Đại Kỷ Nguyên

Thích khách tới ám sát thiền sư, nhưng chuyện kỳ lạ xảy ra khiến y phải dập đầu quỳ gối

Lục tổ Huệ Năng là tổ truyền đời thứ 6 của Thiền tông. Ông vốn bản tính thông minh, được nhận y bát chân truyền từ Ngũ tổ Hoằng Nhẫn. Danh tiếng của ông đã nổi tiếng xa gần. Xoay quanh cuộc đời của ông có rất nhiều câu chuyện thần bí còn lưu lại. 

Khi ấy, còn có một thiền sư tên là Thần Tú, là đệ tử đồng môn với Huệ Năng, học đạo từ Ngũ tổ Hoằng Nhẫn. Thần Tú cũng là một môn đồ xuất sắc của Hoằng Nhẫn nhưng không được truyền y bát. Ông chính là người lập ra Bắc tông thiền, luôn có tranh cãi về pháp lý với phái thiền của Huệ Năng.

Bấy giờ, danh vọng của Huệ Năng đã rất lớn, nổi tiếng khắp một vùng Lĩnh Nam (Quảng Đông, Quảng Tây), tăng chúng các nơi, cùng rất nhiều người quan to tước quý đều muốn đến nghe Huệ Năng thuyết pháp. Điều đó khiến Bắc phái của Thần Tú ở Ngọc Tuyền Tự, ở xa tận Kinh Nam vô cùng bất an.

Thần Tú bản thân không để ý lắm nhưng các môn đồ của ông thì lại sợ hãi mưu tính, đều muốn cho Huệ Năng thấy một chút lợi hại. Họ nghĩ đến rất nhiều biện pháp. Trong đó một hòa thượng tên là Chí Minh nói rằng mình có một bằng hữu tục gia tên là Trương Hành Xương. Người này rất thích bênh vực kẻ yếu, hơn nữa võ nghệ hơn người, có thể thay mặt họ tới dạy bảo Huệ Năng một phen.

Mọi người đều thấy rằng biện pháp này quả là bất hảo nhưng nhất thời không nghĩ được cách nào khác, đành căn dặn: “Điểm tới là dừng, để Huệ Năng chú ý là được rồi, đừng làm tới tuyệt tình”. Thế là Chí Minh ra đi tìm Trương Hành Xương, nói với ông ta rằng Huệ Năng có rất nhiều điều không phải, nhờ ông ta dạy cho Huệ Năng một bài học. Việc xong xuôi rồi thì biếu 10 lạng vàng gọi là tạ ơn.

Đêm hôm đó, Trương Hành Xương sửa soạn lên đường, giắt bên mình một con dao nhọn, đi gấp ngày đêm, một mạch đến thẳng Tào Khê. Cũng hôm ấy, khi Huệ Năng đăng đàn giảng pháp thì đột nhiên thấy trước mắt xuất hiện bầu trời mênh mông, thấu tận ngoài vạn lý. Ông chỉ thấy một người nét mặt lộ rõ sát khí, đang gấp rút hướng về Tào Khê truy sát.

Huệ Năng lập tức minh bạch câu chuyện nhưng ung dung không biến sắc, vẫn thuyết pháp như thường lệ. Đêm hôm ấy, ông lấy ra 10 lạng vàng treo lên chiếc ghế thiền đặt bên cạnh giường, để ngỏ cửa lớn, thổi tắt nến rồi thản nhiên kê cao gối mà ngủ.

Trương Hành Xương núp bên ngoài Bảo Lâm Tự, đợi khi đêm xuống thì mới vượt tường vào trong. Lại qua hai thời thần (4 giờ đồng hồ) nữa, ông ta mới nhẹ nhàng đẩy cửa vào phòng phương trượng, lần theo nơi có tiếng thở đều đều, rút dao nhọn ra. Lúc ấy, Hành Xương đột nhiên nhớ lại lời Chí Minh năm lần bảy lượt căn dặn là đừng làm đến tuyệt tình, lại cất dao vào bao. Nhưng rồi nghĩ lại rằng: “Mình đã lặn lội xa xôi đến đây, cớ sao không làm cho triệt để. Nếu hôm nay có thể giết được Huệ Năng, trở về biết đâu lại được thưởng nhiều vàng hơn“.

Một ý niệm sai lầm khiến Hành Xương bạo gan làm điều ác. Ông ta bước nhanh về phía trước, nhắm vào cổ Huệ Năng mà chém một nhát. Chỉ nghe thấy một tiếng keng. Hành Xương tưởng như vừa chém vào một tảng đá vậy, dao bật trở lại, cổ tay tê rần. Không kịp suy nghĩ, ông ta chém thêm liền hai nhát nữa thì cũng đều bị bật trở lại.

Vừa định tiếp tục thì nghe tiếng Huệ Năng nói: “Ác đồ to gan, còn không mau hạ con dao xuống! Gươm chính không tà, gươm tà không chính, ngươi bị người ta lợi dụng, ám sát người thiện lương, há có thể làm hại một sợi lông tơ của ta sao! Ta nợ ngươi chỉ là 10 lạng vàng, chẳng hề nợ ngươi mảy may một mạng người!”.

