20 tuổi, Nhạc Phi buộc phải tòng quân. Trong 19 năm ông đã đạt đến vị trí Đại nguyên soái. Suốt cuộc đời, ông trải qua hơn 120 trận chiến mà chưa từng thất bại. Với tài năng quân sự trác tuyệt và kinh nghiệm chiến đấu thực tế phong phú, có thể nói trên chiến trường Nhạc Phi là vị thống soái nổi danh có thể hô mưa gọi gió. Ông cùng Nhạc Gia quân đã viết nên một huyền thoại trong lịch sử chiến tranh Trung Quốc.
- Xem trọn bộ Thiên cổ anh hùng
Vì sao Nhạc nguyên soái bách chiến bách thắng? Vì sao Nhạc Gia quân đánh đâu thắng đó, không gì cản nổi? Tất cả những điều này không thể tách rời với linh hồn Nhạc Gia quân – Nhạc Phi mưu trí hơn người và khả năng dẫn quân tài tình. Ngay từ khi còn trẻ, Nhạc Phi đã học thuộc lòng binh pháp, tinh thông võ nghệ, sau khi tòng quân, ông càng rèn thành kỹ năng tác chiến, lấy ít địch nhiều, dùng mưu phạt cường địch. Ông không để lại binh thư truyền cho đời sau, thế nhưng từ lời nói và việc làm trong suốt cuộc đời của ông, chúng ta cũng có thể nhìn thấy triết lý quân sự cùng với bí quyết “lay núi dễ, lay Nhạc Gia quân khó”.
Một số đàm luận về diệu pháp dùng binh của Nhạc Phi
Khi mới tòng quân, Nhạc Phi đã được vị tướng già nổi tiếng tán thưởng và coi trọng. Thông qua vài câu đối thoại ngắn gọn, Nhạc Phi tuổi còn trẻ liền thể hiện ra sự mưu trí phi phàm và nhãn quan quân sự phi thường. Ví dụ như “Tông gia gia”, Tông Trạch thấy tài nghệ và trí dũng của Nhạc Phi vượt xa các lương tướng trước đây, nhưng ông lại cảm thấy dường như Nhạc Phi còn thiếu khuyết “cách nhìn toàn cục”, liền đem tất cả những trận đồ sưu tầm được truyền thụ cho Nhạc Phi. Nhạc Phi lại nói: “Trận nhi hậu chiến, binh pháp chi thường, vận dụng chi diệu, tồn hồ nhất tâm”. Ý từ là đợi bày binh bố trận xong mới đánh, đây là phép tắc dùng binh, muốn vận dụng được linh hoạt xảo diệu thì cần phải dụng tâm suy nghĩ và tùy cơ ứng biến.
16 chữ đã nói lên được tinh túy của binh pháp, tức là không dập khuôn máy móc giống như cách đánh thời cổ đại, cần căn cứ tình hình thực tế hiện tại mới định ra chiến thuật tác chiến, đó chính là tùy cơ ứng biến một cách linh hoạt, bí quyết của dùng binh không có cách thức cố định. Nhạc Phi cho rằng, cần bày trận xong mới đánh, chỉ là giống với đạo lý dùng binh, nếu muốn vận dụng được một cách xảo diệu thì cần dụng tâm suy nghĩ, tùy cơ ứng biến. Sự hiểu biết sâu sắc của Nhạc Phi khiến lão tướng một đời được mở rộng tầm mắt, kinh ngạc mà thán phục.
Về sau, Nhạc Phi đến Hà Bắc tìm nơi nương tựa, ông đã được Trương Sở chiêu mộ và dùng nghi lễ đối với một “quốc sĩ” mà đối đãi. Trương Sở muốn kiểm tra tài thao lược của Nhạc Phi, liền hỏi: “Một mình ngươi địch lại được bao nhiêu người?” Nhạc Phi không trả lời thẳng vào vấn đề mà nói rằng: “Dũng thôi chưa đủ, trước khi dùng binh cần dùng mưu”. Ông đưa ra quan điểm dùng mưu, cho rằng cái dũng của kẻ thất phu chẳng có gì lạ, dùng mưu lược và chiến thuật mới có thể thắng dựa vào đánh bất ngờ, thậm chí đạt được kỳ tích không chiến mà thắng địch.
