân đội, nhiều người trong số họ được Giang, Tăng hoặc thân tín của họ đề bạt trọng dụng.
Ông Tập cũng giáng đòn nặng nề vào Công ty Fantasia do Tăng Bảo Bảo, cháu gái của Tăng Khánh Hồng, làm chủ, đẩy Tăng Bảo Bảo đến bờ vực gần như phá sản.
Ở cấp cao nhất của ĐCSTQ ngày nay, địa vị của Tăng Khánh Hồng rất đặc biệt: một mình ông ta nằm trong cả tám phe phái lớn bao gồm phe Giang, phe hồng nhị đại, băng đảng Thượng Hải, băng đảng Giang Tây, băng đảng Dầu khí, băng đảng Hồng Kông và Ma Cao, băng đảng An ninh Quốc gia, băng đảng Tuyên truyền Nước ngoài. Địa vị này khiến ông ta trở thành tổng đại biểu của lực lượng chống Tập cao tầng của ĐCSTQ sau cái chết của Giang Trạch Dân.
Kể từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền, thế hệ đỏ thứ hai về cơ bản đã bị ông ta xúc phạm. Nếu hình thế bất lợi cho ông Tập, những người này có thể sẽ gia nhập hàng ngũ những người cùng nhau lật đổ ông Tập.
- Trọn bộ Trăm năm chân tướng
Theo Epoch Times,
Mộc Lan biên dịch