Khói lửa chiến tranh Tống Kim sớm đã trở thành tro tàn, thị phi thành bại ân oán chôn vùi trong lịch sử, chớp mắt đã trở thành hư không. Nhạc Phi, người anh hùng vĩ đại năm nào cũng đã qua đời hơn 800 năm. Nhưng hôm nay, khí thế hào hùng của cuộc chiến năm xưa vẫn khiến người người không ngớt ngợi ca, vị anh hùng trung nghĩa với đất nước vẫn được ghi nhớ ca tụng.
- Xem trọn bộ Thiên cổ anh hùng
Bởi Nhạc Phi từ lâu đã là linh hồn của dân tộc Trung Hoa. Nhắc đến ông, điều mọi người nhớ đến đầu tiên chính là câu chuyện “Nhạc mẫu thứ tự” (Mẹ Nhạc phi khắc chữ). Bà khắc “Tinh trung báo quốc”, 4 chữ này đã trở thành lý tưởng và khắc họa chân dung cuộc đời Nhạc Phi. Đồng thời, đó cũng là minh chứng cho tấm lòng hiếu thảo của ông, cả đời nghe theo lời cha mẹ dạy bảo. Trong thời cổ đại thường nói câu: “Trong không thể tận đạo tình thân, ở ngoài há lại là bậc trung thần lương đống?”, trung hiếu chính là đạo đức được cổ nhân coi trọng nhất. Nhạc Phi cũng cho rằng, người mà ở nhà hiếu thuận với mẹ cha thì khi ở ngoài mới có thể là bậc nghĩa sĩ trung quân đền nợ nước.
Sau khi Nhạc Phi trưởng thành, chinh chiến là việc cấp bách cả đời, phần lớn thời gian ông đều sống trong quân ngũ hoặc trên chiến trường. Ông không chỉ tận trung vì nước mà còn làm được tận hiếu.
Gắng hết sức tận hiếu tận trung
Con cháu Nhạc Phi nhớ đến sự tích mà tổ tiên lưu lại, họ bắt đầu kể về đạo hiếu của Nhạc Phi: “Tiên thần thiên tính chí hiếu”. Điều này giống như hiếu thuận là thiên tính, trong chuyện xưa, Nhạc Phi phụng dưỡng mẹ già đã thể hiện ra một cách hoàn mỹ. Khi Nhạc Phi mới tòng quân, mẹ ông đã cổ vũ ông rời xa quê nhà, tòng quân cứu nước. Bởi vì quê hương của ông cũng nằm trong vùng chiến loạn, Nhạc Phi cảm thấy không an lòng, bất đắc dĩ mới phải để lại mẹ già cho vợ chăm nom, một mình xuất chinh.
Sau đó, Hà Bắc (địa phận hành chính phía bắc của nhà Tống) thất thủ, Nhạc Phi bị mất liên lạc với mẹ già, nhiều năm tìm kiếm vẫn bặt vô âm tín. Cuối cùng, một hôm mẹ ông sai người từ quê nhà đưa tin cho ông: “Nỗ lực việc Thánh thiên tử, đừng vì bà lão mà tưởng nhớ”. Bà không hề đề cập đến tình hình của bản thân những ngày qua một chút nào, một lòng an ủi con ra sức vì nước. Tuy nhiên, Nhạc Phi vẫn liên tục lặng lẽ phái người từ vùng chiến sự đi đón mẹ. Trước sau không dưới 18 lần, cuối cùng bà mới chịu nhận lời chuyển đến sống ở Ngạc Châu, nơi doanh trại Nhạc Gia đóng quân.
