Đại Kỷ Nguyên

Thiên cổ Thần tướng Nhạc Phi (9): Lấy ít địch nhiều, Nhạc Nguyên soái đích thân ra trận

Nhạc Phi tự mình dẫn theo 40 kỵ binh xông trận. Một số tướng sĩ khuyên ông không nên khinh địch, Nhạc Phi lại giơ roi, nghiêm nghị nói: “Đây không phải là điều mà ngươi có thể biết rõ!” Chủ soái chiến đấu anh dũng, sĩ khí của các tướng sĩ quả nhiên tăng gấp đôi, đều lấy một địch trăm, quên cả sống chết… 

Những câu chuyện diễn nghĩa luôn làm lay động lòng người. Lần thứ 4 đưa quân Bắc phạt, Nhạc Phi là người hiểu rõ nhất về cuộc chiến tranh này, đồng thời ông cũng ghi lại được những chiến công lừng lẫy và huy hoàng nhất trong cuộc đời binh nghiệp của mình. Đại thắng Yển Thành Dĩnh Xương, Ngộ Tẩu tiểu thương hà, Đại chiến trấn Chu Tiên, mỗi chiến tích được nhắc đến đều khiến lòng người rung động, dường như trong chốc lát đã trở về thời kỳ xa xưa. 

Vậy, quá trình kinh tâm động phách về lần thứ 4 Bắc phạt có thật trong lịch sử là như thế nào? Từ cuộc Bắc phạt lần thứ 2 và thứ 3 vào năm Thiệu Hưng thứ 6 (1136) đến thời điểm Nhạc Phi thực hiện cuộc Bắc phạt lần thứ 4, thời gian cách nhau khoảng 4 năm. Vậy, điều gì đã xảy ra trong khoảng thời gian đó khiến cho đại kế Bắc phạt lần thứ 4 không ngừng bị trì hoãn? 

Ẩn cư 4 năm vẫn chưa quên ước nguyện ban đầu

Với những chiến công hiển hách, Nhạc Phi trở thành vị đại thần được Tống Cao Tông nể trọng nhất. Đầu năm Thiệu Hưng thứ 7, lúc gặp mặt tại triều, Nhạc Phi đã trình lên cho Cao Tông một quyển kinh điển “Lương mã luận” (Luận về ngựa tốt), tự so “Trí viễn chi tài” (khả năng chạy đường dài), hy vọng hoàng đế có thể trao quyền nhiều hơn nữa để tiếp tục thực hiện đại nguyện kháng Kim ở phương Bắc. Lúc này, Cao Tông vô cùng tán thưởng, thăng cho Nhạc Phi lên hàng quan nhị phẩm Thái úy kiêm chức Tuyên Phủ Sứ, ngang hàng với lão tướng triều đại Nam Tống. 

Chân dung Cao Tông, Hoàng đế Cao Tông của triều đại nhà Tống.

Vào tháng 3, Hoàng đế Cao Tông dời đô đến Kiến Khang, một mình triệu kiến Nhạc Phi, hơn nữa còn trịnh trọng nói: “Đại nghiệp phục hưng, trẫm đều ủy thác cho ái khanh, trừ Trương Tuấn và Hàn Thế Trung, tất cả lực lượng quân đội còn lại đều nghe theo sự chỉ huy của khanh”. Đạo chỉ này tương đương với việc đem tuyệt đại bộ phận binh lực triều đại nhà Tống đặt vào tay một mình Nhạc Phi, lại để ông trở thành Đại tướng số 1 trong triều. Bao lâu nay, Nhạc Phi hận rằng các đội quân không thể hiệp đồng phối hợp với nhau, tuyên bố hùng hồn của Cao Tông đã tiến hành giải quyết hoàn toàn tệ nạn quân đội kéo dài nhiều ngày. Tuy nhiên, võ tướng nắm trọng binh trong tay, ở hoàn cảnh triều đình đang thoái lui, nhà Tống lại bắt đầu khơi dòng. Điều này không khỏi khiến Nhạc Phi cảm kích tự đáy lòng trước sự tín nhiệm cùng ơn tri ngộ của Cao Tông. 

