Đại Kỷ Nguyên

Thiên cổ Thần tướng Nhạc Phi (8): Đơn quân độc tiến, hai độ Bắc phạt lập kỳ công

Trong khảo nghiệm về tật bệnh ở mắt và mất mẹ, tinh thần của Nhạc Phi chẳng những không chán nản, ngược lại còn dẫn binh hoàn thành trận đánh đẹp mắt. Điều này khó tránh khỏi khiến danh thần Lý Cương viết thơ khen ngợi chiến công “Thập dư niên lai sở vị tằng hữu, lương dụng hân khoái”, ý tứ là hơn mười năm chưa từng có sự việc đáng vui mừng đến vậy…

“Nộ phát xung quan, Bằng lan xứ, Tiêu tiêu vũ yết…” (Lửa dựng ngút đầu, Đứng tựa lan can, Trận mưa vừa dứt…), đây là lời trong bài từ ca ‘Mãn Giang Hồng’ mà Nhạc Phi mùa bút viết ra sau lần thứ nhất Bắc phạt thành công. Trong tình huống không có thế lực hùng mạnh vẫn đi thu phục Tương Hán, ông nghĩ lại nỗi nhục vong quốc cùng sự nghiệp chưa tròn. 

Văn có thể làm thơ đề từ, truyền lưu thiên cổ. Võ có thể lãnh quân tác chiến, thống nhất Nam Bắc. Trong lịch sử, văn võ toàn tài lại phong lưu, Nhạc Phi là người nổi bật có một không hai. Trên đường chinh chiến, Nhạc Phi tận mắt nhìn thấy cảnh sông núi tươi đẹp, ông đã gửi gắm tình yêu thương thông qua những áng văn chương khiến lòng người cảm động. Có lẽ điều này đã được định trước, cuộc đời Nhạc Phi là dành cho chiến trường, lấy khổ làm vui, thề quyết chí không thay đổi. 

Thay hiếu bằng trung, chí công vô tư

Sau khi chiếm được Tương Dương, Nhạc Phi chuyển đến đóng quân tại Ngạc Châu, ngựa không dừng chân chạy tới Hoài Tây để viện binh, bình Dương Ma, không có một giây phút nghỉ ngơi. Năm Thiệu Hưng thứ năm (1135), Nhạc Phi là vị tướng quân hết lòng phụng sự đất nước mà không có thời gian nghỉ ngơi, cuối cùng vì vất vả nhiều ngày mà phát bệnh, hơn nữa còn bất hạnh gặp phải biến cố, nhờ vậy mới có được chút ít thời gian để tĩnh dưỡng. Tuy nhiên, cuộc Bắc phạt lần thứ 2 đang được lên kế hoạch khẩn cấp, Nhạc Phi phải mau chóng tỉnh lại, trở lại chiến trường kháng Kim. 

Từ lúc thu phục được Kiến Khang, quanh năm suốt tháng Nhạc Phi ở phía Nam chinh chiến, từng vì đuổi bắt Tào Thành mà tiến vào Lưỡng Quảng, bị chướng khí xâm nhập nên đã mắc phải bệnh về mắt. Trong 6 năm, phần lớn thời gian ông hành quân dưới trời nắng gắt nên bị nhiễm độc nóng đến nỗi đôi mắt thường xuyên phát bệnh. Sau khi bình định được Dương Ma, bệnh mắt của Nhạc Phi nghiêm trọng tới mức “gần như mù cả hai mắt, không ăn không uống, chân tay bủn rủn”. Vì không muốn ảnh hưởng đến kế sách quân sự, nhiều lần ông đã dâng tấu xin từ chức, nhưng bởi triều đình đang lúc dùng người nên không cho phép. 

Đã rét vì tuyết lại thêm lạnh vì sương, vào tháng 3 năm Thiệu Hưng thứ 6, Nhạc mẫu qua đời vì bệnh tật, một người con hiếu thảo như Nhạc Phi đã phải chịu sự đả kích rất mạnh. Liên tiếp 3 ngày ông không ăn không uống, khóc lóc bi thương khiến cho bệnh về mắt càng trở nên nghiêm trọng, nhiều ngày phải sống trong bóng tối, không nhìn thấy gì, chịu đựng muôn vàn đau đớn. 

