Đại Kỷ Nguyên

Thiên cổ Thần tướng Nhạc Phi (6): Trận Động Đình Hồ, chỉ 8 ngày tiêu diệt Dương Ma

Đối diện với sự do dự của Đốc quân, Nhạc Phi lại tỏ ra vô cùng tin tưởng nói: “Xin ngài đợi thêm một chút, không quá 8 ngày, nhất định có thể phá tặc”. Vậy thì, quân phản tặc này là dạng gì mà có thể khiến Tể tướng của triều đại Nam Tống phải lo lắng đến vậy? Nhạc Phi đã nghĩ ra mưu kế gì mà có thể nhanh chóng tiêu diệt kình địch? 

Bên ngoài đánh đuổi giặc Kim, bên trong bình giặc cướp, anh hùng Nhạc Phi của triều đại Nam Tống đã dùng trung nghĩa hứa với nước, Nam chinh Bắc chiến, lập nhiều chiến công hiển hách. Vào năm Thiệu Hưng thứ 5 (1135), Nhạc Gia quân bình định Dương Ma trong trận Động Đình Hồ, đây là cuộc chiến được ví như một kiệt tác đáng kinh ngạc trong cuộc đời binh nghiệp của Nhạc Phi. 

Lúc Nhạc Phi còn trong quân, Trương Tuấn (张浚) đảm nhiệm Đốc quân (chỉ huy quân), trước khi xuất chiến, ông lo lắng nói với Nhạc Phi: “Chi bằng tạm thời dừng binh, năm sau lại bàn bạc kỹ hơn”. Tại triều đại Nam Tống, cái hai cái tên phát âm tương tự nhau là Trương Tuấn (张浚) và Trương Tuấn (张俊), đều là tướng lĩnh kháng Kim, cũng đều là quan đại thần của triều đình nên rất dễ khiến người nhầm lẫn. Kỳ thực, tại cuộc biến Miêu Lưu, Trương Tuấn (张浚) trong quân Cần Vương lập được công lớn, được Cao Tông trong dụng làm tới chức Tể tướng kiêm trụ cột mật sử, thống lĩnh quân đội cả nước. Còn Trương Tuấn (张俊) là một trong “Trung hưng tứ tướng”, từng là cấp trên của Nhạc Phi, nhưng vì đố kỵ tài năng của Nhạc Phi mà đi theo Tần Cối, tham dự chế tạo án oan, là một trong những tội nhân mưu hại Nhạc Phi. 

Đối diện với sự do dự của Đốc quân, Nhạc Phi lại tỏ ra vô cùng tin tưởng nói: “Xin ngài đợi thêm một chút, không quá 8 ngày, nhất định có thể phá tặc”. Vậy thì, quân phản tặc này là dạng gì mà có thể khiến Tể tướng của triều đại Nam Tống phải lo lắng đến vậy? Nhạc Phi đã nghĩ ra mưu kế gì mà có thể nhanh chóng tiêu diệt kình địch? 

Đại tặc ở Động Đình, nhà Tống gặp đại họa 

Dương Ma từng đi theo cha con loạn tặc Trung Tương “khởi sự”. Họ thực sự là một đám mưu nghịch làm phản. Vào những năm cuối thời Bắc Tống, Chung Tương tên là Vu Sư, dùng cờ hiệu “Không phân biệt địa vị cao thấp, giàu nghèo đều như nhau” để mê hoặc dân chúng, thu gom tài phú. Cao Tông đảm nhiệm chức Đại nguyên soái binh mã Hà Bắc, Chung Tương đã tập hợp 300 dân binh “Cần vương” trợ giúp, sau đó Cao Tông lên ngôi đăng cơ một cách nhanh chóng. Đội quân này sau đó biến thành quân đội tư nhân mà Chung Tương nắm giữ. 

