Có rất nhiều truyền thuyết đường phố về những oan quỷ siết nợ đòi mạng, những người thuộc các tầng lớp xã hội khác nhau đều từng gặp phải. Vào thời Càn Long, có hai thư sinh từng trải qua chuyện như vậy, oan quỷ đòi nợ vì sao mà đến?
Hoàng Việt (1750-1841, tự Tả Điền, hiệu Tả Quân, thụy Cần Mẫn) người huyện Đương Độ vào thời nhà Thanh) tham gia kỳ thi, bước vào phòng thi, ngồi vào số đầu tiên của một chữ nào đó. Khi trời tối, nhìn thấy ngoài cửa có một người phụ nữ thường đến nhìn trộm, cảm thấy thập phần kinh ngạc, vì sao trong phòng thi lại có phụ nữ tới đây? Vì vậy, chàng ngồi thẳng dậy, quan sát xem có điều gì kỳ lạ xảy ra không.
Sau canh báo đầu tiên, người phụ nữ đến thường xuyên hơn, như thể muốn tiến vào mà không dám tiến. Hoàng Việt luôn can đảm, bước đến gần xem, quả nhiên thấy người phụ nữ tóc rối bù, mặc y phục vải thô, nhan sắc yêu mị, nhưng vẻ mặt giận dữ. Hoàng Việt biết cô ta không phải người, liền hét lớn: “Yêu quái từ đâu tới? Đến đây có chuyện gì?” Người phụ nữ hành lễ, cau mày nói: “Tôi có oan khuất, đã thỉnh cầu Thượng Đế, đặc biệt đến đây để tìm một thư sinh đòi nợ mạng. Thượng thư đại nhân xin hãy thương xót tôi một chút, hãy đừng cản đường tôi, đây là hạnh vận lớn của tôi!”
Hoàng Việt nghĩ, vị thư sinh đó là đồng hương đồng xã, nếu để cô gái này tiến vào, tính mạng của thư sinh kia khó toàn, mà cô gái kia lại gọi mình là thượng thư đại nhân, điều này càng khiến chàng mạnh dạn hơn. Vì vậy, chàng nói với người phụ nữ: “Thư sinh đó là bạn cũ của tôi. Nếu anh ta có lỗi với cô, cô có thể nói với tôi.”
Người phụ nữ ngượng ngùng nói: “Tôi là con gái của mỗ gia, bố tôi là tá điền của nhà mỗ Sinh. Mỗ Sinh thường đến nhà tôi thu tô, nhiều lần trêu chọc tôi bằng những lời lẽ ngon ngọt. Anh ta vừa tang vợ, liền chỉ tay lên trời thề, nói sẽ cưới tôi làm vợ, quyết không vứt bỏ hôn ước, tôi đã nhẹ dạ tin lời anh ta, thuận tòng anh ta, hẹn hò qua lại hơn một năm. Nhiều lần tôi giục anh ta cầu hôn càng sớm càng tốt, nhưng anh ta chỉ là tùy ý đối phó. Sau đó, tôi phát hiện mình đã có thai, lại cực lực thuyết phục. Nhưng anh ta không đến gặp tôi nữa, và bắt đầu bàn chuyện kết hôn với một cô gái nhà khác, cứ như tôi không tồn tại. Đến khi chuẩn bị sinh con, tôi không còn cách nào khác là phải nói ra sự thật với cha, ông đã tra hỏi ngọn ngành, tôi chỉ có thể thực tình kể lại chuyện này cho cha, cha bèn đi tìm anh ta lý luận, nhưng anh ta lì lợm không thừa nhận. Cha tôi trở về trách phạt tôi rất nghiêm khắc, tôi mang con đến tận cửa nhà anh ta để chất vấn trực tiếp, nhưng anh ta chỉ thị trước cho người gác cổng không cho tôi vào. Tôi tiến thoái vô lộ, chỉ còn cách treo cổ mà chết.”
Người phụ nữ vừa khóc vừa nói tiếp: “Con người ai không có tình cảm? Kẻ bạc tình như hắn, tôi đã phát thệ nhất định phải báo thù!”
Hoàng Việt nói: “Đương nhiên lời cô nói có lý, nhưng thà hòa giải oan gia còn hơn là kết liễu. Nói đến sự phản bội của mỗ Sinh, không chỉ lcô bất bình, mà người nghe cũng phẫn nộ vì hành vi vô liêm sỉ của hắn. Chỉ là người này là bạn của tôi, tôi không đành lòng thấy mà không cứu. Bây giờ tôi đã nghĩ ra một phương pháp hòa giải, nhất định sẽ khiến cô tâm phục, cô có muốn nghe không?”