Trước đây, tướng nhà Tống là Lưu Quang Thế bị cách chức, quân đội đóng ở Hoài Tây đáng lẽ sẽ do Nhạc Phi chỉ huy. Vốn dĩ là do Nhạc Phi trình lên Cao Tông kế hoạch kháng Kim, thề trong 2 năm có thể thống nhất Trung Nguyên, nhưng bởi vì khi ông được thăng chức đã khiến đô đốc Trương Tuấn đố kỵ, lại thêm việc Tần Cối cản trở sự nghiệp kháng Kim, hai người không hẹn mà đã cùng nhau đứng ra phản đối việc để cho Nhạc Phi tiếp quản quân của Lưu Quang Thế, thêm nữa lại dùng công cao chấn chủ của Nhạc Phi làm lý do, xúi giục Cao Tông thu hồi mệnh lệnh đã ban. 

Giấc mộng thống lĩnh toàn quân tiến thẳng tới đảo Hoàng Long đã bị phá hủy, Nhạc Phi cảm thấy tức giận nhưng lại không thể không tuân theo quân mệnh. Đã không thể tận trung vì nước, ông lựa chọn lui về để giữ trọn đạo hiếu, đã liên tiếp trình lên Cao Tông 3 tấu chương xin từ chức, không đợi Cao Tông phê chuẩn, ông liền đi Lư Sơn ẩn cư, tiếp tục vì người mẹ đã qua đời mà làm tròn đạo hiếu. Mặc dù Cao Tông nghe theo lời xúi giục, nhưng ông ta cũng hiểu rất rõ rằng Nhạc Phi là một vị tướng soái hiếm có, nhanh chóng phái người đến Lư Sơn, mời Nhạc Phi xuống núi để chủ trì đại cục. Tháng 6, Nhạc Phi quay trở lại quân doanh, trong lòng vẫn chưa quên chí hướng tiến lên phương Bắc, chuẩn bị dựa vào lực lượng quân đội của mình để phạt Kim, tuy nhiên bản tấu gấp của ông vẫn không đạt được sự ủng hộ của Cao Tông. 

Nhưng, một sự kiện lớn xảy ra vào tháng 8 đã làm chấn động cả triều đình. Bởi vì không có người quản thúc, binh mã ở Hoài Tây xảy ra mâu thuẫn nội bộ liên tiếp, khiến cho thuộc cấp Lý Quỳnh phải phát động binh biến, dẫn hơn 4 vạn quân đầu hàng Ngụy Tề. Mấy vạn quân Tống, trong vòng một đêm đã thay hình đổi dạng trở thành quân địch, khu vực phòng thủ trên tiền tuyến của triều đại Nam Tống lại xuất hiện lỗ hổng lớn hơn. Sau khi nghe được tin, Nhạc Phi vội vàng đi Kiến Khang, thỉnh cầu xin đưa quân đến đóng ở Hoài Tây, đồng thời đề nghị thành lập lực lượng dự bị. Nhưng đáng tiếc, ông vì đại cục quốc gia mà hao tâm tổn trí, trước mặt Cao Tông lại một lần nữa trở thành công cốc. 

Cùng lúc đó, đại gian thần Tần Cối không ngừng dùng trăm phương ngàn kế để bán nước cầu vinh, cuối cùng vào tháng giêng năm Thiệu Hưng thứ 9 đã đạt được nghị hòa Tống-Kim. Cuộc Bắc phạt dường như càng trở nên xa vời hơn. Thế nhưng, mộng tưởng nghị hòa an phận của Cao Tông mới được một năm thì đã bị Kim Ngột Thuật vô tình phá vỡ. 

Bất tuân chiếu thư, đơn quân tiến đánh

Vào tháng 5 năm Thiệu Hưng thứ 10 (1140), Kim Ngột Thuật đơn phương phá bỏ hiệp ước, mở rộng phạm vi xâm lấn như vũ bão. Lúc này Cao Tông mới hạ chiếu thư treo giải thưởng bắt giết Kim Ngột Thuật, đồng thời cũng mệnh Nhạc Phi, bậc Đại tướng xuất binh ứng chiến. Nhiều năm như vậy, Nhạc Gia quân vẫn nhớ tới đại nghiệp kháng Kim, sẵn sàng ra trận, cuối cùng cũng chờ đợi được đến thời khắc quyết chiến. 

