Đại Kỷ Nguyên

Thiên cổ Thần tướng Nhạc Phi (11): Gian thần hãm hại, nỗi oan thấu trời xanh

Bắc phạt thất bại không chỉ làm cho mộng tưởng cả đời của Nhạc Phi tan vỡ mà còn khiến cuộc đời ông kết thúc quá sớm. Trên chiến trường, Nhạc Phi giống như một vị anh hùng cái thế mà quân Kim mới nghe tin đã sợ mất mật. Trở về nơi quan trường, ông lại bởi vì sáng tạo ra quá nhiều chiến công hiển hách mà chịu đủ nghi kỵ. Mới 39 tuổi, người một lòng vì nước, Nhạc Phi lại bị quyền thần mưu hại, lưu lại tiếc nuối muôn đời. 

Ngày nay, đến trước lăng mộ của Nhạc Phi hoặc đền Nhạc vương, mọi người đều bất ngờ thấy có mấy bức tượng người hãm hại Nhạc Phi quỳ tại đó. Nhiều nhất là 5 vị, theo thứ tự gồm vợ chồng Tần Cối, Vạn Sĩ Tiết, Trương Tuấn, Vương Quý. Tần Cối với tư cách là gian thần số 1 của triều đại Nam Tống, đương nhiên là kẻ chủ mưu sát hại Nhạc Phi. Vậy 4 nhân vật còn lại, sao lại có thể làm ra sự tình ác độc đến vậy, khiến cho Nhạc Phi gặp phải bất hạnh chết oan? 

Gian tướng quyền thần kết thù kết oán với trung lương 

Dưới sự thúc giục của 12 đạo kim bài, có thể nói trường thành Nhạc Gia quân của triều đại Nam Tống buộc phải thu quân trong bầu không khí chán nản. Nhạc Phi trong cơn bi phẫn và thất vọng đã chào từ biệt quân ngũ, nhưng bởi chiến sự không ngừng nên đã bị Cao Tông cự tuyệt. Quả nhiên chiến sự ở Hoài Tây lại khởi phát, Nhạc Phi vâng mệnh gấp rút tiếp viện. Không ngờ, thống lĩnh tiền tuyến bất lực, khiến quân Tống thắng rồi lại bại, giống như một trò đùa. Nhạc Gia quân không chỉ tốn công vô ích, Nhạc Phi còn bị liên lụy, bị vu cho là dừng lại không tiến, trở thành “chứng cứ phạm tội” tạo nên án oan hạng nhất sau này. 

Sau trận Hoài Tây, nước Kim tự biết không cách nào diệt nhà Tống, hoàng đế nhà Tống lại càng có tâm cầu hòa, quân chủ hai nước lại lần nữa có chung ý chí nghị hòa. Chiến sự trong nước, giặc Kim không còn là họa lớn trong lòng Cao Tông, nhưng ông lại bị một mối lo khác âm thầm bao trùm tâm trí, đó chính là kiêng kỵ võ tướng, điều mà rất nhiều hoàng đế khó tránh khỏi. 

Cũng như vậy, Tần Cối, tể tướng lão luyện chuyên quyền, bán nước cầu vinh, xem tướng lĩnh phái chủ chiến như cái đinh trong mắt, đối với Nhạc Phi lại càng muốn diệt thật nhanh. Nguồn cơn không chỉ xuất phát từ chủ chiến và chủ hòa, mà còn bởi gian và trung đối lập nhau, thêm nữa là nước Kim trực tiếp bày đặt mưu kế. Bởi vì vào năm Thiệu Hưng thứ 10, Kim Ngột Thuật từng truyền mật tin cho Tần Cối: “Mỗi ngày ngươi cần phải thỉnh cầu nghị hòa, nhưng Nhạc Phi lại một lòng muốn thu phục Trung Nguyên, lại giết chết con rể của ta, thù này không thể không báo. Phải giết Nhạc Phi, bàn lại sự tình nghị hòa”. 

