Đại Kỷ Nguyên

Thiên hạ đệ nhất trang – Cái kết có hậu của thiên tình sử còn thiếu trên màn ảnh “Bao Thanh Thiên” (1993)

Vụ án liên quan tới Bùi Mộ Văn khiến Bao Thanh Thiên cũng phải đau đầu khó xử.

Khán giả Việt Nam một thời từng say mê theo dõi “Bao Thanh Thiên” (1993), loạt phim truyền hình nhiều tập của Đài Loan chủ đề điều tra phá án thời Bắc Tống. Một Bao Công chí công vô tư, trí tuệ sáng suốt, chấp pháp nghiêm minh, được mô tả là “sao Văn Khúc giáng sinh”, cùng những thuộc hạ hết lòng như Triển Chiêu, Công Tôn Sách… đã bao phen hoá giải nỗi oan khuất của lê dân, trừng trị kẻ ác ôn, không sợ cường quyền, là hiện thân của công lý nơi trần thế. Những tình tiết ly kỳ hấp dẫn của bộ phim đã mang lại cho người xem niềm tin về đạo lý Thiện thắng ác, “Lưới Trời lồng lộng, tuy thưa mà khó lọt”…, giành được sự yêu mến của khán giả.

Trong những vụ án mà Bao Công từng xét xử, tội nhân hoặc vì danh lợi mà đố kỵ hãm hại người hiền (“Trạng nguyên thật, trạng nguyên giả”), hoặc vì ham vinh hoa phú quý mà trở mặt với thân nhân (“Xử án Trần Thế Mỹ”), hoặc mù quáng sẵn sàng vì người mình yêu mà phạm điều đại ác (“Ly miêu đánh tráo thái tử”). Trong những trường hợp này, thiện-ác chính-tà rất dễ phân biệt, người bị hại là người tốt, kẻ phạm tội xấu xa đủ đường. Tuy nhiên, cũng có trường hợp mà ranh giới thiện-ác dường như quá mong manh, tình-lý khó vẹn toàn, khiến từ quan lại đến thiên tử cũng phải đau đầu cân nhắc.

Đó là trường hợp của “Thiên hạ đệ nhất trang”, vụ án xoay quanh mối tình giữa chàng công tử hiệp nghĩa Bùi Mộ Văn và nàng Thạch Ngọc Nô lương thiện. 

Mối tình của chàng thiếu chủ Bùi gia trang 

Bùi gia là gia tộc có công lớn với triều đình, phú quý lừng danh thiên hạ, uy chấn giang hồ lại siêng năng tích đức hành thiện. Con trai độc nhất của Bùi gia là Bùi Mộ Văn – một trang hảo hán văn võ song toàn, hành hiệp trượng nghĩa, 30 tuổi vẫn chưa có ý muốn thành thân dù bao người mối lái. Trong một lần phát chẩn gạo cho dân nghèo, Bùi Mộ Văn vô tình bắt gặp một cô nương có dung mạo thanh tú thoát tục trong hàng ngũ những người dân nhận phát chẩn. Chàng sai hộ vệ thân tín là Mã Hùng đến trao cho nàng thêm một suất gạo, nhưng nàng từ chối vì “Mọi người đều chỉ lãnh một phần, tại sao tôi có thể lãnh hai phần?… Lãnh được phần gạo phát chẩn này là tôi đã vô cùng biết ơn; ý tốt của đại gia, tôi xin được tâm lãnh”. Mã Hùng lại đưa ngân lượng cho nàng, nhưng nàng không nhận vì “Nhận phát chẩn là tôn trọng nghĩa cử đẹp, tôi không cảm thấy xấu hổ. Nhưng nếu vô duyên vô cớ, đại lão gia cho tôi ngân lượng, thì cũng giống như là kẻ ăn mày, sẽ khiến cho tôi cảm thấy vô cùng hổ thẹn”. Sự ngay thẳng, thấu hiểu đạo nghĩa của nàng khiến Mộ Văn rung động, chàng quyết tìm cho ra thân thế của nàng.

“Lãnh được phần gạo phát chẩn này là tôi đã vô cùng biết ơn; ý tốt của đại gia, tôi xin được tâm lãnh” – Tấm lòng ngay thẳng, trong sạch của Ngọc Nô khiến thiếu chủ Bùi gia phải cảm động.