Cuộc viễn chinh phương Bắc lần thứ tư của Nhạc Phi đã vi phạm chỉ dụ, nhưng ông đã thắng nhiều trận chiến. Bức tranh trong bộ sưu tập của Bảo tàng Cố cung Quốc gia, Đài Bắc. (Phạm vi công cộng)

Tuy nhiên, hoàng đế Cao Tông lại nhiều lần nhấn mạnh rằng “Binh trọng ở cầm thủ”, “Không thể khinh động”, bao gồm cả việc giới hạn mục tiêu chiến đấu ở Quang Châu và Thái Châu, thậm chí còn lệnh cho Nhạc Phi khải hoàn lui binh. Điều này sớm đã báo hiệu lần thứ 4 Bắc phạt ẩn chứa nỗi hận ‘sắp thành lại bại’. May mắn chính là, người truyền chỉ đến Nhạc Phi lại là người một lòng kháng Kim, Lý Nhược Hư. Ông kiên quyết gánh chịu tội giả mạo chỉ dụ vua ban, vi phạm quân mênh, đích thân cử Nhạc Phi chỉ huy quân viễn chinh. 

Chiến trận chủ yếu của cuộc chiến Tống Kim là Khai Phong, nơi mà Nhạc Gia quân tiến đến. Lúc đó Kim Ngột Thuật vừa mới bại trận ở Thuận Xương, chuyển từ thế công sang thế thủ, dùng Dĩnh Xương, Hoài Ninh, Ứng Thiên làm 3 thành trì xung quanh để bảo vệ Khai Phong, tiếp tục kháng cự. Vẻn vẹn nửa tháng, Nhạc Phi đưa quân đến phủ Khai Phong, thuận lợi quét sạch khu vực xung quanh và trở thành nhân vật chủ chốt số một trong trận quyết chiến Tống Kim. Cũng chính bởi một mạch giành thắng lợi, ông vừa muốn chống lại quân chủ lực của địch, vừa phải bố trí quân ở các nơi. Mặt khác, trong thế cục Tống-Kim giằng co quyết liệt, nhiều đội quân Tống vì muốn bảo vệ bản thân mà tránh chiến tranh, đã không thể chi viện cho Nhạc Gia quân. 

Một lần nữa Nhạc Phi lai gặp tình cảnh phải một mình lâm trận, quân lực phân tán khiến cục diện bất lợi, do vậy ông đã dừng việc đưa quân đến các khu vực khác, nhanh chóng tập kết quân gần Khai Phong. Kim Ngột Thuật nhìn thấy thời cơ đã đến liền đến Yển Thành, nơi đóng quân của Nhạc Phi, Vương Quý đóng quân ở Dĩnh Xương đã phát động cuộc phản công với quy mô lớn, đây chính là hai trận đại chiến nổi danh nhất trong sự nghiệp Bắc phạt. 

Sau hơn một tháng chỉnh đốn quân ngũ, Kim Ngột Thuật đã tập hợp đại vương Long Hổ, đại vương Cái Thiên cùng mấy đại quân nữa, dốc toàn lực tiến quân tới Yển Thành. Đội quân tiên phong của quân Kim hơn 15 nghìn kỵ binh tinh nhuệ, hùng hổ tiến gần tường thành. Trong Yển Thành, Nhạc Gia quân chỉ có “Bối ngôi quân” và “Du dịch quân” là có thể dùng. 

Huyết chiến Yển Thành, gấp rút tiếp viện Dĩnh Xương 

Nỗi nhục Tịnh Khang nhiều năm khiến thần tử hận, cuối cùng sáng nay đã có thể rửa sạch. Đối mặt với cường địch, sĩ khí của Nhạc Phi càng cao ngất trời. Ông lệnh cho thống soái “Bối ngôi quân”, con trai trưởng Nhạc Vân dẫn quân ra khỏi thành đón đánh. Trước đại chiến, người cha lại lập nhiều quân lệnh nghiêm khắc tới mức chưa từng có đối với con trai: “Con phải đánh cho thắng trận mới có thể trở về. Nếu không dốc sức liều mạng tác chiến, cha sẽ chặt đầu con trước”. Tuổi trẻ tài cao bách chiến bách thắng lập tức được Nguyên soái trao cho sứ mạng nặng trịch, Nhạc Vân vung cây thiết chùy mà bản thân am hiểu nhất, làm việc nghĩa không chùn bước nhảy vào trận địa địch. 