Vì vậy, Tần Cối không tiếc lời kích động mối quan hệ giữa hoàng đế Cao Tông cùng võ tướng, đồng thời nghĩ đủ mọi cách đẩy võ tướng vào chỗ chết. Tháng 4 năm Thiệu Hưng thứ 11 (tức năm 1141), Cao Tông làm theo câu chuyện cổ của Tống Thái Tổ “Dùng rượu tước binh quyền”, tuyên chiếu mời Nhạc Phi, Hàn Thế Trung, Trương Tuấn, Tam đại đưa đến nghỉ tại “Hành tại” (nơi ở tạm thời của hoàng đế trước khi khởi hành) Lâm An yết kiến, mỗi ngày đều khoản đãi yến tiệc, hơn nữa còn gia quan tấn tước cho họ. Trên thực tế, điều này chính là đem Tam đại sáng thăng tối giáng, từ đó về sau tước đoạt binh quyền. 

Nhạc Phi và Hàn Thế Trung đều là người nổi tiếng trung nghĩa, vì sự nghiệp kháng Kim thất bại mà đau lòng. Duy chỉ có Trương Tuấn vì vinh hoa phú quý, nịnh nọt Tần Cối, cũng tỏ vẻ sẵn lòng trợ giúp ông ta hãm hại các tướng lĩnh khác. Nhìn thấy Trương Tuấn không tạo nên sự uy hiếp gì, bước tiếp theo Tần Cối muốn động thủ với vị tướng lão luyện Hàn Thế Trung. Đầu tháng 5, Trương Tuấn và Nhạc Phi phụng chỉ đi Sở Châu, nơi Hàn Gia quân đóng quân và thị sát tình hình quân vụ. Trước khi xuất phát, Tần Cối ra ám hiệu cho Nhạc Phi, việc này là vì để thêu dệt tội danh cho Hàn Thế Trung, đồng thời “làm tan rã” quân đội của ông ta. 

Nhạc Phi là người trung thực và ngay thẳng tự nhiên sẽ nghiêm khắc từ chối, cũng nói: “Ta cùng Hàn Thế Trung làm việc cùng nhau, nếu để người vô tội bị hỏi tội, thật sự là cô phụ lòng tin của ông ấy”. Nhạc Phi đặc biệt phái người báo tin cho Hàn Thế Trung, cho biết mưu kế thâm độc của Tần Cối, cũng vì vậy mà khiến cho Tần Cối càng thêm oán hận. Trong quân doanh Hàn Gia, Nhạc Phi vừa khổ tâm khuyên nhủ Trương Tuấn, không muốn giải tán quân đội của Hàn Thế Trung, đồng thời phản đối kịch liệt việc Trương Tuấn xuất phát từ mục đích thoái thủ mà chủ trương kiến nghị xây dựng Sở Châu thành tuyến phòng bị. 

Gian thần hãm hại, oan khiên khó rửa sạch 

Phụ thuộc vào Trương Tuấn, Hàn Thế Trung không còn quyền lực, trở ngại việc Tống Kim nghị hòa lúc này chỉ còn Nhạc Phi. Hơn nữa, Nhạc Phi lại ngay thẳng chính trực, phá tan âm mưu mà Tần Cối và Trương Tuấn muốn làm cho quân của Hàn Thế Trung tan rã. Tất cả thù hận của hai người đều chuyển lên thân Nhạc Phi. Tần Cối đã bí mật xui khiến tay sai của mình là gián quan Vạn Sĩ Tiết, ra mặt vạch tội Nhạc Phi, vu cho ông tội không dùng hết sức mình để chi viện cho Hoài Tây, khi đang thị sát quân đội lại “tuyên bố” vứt bỏ phòng thủ sở châu. 

Bức chân dung màu của Nhạc Phi, do nhà Minh vẽ. (Phạm vi công cộng)

Kết quả là trong triều đình Tống, trắng đen lẫn lộn, ngôn luận phỉ báng nổi lên tứ phía, gian thần hoành hành, trung thần bị cách chức. Tháng 8, một lần nữa Nhạc Phi từ quan, cuối cùng đã được Cao Tông cho phép, sống cuộc sống thanh nhàn không hỏi chính sự. Tuy nhiên, việc miễn quan chỉ là một nước cờ mà Tần Cối dùng, sát hại Nhạc Phi mới là mục đích thực sự của hắn. 