Theo lễ phép cổ xưa, Nhạc Phi cần phải giữ đạo hiếu với mẹ trong 3 năm, đương nhiên cũng có thể nhân cơ hội này mà điều dưỡng thân thể. Tuy nhiên, Tống Cao Tông nhiều lần gửi chiếu thư thúc giục, cuối cùng Nhạc Phi lấy quốc sự làm trọng, trở về nơi đóng quân ở doanh trại Ngạc Châu, mang theo bệnh tật trên người mà mà dẫn quân Bắc phạt lần thứ 2 và thứ 3. Đối với người mẹ đã mất, Nhạc Phi vốn muốn bản thân đưa linh cữu bà về quê an táng, tận hiếu với người đã khuất. Hơn nữa ông còn tự tay khắc bức tượng gỗ, sớm tối đến thăm viếng như khi bà còn sống, dùng để gửi gắm niềm thương nhớ. 

Dương đông kích tây, tiến nhanh đến Y Lạc 

Lần thứ 2 Bắc phạt là vào mùa thu, lúc đó người ngựa của quân Kim cường tráng. Dựa theo kinh nghiệm tác chiến trong quá khứ, thời điểm này là lúc mà quân Tống phòng thủ, Nhạc Phi chia quân ra hai ngả tiến về phương Bắc, hơn nữa lại muốn giành thắng lợi nhờ đánh bất ngờ, khiến Ngụy Tề và quân Kim không kịp trở tay. Đạo quân thứ nhất bên trái do Ngưu Cao thống lĩnh, với tư cách là “Phúc tướng” đệ nhất trong truyện diễn nghĩa, ông giống như làm quân tiên phong, nhanh chóng phá được quân Ngụy Tề, chiếm lấy thành trì Trấn Nhữ quân. Sau đó ông chỉ huy quân tiến về hướng đông, càn quét vùng đất rộng lớn là Dĩnh Xương, Thái Châu, thiêu hủy lượng lớn kho lương cùng binh khí địch. 

Tuy nhiên, Ngưu Cao xuất binh chỉ là kế nghi binh, lực lượng tấn công chủ lực là cánh quân thứ 2 do Nhạc Phi thống lĩnh. Sau khi Ngưu Cao báo cáo trận đánh mở màn thành công, Nhạc Phi dẫn lực lượng hướng về phía Tây Bắc để tấn công. Tháng 8 bắt đầu, Vương Quý cùng đội quân của mình thu thu phục Quắc Châu, Thương Châu, thành quả chiến đấu không đếm xuể, trong trận chiến tại huyện Châu Trì Lô ở Quắc Châu, thu được 15 vạn thạch lương thảo (18 nghìn tấn). Quắc, Thương, hai châu này đều là chỗ xung yếu quân sự, bắc có thể liên kết nghĩa quân phương Bắc, đông có thể liên thủ với Hà Nam, tây có thể thu phục Quan Trung, cơ hồ đem Ngụy Tề cắt đứt thành hai. Do vậy, sau khi nghe được chiến báo, Tống Cao Tông lập tức hạ chiếu ngợi khen Nhạc Phi. 

Đại quân tiếp tục xuất chinh tiến thẳng đến Thuận Châu. Không lâu sau đó, Dương Tái Hưng, một mãnh tướng địch đã quy thuận Nhạc Phi, trên chiến trường đã thể hiện ra sức chiến đấu vô địch. Tại huyện Trường Thủy giao chiến kịch liệt với mấy ngàn quân Ngụy Tề, giết hơn 500 người, bắt giữ hơn 100 tên địch. Ngày kế tiếp, quân đội do Dương Tái Hưng chỉ huy lại tiếp tục cùng đội quân Cách Giản bày trận. Vạn mũi tên của hai đội quân cùng bắn, trận chiến khó phân thắng bại, ông không ngại nguy hiểm tiếp tục vượt sông công kích, đanh tan quân địch. Nhạc Gia quân một đường tấn công kịch liệt, cuối cùng đã đánh hạ được cả Châu Trì, huyện Y Dương và nhiều huyện thuộc Thuận Châu. 

