Đại Kỷ Nguyên

Thiên cổ Thần tướng Nhạc Phi (1): Tuổi thơ được giáo dục tốt, Nhạc Phi lập chí tinh trung

Năm 1103 sau Công Nguyên là một trong những năm cuối thời kỳ Bắc Tống. Lúc đó, Nhạc Phi, vị tướng kháng Kim nổi tiếng nhất, được sinh ra trong một gia đình nông dân tại huyện Thang Âm, Tương Châu (nay là An Dương, Hà Nam). Tổ tiên qua bao đời đều làm nông nghiệp, cha mẹ ông cũng phải trải qua quãng đời kham khổ gian nan. Nhưng chính tại một gia đình bình thường như vậy lại có thể sinh ra và nuôi dưỡng một anh hùng nổi danh qua các thời đại. 

Hoàn cảnh gia đình của Nhạc Phi tuy nghèo khó và chưa từng trải qua cuộc sống sung túc nhưng ông lại nhận được sự giáo dục vô cùng tốt. Cha mẹ ông là những người có phẩm đức cao thượng, hơn nữa ông còn có một lão sư võ nghệ cao cường, tất cả họ đã trợ lực giúp ông trưởng thành. Ví như nói về người cha của ông, trong sách ‘Tống sử’ có ghi chép, cha của Nhạc Phi tên là Nhạc Hòa, mặc dù sống một cuộc đời đạm bạc nhưng lại luôn nghĩ cách giúp đỡ hàng xóm láng giềng, là người nhiệt tình chân thành, là bậc đại thiện cứu khổ phò nguy. 

Cha mẹ Nhạc Phi tài đức, dạy dỗ hết mình, đó là của cải quý giá cả đời của Nhạc Phi. Bức tranh “Liansheng Guizi” của Leng Mei vào thời nhà Thanh. (Phạm vi công cộng)

Nếu hoa màu nhà hàng xóm trồng mọc lên đất canh tác của Nhạc Gia, Nhạc Hòa sẽ chăm sóc giúp, đến khi thu hoạch lại mang trả lại. Nếu có người mở miệng vay tiền, Nhạc Hòa cũng đem cho mượn và không bao giờ đòi nợ. 

Khi Nhạc Phi chào đời, một con chim khổng lồ huyền diệu bay qua nóc nhà Nhạc Gia, cảnh tượng vô cùng hoành tráng. Cha mẹ ông nhìn thấy cảnh tượng này liền tin tưởng rằng tương lai con trai sẽ là trụ cột của đất nước. Vì vậy họ đã đặt tên cho ông là Nhạc Phi, sau này lấy tên tự là Bằng Cử. Nhìn cái tên này có thể thấy cha mẹ đặt rất nhiều hy vọng vào ông. 

Mẹ của Nhạc Phi tên là Diêu Thị, bà cũng là một người phụ nữ đầy trí tuệ. Nhạc Phi chào đời chưa đầy nửa tháng, sông Hoàng Hà vỡ đê, huyện Thang Âm xuất hiện một trận đại hồng thủy. Trong tai nạn bất ngờ này, cái khó ló cái khôn, mẹ Nhạc Phi đã ôm ông ngồi vào một vò gốm lơn, hai mẹ con ngồi trong vò gốm trôi theo dòng nước, mãi cho tới khi dạt vào bờ mới được cứu lên. 

Gặp nguy không loạn, bà rất bình tĩnh đối mặt với sống chết, nhờ mưu trí hai mẹ con đã tìm được đường sống trong cõi chết, đây cũng là tố chất thiết yếu nhất cần có khi ở trên chiến trường. Đối với binh pháp và chiến tranh thực sự, Nhạc Phi đều có lĩnh ngộ của riêng mình. Ông chưa từng thua trận, phải chăng bởi ông đã được thừa hưởng điều này từ người mẹ dũng cảm của mình? 

Nhạc Phi từ nhỏ, dưới sự ảnh hưởng của cha mẹ, ông cũng bộc lộ ra khả năng phi thường. Ông sống nội tâm và đôn hậu, dụng tâm đọc kinh thư và binh pháp, đối với ‘Tả thị xuân thu’ và ‘Tôn Ngô binh pháp’ có phần tâm đắc. Trời sinh ông là bậc kỳ tài võ học, chưa đến 20 tuổi đã có thể kéo được cây cung nặng 300 cân và bát thạch nỏ (nỏ bắn 8 viên đá cùng một lúc). 

Đương nhiên, ngọc thô chưa mài dũa cũng cần chạm khắc mới có thể trở thành dụng cụ. Ông đã bái một vị hào hiệp địa phương, là một nhân vật nổi tiếng trong làng võ học, tên là Chu Đồng làm sư phụ, học tập tinh xảo võ công, nắm giữ tuyệt kỹ tả hữu khai cung. Sau này, Nhạc Phi đã đem những võ nghệ mà bản thân học được truyền lại cho tướng sĩ dưới quyền, cải thiện đáng kể khả năng chiến đấu của quân Tống. 