Muốn giết được đại anh hùng thì phải có tội danh “giết không tha”, ở thời cổ đại thì đó chính là đại tội mưu phản không thể tha. Tuy nhiên, Nhạc Phi cả đời trung quân đền nợ nước, căn bản không tìm thấy dấu hiệu mưu nghịch nào trên thân của ông. Cho nên, Tần Cối và Trương Tuấn cần một “nội ứng” có năng lực, nghe theo hắn đi tố cáo Nhạc Phi thì mới khiến người tin phục. 

Đô đốc Nhạc Gia quân, phụ tá đắc lực của Nhạc Phi – Vương Quý, trở thành mục tiêu mà chúng uy hiếp và dùng lợi dụ dỗ. Trước kia, thủ hạ của Vương Quý, thừa dịp nhà dân cháy mà tiến hành trộm cắp, bị Nhạc Phi phát hiện, liên lụy đến Vương Quý bị đánh 100 gậy. Đại chiến ở Dĩnh Xương, Vương Quý lại xuất hiện tâm tình e sợ chiến, điều này càng phạm vào điều tối kỵ trong quân ngũ, thiếu chút nữa bị Nhạc Phi chém đầu. Bọn chúng cho rằng, Vương Quý hẳn là người hận Nhạc Phi nhất, là người tốt nhất để chúng lựa chọn và lôi kéo. 

Không ngờ, Vương Quý lại một lời cự tuyệt: “Nhạc Phi là Đại tướng quân, trong khi dùng người phải thưởng phạt phân minh. Nếu như vì vậy mà sinh tâm oán hận ông ấy thì hẳn là có quá nhiều rồi”. Nhưng mà Trương Tuấn là người có tâm địa gian xảo, tìm đến Vương Quý với danh nghĩa việc riêng tư không muốn ai biết, cuối cùng đã khiến Vương Quý phản bội Nhạc Phi, làm việc đồng lõa sát nhân. Mặt khác, chúng còn tìm trong quân một người tên là Vương Tuấn, hai tên họ Vương cấu kết vu khống, công bố Trương Hiến muốn cùng Vương Quý hợp mưu tạo phản, bức bách triều đình đem binh quyền trả lại Nhạc Phi. Sự kiện mưu phản này còn liên quan đến con trai trưởng của Nhạc Phi chính là Nhạc Vân. 

Sau đó, Tần Cối liền thượng tấu, đem Trương Hiến và Nhạc Vân áp giải đến Đại lý tự điều tra cho rõ sự tình, đồng thời triệu Nhạc Phi vào kinh thành để cùng thẩm vấn. Sau khi nghe nói, Cao Tông vốn là tỏ vẻ kinh hãi nhưng bởi vì tâm nghi kỵ, cũng nhanh chóng ngầm đồng ý. Vì vậy Trương Hiến và Nhạc Vân bị bắt bỏ tù, và phải chịu nghiêm hình bức cung, bị đánh cho thương tích đầy mình, nhưng vẫn không nói nửa lời chính xác làm căn cứ vu cáo hãm hại. Nhưng chính lúc này, Nhạc Phi cũng đang phải đối mặt với hoàn cảnh chạy trời không khỏi nắng. 

Tận trung báo quốc, trời đất làm chứng

Trước khi chỉ dụ của triều đình được ban hành, Nhạc Phi đã trải qua một khoảng thời gian yên bình và ấm áp bên con cháu trong nhà. Kháng Kim thất bại và tiền đồ xa vời, điều này vẫn đang khiến ông cảm thấy phiền muộn trong lòng. Một hôm, ông viết xuống xuống khúc “Tiểu trùng sơn” mang tâm tình khác với khúc “Mãn giang hồng” để bày tỏ sự bất lực trong tâm. 

“Tạc dạ hàn cung bất trú minh.
Kinh hồi thiên lý mộng,
Dĩ tam canh.
Khởi lai độc tự nhiễu giai hành,
Nhân tiễu tiễu,
Liêm ngoại nguyệt lung minh.
Bạch thủ vị công danh.
Cựu sơn tùng trúc lão,
Trở quy trình.
Dục tương tâm sự phó dao tranh.
Tri âm thiểu,
Huyền đoạn hữu thuỳ thinh.”

