“Quá Xuân gió mười dặm, toàn lúa mạch xanh xanh”. Đây là lời trong khúc ‘Dương Châu mạn’ hát cảnh điêu tàn của thành cổ Dương Châu khi bị ngoại bang xâm lược. Vào những năm đầu triều đại Nam Tống, không chỉ Dương Châu, mà cả nửa vùng đất Giang Nam đều phải hứng chịu hạo kiếp chiến hỏa do gót sắt quân Kim dày xéo. Đại tướng Nhạc Phi lớn lên trong loạn thế, trước cảnh tượng buồn bã thê lương lại sáng tác ra một âm điệu khác…
- Xem trọn bộ Thiên cổ anh hùng
Lúc đó Tống Cao Tông vừa mới lên ngôi không lâu, nhưng bởi nghe lời gian thần xúi giục, đã quyết định chạy trốn từ Kiến Khang (Nam Kinh hiện tại) tới Dương Châu, không có ý chí khôi phục lại non sông. Mới qua một năm, nước Kim đột nhiên xuất binh tấn công Tống, người ngựa hùng hổ, một mạch tiến đến Dương Châu với ý định bắt Tống đế. Tống Cao Tông cùng bá quan lại lần nữa hốt hoảng chạy trốn, tránh nạn tại Hàng Châu, bỏ lại thành Dương Châu trống không, để người Kim tùy tiện bắt người cướp của.
Hai lần bảo vệ Trung Sơn, một mình kháng Kim
Tại phương Bắc, sau khi chủ soái Khai Phong trấn thủ Đông Kinh, danh thần Tông Trạch qua đời, Đỗ Sung, một kẻ bị quân địch làm cho khiếp sợ đã tới tiếp quản. Khi nghe tin quân Kim rút khỏi phương Bắc, điều Đỗ Sung nghĩ đến đầu tiên là, sợ rằng quân Kim sẽ tấn công phủ Khai Phong trên đường hành quân. Vì vậy, ông giả danh nghĩa Cần Vương, chuẩn bị dẫn toàn bộ quân bỏ thành xuôi Nam, đến Hàng Châu hội hợp với Cao Tông.
Từ Trương Sở, Tông Trạch đến Nhạc Phi, các tướng sĩ có tấm lòng trung trinh với nước đều không quên nỗi nhục Tĩnh Khang, vẫn ôm chí lớn thu phục Trung Nguyên, nghênh đón Nhị đế quay trở lại. Nhạc Phi tận mắt chứng kiến hành vi sợ chết của Đỗ Sung, nhiều lần khuyên can nhưng không hiệu quả. Mãi đến năm Kiến Viêm thứ 3 (1129), Kim Ngột Thuật mở rộng quy mô đánh chiếm xuống phía Nam, tiến quân đến gần phía Bắc Kiến Khang, Đỗ Sung mới vội vàng phái hơn 4 vạn binh ra ứng chiến, lúc này Nhạc Phi mới có cơ hội cùng quân Kim đánh giáp lá cà. Không ngờ Đỗ Sung đầu hàng quân Kim, rất nhiều binh sĩ Tống vì thế đã không đánh mà bỏ chạy, hoặc dốc sức chiến đấu đến chết, thế cục Giang Nam đột ngột trở nên nguy cấp.
Cuối cùng, trong hàng ngũ quân Tống chỉ còn lại có Nhạc Phi một mình ứng chiến, dốc sức liều mạng đánh trả đến hoàng hôn. Bởi vì tứ cố vô thân, lương thảo không thể tiếp tế, quân đội Nhạc Phi bất đắc dĩ lui về trấn giữ Chung Sơn (nay là Tử Kim Sơn, Nam Kinh). Tảng sáng ngày hôm sau, Nhạc Phi lại cùng quân Kim đại chiến lần nữa, cùng binh sĩ dốc sức chiến đấu, nhưng cũng chỉ đuổi quân địch ra khỏi Chung Sơn.