Ngoài ra, Nhạc Gia quân lại có một thu hoạch khác, chính là chiếm được trại ngựa của quân Ngụy Tề, thu về hơn vạn chiến mã. Đối với đội quân Tống trường kỳ thiếu thốn chiến mã mà nói, sự việc này giống như tăng cường thực lực binh mã, có ý nghĩa không kém gì việc thu hồi lại mấy châu huyện. 

Trong khảo nghiệm về tật bệnh ở mắt và mất mẹ, tinh thần của Nhạc Phi chẳng những không chán nản, ngược lại còn dẫn binh hoàn thành trận đánh đẹp mắt. Điều này khó tránh khỏi khiến danh thần Lý Cương viết thơ khen ngợi chiến công “Thập dư niên lai sở vị tằng hữu, lương dụng hân khoái”, ý tứ là hơn mười năm chưa từng có sự việc đáng vui mừng đến vậy.  

Lý Cương, một thừa tướng lừng danh một đời, đích thân viết thư, ca ngợi chiến công cầm quân của Nhạc Phi (Phạm vi công cộng)

Cuối tháng 9 năm Thiệu Hưng thứ 6, Nhạc Phi trở lại đóng quân ở Ngạc Châu, bệnh về mắt lại phát tác, việc trong quân lớn nhỏ đều do Đại tướng dưới trướng là Đại Lý xử lý. Tuy nhiên, việc quân ở tiền tuyến rất khẩn cấp, không để cho Nhạc Phi có nhiều thời gian nghỉ ngơi. Quân Ngụy Tề liên tiếp gặp thất bại, Lưu Dự lại bị quý tộc của nước Kim chán ghét mà vứt bỏ, rơi vào đường cùng nên đã bí quá hóa liều, cưỡng ép đại quân Trưng Điều, được gọi là đội quân 70 vạn, mong muốn vượt Trường Giang xâm phạm Hoài Tây. Tuy có quân Tống chống cự, nhưng Cao Tông vẫn lo lắng, liên tục hạ chiếu yêu cầu Nhạc Phi đang bị bị bệnh mắt phải nhanh chóng xuất binh viện trợ. 

3 lần Bắc phạt, biến khách thành chủ

Nhận được quân lệnh khẩn cấp của Cao Tông, Nhạc Phi lập tức chỉnh lại quân ngũ xuất phát, đồng thời còn điều động binh lính bảo vệ các châu huyện đã thu phục được trước đó. Không ngờ, khi ông đưa quân đến Giang Châu, chiến sự ở Hoài Tây báo cáo thắng lợi, Nhạc Gia quân không tiến mà quay về. Quân Ngụy Tề gặp thất bại nhưng vẫn không từ bỏ, Lưu Dự nhận định rằng lực lượng của Nhạc Gia quân phòng ngự ở phương Bắc yếu, do vậy đã học theo kế giương đông kích tây của Nhạc Phi, tập hợp mấy vạn binh lính để tấn công Thương, Quắc, Đặng, Đường và những nơi khác. 

Trong cuộc Bắc chinh lần thứ hai và thứ ba, Nhạc Phi đã một mình tiến quân và lập được những thành tích phi thường. Bức tranh trong bộ sưu tập của Bảo tàng Cố cung Quốc gia, Đài Bắc. (Phạm vi công cộng)

Tuy nhiên, Nhạc Gia quân nổi tiếng là lấy một địch mười, dũng mãnh cường tráng, số lượng người ngựa có hạn, vẫn có thể càn quét quân địch đông hơn gấp mấy lần. Gần Đường Châu, Vương Quý dẫn một vạn đại binh đánh bại quân chủ lực của Ngụy Tề do Lưu Phục, em của Lưu Dự chỉ huy. Tại Quắc Châu, Khấu Thành bắt được 500 tù binh. Tại Đặng Châu, Trương Hiến bắt được một vạn tù binh, thu được 500 chiến mã. Tại Đặng Châu, Ngưu Cao san bằng 8 ngàn bộ binh, giết được tướng địch, bắt được ngàn tù binh và thu về hơn 300 chiến mã. 