Sau khi Chu Đồng qua đời, Nhạc Phi rất đau buồn, vào mỗi dịp mồng một và ngày rằm đầu năm, ông đều mang theo rượu thịt đến trước mộ phần sư phụ để tế bái. Nhạc Hòa biết được lòng hiếu thảo của ông, phi thường khen ngợi, đồng thời còn nhắc nhở ông ý nghĩa chân chính của việc đọc sách luyện võ: “Nếu tương lai con có cơ hội báo quốc, có thể vì nước hy sinh, hy sinh vì nghĩa không?”. Khổng Tử từng nói: “Thập thất chi ấp, tất hữu trung tín như khâu giả”, ý tứ là một thôn có 10 nhà thì nhất định có một người trung tín như ông. Nhạc Hòa chẳng phải cũng là bậc hiền nhân trung tín báo quốc giống như lời của Khổng Tử nói sao? 

Vào thời điểm này, triều đại nhà Tống đang có biến động, thù trong giặc ngoài trùng trùng điệp điệp, nước Kim ở phương Bắc đang để mắt đến. Đối với người văn võ song toàn như Nhạc Phi mà nói, sinh ra vào thời loạn thế, đúng là thời khắc ông có thể cống hiến hết mình vì nước. Vào năm Tuyên Hòa thứ 2 (1120), nước Tống và nước Kim đã thực hiện ký kết “Giao ước trên biển” để cùng tấn công nước Liêu. Tướng quân nhà Tống là Lưu Duy đã chiêu mộ những “cảm chiến sĩ”, Nhạc Phi lúc đó vừa tròn 20 tuổi, là một trong những dũng sĩ phù hợp đã tới đăng ký. 

Chiến tranh là một việc vô cùng nguy hiểm, người trong cuộc có thể mất mạng bất cứ lúc nào, hơn nữa còn phải Nam chinh Bắc chiến, không có nơi ở cố định. Có thể nói, vào thời chiến loạn, tướng sĩ cùng người thân thường sẽ bị mất liên lạc. Nhạc Phi tuy lập chí tòng quân, nhưng người xưa dạy “cha mẹ còn, chớ đi xa” khiến ông khó có thể dứt bỏ cố thổ, cũng không nỡ bỏ lại người thân cao tuổi chốn quê nhà. 

Bức tranh vẽ cảnh Chu Đồng dạy Nhạc Phi bắn cung. (Phạm vi công cộng)

Lúc này, mẹ của Nhạc Phi hiểu rất rõ đại nghĩa đã ra mặt giáo huấn con, bà đã để lại câu chuyện “Nhạc mẫu thứ tự” được người đời ca tụng. “Thuyết nhạc toàn truyện” có ghi lại: Mẹ của Nhạc Phi đã giúp ông giải được bài toán khó “Trung hiếu không thể song toàn” bằng cách viết lên lưng con 4 chữ “Tinh trung báo quốc”, dùng cây trâm hoa đâm từng mũi từng mũi trên lưng rồi bôi mực dấm lên. Từ đó về sau, Nhạc Phi kiên định ra trận giết địch, tín niệm tinh trung báo quốc, một đời trải qua trong quân ngũ thời chiến. 

“Tống sử” có ghi chép, lúc Nhạc Phi bị vu oan bắt giam, vì muốn bày tỏ sự trong sạch của mình, ông đã để lộ ra 4 chữ trên lưng. Nhìn 4 chữ “Tinh trung báo quốc” rất to được xăm rõ nét, quan viên thẩm vấn Nhạc Phi đã vô cùng rung động. Vô luận là “Tinh trung báo quốc” hay “Tẫn trung báo quốc” cũng đều là lời khắc họa một đời trung can nghĩa đảm của Nhạc Phi. Dưới sự dạy bảo ân cần của cha mẹ, ông không quên quốc nhục, quyết thề khôi phục non sông, trong lịch sử lưu lại nét văn hóa trung nghĩa cảm động lòng người. 

Nhạc Phi, người được xếp vào hàng tướng lĩnh, nhớ lại cuộc đời binh nghiệp của mình, ông từng nói: “Thời kỳ đầu đất nước hòa bình, tôi mới vừa mới trưởng thành và bắt đầu tòng quân. Tôi thề vì nước mà hao kiệt tâm lực, đã sớm quên gia đình nhỏ của mình”. Những lời này không chỉ là lời tổng kết về cuộc đời binh nghiệp của Nhạc Phi mà còn thể hiện sự ngưng kết những gì mà cha mẹ ông đã dày công dạy bảo.

(Còn tiếp…)

Tác giả: Liễu Địch – Epoch Times
San San biên dịch

Exit mobile version