Cảm xúc ghét chiến tranh cũng dần dần xuất hiện và bám theo quân đội Nhạc Phi trong quá trình ra sống vào chết. Có binh lính vì thấy khí thế hùng mạnh của quân Kim mà cảm thấy tuyệt vọng, vụng trộm phản bội bỏ trốn. Lúc này tiết trời đã vào mùa Thu, gió bấc gào thét, bầu trời u ám, càng tăng thêm bầu không khí ngưng trọng trong doanh trại. Dù vậy, Nhạc Phi chẳng những không chịu ảnh hưởng mà còn đi khích lệ sĩ khí lòng quân. Ông không ngại đâm vào thân thể mình đến mức máu chảy đầy đất mà nói: “Chúng ta đắm mình trong quốc ân, nên dùng trung nghĩa đền nợ nước, giết địch lập công, ghi tên sử sách. Nếu như các ngươi đầu hàng hoặc chạy trốn, cuối cùng nhất cũng chỉ là chết vô danh. Cuộc chiến hôm nay, chúng ta chỉ có thể đánh đến chết, ai tự ý rời quân ngũ, chém đầu!”
Lời nói dõng dạc cùng sự anh dũng khí khái của Nhạc Phi đã ảnh hưởng tích cực đến tướng sĩ, chấn hưng sĩ khí toàn quân, mọi người đều hô to: “Duy thống chế mệnh!” (Thống nhất quản lý mệnh!) Trên núi Chung, ý chí vô cùng mạnh mẽ, còn bên kia, Kim Ngột Thuật xuất 10 vạn quân, dọc đường vừa đánh vừa cướp, khiến cho Kiến Khang cùng Hàng Châu lần lượt đình trệ, Cao Tông cùng quần thần cũng không thể tránh nạn trên biển. Một mình Nhạc Phi đã cứu vãn Đại Tống thoát khỏi tình thế nguy hiểm như thế nào?
Dời binh đến Nghi Hưng, bảo vệ bình an một phương
Vì để bảo tồn lực lượng, Nhạc Phi đưa quân đến đóng ở thôn Nghiễm Đức Chung. Vì để chuẩn bị lương thảo, sau khi thương nghị cùng mẫu thân, Nhạc Phi quyết định quyên góp tài sản cùng sĩ tốt để vượt cửa ải khó. Trong thời hỗn loạn, quân đội thường cướp bóc tài vật của nhân dân để sống, tuy nhiên Nhạc Gia Quân có một kỷ luật quân đội nổi tiếng: “Chết cóng không phá hủy nhà, chết đói cũng không giết người cướp của”, đã được thể hiện rõ trong thời điểm đó. Nhạc Phi lập nhiều quân lệnh nghiêm khắc, yêu cầu tướng lĩnh không được đụng đến cây kim sợi chỉ của dân, nhờ vậy mà hoạt động trồng trọt và buôn bán của dân chúng vẫn diễn ra bình thường. Lòng nhân ái của Nhạc Phi đã cảm phục được lòng dân khiến mọi người đều kính trọng và ủng hộ, ngày càng có nhiều binh lính quy thuận ông, mọi người đều gọi đội quân của Nhạc Phi là “Nhạc Gia quân”.
Lực lượng binh lính của Nhạc Gia quân nhanh chóng mở rộng tới quân số hơn một vạn, là đội quân hùng mạnh nhất triều đại Tống. Dụng cụ sản xuất của Nhạc Gia quân ban đầu khá thô sơ, do vậy vấn đề thiếu thốn lương thảo càng trở nên nghiêm trọng. Thế nhưng, Trời đã trợ giúp Nhạc Gia quân, đúng lúc này có người lại đề nghị đưa đại quân đến đóng ở Nghi Hưng. Tri huyện Nghi Hưng nghe nói quân đội Nhạc Gia đóng tại khu vực lân cận liền lập tức viết thư mời, hơn nữa còn tràn đầy tự tin viết: “Lương thực dự trữ ở Nghi Hưng đủ cung cấp cho vạn người ăn được 10 năm”.