Người phụ nữ nói: “Xin hãy nói cho tôi biết.”
Hoàng Việt đáp: “Cô vì oán hận anh ta mà chết, nhưng ban đầu giữa hai người là ân ân ái ái, đương nhiên rất khó tha thứ cho anh ta, nhưng cô cũng hãy nhớ đến ân tình thuở đầu, tạm thời bỏ qua cho anh ta lần này. Tôi sẽ yêu cầu anh ta lập một bức thư, ước định sau khi thi xong phải đến nhà cô nhận tội và xin lỗi cha cô, nhận làm con rể của ông, chôn cất di hài của cô trong tổ phần của nhà anh ta, sách phong cho cô làm nguyên phối của anh ta. Người vợ hiện tại của anh ta chỉ là vợ thứ, và đứa con trai mà họ có trong tương lai sẽ coi như con của cô. Nếu sau này anh ta làm quan cao, sẽ trước tiên phải phong hiệu cho cô. Sau đó thỉnh một cao tăng đắc Đạo sửa soạn đạo trường, tụng kinh siêu độ cho cô. Làm như vậy, hy vọng có thể giải trừ chút oán hận của cô, ý tứ của cô ra sao?”
Người phụ nữ cúi đầu suy nghĩ hồi lâu rồi nói: “Tôi sẽ tuân theo mệnh lệnh của ngài, chỉ là đối với kẻ bạc tình này thì cái giá này hơi quá rẻ!” Hoàng Việt liền gọi mỗ Sinh tới, mỗ Sinh đột nhiên nhìn thấy nữ quỷ, kinh hãi chạy ra núp sau lưng Hoàng Việt, sợ hãi chết khiếp. Hoàng Công trước tiên liệt kê tội trạng của anh ta, sau đó mô tả chi tiết phương pháp hòa giải, hỏi mỗ Sinh có khả thi hay không, mỗ Sinh nhanh chóng gật đầu đồng ý: “Tôi nhất định sẽ làm theo mệnh lệnh của anh!”, rồi hướng đến hồn người phụ nữ cầu xin sự tha thứ. Người phụ nữ bảo anh ta đứng dậy và nói: “Anh may đó. Nếu không gặp Hoàng công, không biết phải mất bao nhiêu kiếp mới giải quyết được nợ nần giữa anh và tôi!”
Sau khi thi xong, Hoàng Việt sợ sẽ làm nữ nhân thất vọng, nên đã đích thân giám sát mỗ Sinh đến nhà người phụ nữ đó để tạ tội với cha cô và nhận làm con rể, những việc còn lại đều được thực hiện như đã thỏa thuận trước đó. Vào mùa thu năm đó, Hoàng Việt và mỗ Sinh đã cùng nhau trúng bảng. Sau này, Hoàng Việt làm quan đến thượng thư Bộ Lễ, mỗ Sinh làm quan đến tổng đốc đường sông, còn người phụ nữ đã chết được phong làm phu nhân.
Hứa Phụng Ân, tác giả cuốn sách “Lan Điều quán ngoại sử” bình luận rằng: “Mỗ Sinh quá bạc tình, nữ quỷ đến trường thi đòi mạng, nguyên là có tội tất báo ứng. May mắn gặp được sự hòa giải của Hoàng Công, dù rất phẫn nộ, nhưng nữ quỷ trước sau vẫn đa tình. Có người nói: ‘Đời này mỗ Sinh phúc mệnh tốt, có thể được Hoàng Công hòa giải cho anh ta, cho dù nữ quỷ rất hung ác cũng không thể làm gì được anh ta!’ Tôi nói: Đây là một cuộc thoát nạn may mắn của mỗ Sinh, giả sử không gặp Hoàng Công, điều gì sẽ xảy ra? Hoặc giả ông ấy đứng bên cạnh mà không hòa giải, thì sự tình sẽ như thế nào? Phúc lớn mệnh lớn, liền có thể muốn làm gì cũng được sao? Huống hồ, phúc mệnh đôi khi không như ý muốn. Văn nhân bạc tình nhẫn tâm, cổ kim có rất nhiều ví dụ như vậy, mỗi lần thi cử, đều không tránh được quả báo. Những bạn trẻ khi nghe câu chuyện này, cũng nên coi là cảnh giới.”
Nguồn: “Lan điều quán ngoại sử”, “Lý Thừa”
- Trọn bộ Nhân sinh cổ đạo
Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch