Trên đời ai cũng ca ngợi hai từ “dũng cảm”. Nhưng cao hơn nữa là “dũng mà không cảm” thì có nghĩa là gì?
Có một ngày Tử Lộ hỏi Khổng Tử: “Người và con, ai thích hợp dẫn binh đánh trận hơn?”
Khổng Tử chỉ vào bản thân mình trả lời: “Ta thích hợp”.
Tử Lộ liền hỏi lại: “Người không phải vẫn thường nói con rất dũng cảm sao?”,
Khổng Tử lại nói: “Nhưng ta không những dũng cảm mà còn ‘dũng mà không cảm’”.
Dũng là dũng mãnh, cảm là táo báo, dám làm, không sợ hãi. “Dũng mà không cảm” của Khổng Tử có ý nghĩa sâu xa chính là người dù dũng mãnh, gan dạ, cũng phải biết kính sợ. Kính sợ lương tâm, kính sợ thiên lý, kính sợ pháp luật, không thể vượt qua giới hạn, phải tự nhắc nhở, tự vấn bản thân mình, giữ gìn bản sắc làm người.
Trong thời Nam Bắc triều, Bắc Tề có một khoảng thời gian bị gian thần Sĩ Khai nắm quyền triều chính. Người này mê hoặc thanh sắc, các quan lại tận dụng cơ hội vì huynh đệ, người thân của mình mà mưu cầu quan chức. Nhờ vào đó, mà người thân của các quan chức không tài không đức đều có thể đến kinh thành làm quan. Nhưng có một ngoại lệ, là đại thần Thôi Cật, ông điều hai con trai của mình đến nơi khác nhậm chức, em trai của Thôi Cật vô cùng phẫn nộ hỏi ông:
“Hai con trai của anh xuất chúng như thế, tại sao không để chúng giữ những chức vụ quan trọng trong triều đình, mà lại điều chúng đến những nơi xa xôi? Làm như vậy là tự làm hại đường quan vận của con cháu!”
Thôi Cật bình thản trả lời: “Kinh thành bây giờ vàng thau lẫn lộn, hai đứa con trai của ta đều là những người đơn thuần, cầu thực, ta thực sự không dám để chúng ở lại kinh thành, cho dù ở lại kinh thành cũng rất khó triển vọng. Chi bằng để chúng đi xa, đến nơi có điều kiện không tốt nhưng thanh tĩnh mà phát triển tài năng của mình”.
Em trai vẫn cho rằng Thôi Cật hồ đồ, nhưng Thôi Cật vẫn không thay đổi quyết định của mình. Vài năm sau, Sĩ Khai bị hạ bệ và bị giết, những quan thần không tài không đức có kẻ thì bị cách chức, có kẻ thì bị xử theo pháp luật, còn hai con trai của Thôi Cật vì chính tích nổi bật nên được triều định trọng dụng.
Thôi Cật không dám để các con ở lại kinh thành mưu cầu quyền lực, là thể hiện chủ tâm bảo vệ các con, nguyên tắc này nhìn thì có vẻ bảo thủ, hồ đồ, nhưng lại có được báo đáp tốt nhất. Hai con trai cuối cùng có được sự trọng dụng. Xem ra, không dám làm trái với nguyên tắc làm người, lại trở thành trí tuệ lớn nhất của đời người.
Trong chương thứ 73 của Đạo đức kinh có viết, “dũng vu cảm tắc sát, dũng vu bất cảm tắc sống”, ý nghĩa là: Một người không có bất cứ sự kiêng nể nào, tất sẽ gặp phải nguy hiểm, người có sự kiêng nể, thì tất ổn thỏa mà sống. Trên thực tế, từ xưa đến này, những người làm nên việc lớn đều có cái “dám” và cái “không dám”.
Một lần, một công ty thực phẩm đã mời Triệu Phổ dẫn chương trình cho một hoạt động quảng bá sản phẩm, mức thù lao cao nhất lên đến 200 nghìn Tệ mỗi giờ, nhưng Triệu Phổ nhất mực từ chối. Một người bạn không hiểu liền hỏi anh ta, “Nhiều tiền thế, sao cậu không đi?” Triệu Phổ trả lời: “Hiện này ngành công nghiệp thực phẩm quản lý rất kém, vấn đề an toàn thực phẩm rất nghiêm trọng, chất lượng sản phẩm của công ty thực phẩm này rốt cuộc như thế nào, tôi không biết, tôi thực sự không dám đồng ý tham gian giới thiệu sản phẩm của họ. Một khi sản phẩm công ty họ có vấn đề về chất lượng, người ta biết được Triệu Phổ tôi từng giúp bọn họ nói khoác thì không phải tôi sẽ bị chửi rủa sao! Hơn nữa, giới thiệu một sản phẩm mà tôi không hiểu rõ, cũng là trái với lương tâm của tôi…” (theo Câu nói kinh điển, Wenzhangba).
Triệu Phổ không dám tham gia buổi giới thiệu sản phẩm, là kiềm chế lòng tham của bản thân cũng là bảo vệ tính trách nhiệm và lương tâm của bản thân mình.
Trong Minh sử. Tạp trở có ghi chép một câu chuyện như thế này: Có một lần Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương đưa ra một vấn đề như thế này với quần thần: Người như thế nào thì sung sướng nhất? Mọi người đều bày tỏ ý kiến của riêng mình, nhưng Chu Nguyên Chương không cảm thấy hài lòng, lúc này, có một quan lại tên là Vạn Cương tâu nói: “Trong lòng có pháp, luôn biết kiêng sợ là người sống vui sướng nhất”. Chu Nguyên Chương nghe xong liền nói “tốt”.
Trong lòng có tiêu chuẩn, không dám làm bừa, khác với nhát gan, đó không phải là sợ bóng sợ gió, không phải gan nhỏ sợ chuyện, mà là mưu tính sâu xa, nhận định tình hình, đó là một tiêu chí quan trọng trong đối nhân xử thế, là một loại cảnh giới lớn của đời người.
Doanh nhân Đài Loan Hoàng Chí Cường mở một tiệm bánh ngọt mới, mặc dù ông luôn cố gắng để đạt được sự xuất sắc trong mỗi chi tiết làm bánh, nhưng việc làm ăn vẫn nhàng nhàng, chỉ đủ duy trì kế sinh nhai của cả nhà. Có một ngày, có một người bạn đến nhà ông ấy làm khách, trong lúc nói chuyện, bạn ông liền nói với ông: “Anh có biết vì sao việc làm ăn của anh không phát triển không? Bây giờ các cửa hàng làm bánh lớn trong thành phố đều cho một loại phụ gia vào bánh, nó có thể cải thiện hương vị của bánh ngọt. Cho dù kỹ năng của anh có tốt đến thế nào đi chăng nữa, sản phẩm làm ra cũng không bằng thêm một chút chất phụ gia này vào bánh. Nếu anh cần loại chất phụ gia này thì tôi có thể giúp anh…”.
Hoàng Chí Cường liền lắc đầu: “Tôi không dám thêm những thứ không rõ ràng vào bánh, nếu bị cảnh sát phát hiện, tiệm của tôi sẽ bị đóng cửa, người có thể bị bắt, đến lúc đó cả nhà tôi lớn bé làm sao mà sống?” Người bạn này liền nói: “Anh lo lắng nhiều quá, người khác đều không sao, chẳng nhẽ chỉ có anh gặp chuyện?”
Nhưng cho dù bạn có khuyên thế nào, Hoàng Chí Cường cũng nhất định không nghe theo lời khuyên của bạn. Nửa năm sau, nhiều công ty bởi vì bị phát hiện sử dụng chất phụ gia bất hợp pháp mà bị cấm hoạt động, cửa hàng của Hoàng Chí Cường vì không thêm chất này nên được các báo đài địa phương đưa tin, danh tiếng vang xa, công việc làm ăn nhờ thế cũng thịnh vượng.
Là một thương nhân, Hoàng Chí Cường nhất định có “lo lắng”, khi người khác đều đầu cơ trục lợi, ông vẫn làm ăn một cách trung thực. Nhưng những người làm ăn trung thực cuối cùng đều không bị thiệt, thị trường và khách hàng đều cho ông ấy báo đáp tốt nhất. Đừng làm những chuyện không nên làm, đừng lấy những đồng tiền không nên lấy, phớt lờ pháp luật và lương tâm, thì cuối cùng cũng phải nhận lấy những hệ quả tương ứng.
Thế nào gọi là dũng cảm? Một tác giả đã từng nói: Cái gọi là dũng cảm, nên phải bao gồm 2 phương diện, một là chiến đấu chống lại những điều không nên sợ hãi, thứ hai là sợ những gì nên sợ. Một người đối mặt với xấu, ác, giả không sợ hãi, đối với Chân, Thiện, Nhẫn có kính sợ, đây mới là sự dũng cảm thật sự.
Theo Wenzhangba
Ngọc Linh biên dịch