Ông cũng trích dẫn các trận chiến thời cổ đại như để làm bằng chứng. Thời Xuân Thu, lúc Tấn Sở giao chiến, một đại phu nước Tấn đã lấy cành cây buộc lên chiến xa, lệnh quân Tấn rút lui, khiến cho cành cây làm đất đường bụi mù mịt, giả vờ làm đại quân tháo chạy, dụ địch vào bẫy mà đánh bại quân Sở. Một ví dụ khác nữa là quân Sở vây công Giảo, khi Sở Vũ Vương xuất quân vây công thành, dùng tiều phu dụ quân Giảo ra khỏi thành, ở trong núi bài trí quân mai phục. Quân Giảo quả nhiên trúng kế ra khỏi thành bắt tiều phu về ép họ vào rừng đi lính. Quân sở liền thừa cơ tấn công địch từ phía sau, đánh tan quân Giảo một cách thuận lợi.
Điểm nổi bật của hai trận chiến này là dùng mưu kế dụ địch trước. Điều này phản ánh nguyên lý hành quân tác chiến của Nhạc Phi. Sau khi nghe xong, Trương Sở không khỏi nghiêm túc kính nể: “Ngài không phải người trong hàng ngũ binh lính”.
Nhạc Phi cũng đề ra năm điều trong việc dùng binh: Nhân đức, tín niệm, mưu trí, dũng cảm, nghiêm minh, giống như đạo làm tướng được mô tả trong Binh pháp Tôn Tử. Tuy nhiên, Nhạc Phi đã điều chỉnh thứ tự này tùy theo tầm quan trọng của chúng, và coi những điều này như một sự khái quát về thuật điều binh khiển tướng của tướng soái. Nghĩa là nhân đức ở vị trí đầu tiên, dùng người cần tin tưởng, mưu lược trước, anh dũng tác chiến, trị quân cần nghiêm minh.
Tận trung báo quốc, xây dựng lại non sông là ước nguyện ban đầu khi Nhạc Phi tòng quân chinh chiến, cũng chính là tấm lòng đại nhân đại nghĩa vì nước vì dân của ông. Trước khi ra trận, Nhạc Phi còn dặn dò tướng sĩ của mình, “Dùng trung hiếu khuyến khích, lấy tiết nghĩa dạy bảo”. Mỗi khi nhắc đến quốc thù gia hận, ông đều nghẹn lời rơi lệ. Hầu hết người trong Nhạc Gia quân đều chịu ảnh hưởng bởi khí thế bi tráng khẳng khái của ông, đểu rơi lệ xúc động, nguyện vì đại nghĩa quốc gia mà chiến đấu.
Tại phương diện dùng người, Nhạc Phi cũng không áp dụng một cách máy móc. Vô luận là người có huyết hải thâm thù với ông như Dương Lại Hưng, hay từ tướng địch đến tướng lĩnh quy hàng, ông đều đối đãi một cách thành thật, không kể hiềm khích lúc trước mà trọng dụng ngay lập tức. Thử hỏi, đi theo một vị tướng soái đức cao vọng trọng lại túc trí đa mưu, liệu có tướng sĩ nào không bị làm cho cảm động đến rơi lệ mà trung thành tận tâm, đánh những trận đẫm máu trên chiến trường, lập nhiều kỳ công?
Trị quân nghiêm khắc, tạo nên bức trường thành thời Tống
Ngoại trừ bản thân Nhạc Phi trung can nghĩa đảm, khả năng bách chiến bách thắng của Nhạc Gia quân cũng được người kính ngưỡng và khen ngợi không kém. Đây là đội quân lúc mạnh nhất cũng chỉ có 10 vạn binh sĩ, có thể nói là ngọa hổ tàng long, anh hùng xuất hiện lớp lớp. Thành công của Nhạc Gia quân là nhờ vào quân lệnh như sơn của Nhạc nguyên soái, cách điều hành quân kỷ luật nghiêm minh, đây chính là trong 5 điều dùng binh làm nổi bật chữ ‘Nghiêm’.
