Đại Kỷ Nguyên

Thiên cổ Thần tướng Nhạc Phi (14): Tiết kiệm đạm bạc tạo nên phong thái ‘Cổ hiền tướng’ Nhạc Phi

Tượng Nhạc Phi, trong miếu thờ Nhạc Phi ở Hàng Châu. Bốn chữ trên bảng là "Hoàn ngã hà sơn" 山河我還 (đọc từ phải sang) - "Trả lại sông núi cho ta".

Thuở hàn vi, bước chân vào nghiệp binh đao, Nhạc Phi từ một người trẻ tuổi lập nhiều chiến công hiển hách mà được phong chức thống soái của triều đại nhà Tống. Quan to lộc hậu, công danh quyền thế, thường thường sẽ mang đến cho con người những thay đổi long trời lở đất. Thế nhưng, trong khi không ngừng đánh thắng trận, lập nhiều kỳ công, Nhạc Phi lại chọn lựa sống cuộc đời giản dị tự nhiên. 

Núi sông bị nghiền nát, quân Kim tàn sát bừa bãi, Nhị thánh không còn, nỗi nhục Tĩnh Khang hổ thẹn chưa gột sạch, đều là điều mà thần tử Nhạc Phi không cách nào rửa hận. Trong lòng ông mang chứa quốc gia dân chúng, cả đời lo nghĩ, không phải muốn được phong hầu hưởng phú quý, mà là Bắc phạt khắc chế địch, nghiệp lớn cứu nước đòi lại non sông đã mất. Do đó ông coi công danh như đất ở trước mặt, vì sự nghiệp kháng Kim mà ngày đêm bôn ba, đó cũng là điều mà ông đã từng nói: “30 công danh như bụi đất, tám nghìn dặm đường mây và trăng”. 

Lúc hoàng đế Cao Tông định xây dựng phủ đệ cho ông, Nhạc Phi đã cực lực từ chối, hơn nữa còn trịnh trọng nói: “Địch chưa diệt, sao phải xây phủ đệ?” Có người hỏi ông, khi nào thiên hạ thái bình, Nhạc Phi lại trả lời: “Văn thần không yêu tiền, võ thần không sợ chết, lúc đó thiên hạ sẽ thái bình!” Một câu ngắn gọn cương trực đã nói ra lý tưởng sống, đồng thời cũng là chuẩn tắc trong lời nói và làm việc cả đời của Nhạc Phi. 

Quần thô áo vải, hài lòng với màu sắc giản dị

Nhạc Kha trong ‘Ngạc quốc kim đà tục biên’ có ghi lại kỹ càng về cuộc sống hằng ngày của Nhạc Phi: “Mỗi bữa cơm không quá 2 loại thịt, ở nhà ông chỉ mặc quần áo may bằng vải thô, đồ dùng dụng cụ chỉ cần đáp ứng nhu cầu cơ bản, không truy cầu tinh xảo hoa mỹ, bên cạnh càng không có thê thiếp phục vụ. Cuộc sống như vậy hoàn toàn giống như sinh hoạt của một người dân thường, đâu phải của một vị quan to nhất phẩm? Dù sao thì, Nhạc Phi thân ở địa vị cao, sống như vậy cũng khiến có người cảm thấy không đành lòng mà muốn ‘phá bỏ’ nếp sống sinh hoạt thông thường của ông. Lúc này Nhạc Phi đã làm như thế nào? 

Một lần, Nhạc Phi cùng vị tướng Hác Chính dùng cơm, cấp dưới cố ý dâng lên đĩa bánh “Toan hãm” rất ngon. Nhạc Phi chỉ nếm thử một cái, số còn lại bảo thuộc hạ cất đi để dùng thay cơm tối. Hác Chính chứng kiến Nhạc Phi tiết kiệm đến mức như vậy, nội tâm vô cùng hổ thẹn. Còn có một lần, Nhạc Phi dùng cơm cùng các tướng lĩnh, bữa cơm vốn chỉ có mì và thịt heo, tuy nhiên đầu bếp lại bưng thêm đĩa thịt gà lên. Nhạc Phi thấy vậy liền hỏi: “Tại sao lại muốn giết thêm một con gà để ăn?” Đầu bếp nói: “Là quan viên địa phương biếu ạ”. Nghe xong, Nhạc Phi dặn dò, không cho phép nhận quà như vậy nữa. 