Nhìn thấy mẹ, người mà ông ngày đêm lo lắng, Nhạc Phi vừa mừng vừa đau xót, hướng đến mẹ cung kính bái lạy và khóc, giãi bày tấm lòng xấu hổ vì không thể ở bên mẹ để tận hiếu. Bởi vì bà trải qua đau khổ và khó khăn trong nhiều năm, khi đoàn tụ cùng con trai, bệnh cũ lại tái phát, ăn uống đều cần người chăm sóc. Nhạc Phi dù bận rộn việc quân vụ nhưng hoàng hôn mỗi ngày ông đều muốn đến chỗ mẹ ở, tự mình bón thuốc và đút cơm cho mẹ.
Không chỉ vậy, Nhạc Phi còn chăm sóc mẹ rất cẩn thận, tỉ mỉ từng chút một. Mỗi khi thời tiết chuyển mùa ẩm ướt nóng lạnh, ông đều thay đổi quần áo đồ dùng cho mẹ một cách kịp thời. Trong phòng ngủ, ông không nói nhiều, bước đi nhẹ nhàng để tránh phát ra tiếng động làm ảnh hưởng đến sự tĩnh dưỡng của mẹ. Mỗi khi phải xuất chinh ra chiến trận, ông lại dặn người nhà chăm sóc mẹ một cách cẩn thận, nếu phát hiện có điểm nào chăm sóc không chu toàn liền bắt đầu răn dạy xử phạt vợ từng việc một.
Người xưa coi đạo hiếu là cơ sở để làm người, tức là “Bách thiện hiếu vi tiên”, tận hết khả năng để hiếu thuận với người thân và cung kính với người già, do đó mới có rất nhiều câu chuyện nói về đạo hiếu được lưu truyền đến ngày nay. Trong nội tâm của Nhạc Phi, mẫu thân không chỉ là người sinh ra và nuôi dưỡng ông mà còn là người thầy vỡ lòng dạy ông về đại nghĩa quốc gia. Vì vậy, cho dù thân tại nơi đâu đi nữa, Nhạc Phi đều không quên việc tận hiếu, báo đáp ân tình to lớn của mẹ già.
Khoảng thời gian 2 năm sau khi Nhạc Phi bình định được phản loạn Dương Ma, người mẹ tài đức sáng suốt của ông đã qua đời vì bệnh tật tại doanh trại. Ngay lúc đó bệnh về mắt của Nhạc Phi lại tái phát, thống khổ không chịu nổi, nhưng khi đối diện với tin dữ mẹ già đột ngột qua đời, ông không quan tâm đến bệnh tật của bản thân mà khóc lóc thảm thiết, 3 ngày liên tiếp không uống một giọt nước, biểu hiện vô cùng thống khổ bi ai khi mẹ qua đời. Chính vì điều này mà khí sắc của Nhạc Phi giảm dần, bệnh tình tăng thêm, ông phải ngồi trong phòng tối có màn che tầng tầng lớp lớp để dưỡng bệnh.
Nhạc Phi cũng dâng tấu xin từ chức mong có thể giữ trọn đạo hiếu 3 năm. Khi sức khỏe chuyển biến tốt hơn một chút, không chờ Cao Tông phê chuẩn, ông cùng con trai trưởng Nhạc Vân vịn linh cữu mẹ về quê an táng. Đi nghìn dặm đường từ Ngạc Châu đến Lư Sơn, Giang Châu, trên đường hai cha con Nhạc Phi không để ý đến đường lầy lội hay cái nắng bỏng rát, dùng đôi chân trần bước từng bước. Các tướng sĩ nhìn thấy cảnh tượng này đều không đành lòng, muốn thay Nhạc Phi mà làm thay, nhưng với Nhạc Phi, một người con thành tâm với mẹ mình làm sao có thể đồng ý? Nhìn cảnh tượng hai cha con trên suốt dọc đường, mọi người không khỏi cảm động.