Tạm dịch: 

Đêm qua rét mướt dế kêu không thành tiếng
Giật mình hồi ức mộng thiên lý
Đã canh ba
Đứng dậy độc hành quanh những bậc thềm
Người lặng lẽ,
Ngoài rèm trăng mờ tỏ.
Bạc đầu vì công danh
Nơi non xưa tùng trúc đã già
Đường về bao hiểm trở
Muốn nhờ đàn tranh giãi bày muôn tâm sự
Vắng tri âm
Tiếng tơ đứt nào ai hay…

(Hương Thảo dịch)

Người xưa đều ví dây đàn đứt báo hiệu điềm chẳng lành, có lẽ trong tâm Nhạc Phi sớm đã dự cảm được kết cục trong tương lai. Sự tình Trương Hiến và Nhạc Vân chịu thẩm vấn, ông hoàn toàn không biết. Mãi đến một ngày tháng 9 năm Thiệu Hưng thứ 11, ông gặp được sứ giả đến tuyên chiếu, mới hiểu rõ hành vi của Tần Cối. Nhưng Nhạc Phi càng tin tưởng, người trong Nhạc Gia quân là trong sạch, chỉ cần bản thân ra mặt đối chứng, có thể rửa sạch tất cả oan tình. Do vậy, ông đã dẫn theo mấy người thân tín vội vàng lên đường. 

Khi họ nghỉ đêm ở nhà trọ, mấy tùy tùng đi theo Nhạc Phi đều cho rằng việc này dữ nhiều lành ít, liên tiếp thuyết phục Nhạc Phi đừng đến Lâm An để tiếp nhận thẩm vấn. Nhạc Phi lại kiên định nói: “Buộc phải bước về phía trước!” Họ liên tiếp khuyên nhủ 3 lần nhưng vẫn không thay đổi được lời ông đã nói. Làm sao Nhạc Phi không nhìn thấu quỷ kế của Tần Cối? Sao ông không biết bản thân đang gặp phải nguy hiểm, nhưng bởi lời nói và việc làm phải đi đôi với nhau, không thẹn với Trời, liền mang theo khí khái không sợ chết, dứt khoát đi về phía trước. 

Tháng 10, Nhạc Phi đến Lâm An không lâu, Tần Cối không đợi được liền nóng lòng sai người giả mạo chỉ dụ vua ban, lừa ông tới Đại lý tự, chính thức đưa ông vào ngục. Nhạc Phi chỉ thấy cửa đóng 4 phía, bầu không khí tối tăm quỷ dị, vô cùng kinh ngạc nói: “Tại sao lại đưa ta đến đây?” Quan coi ngục xuất hiện cho hay, muốn dẫn ông đi thẩm vấn. Nhạc Phi than: “Ta vì quốc gia mà trả giá tâm huyết nửa đời người, tại sao hôm nay lại tới nơi này?” Không còn cách nào khác đành bất đắc dĩ đi theo. 

Nhạc Phi cởi tấm lưng trần để mọi người nhìn thấy chữ khắc to trên lưng “Tinh trung báo quốc”. (Xia Qiongfen / Đồ họa của Đại Kỷ Nguyên)

Trước khi thẩm vấn, quan coi ngục còn gõ mộc trượng nghiêm nghị quát ông: “Chắp tay đứng trước!” Nhạc Phi lúc này mới chợt hiểu ra, bản thân không còn là thống soái quát mắng trên chiến trường nữa, giờ chỉ là một phạm nhân vai mang oan khuất, không thể không chịu nhục trước đám quan lại nhỏ bé. Thế là ông xúc động thở dài: “Ta từng thống lĩnh 10 vạn đại quân, hôm nay mới nhận ra tư cách của quản ngục, địa vị tôn quý!” 

Đối diện với chủ thẩm – Ngự sử Trung Thừa Hà tra hỏi, Nhạc Phi vẫn như trước không hề sợ hãi. Ông không vì mình mà giải thích quá nhiều, cởi tấm lưng trần để mọi người nhìn thấy chữ khắc to trên lưng “Tinh trung báo quốc”. Lời cha mẹ dạy còn văng vẳng bên tai, Cao Tông cũng từng khâm ban thưởng quân kỳ “Tinh trung Nhạc Phi” để khen ngợi. Từ một người con vô cùng hiếu thảo đến Nhạc Phi trung nghĩa, sao có khả năng làm ra chuyện mưu phản? 

(Còn tiếp…)

Tác giả: Liễu Địch – Epoch Times
San San biên dịch

Exit mobile version