Vào mùa xuân năm Kiến Viêm thứ 4 (1130), Nhạc Phi chính thức đưa quân đến đóng tại Nghi Hưng. Trong vòng vài tháng, Nhạc Gia quân bảo vệ bình an cho nhân dân, dẹp yên cường đạo, giúp thị trấn Nghi Hưng nhỏ bé trở thành một vùng đất yên bình hòa thuận vui vẻ ngay trong thời chiến loạn. Có một tên cường đạo tên là Quách Cát, mới nghe thấy tin quân đội Nhạc Gia đến đã sợ hãi bỏ chạy, mà Du Khấu cầm đầu bọn Thích Phương cũng bị quân đội Nhạc Gia đánh cho tan tác. Hơn nữa Nhạc Gia quân cũng không quấy nhiễu dân chúng, người dân địa phương này lại được nghỉ ngơi lấy sức, các ngành nghề lại một lần nữa được hưng thịnh trở lại.
Không chỉ vậy, người dân vùng lân cận nghe tin Nhạc Gia quân bảo vệ bình an cho quốc gia, tâm muốn hướng tới, họ nhao nhao rời quê hương tìm đến Nghi Hưng để an cư lạc nghiệp. Mọi người đều khen Nhạc Phi yêu dân như con, quân lệnh Nhạc Gia nghiêm minh. Trong dân không ngừng lan truyền câu nói: “Cha mẹ sinh ta – dễ; Công bảo vệ ta – khó”. Vì để cảm tạ ân đức của Nhạc Phi đã hộ quốc bảo vệ dân, dân chúng vì ông mà lập “Sinh từ”, tri huyện tự tay khắc bi văn. Từ triều đại Nam Tống đến triều đại nhà Thanh, Nhạc Phi sinh từ chuyển đổi thành Nhạc vương miếu, thu hút hàng vạn người tới làm lễ, hương khói cường thịnh, đây cũng là hiện tượng cực kỳ hiếm thấy trong lịch sử.
Khi Nhạc Gia quân trấn thủ Nghi Hưng, quan quân các nơi thuộc vùng Giang Nam, nghĩa quân dần dần tập kết khiến cho quân của Kim Ngột Thuật liên tiếp gặp thất bại trên cả hai chiến tuyến thủy và bộ, đến năm Kiến Viêm thứ tư thì bắt đầu lần lượt lui binh. Khi Kim Ngột Thuật đi qua Thường Châu, quân đội Nhạc Phi tập kích bất ngờ, bốn trận toàn thắng, quân Kim người chết người bị thương vô số. Một trận đánh cho thống khoái tinh thần, Nhạc Phi càng thêm kiên định quyết tâm chống lại quân Kim. Trên đường chiến thắng trở về, khi đi ngang qua chùa Kim Sa, Nhạc Phi múa bút đề từ, tại tháp cổ lưu lại bằng chứng khí thế ngút trời.
Ông nói: “Đợi khi ta lập được nhiều kỳ công, diệt được quân Kim, thu lại quốc thổ, nghênh Nhị đế, nhất định có thể chấn hưng Đại Tống. Khi đó ta lại đi qua nơi này, khắc đá ghi công, chẳng phải vui chăng?”
Cùng Hàn Thế Trung liên thủ thu phục Kiến Khang
Chiến tích gặt hái được tại Thường Châu đã khiến thanh danh của Nhạc Phi lan xa, triều đình thêm phấn chấn, Tống Cao Tông vốn muốn an phận lần đầu tiên chú ý đến vị tướng lĩnh tuổi trẻ trung thành không sợ quyền quý này, khích lệ ý chí chiến đấu của ông. Tống Cao Tông hạ chỉ cho Nhạc Phi, lệnh ông liên thủ với Hàn Thế Trung cùng nhau tác chiến, tận dụng cơ hội thu phục Kiến Khang. Hai vị đại tướng tâm đầu ý hợp của triều đại Nam Tống đã hợp tác kháng Kim, tất cả tướng sĩ đã thể hiện ra sự cứng cỏi bất khuất của quân Tống.
