Đại Kỷ Nguyên

Thiên đường hay địa ngục? Ranh giới chỉ qua một niệm của con người mà thôi

Một người đàn ông mộ đạo vì tò mò muốn biết về thiên đường và địa ngục nên đã đến gặp Thượng Đế và hỏi: “Thưa Thượng Đế, Ngài có thể cho con biết thiên đường và địa ngục là như thế nào không?”.

Thượng Đế mỉm cười và đưa anh tới một thế giới khác, tiếp đó dẫn anh đến trước hai căn phòng. Thượng Đế nói với người đàn ông hãy đi vào từng căn phòng và xem có gì ở đó.

Khi người đàn ông mộ đạo mở cánh cửa và bước vào căn phòng thứ nhất, anh nhìn thấy nhiều người đang ngồi xung quanh một chiếc bàn lớn, ở giữa bàn còn có một nồi thịt hầm rất to.

Những người ngồi xung quanh đang cầm những chiếc thìa rất dài trên tay. Độ dài của thìa đủ để giúp họ múc được thịt trong nồi thịt hầm, tuy nhiên cũng vì cái thìa quá dài nên mọi người không thể điều khiển chiếc thìa này để đưa thức ăn vào miệng được.

Chính vì không thể đưa thức ăn vào miệng được nên mọi người trông rất gầy gò, ốm yếu, mệt mỏi và buồn bã. Người đàn ông run rẩy sợ hãi khi nhìn thấy sự đau khổ mà những người này phải chịu đựng.

Người đàn ông quay trở ra và mở cửa căn phòng thứ hai.

Căn phòng thứ hai nhìn giống như căn phòng thứ nhất. Cũng có nhiều người đang ngồi xung quanh một chiếc bàn tròn lớn với những chiếc thìa dài trên tay. Nhưng khác với căn phòng kia, mọi người ở đây ai cũng khỏe mạnh, hạnh phúc, hơn nữa đang vừa ăn uống vừa nói chuyện vui vẻ.

Chứng kiến cảnh tượng ấy, người đàn ông cũng cảm thấy hạnh phúc và bình yên. Ông đứng quan sát mọi người rồi lặng lẽ ra khỏi phòng. Ông đến bên Đức Chúa Trời rồi nói: “Thưa Thượng Đế, con thật không hiểu việc này. Hai căn phòng hoàn toàn giống nhau nhưng tại sao một bên chỉ toàn là thống khổ, còn một bên lại ngập tràn hạnh phúc?”

Thượng Đế nghe vậy liền giải thích: “Con thấy đấy, những chiếc thìa kia đủ dài để lấy đồ ăn rồi bón cho người khác nhưng nếu dùng chúng để đưa thức ăn vào miệng của chính bản thân mình thì lại không thể.

Căn phòng đầu tiên mà con bước vào, đó là Địa ngục. Mọi người ở đó đều tham lam, chỉ biết đến bản thân mình mà không muốn giúp đỡ người khác. Do vậy họ không thể nghĩ ra cách dùng thìa của người này để xúc thức ăn cho người kia. Việc chỉ nghĩ đến bản thân mình sẽ dẫn tới thời điểm họ không thể nuôi sống được bản thân và phải chịu khổ sở.

Còn căn phòng thứ hai chính là Thiên đường, nơi mọi người quan tâm và thương yêu nhau. Họ hỗ trợ lẫn nhau, người này xúc đồ ăn cho người kia bằng những cái thìa dài, do đó họ thật là khỏe mạnh và hạnh phúc”.

Nếu học cách quan tâm, chăm sóc người khác, chúng ta có thể làm cho cuộc sống của mình trở thành thiên đường. Cho đi và chia sẻ chính là việc mang lại niềm vui và hạnh phúc thực sự trên đời.

Thiên đường hay địa ngục, ranh giới chỉ ở một niệm của con người mà thôi. (Ảnh dẫn theo WallpaperGeeks)

***

Thiên Đường có lẽ không hề giống những gì nằm trong trí tưởng tượng của con người, là nơi chỉ có hưởng thụ, nơi để thưởng ngoạn, xem ngắm những cảnh tượng lung linh và sống những tháng ngày an nhàn, thảnh thơi.

Thiên Đường thực sự là nơi con người sống hoàn toàn vô tư vô ngã, tâm hồn thuần tịnh và trong sạch, không một chút vẩn đục. Đó là một thế giới mà vạn sự vạn vật đều mang trong mình tấm lòng từ bi, bao dung rộng lớn, không có đấu tranh, không có khổ đau. Chỉ khi hoàn toàn biến vị tư trở thành vô tư, bạn mới đến được Thiên Đường.

Kỳ thực, trong đời này, làm việc gì cho người khác cũng là làm cho chính mình. Thiên đường hay địa ngục chỉ trong một niệm là có thể phân định mà thôi. Vậy nên Phật gia mới giảng: Làm gì cũng nghĩ cho người khác, vì người chứ không phải vì mình.

Ngày nay trong dòng xoáy tranh đấu danh lợi, người ta làm mọi điều để tư lợi cho bản thân. Vì lợi cho mình mà không ngần ngại làm hại người khác. Đâu biết rằng, dù có tích được lợi lộc bao nhiêu ở thế giạn này thì của cải địa vị ấy khi rời dương gian cũng chẳng thể nào mang đi được, mà nơi chờ đợi cho sinh mệnh không phải là thiên đường mà chính là địa ngục.

Ai cũng có thể chọn Thiên đường cho mình, nếu trong cuộc đời ngắn ngủi này, ta có thể làm cho nó ý nghĩa bằng những thiện tâm và thiện niệm, nghĩ cho người khác thay vì nghĩ cho mình. Thực ra con đường đến Thiên đường bắt đầu từ chính những điều giản dị bạn đang làm mỗi ngày, chỉ là bạn đã nhận ra nó chưa mà thôi…

Ngọc Tâm – Đông Mai

Exit mobile version