Binh lính của Nhạc gia đến từ phía tây bắc và giỏi chiến tranh trên bộ, làm thế nào để kiềm chế lực lượng thủy quân của Dương Ma đã trở thành một bài kiểm tra lớn. (Ảnh: Epoch Times)

Vào tháng 3 năm Kiến Viêm thứ 4 (1130), vì tự mình xưng vương nên Chung Tương binh bại mà chết. Dương Ma đã tụ tập các thủ lĩnh khác lại, tạo dựng hơn 30 khu thủy trại, thành lập thủy quân mấy vạn người, tiếp tục đối kháng với triều đình nhà Tống. Chúng bắt đầu sự nghiệp với tư cách là phản tặc thời loạn thế, cùng xa cực dục (vô cùng xa xỉ và dục vọng quá lớn), không chỉ cưỡng ép lấy đất của dân chúng mà còn dùng danh nghĩa “hành pháp” để đốt giết một cách trắng trợn. Nghiêm trọng hơn nữa chính là, Dương Ma còn động tâm muốn bán nước. 

Theo ghi chép trong “Tống sử”, Ngụy Tề Lý Thành nhiều lần trao đổi thông tin cùng Dương Ma tính kế, chuẩn bị hợp lực tấn công. Vào lúc những người trung nghĩa có cùng chung mối thù kháng Kim, chống lại giặc ngoại xâm, cách làm của Dương Ma không có tinh thần đại nghĩa dân tộc, trở thành quân Kim, Ngụy Tề trở thành kẻ thứ ba đứng sau gây họa loạn. Cao Tông cùng quân thần cho rằng bọn chúng là “trung tâm gây họa, không diệt trước thì không thể lập quốc được”. Do vậy triều đình nhiều lần điều động quân binh đi vây quét hoặc chiêu an, tuy nhiên lần nào cũng gặp thất bại trở về. 4 năm trôi qua, quân Tống lâm vào cục diện khó xử, thúc thủ vô sách (bó tay không biết làm thế nào). 

Sở dĩ Dương Ma có thể hành ác nhiều năm là bởi vì hắn chiếm được vùng địa lợi là Động Đình Hồ. Hắn áp dụng sách lược “Lục canh thủy chiến”, vào mùa xuân và mùa hạ mực nước trong hồ tăng vọt, quan quân không thể xuất binh liền canh tác ruộng đồng và nghỉ ngơi lấy sức. Khi mùa thu và mùa đông đến, nước hồ rút xuống, quân binh mới quay lại thu hoạch lương thực, cùng quan binh quần nhau trong nước. Hơn nữa, Dương Ma còn chế tạo ra 30 chiếc chiến thuyền khổng lồ có thể chở ngàn người cùng mấy trăm chiếc thuyền nhỏ, ngay tại trên mặt nước giao chiến có thể biến hóa tài tình, bất khả chiến bại. 

Trước tình hình đó, Hoàng đế Cao Tông đã đem nhiệm vụ gian nan là bình định Dương Ma, trịnh trọng giao cho Nhạc Gia quân. Tháng 4 năm Thiệu Hưng thứ 5, Nhạc Phi điều quân đến Đàm Châu (nay là Trường Sa, Hồ Nam) và bắt đầu định ra sách lược tác chiến. Nhạc Gia quân đến từ vùng Tây Bắc, am hiểu lục chiến, làm sao có thể khắc chế được tặc thủy trước mắt trở thành đại thử thách. Tuy nhiên, Nhạc Phi không sợ hãi chút nào, ông nói: “Dùng binh không có phương pháp cố định, chỉ nhìn dùng binh như thế nào mà thôi”. Huống hồ quốc nạn đang ở trước mắt, với tư cách là Đại tướng, Nhạc Phi sao có thể nhẹ nhàng nói lùi bước? 

Tượng Nhạc Phi (Li Tianming / The Epoch Times)

Hạn định 8 ngày, diệu kế vô song

Căn cứ vào đặc điểm tác chiến của Dương Ma, trước tiên Nhạc Phi đưa ra cách thức hành động trái ngược, thay đổi thói quen cũ là xuất quân đánh trận vào mùa thu đông. Quân đội Nhạc Gia tiến hành đánh trận vào mùa xuân hạ, phá vỡ kế hoạch canh tác của quân làm phản, từ căn bản mà chặt đứt con đường lương thảo. Sau đó Nhạc Phi phái đại quân trấn giữ một số con đường quan trọng, chặn nguồn cung cấp lương thực, làm xáo trộn lòng quân của địch.