Tại Hoàng Thiên Đãng, Hàn Thế Trung với 8 ngàn thủy sư giằng co với 10 vạn quân Kim trong thời gian dài tới hơn 48 ngày. Cuộc đối đầu này đã được lịch sử chiến tranh của Trung Quốc ca ngợi là một huyền thoại. Cũng trong thời gian đó, trên đường bộ, Nhạc Gia quân cũng để lại chiến tích phi phàm giống như thế. Trong trận chiến khốc liệt tại Thanh Thủy Đình, quân đội Nhạc Gia đã giết hơn 170 tướng lĩnh quân Kim, đồng thời thu giữ hơn 3 ngàn chiến giáp cung tên. Từ khi xuôi xuống phía Nam, đây là trận đánh đầu tiên mà quân Kim gặp đại bại.
Vào đầu tháng 5 năm Kiến Viêm thứ 4, Kim Ngột Thuật chuẩn bị cho quân rút khỏi Kiến Khang, Nhạc Phi đã liệu trước kế hoạch quân địch, sớm bố trí binh lính mai phục tại Ngưu Đầu Sơn thuộc phía Nam của Kiến Khang, chờ đợi quân Kim sa lưới. Trong đêm, Nhạc Phi bố trí 100 binh sĩ áo đen lẻn vào doanh trại địch đánh lén. Trong bóng đêm, quân Kim không phân biệt được địch ta, vừa hoảng sợ vừa la hét chém giết lung tung, kết quả thương vong nặng nề. Sau đó, quân Kim phát hiện ra người của mình đang giết hại người của mình nên đã tăng cường tuần tra. Tuy nhiên, Nhạc Phi lại tùy cơ ứng biến, phái binh lính tinh nhuệ đi bắt lính tuần tra của quân Kim, khiến tướng Kim không cách nào nắm bắt tình hình xác thực, do vậy đã không ngừng hao binh tổn tướng theo kế hoạch của ông.
Sau đó, Kim Ngột Thuật đã may mắn đánh bại thủy sư của Hàn Thế Trung, từ Kiến Khang vượt sông mà bỏ chạy. Lúc chuẩn bị vượt sông tại Tĩnh An, quân đội Nhạc Gia sĩ khí như cầu vồng từ Ngưu Đầu Sơn ập tới, tiếp tục chiến đấu với quân Kim. Trong trận Tĩnh An, Nhạc Phi dẫn quân tiêu diệt hơn 3 ngàn quân địch, bắt sống hơn 300 người, thu được hàng vạn binh mã, áo giáp và đồ quân nhu, một lần nữa giành đại thắng.
Dưới sức mạnh hợp lực giáp công giữa Nhạc Phi và Hàn Thế Trung, Kim Ngột Thuật đã một mạch chạy tán loạn. Cả vùng Giang Nam lúc này không còn sót lại một binh một tốt quân Kim nào. Từ đó về sau, người Kim không dám nhòm ngó vùng đất Giang Nam tươi đẹp nữa. Trong vòng nửa tháng, Nhạc Phi thu phục Kiến Khang một cách thuận lợi, đem đến sự bình yên cho dân chúng.
Kiến Khang được mệnh danh là yết hầu của Giang Nam, có ý nghĩa chiến lược trọng yếu. Do vậy, cuộc chiến thu phục Kiến Khang trở thành chiến tích huy hoàng lần đầu tiên của Nhạc Gia quân, Nhạc Phi cũng nhận được sự khen ngợi của nhà vua và nhân dân.
(Còn tiếp…)
- Xem trọn bộ Thiên cổ thần tướng Nhạc Phi
Tác giả: Liễu Địch – Epoch Times
San San biên dịch