Sau khi an táng cho mẹ xong, Nhạc Phi đã dựng căn lều nhỏ ở bên cạnh mộ mẹ để sống ẩn cư, tiếp tục giữ trọn đạo hiếu. Nhưng bởi chiến sự cấp bách, Cao Tông không ngừng hạ chiếu thư, sai người thỉnh ông xuống núi lần nữa. Nhạc Phi nhớ lại lời dạy của cha mẹ lúc còn sống, cuối cùng ông đã quyết định trở về nơi đóng quân ở Ngạc Châu, tiếp tục chủ trì nghiệp lớn Bắc phạt. Là một người con chí hiếu, ông tự tay khắc bức tượng gỗ theo hình dáng của mẹ mình, sáng tối thăm hỏi như lúc bà còn sống để thực hiện đạo hiếu cuối cùng đối với người đã khuất.
Chiến tướng canh cánh trong lòng, trung nghĩa báo quốc
Hiếu tận sức làm, trung tận mệnh thực hiện, người con hiếu thuận Nhạc Phi chịu ảnh hưởng bởi lời dạy mẫu mực từ cha mẹ, hơn nữa còn lập được chí lớn cả đời đền nợ nước. Đối mặt với nước mất nhà tan, quân Kim tàn sát bừa bãi, hành động duy nhất của ông là đền nợ nước, sống cuộc đời trên lưng ngựa trong chiến tranh, nỗ lực gắng sức sự nghiệp Bắc phạt kháng Kim, thu phục vùng đất bị mất, nghênh đón Nhị thánh, rửa sạch nỗi nhục Tĩnh Khang. Ông vì chí hướng này mà đổ máu trên sa trường, lo nghĩ cả đời, cuối cùng cũng đã hiến dâng cả sinh mạng mình.
Một số người có thể sẽ hỏi, Nhạc Phi, một bậc chí sĩ trung thành và nhiệt huyết đối với đất nước như vậy, tại sao lại bị Cao Tông dùng 12 đạo kim bài thúc ép, thu quân trở về, khiến cho thành quả đạt được trong sự nghiệp Bắc phạt biến thành hư không? Bởi vì Nhạc Phi là người chí hiếu chí trung, trung với nước cũng trung với vua. Hơn nữa, lựa chọn của ông không chỉ đơn giản là trung với hoàng mệnh mà xuất phát từ đại cục quốc gia, miễn cưỡng mà đưa ra lựa chọn bất đắc dĩ. Cho nên một lòng trung nghĩa của ông mới càng làm người cảm phục rơi lệ.
Khi mới nhận được lệnh thu quân, Nhạc Phi lập tức thượng tấu phản đối, ông cho rằng thắng lợi trong trận chiến Bắc phạt đang ở ngay trước mắt, ngàn vạn lần không muốn bỏ qua cơ hội đánh đuổi quân Kim ra khỏi lãnh thổ. Sau khi Nhạc Phi thừa thắng xông lên đã lấy được trấn Chu Tiên. Tuy nhiên, triều đình lại muốn Nhạc Phi thu quân để thúc đẩy nghị hòa, liền mệnh lệnh các lộ quân khác rút quân hoặc phòng thủ tại chỗ, đồng thời hạ 12 đạo kim bài liên tiếp yêu cầu Nhạc Phi thu quân. Chiêu bài “rút củi đáy nồi” này khiến Nhạc Phi ý thức được, cho dù Nhạc Gia quân một mình tiến đánh, liên tiếp giành thắng lợi, nhưng bởi mất đi viện quân ủng hộ, không thể duy trì thành quả chiến đấu lâu dài được, còn có thể khiến cho mấy vạn binh sĩ trong Nhạc Gia quân bị vây khốn trong hiểm cảnh.