Thứ hai, để tránh thương vong thêm nữa, Nhạc Phi áp dụng chiến thuật kết hợp tiến công và chiêu hàng. Dương Ma mất đường trợ giúp, Nhạc Phi theo gương nhân nghĩa mà đến, nhất định có rất nhiều thủ lĩnh cam nguyện quy hàng. Như vậy có thể làm suy yếu binh lực của Dương Ma, lại có thể dùng thủy sư công đánh thủy sư, nâng cao tỷ lệ thắng. 

Khi tin tức chiêu hàng lọt vào tai phản quân thủy trại, ngay lập tức có thủ lĩnh bỏ gian tà theo chính nghĩa. Có một tướng địch là Hoàng Tá lập tức nói với thủ hạ: “Ta nghe nói Nhạc Nguyên soái hiệu lệnh như sơn, không thể khinh thị. Nếu như cùng hắn đối địch, chúng ta có khả năng là không ai sống sót, chi bằng hiện tại nhanh quy hàng. Nhạc Nguyên soái đối đãi với mọi người rất chân thành, nhất định sẽ đối xử tử tế với chúng ta”. Sau đó Hoàng Tá liền lập tức đem người hướng về Đàm Châu xin hàng. 

Quả nhiên, Nhạc Phi vô cùng coi trọng Hoàng Tá, ngay lập tức thượng tấu xin bổ nhiệm cho Hoàng Tá chức quan thất phẩm, đồng thời còn trấn an binh lính trong tay ông ta, tiếp đãi thịnh tình. Trong bữa tiệc, Nhạc Phi vỗ vỗ lưng Hoàng Tá rồi đem trận chiến bình định Dương Ma phó thác cho Hoàng Tá, đồng thời nói lời thấm thía: “Ngươi là người thấu tình đạt lý, phân biệt được tốt xấu, nếu như có thể giết địch lập công, lo gì không được phong hầu? Ta định phái ngươi trở lại Động Đình Hồ, trong phản quân, nếu có thể chế ngự thì bắt trói, nếu có thể chiêu hàng thì chiêu hàng, như thế có được không?” 

Với tư cách là thủ lĩnh của phản quân, Hoàng Tá có cơ hội lấy công chuộc tội, trong lòng còn cảm kích thề tại chỗ rằng dùng cái chết để trả ơn. Hoàng Tá lập tức khởi hành và trở thành quân tiên phong của Nhạc Gia quân. Hai tháng đầu, Nhạc Phi dường như không xuất binh, chỉ có ban thưởng và thả tù binh về, để họ có cuộc sống tự do, khiến cho sĩ khí phản quân tan rã. Có vị quan viên địa phương còn hiểu nhầm Nhạc Phi quên mất nhiệm vụ, chuẩn bị báo cáo lên triều đình. Trương Tuấn mặc dù khó đoán được ý định của Nhạc Phi nhưng lại tin tưởng chắc chắn vào phẩm hạnh của ông nên đã ngăn cản: “Nhạc Phi là người trung hiếu, dùng binh mưu tính sâu xa, sao có thể tùy tiện phán xét?” 

Tuy nhiên, Trương Tuấn vẫn như trong thế lâm đại địch, muốn năm sau lại bàn bạc kế hoạch xuất quân. Thế nhưng, Nhạc Phi lại kiên trì nói không cần chờ tới năm sau, cũng cam đoan có thể phá địch trong 8 ngày. Trương Tuấn không tin nổi nên đã vội vàng hỏi Nhạc Phi diệu kế phá địch. Lúc này Nhạc Phi mới đem kế sách “dùng thủy khấu công thủy khấu” tiết lộ cho Trương Tuấn. 

Nhạc Phi giải thích: “Đánh trên mặt nước là thế mạnh của địch và cũng là điểm yếu của ta, lấy yếu đánh mạnh đương nhiên rất khó. Nếu dùng địch tướng dẫn địch binh có thể tiêu hao phụ trợ quân địch, chia rẽ tâm phúc địch, từ đó cô lập Dương Ma. Đến lúc đó mới phát động quan quân tấn công, tất nhiên có thể bắt được các tướng địch trong vòng 8 ngày”. 