Đại soái Ngô Giới là tướng kháng Kim ở Xuyên Thục nhiều năm, ông rất khâm phục tài dùng binh của Nhạc Phi nên đã cố ý gửi tặng một vị tuyệt sắc giai nhân cùng  sính lễ cưới phong phú, đưa đến chỗ Nhạc Phi. Đối mặt với “Lễ vật hậu hĩnh”, Nhạc Phi rầu rĩ không vui, đem trả lại người phụ nữ. Có tướng sĩ khuyên ông: “Ngài chuẩn bị mở rộng chiến trường tại vùng quan ải Thiểm Tây, tại sao không giữ cô ấy lại, cùng Ngô soái tạo dựng mối quan hệ tốt?” Nhạc Phi nói: “Ngô soái đối xử với mọi người phúc hậu, nhưng sỉ nhục quốc gia không rửa, Nhị đế vẫn còn ở phương Bắc chịu đủ dày vò. Hiện tại há lại là thời điểm Đại tướng hưởng lạc?” Lời này nói ra, không ai dám nói thêm lời nào. Ngô Giới bị cự tuyệt lại càng thêm kính phục tư cách làm người của Nhạc Phi hơn. 

Trong đối ngoại, ông vẫn giữ vững nguyên tắc; đối nội, ông cũng quản lý gia đình một cách nghiêm khắc. Một lần ông thấy vợ mặc bộ trang phục may bằng vải tơ lụa quý, liền khuyên bảo: “Ta nghe nói, hoàng hậu phi tần bị bắt lên phương Bắc đã trải qua cuộc sống sinh hoạt vô cùng gian khổ. Nàng đã cùng ta có phúc cùng hưởng, có khổ cùng chịu, chính là không thích hợp mặc những bộ y phục như vậy”. Vợ ông nghe xong, lập tức cởi bỏ hoa phục rồi mặc lên người trang phục may bằng vải thô. Nhạc Phi đối với việc giáo dục con cái càng là có tiếng nghiêm khắc. Ông lập gia quy đối với con ngay từ khi con còn nhỏ: “Thường ngày không được uống rượu, lúc rảnh cần đọc sách, tất cả đều cần học làm nông nghiệp. Nhạc Phi cũng nói: “Việc đồng áng khó khăn, không thể không biết”. 

Danh lợi đạm bạc, tránh né vinh danh cùng sủng ái 

Đương thời, đại tướng thường tham công, thậm chí còn giả báo cáo chiến công để được thăng quan. Thế nhưng, là bậc tài năng quân sự số một, Nhạc Phi lại hành động trái ngược. Mỗi lần được phong thưởng, ông lại nói mình chẳng có công lao gì mà liên tục từ chối, có lần còn phải từ chối đến 6 hoặc 7 lần, không dám dễ dàng tiếp nhận. Đây không phải là nghi thức xã giao cấp độ cao mà là bởi ông lấy tư cách là một ‘Quốc sĩ’ để quyết định có nên nhận hay không. 

Trước cuộc Bắc phạt lần thứ nhất, Tể tướng Chu Thắng Phi hứa rằng, chỉ cần Nhạc Phi đánh thắng trận sẽ được phong làm “Tiết độ sứ”. Nhạc Phi đã dùng nghĩa chính từ nghiêm nói: “Tôi có thể vì nghĩa mà chịu trách nhiệm, không thể vì lợi mà theo đuổi. Thu phục Tương Dương là sự việc trung quân. Nếu không coi đó là việc trọng yếu thì chẳng lẽ lại mặc kệ ngồi nhìn? Thu phục một thành liền được ban một tước vị, đây là cách đối đãi với người bình thường, không phải là phương pháp của bậc quốc sĩ”. 