Sau khi chủ soái Nhạc Phi trở lại Ngạc Châu, bệnh mắt vẫn chưa được cải thiện, ngồi chưa ấm chỗ, ông lập tức ra tiền tuyến hội họp cùng đại quân. Lúc này Vương Quý đã dẫn binh tới gần Ngụy Tề khống chế Thái Châu, Nhạc Phi liền quyết định dẫn Vương Quý, Ngưu Cao và các tướng sĩ cùng hai vạn quân, đem theo khẩu phần ăn trong 10 ngày, tiến quân đến Thái Châu. Lần thứ 3 Bắc phạt, cũng chuyển từ hướng phòng thủ sang phản công. 

Nhạc Phi đích thân kiểm tra việc phòng thủ tại thành Thái Châu và phát hiện ra thành hào sâu rộng, thành vách có tường bao cẩn thận, trên thành chỉ có cờ đen phất phơ, không có quân trông coi, liền cảm giác có điều khác thường. Nhạc Gia quân tiến hành thám thính tình hình quân địch để lên kế sách tấn công và phát hiện cờ đen huy động, một đội binh lính hiện thân trên tường thành ứng chiến, lúc vừa dừng tấn công, chúng lại nhanh chóng rút lui. Nhạc Phi phán đoán, đây là một tòa thành được thiết kế phòng thủ chắc chắn, do đó không thể đánh hạ một cách dễ dàng, lúc này ông hạ lệnh rút quân. 

Trên thực tế, Lưu Dự đã phái Lý Thành mai phục để bắt tướng địch tại khu vực phụ cận, đợi Nhạc Gia quân công phá thành không được, sĩ khí giảm sút sẽ tấn công bao vây. Không ngờ, tuệ nhãn của Nhạc Phi sáng như đuốc, khiến quỷ kế của quân địch biến thành công dã tràng. Không kìm được, quân Ngụy Tề đành phải phát động truy kích nhưng bị Nhạc Gia quân đánh cho tan tác. Tàn quân chạy trốn hơn 10 dặm, người kiệt sức, ngựa hết hơi, tứ phía xuất hiện cờ chiến chữ “Nhạc”.  Nhạc Gia quân xông tới từ bốn phương tám hướng, một trận đánh đã tiêu diệt quân địch. Nhạc Phi áp giải tướng địch ra xét xử, không chỉ phong thưởng mà còn phóng thích sĩ tốt của Ngụy Tề. 

Ông tự mình khuyên bảo: “Các ngươi đều là dân chúng Trung Nguyên, con dân của đất nước, bất hạnh bị Lưu Dự ép đến nơi đây để tham chiến. Hiện tại ta thả các ngươi về nhà, gặp được người thân, hy vọng nói cho họ biết ân đức của triều đình. Đợi đến lúc đội quân tiến lên phía Bắc thu phục Trung Nguyên, các ngươi lại đến hưởng ứng quan quân”. Vừa có mạng sống lại có hy vọng phục quốc, tù binh đương nhiên biết ơn, hoan hô rời đi. 

Lần thứ 3 Bắc phạt, quy mô không lớn, tuy nhiên, Nhạc Phi lại một lần nữa đơn độc tác chiến, hơn nữa còn nhanh chóng thay đổi thế cục chiến dịch, hiển lộ ra sức mạnh và uy lực cường đại của Nhạc Gia quân. Dù bị bệnh cũ đeo bám, không có chi viện từ bên ngoài, Nhạc Phi vẫn anh dũng tác chiến, ý chí và sự gan dạ sáng suốt như vậy, sao có thể không khiến người cảm phục? 

(Còn tiếp…)

Tác giả: Liễu Địch – Epoch Times
San San biên dịch

Exit mobile version