Hành Xương thất kinh, vội vàng vứt bỏ con dao nhọn, nằm bò trên đất khấu đầu mãi không thôi, cầu xin Huệ Năng tha thứ, nguyện ý xuất gia tu hành, suốt đời phụng dưỡng Huệ Năng. Huệ Năng túm lấy 10 lạng vàng đưa cho ông ta, nói: “Nhà ngươi đi cho mau, nếu đệ tử của ta mà biết ngươi là thích khách, thì thế nào cũng làm hại ngươi. Nếu muốn xuất gia, đợi ngày khác ngươi thay trang phục rồi quay trở lại đây”. Hành Xương nuốt nước mắt tạ ơn, không lâu sau bèn xuất gia trở thành tăng nhân.

Ảnh minh họa dẫn theo blogspot.sg

Ngày mùng 1 tháng 7 năm Huyền Tông thứ 2 triều Đường (năm 713), Huệ Năng đột nhiên triệu tập tất cả tăng chúng trong chùa và nói: “Bần tăng sẽ ly thế vào tháng 8 này, các ngươi ai còn nghi vấn gì, thì nói cho mau”. Mấy ngày sau, có đệ tử hỏi: “Đại sư cho con biết sau này còn có tai nạn gì nữa?”.

Sau khi bần tăng tạ thế được 5, 6 năm, sẽ có người tới lấy đầu ta, còn xuất hiện tình huống gì nữa? Có thể dùng bốn câu dự ngôn như sau: “Đầu còn thì sống, nơi miệng cần ăn, đợi hết nạn rồi, dương liễu làm quan”.

Đến sớm ngày mùng 3 tháng 8, Huệ Năng không nói chuyện nữa, ngồi liền một mạch tới canh ba, nói một câu: “Ta đi đây!” rồi bình an tạ thế.

Theo sử cũ chép, sau khi Huệ Năng qua đời 9 năm, tức vào những năm Khai Nguyên triều Đường, có một vị tăng nhân nước Tân La tên là Kim Đại Bi, nghe danh đại sư Huệ Năng đã lâu, muốn đưa đầu Huệ Năng trở về cung để cung phụng. Thế là ông ta mướn một người tên là Trương Tịnh Mãn để đi lấy trộm đầu.

Trương Tịnh Mãn là một người con có hiếu, nhiều năm ở nhà phụng dưỡng mẫu thân đã già, không có tiền phải ăn cháo để cầm hơi, nên mới nhận lời đi lấy trộm đầu. Chẳng ngờ Tịnh Mãn vừa đột nhập vào Bảo Lâm Tự ở Tào Khê thì sự tình bại lộ, đầu không lấy được, mà còn bị kết án truy nã. Chính như dự ngôn của Huệ Năng nói, xét xử vụ án này là quan Thích sử tên Liễu Vô Thiểm, còn Huyện lệnh Khúc Giang vùng Tào Khê tên là Dương Khản, đúng là “dương liễu làm quan”!

***

Thời xưa, người tu luyện là hoàn toàn có được rất nhiều công năng đặc dị. Một trong số đó được gọi là “Túc mệnh thông”. “Túc mệnh” chính là biết được số mệnh. Những người sở hữu khả năng này có thể đoán biết được tương lai, thấu hiểu được quá khứ, có khả năng nhìn thấy tường tận sự việc trước khi nó xảy ra.

Trong lịch sử, người ta cũng gọi những người sở hữu khả năng này là “nhà tiên tri”. Tiên tri nghĩa là biết trước, hiểu trước. Ở phạm vi hẹp, họ có thể đoán được vận mệnh, đường đời một cá nhân. Ở phạm vi rộng, họ biết được thiên tượng, những sự kiện lịch sử liên quan đến quốc gia, thế giới. Nhiều người còn đoán biết được sự biến hóa của quy luật vũ trụ.

Người có công năng túc mệnh thông có thể biết được tương lai và quá khứ. (Ảnh minh họa dẫn theo vi.wikipedia.org)

Sở dĩ người ta có thể có được công năng túc mệnh thông này chính là bởi vận mệnh đời người, của quốc gia, của lịch sử đều đã được an bài từ trước. Vậy ai an bài điều ấy? Chính là Thần Phật, các đấng tối cao an bài chiểu theo đức và nghiệp lực tích tụ từ các kiếp trước của mỗi một người. Vậy nên, một đời người là không hề ngẫu nhiên mà đi hết tiến trình sinh mệnh của mình. Mọi sự việc người ta phải gặp chính là đã được xếp đặt cẩn thận từng chi tiết.

Người có công năng túc mệnh thông chính là nhìn thấy toàn bộ quá trình ấy sau khi vượt qua rào cản thời gian. Điều này, ngay cả khoa học cũng đã xác nhận, không còn là điều gì ‘mê tín’ nữa. Những tiềm năng lớn hơn của con người đều có tồn tại, chỉ là khoa học chưa từng khám phá ra. Thuận theo thời gian, chân tướng sẽ dần hiển lộ. Con người sẽ còn được biết tới những điều to lớn, thần thánh, kỳ diệu hơn nữa.

Theo chanhkien.org 
Văn Nhược biên tập 

Xem thêm:

 

Exit mobile version