Trong trận Yển Thành, quân đội của Nhạc gia đã đánh những trận đẫm máu. (Phạm vi công cộng)

Quân Kim lấy kỵ binh làm chủ, am hiểu mã chiến, ví dụ như họ bố trí đội quân “Quải tử mã” ở hai bên trái phải, ở giữa là đội quân “Thiết phù đồ”. Quải Tử Mã là kỵ binh được trang bị nhẹ hoặc trung bình, tính cơ động cao. Họ rất thành thạo kỹ thuật đột kích, vu hồi, bọc hai bên cánh của đại quân. Còn Thiết Phù Đồ là kỵ binh nặng, giống như những kỵ binh châu Âu thời trung đại, cả người và ngựa đều được bọc giáp. Khi chiến đấu, ba kị binh sẽ được nối với nhau bằng dây da thành một khối, mặc dù cồng kềnh nhưng sức công phá rất lớn. Đơn vị này dùng để công kích chính diện. Quân Tống lại lấy bộ binh làm chủ. Địa thế Yển Thành bằng phẳng, có lợi cho kỵ binh, Nhạc Gia quân khó mà giành thắng lợi, đây cũng là lý do mà Nhạc Phi hạ quân lệnh nghiêm khắc đối với Nhạc Vân. Lấy ít địch nhiều, đây quả là một trận đánh ác liệt. 

Nhạc Vân dẫn kỵ binh đánh một trận đẫm máu, đại quân Kim liên tục vọt tới, mấy ngàn Nhạc Gia quân ngăn cản quân Kim tấn công từng đợt từng đợt, xác quân Kim nằm la liệt khắp nơi. Sau khi 10 người hợp lại vây đánh quân Kim nhiều đến hơn 10 vạn. Mãnh tướng Dương Lại Hưng thấy vậy, một mình người ngựa xông vào trận địa địch, chuẩn bị bắt giữ Kim Ngột Thuật. Ông đánh chết mấy trăm quân địch, bản thân cũng bị bắn hàng chục phát nhưng vẫn không lùi bước. Thời khắc kịch liệt nhất, Kim Ngột Thuật lại phái đội quân Thiết Phù đồ ra đánh, trận đánh ác liệt tới mức bụi che kín trời. 

Ngoài những trận chiến đối đầu đẫm máu, quân đội Nhạc Gia cũng có những pháp bảo khắc chế kỵ binh của địch. Nhạc Phi hạ lệnh cho bộ binh cầm trường đao, vào trận không được ngửa mặt, một lòng chém vào đùi ngựa. Chiến mã bị thương, kỵ binh lập tức không còn lực chiến đấu. Dùng trí kết hợp với sự phối hợp tấn công mạnh mẽ, Nhạc Gia quân liền có thể đứng ở thế bất bại. 

Tiền tuyến ác liệt, mọi thời khắc Nhạc Phi đều chú ý đến trận địa, nhìn thấy mấy vị tướng trong Nhạc Gia quân có ý e sợ, ông lập tức nghiêm nghị quát lớn: “Không được! Lúc này là thời khắc các ngươi ghi công phong hầu, sao có thể lùi bước?”. Nói xong, ông tự mình dẫn theo 40 kỵ binh xông trận, ủng hộ sĩ khí. Một số tướng sĩ khuyên ông không nên khinh địch, Nhạc Phi lại giơ roi, nghiêm nghị nói: “Đây không phải là điều mà ngươi có thể biết rõ!” Chủ soái chiến đấu anh dũng, sĩ khí của các tướng sĩ quả nhiên tăng gấp đôi, đều lấy một địch trăm, quên cả sống chết. 

Trận đánh diễn ra từ tờ mờ sáng đến chạng vạng, lúc này quân Kim mới thu binh. Trong trận chiến này, Nhạc Gia quân lại giành được đại thắng, đoạt được hơn 200 con chiến mã, giết địch vô số. Tuy vậy họ vẫn chưa được nghỉ ngơi, Nhạc Phi đoán chắc sau khi Kim Ngột Thuật gặp thất bại sẽ tập hợp thêm binh lực hòng đoạt lấy Dĩnh Xương, do đó ông đã lập tức lệnh cho Nhạc Vân đưa tinh binh đến Dĩnh Xương tiếp viện. Thế là bụi đường trường lại cuồn cuộn, Nhạc Gia quân tiếp tục tiến về phía trước và viết lên bản trường ca hoành tráng cho cuộc chiến tranh Bắc phạt. 

(Còn tiếp…)

Tác giả: Liễu Địch – Epoch Times
San San biên dịch

Exit mobile version