Hoàng đế Cao Tông cũng từng hạ chiếu khen ngợi Nhạc Phi: “Thành tri hoài trùng tốn chi thực, phi đãn vi lễ văn chi hư dã”, nghĩa là tinh thần trung nghĩa hứa quốc đại quý cùng phẩm hạnh khiêm nhường thành khẩn xông trận của Nhạc Phi rất đáng được khen ngợi. Bậc quân tử nói về nghĩa, chí hướng của Nhạc Phi là thống nhất giang sơn, sứ mệnh là làm một vị trung thần lương tướng, vì vậy ông có thể sống chết vì đại nghĩa quốc gia, không vì danh lợi mà thay đổi. 

Ông cũng cho rằng, hành quân đánh trận là dựa vào lực lượng của toàn bộ tướng sĩ ra sống vào chết đánh nhau đổ máu. Vì thế mà mỗi lần từ quan ông đều nói: “Những trận đánh thắng của tôi đều là do tướng sĩ dốc sức liều mạng mới đạt được, tôi có công lao gì chứ?” Đối với bản thân hết sức khiêm nhường, nhưng đối với người khác lại vô cùng hào phóng, từ tướng sĩ nhỏ đến quan lớn, công lao của mọi người dù nhỏ cũng đều được ghi nhận. Nếu như phát hiện người nào không được phong thưởng xứng đáng, ông sẽ liên tục thỉnh cầu lên triều đình vì sợ rằng họ không được đối xử công bằng. 

Tuy nhiên, cũng có một anh hùng trẻ tuổi là ngoại lệ, chính là con trai trưởng Nhạc Vân, người theo Nhạc Phi chinh chiến từ khi mới mười mấy tuổi. Sở dĩ gọi là tướng môn hổ tử, chính là trong chiến dịch thu phục 6 quận Tương Dương, Nhạc Vân lập công đầu nhiều hơn 2 lần, đạt được danh hiệu “Thắng quan nhân”. Trong cuộc chiến bình Dương Ma, lại là quân công đệ nhất. Đối với chiến công của Nhạc Vân, Nhạc Phi đều lần lượt giấu diếm không báo, về sau các quan viên cảm kích, đều vì Nhạc Vân mà “biểu đạt bất bình”. 

Nhạc Phi lại cho rằng, các tướng sĩ đều không quản mưa tên pháo thạch, trảm tướng phá trận mới lập được kỳ công, nếu như Nhạc Vân bỗng nhiên thăng quan, làm sao có thể khiến mọi người nể phục? Hơn nữa tuổi trẻ tâm dễ lên xuống, ông cũng lo Nhạc Vân đạt được công danh quá sớm sẽ sinh ra biếng nhác, kiêu ngạo, khó thành tài. Vì vậy, cho dù triều đình có chủ động vì Nhạc Vân mà thăng quan tấn tước, Nhạc Phi cũng cố hết sức để chối từ. 

Còn có một việc càng cho thấy đạo đức cao thượng của Nhạc Phi. Có vị phụ tá trong Nhạc Gia quân, trong một lần dâng tấu chiến công, tự thỉnh cầu triều đình phong cho mẫu thân của Nhạc Phi làm “Ngụy quốc phu nhân”, trao tặng con thứ của Nhạc Phi là Nhạc Lôi chức quan “Văn tư”. Sau khi được phê chuẩn, Nhạc Phi vô cùng kinh hãi, ông nói rằng sẽ không bao giờ để việc riêng kinh động đến triều đình, lập tức khẩn cầu Cao Tông thu hồi mệnh lệnh đã ban, đồng thời cũng xử trí người phụ tá kia. Sau khi chuyện này được truyền ra ngoài, mọi người đã không ngớt lời ca tụng, thậm chí các sử gia cũng phải khen ngợi Nhạc Phi là “Có phong thái của cổ hiền tướng!” 

(Còn tiếp…)

Tác giả: Liễu Địch – Epoch Times
San San biên dịch

Exit mobile version