Về nội hàm của chữ “nghiêm”, Nhạc Phi từng giải thích là “có công trọng thưởng, vô công trọng phạt, thực hiện nghiêm quân lệnh”. Cụ thể, Nhạc Phi có ‘6 pháp’ quản lý quân, đó chính là bí quyết xây dựng đội quân chiến thắng. 6 pháp này là dày công tìm kiếm tuyển chọn, huấn luyện cẩn thận, thưởng phạt công minh, hiệu lệnh rõ ràng, kỷ luật nghiêm minh, chịu đựng được gian khổ.
Cái gọi là coi trọng tìm kiếm tuyển chọn, chính là khi tuyển chọn binh sĩ quý ở tinh nhuệ chứ không phải quý ở số lượng. Triều đình nhà Tống từng chuyển mấy ngàn binh lính già yếu không quen chiến đấu đến gia nhập vào quân đội dưới trướng Nhạc Phi. Nhạc Phi đã chọn lựa trong số đó một ngàn người có thể dùng, số còn lại đều cho bãi chức. Một ngàn người được giữ lại, phải trải qua ngày đêm khổ luyện mới chính thức trở thành một thành viên trong Nhạc Gia quân.
Điểm nổi bật trong điều hành quân đội của Nhạc Phi chính là coi trọng huấn luyện. Theo ghi chép lịch sử, trong thời gian đình chiến, các thành viên trong Nhạc Gia quân đều mặc áo giáp nặng, cưỡi ngựa xuống sườn núi luyện tập vượt hào mỗi ngày. “Xem vô sự như lúc có sự”, luyện binh như là ra trận giết địch, nếu huấn luyện mắc phải sai lầm còn bị Nhạc Phi nghiêm khắc trách phạt. Ví như con trai trưởng Nhạc Vân, trong một lần luyện tập, ngồi trên lưng ngựa bị té ngã, Nhạc Phi giận dữ mắng: “Lúc gặp đại địch, con cũng làm như vậy sao?”, thiếu chút nữa đưa Nhạc Vân đi chém đầu, sau đó sửa phạt thành đánh 100 côn.
Trải qua quá trình sàng lọc nghiêm ngặt và khắc khổ luyện tập, sức chiến đấu của Nhạc Gia quân cách biệt xa so với đội quân khác. Mỗi người đều tinh thông võ nghệ, nhìn rất có thần khí, ra trận giết định càng bất khả chiến bại, uy danh lan rộng. Cuộc chiến kịch liệt ở Tiểu Thương Hà, Dương Lại Hưng cùng 300 dũng sĩ, dốc sức chiến đấu với hơn 10 vạn quân Kim, chém giết hơn 2 ngàn quân địch. Cuộc chiến ở Dĩnh Xương, 800 binh sĩ Bối Ngôi quân đã đánh trọng thương quân Kim chủ lực, xuất hiện cảnh tượng bi tráng “người đổ máu người, ngựa đổ máu ngựa”.
Thưởng phạt công minh, tức là thưởng phạt rõ ràng, “mấy ngàn vạn người đều như một”. Thủ hạ của ái tướng Trương Hiến có một binh sĩ không có tên tuổi gì, nhưng trong một lần công đánh quan ải Mạc Tà đã lập được công đầu, Nhạc Phi liền dùng đai lưng vàng và châu báu ngân lượng ban thưởng hậu hĩnh cho người này, đồng thời còn thăng binh sĩ này làm quan quân. Còn phó tướng Vương Quý, trong trận đánh tại Dĩnh Xương lại biểu hiện e sợ chiến, may nhờ các tướng sĩ khác cầu xin mới được miễn tội chết. Khi đối đãi với tướng sĩ, dù là cấp bậc cao thấp, quan hệ thân thiết hay không, đều được đối xử như nhau, vừa ân vừa uy, như vậy mới khiến lòng quân phục tùng, trên dưới một lòng.