Trước có quân Kim đe dọa, sau có gian tướng nhúng tay, Bắc phạt nhất định sẽ rơi vào cảnh sắp thành lại bại. Đúng là Thiên ý khó phạm, Nhạc Phi thấy được rằng nếu vi phạm chiếu thư mà tiến quân thì sẽ nhận về hậu quả đáng sợ, cho nên đành phải chịu đựng thống khổ mà buông xuống tâm nguyện Bắc phạt cứu quốc. Trên đường thu quân trở về, Nhạc Phi cân nhắc đến an nguy của dân chúng địa phương mà cố ý dừng lại 5 ngày, yểm hộ dân chúng rời xuống phía Nam lánh nạn. Lúc nghe tin quân Kim quay trở lại tàn sát dân chúng Trung Nguyên, Nhạc Phi thốt lên tiếng than bi thống nhất trong lịch sử: “Nhiều quận đoạt được, một sớm đều ngưng! Giang sơn xã tắc, khó có thể trung hưng! Càn khôn thế giới, hết cách khôi phục!”
Tuy nhiên, Nhạc Phi đã tuân thủ nghiêm ngặt đạo quân thần, ông cũng tuyệt đối không phải là không quan tâm đến nguyên tắc mà hùa theo hoàng đế một cách mù quáng. Nhiều lúc ông nhìn thấy Cao Tông bị gian thần che mắt hoặc đưa ra quyết sách sai lầm, liền quên vinh nhục được mất cá nhân, hướng đến quân chủ nói lời can gián. Với trí tuệ và lòng dũng cảm phi thường, Nhạc Phi đã thực sự tận sức hoàn thành sứ mệnh của một vị trung thần.
Ví dụ như khi hoàng đế Cao Tông vừa mới lên ngôi, cùng quần thần thượng nghị việc dời đô, Nhạc Phi với tư cách là võ quan thất phẩm hèn mọn, cũng đứng ra trực tiếp phản đối việc dời đô về phía Nam. Cũng chính bởi điều này mà ông đã bị tước mất chức quan, không chỗ dung thân. Đối với việc nghị hòa Tống Kim, từ đầu đến cuối ông cũng cực lực phản đối, hơn nữa còn nói thẳng với hoàng đế: “Không thể tin người Kim, không thể trông cậy vào hòa hảo!” Ông cũng lên án mạnh mẽ gian thần Tần Cối, khiến Cao Tông không nói lên lời. Sau khi nghị hòa được thực hiện, Cao Tông đắm chìm trong cái gọi là thái bình do phe chủ hòa gian thần tô son trát phấn. Chính Nhạc Phi lại khổ tâm trình lên tấu chương khuyên nhủ: “Sự việc cấp thiết hôm nay, có thể nguy mà không thể an, có thể lo mà không thể mừng”.
Trước lần Bắc phạt thứ 4, Cao Tông gặp sự tình hòa hoãn, mật lệnh Nhạc Phi thu quân. Tuy nhiên, Nhạc Phi lại không muốn để mất thời cơ tốt tiêu diệt quân địch của triều Tống, dứt khoát “vi phạm chiếu thư” chỉ huy quân Bắc thượng, như vậy mới có đại thắng Yển Thành Dĩnh Xương, cùng giấc mộng lấy lại đảo Hoàng Long gần ngay trước mặt.
Sử sách ghi lại, Nhạc Phi từ nhỏ đã có đức tính ngay thẳng, chính trực, lời nói và việc làm đều không tránh khỏi họa phúc. Khi đối mặt với việc quân, ông không chỉ suy nghĩ đến toàn bộ cơ nghiệp triều Tống mà còn tính đến phúc lợi của ngàn vạn con dân đại Tống nữa. Cả đời Nhạc Phi không chỉ có trung quân đền nợ nước, đồng thời cũng xuất phát từ góc độ lợi nước lợi dân mà khuyên nhủ hoàng đế. Tấm lòng trung thành chính trực, mang theo chính nghĩa, có trời đất Thần linh làm chứng, vì vậy mà bậc đế vương đời sau, thần dân cũng phải kính trọng và tưởng nhớ mãi mãi.
(Còn tiếp…)
- Xem trọn bộ Thiên cổ thần tướng Nhạc Phi
Tác giả: Liễu Địch – Epoch Times
San San biên dịch