Trong thời kỳ ổn định, người Nhật đã chủ động tiếp cận các nền văn hóa tiên tiến từ bên ngoài. Phật giáo và các loại hình nghệ thuật vườn cảnh, nghệ thuật cắm hoa và trà đạo có khởi nguyên từ Trung Hoa nhưng ngày nay đã trở thành đặc trưng tiêu biểu cho văn hóa Nhật. Thiền đến thế kỷ thứ XIII chính thức xuất hiện tại Nhật và sinh ra văn hóa Thiền…

Thiền học có vị trí chủ đạo trong cuộc sống văn hóa từ phong cách cắm hoa, hội họa, kiến trúc cho đến thơ văn, sân khấu và trà đạo… Người Nhật không có lý thuyết về uống trà nhưng có trà đạo, không có thuyết cắm hoa nhưng có hoa đạo, võ đạo, kiếm đạo. “Đạo” có thể hiểu là trạng thái thăng hoa của cuộc sống có pha lẫn màu sắc tâm linh.

Thiền học có vị trí chủ đạo trong cuộc sống văn hóa từ phong cách cắm hoa, hội họa, kiến trúc cho đến thơ văn, sân khấu và trà đạo của người Nhật. (Ảnh: gutenberg.org)

Ở Nhật, ta thường thấy những người theo Thiền Đạo có những vai trò tương phản nhau như thi sĩ và chiến sĩ, vừa lý tưởng vừa thực tế. Khi thiền sư Sogen sắp bị một bọn cướp chặt đầu, người im lặng ngồi xuống viết những dòng thơ:

Trời đất không cho ta chỗ trú,
Ta vui mừng vì thân và tâm đều không thật.
Hoan nghênh khí giới của người, hỡi khổ đau,
Ta cảm thấy gươm của ngươi như làn chớp cắt ngọn gió xuân.

Thiền đã ảnh hưởng nền văn hóa Nhật Bản theo hai chiều hướng – mỹ thuật và chiến thuật. Một mặt chính, Thiền đã sản xuất ra trà đạo, hoa đạo, những tác phẩm của các nghệ sĩ, thơ của Basho, và kiến trúc của Nhật Bản đầy vẻ bình dị lặng lẽ. Nhưng mặt khác, cũng chính Thiền đã sản xuất ra kiếm đạo, và những nguyên tắc khắc khe của võ sĩ đạo. Sự mâu thuẫn trong Thiền là nó vừa có thể phối hợp niềm an nhiên của Niết Bàn với hoạt động mãnh liệt của sự chiến đấu và những công việc thường nhật.

 

Thiền sư Takuan có câu:

“Điều quan trọng nhất là có một thái độ tinh thần được gọi là trí tuệ bất động… Bất động không có nghĩa là cứng cỏi nặng nề, như tảng đá hay khúc gỗ. Nó có nghĩa là sự di động cao độ với một trọng tâm đứng yên. Tâm thức đạt đến cao độ của sự linh mẫn, sẵn sàng hướng chú ý đến bất cứ chỗ nào cần. Nhưng có một cái gì bất động bên trong sự chuyển động một cách tự nhiên cùng với vạn vật.

Đã có vài trăm nhân vật vĩ đại trong lịch sử là nhân chứng cho giá trị của Thiền.

Thiền đã có ảnh hưởng lớn tới văn hóa và đời sống của người dân Nhật Bản. (Ảnh: pinterest.com)

 

Sự vĩ đại không nằm ở nơi những gì họ nói hay làm, mà nơi bản chất của họ, nơi ấn tượng mà họ gây nên đối với những người tiếp xúc. Người ta lại không thể nào định nghĩa được nó, chúng ta đành hiểu qua cách giáo hóa của họ, và qua những bức tranh do những nghệ sĩ đã phác họa. Tựu trung có một cái gì mạnh mẽ, tự nhiên không do dự. Họ không phí lời, không có thói khoe chữ, và khi trả lời những câu hỏi, họ không bao giờ tránh né vấn đề bằng cách lý luận quanh co, trừu tượng, mà nói một điều đi thẳng vào tâm người đối thoại, theo một cách đặc biệt có thể khó hiểu đối với người khác. Họ có trực giác bén nhạy về tâm trạng của người khác đến nỗi họ không bao giờ mắc bẫy một kẻ nói hay, mà không thực chứng.

Văn hóa Nhật Bản tiêu biểu cho một nền văn hóa cân đối, phát triển về nhiều mặt: văn hóa truyền thống và văn hóa hiện đại, văn hóa đô thị và văn hóa làng quê, văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần, văn hóa đa chủng loại của dân tộc.

Sự phong phú của một nền văn hóa đa dạng, đa chủng loại trong văn hóa Nhật Bản thể hiện trên tất cả các lĩnh vực, tạo nên nhân tố nội sinh đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội Nhật Bản hiện đại.

Thuần Chân