Mệnh lệnh rõ ràng, kỷ luật nghiêm minh, lời nói đi đôi với việc làm. Dù là đang luyện binh hay tham chiến ở bên ngoài, Nhạc Phi cũng đưa ra những yêu cầu nghiêm khắc đối với đạo đức của tướng sĩ. Ông yêu cầu mọi người không được đụng đến cây kim sợi chỉ của dân, nếu ai làm tổn hại đến hoạt động nông thương của dân chúng sẽ nhất định bị trừng trị nghiêm khắc. Ví dụ có người mạnh khỏe cắt lúa của dân về bổ xung lương thảo cho quân đội, Nhạc Phi ban đầu cảm kích nhưng sau đó đem người này đi xử trảm. Cho dù dân chúng kính trọng Nhạc Gia quân mà tự nguyện bán hạ giá củi lửa, người của Nhạc Gia quân cũng nhất định cự tuyệt: “Tôi làm sao có thể vì tham chút tiền mà mạo hiểm rơi đầu?”
Cứ như vậy, cho dù doanh trại Nhạc Gia đóng quân, dân chúng đều không biết ở đó có binh lính, hoạt động sinh hoạt đều như bình thường. Do đó, dân gian mới lan truyền câu khen ngợi kỷ luật quân đội của Nhạc Gia quân: “Lạnh chết cũng không hủy phòng, đói chết cũng không đánh bắt”.
Nhạc Phi thiết diện vô tư, trị quân vô cùng nghiêm khắc, trong sinh hoạt hằng ngày lại vô cùng tiết kiệm tự hạn chế chi tiêu, cùng tướng sĩ đồng cam cộng khổ. Ông thường ăn cơm cùng những binh lính bình thường nhất, nếu như rượu không đủ phân phát, ông thà uống rượu pha thêm nước, cũng cần để cho mỗi người uống đủ một chén rượu. Lúc quân đội dã ngoại, nếu có người phải ngủ ở bên ngoài, ông cũng nhất định không ngủ trong quán trọ.
Không chỉ vậy, ông còn dành sự quan tâm đặc biệt đến gia đình của tướng sĩ. Có tướng sĩ đóng quân dài ngày không về nhà, Nhạc Phi liền sai vợ đến tận nhà, đưa tặng tài vật cùng đồ ăn cho người thân của họ. Có người bị bệnh, ông tự mình đến thăm hỏi, cũng tự tay đút thuốc. Nếu có người bất hạnh bỏ mình, ông cũng khóc thảm không ăn, đồng thời giúp binh sĩ đó nuôi dưỡng cô nhi. Sự quan tâm của ông dành cho tướng sĩ đạt đến mức độ tỉ mỉ.
Người đời Tống từng nhận xét rằng, Nhạc Phi là công thần danh tướng quả cảm cương nghị trung dũng có một không hai của triều đại Nam Tống, được mệnh danh là danh tướng trung hưng đệ nhất. Ông dẫn đầu 10 vạn Nhạc Gia quân, mỗi người đều có sức lực địch trăm người. Nhìn lại mấy đại chiến tích: Năm Kiến Viêm thu phục Kiến Khang, quân Kim từ đó về sau không dám nhòm ngó Giang Nam. Lần đầu Bắc phạt thu phục 6 quận Tương Hán, đây là chiến dịch đầu tiên triều đại Nam Tống lấy lại vùng đất rộng lớn đã bị mất. Lần thứ 2 Bắc phạt tiến thẳng đến Y Lạc đã thực hiện thành công cuộc phản công quy mô lớn một cách tốt đẹp của triều đại Nam Tống. Lần thứ 4 Bắc phạt, tại Yển Thành, Dĩnh Xương, ngăn cản tầng tầng lớp lớp quân chủ lực, giúp cho mộng tưởng thẳng đảo Hoàng Long gần ngay trước mặt.
Tài năng quân sự và cách điều binh khiển tướng của Nhạc Phi không chỉ hun đúc nên đội quân hùng mạnh nhất thời Tống mà còn đưa họ lập nên những chiến công bất tử trên chiến trường kháng Kim. Thần tướng Nhạc Phi được phong làm vị Thần bảo vệ Đại Tống, trở thành nhân vật anh hùng thiên cổ của Trung Hoa. Cho đến ngày nay, mọi người vẫn còn ghi nhớ và khen ngợi Nhạc Phi tinh trung cùng bậc kỳ tài quân sự, đồng thời truyền tụng câu chuyện cảm động lòng người về ông mãi mãi.
– Hết –
- Xem trọn bộ Thiên cổ thần tướng Nhạc Phi
Tác giả: Liễu Địch – Epoch Times
San San biên dịch