Mượn lực lượng địch tấn công địch, Nhạc hầu tính toán tài tình

Tượng Nhạc Phi, từ “Sách minh họa về quân chủ và các vị đại thần của các triều đại trong quá khứ” (đồ dùng của triều đại nhà Thanh), do Thư viện Harvard-Yenching sưu tầm. (Phạm vi công cộng)

Nghe xong diệu kế của Nhạc Phi, Trương Tuấn mới yên tâm chỉ huy trận chiến. Bên kia, Hoàng Tá cũng không làm nhục sứ mạng, thuyết phục thành công một thủ lĩnh hũng hãn nhất của Dương Ma là Dương Khâm đầu hàng. Nhạc Phi đích thân ra doanh trại tiếp kiến, không chỉ tiến cử Dương Khâm làm quan, mở tiệc khoản đãi, còn đem đai lưng mà Cao Tông ban thưởng cùng chiến bào tặng cho Dương Khâm. Được Nhạc Phi tiếp đãi chân thành và long trọng, Dương Khâm vô cùng cảm động, chỉ trách đầu hàng quá muộn, sau này trở thành trợ thủ đắc lực của Nhạc Phi. 

Đầu tiên, Dương Khâm trở lại Động Đình Hồ chiêu hàng một nhóm lớn thủ lĩnh phản quân. Bất tri bất giác, Dương Ma đã chính thức thành kẻ đơn độc. Sau đó Dương Khâm dâng lên hai sách lược vô cùng quan trọng. Một là xả nước hồ ra sông. Bởi vì chiến thuyền khổng lồ của phản quân muốn hoạt động được thì cần có một mức nước sâu nhất định, do đó cần phải xây dựng và tu bổ đê đập ở Động Đình Hồ, mà Dương Khâm là tướng quan trọng giữ nhiệm vụ này trong phản quân. Hai là đồng cỏ và nguồn nước ngăn đường. Chiến thuyền của Dương Ma là dựa vào bánh xe để di chuyển trên cạn, chỉ cần đáy hồ phủ kín cỏ xanh, một khi bánh xe bị cỏ quấn sẽ không thể di chuyển. Chiến thuyền hành động bất tiện sẽ trở thành chiến trường tuyệt hảo cho Nhạc Gia quân, không khác gì lục chiến. 

Chẳng trách khi nghe tin Dương Khâm đến xin hàng, Nhạc Phi vô cùng vui mừng nói: “Dương Khâm đến xin hàng, tâm phúc của cường đạo đã phá vỡ”. Bởi vì những sách lược mà Dương Khâm đưa ra đều đánh vào chỗ hiểm của Dương Ma. 

Vào ngày đại chiến, Nhạc Phi đã ra lệnh cho quân sĩ lấy những chiếc bè khổng lồ để chặn từng bến cảng, sau đó sai người đi thuyền nhẹ đến các bãi cạn để chửi rủa khiêu chiến, cố ý chọc giận Dương Ma. Dương Ma quả nhiên trúng kế, khinh suất xuất binh tác chiến. Thuyền lớn bị đồng cỏ và nguồn nước vây hãm không thể hoạt động, mất hết uy lực. Dũng sĩ Nhạc Gia quân thừa cơ phát động tấn công mạnh mẽ. Dương Ma định phá vòng vây nhưng không ngờ các bến cảng đều bị quân Nhạc Gia chiếm đóng, không còn đường thoát. 

Dương Ma nhìn thấy rất nhiều chiến thuyền mang theo cờ hiệu “Tinh trung Nhạc Phi” đang hướng tới gần, trong tình huống cấp bách liền nhảy cầu trốn chạy để mong thoát thân nhưng lại bị nhóm Ngưu Cao thuộc Nhạc Gia quân bắt giữ, trói đem đến trước mặt Nhạc Phi và nhận lấy hình phạt cuối cùng. Khi trận chiến ở Động Đình hồ sắp kết thúc, tàn dư quân phản loạn không cách nào ngăn cản được bước tiến của đội quân chính nghĩa, lần lượt binh bại như núi đổ. 

Từ khi nhận lệnh tiến đánh đến khi kết thúc cuộc chiến, Nhạc Phi dùng vẻn vẹn khoảng 2 tháng đã có thể bình định được thế lực một phương. Trương Tuấn đã chứng kiến trận chiến từ đầu đến cuối, đối với sự kiện này, ông không khỏi thán phục thốt lên: “Nhạc hầu tính toán thật quá tài tình!”

Tác giả: Liễu Địch – Epoch Times
San San biên dịch

Exit mobile version