Người con gái ấy là Thạch Ngọc Nô, tuy còn rất trẻ nhưng đã ở goá 3 năm. Từ nhỏ theo cha lưu lạc tha hương, cha chẳng may mất sớm, để có tiền mai táng cho cha, Ngọc Nô chịu bán mình làm tỳ nữ trong gia đình họ Thạch. Năm Ngọc Nô 17 tuổi, con trai thứ nhà họ Thạch lấy nàng làm vợ, thành thân chưa đầy hai tháng thì bị bệnh chết. Người nhà họ Thạch cho rằng Ngọc Nô có số sát phu, nên luôn hoạnh hoẹ, bắt nạt, hắt hủi nàng. Anh chồng của Ngọc Nô và chị dâu tham tiền hám của bày kế lừa bán nàng vào lầu xanh; cha chồng Ngọc Nô biết chuyện còn đòi chia phần cho lão. Ngọc Nô nhất quyết không chịu tiếp khách nên bị đánh thừa sống thiếu chết. Dò la được tung tích của Ngọc Nô, biết được hoàn cảnh khốn khổ của nàng, Bùi Mộ Văn không ngần ngại cứu nàng khỏi chốn phong trần, đồng thời trong cơn phẫn nộ đã giết chết hai vợ chồng người anh độc ác. Thạch Kiều, bố chồng Ngọc Nô cùng tên ma đầu đã đánh đập Ngọc Nô ở lầu xanh van xin Mộ Văn tha chết mà hứa sẽ im miệng, đồng thời nhận từ chàng một số tiền lớn để cuốn gói khỏi phủ Khai Phong. Thế nhưng, Thạch Kiều lật lọng, đến phủ Khai Phong tố cáo…

“Thiên hạ đệ nhất trang” là một câu chuyện tình đẹp; tình cảm chân thật mà Mộ Văn dành cho Ngọc Nô khiến một Bao Thanh Thiên “thiết diện vô tư” cũng phải suy tư, cảm động. Tuy nhiên, sự thật không thể tránh né là Bùi Mộ Văn phạm tội giết người – Phật giáo giảng sát sinh là tội lớn nhất, dù lý do đằng sau là gì cũng đã là trọng tội. Vợ chồng người anh hám của của Ngọc Nô tuy tội ác khó dung tha, nhưng thiết nghĩ sống ở thời Vua sáng tôi hiền, trừng phạt ra sao đã có luật pháp. Mộ Văn chỉ cần ngăn chặn họ, cảnh cáo họ, đưa lên quan phủ là ổn rồi. Hơn nữa, tiêu diệt cái ác không gì bằng khuyến thiện, cho người ta một cơ hội nhận ra, sửa đổi lỗi lầm. Nhưng Mộ Văn không nhẫn được khi thấy một người con gái hiền lương bị chà đạp, không nhẫn được khi kẻ “đê tiện”, “độc ác hơn thú vật” kia đã không nhận lỗi lại còn nhục mạ chàng bằng hai chữ “tên què”. Trong cơn phẫn nộ mà ra tay, Mộ Văn dẫu về sau được Hoàng đế thông cảm, tránh khỏi hình phạt của luật pháp, nhưng chàng không thoát được trừng phạt của Thiên Pháp.

Một phần sự trừng phạt ấy đối với chàng có lẽ là sự ra đi của Thạch Ngọc Nô, người con gái mà chàng yêu thương nhất. Ngọc Nô cả đời hiền lương như vậy, nhưng liên tục bị người ta ức hiếp, đã bị cha mẹ Mộ Văn chối từ lại gặp tai nạn mù cả hai mắt, cuối cùng mạng vong. Cái chết của một người con gái tốt như nàng khiến Bùi Mộ Văn không cam lòng, khiến nhiều khán giả không cam lòng, cũng phải ngẩng mặt lên Trời mà cảm thán như Mộ Văn: Lẽ nào Trời không có mắt?

Ông Trời có mắt hay không? Người thường chúng ta chỉ bằng cặp mắt thịt này không dễ nhìn ra đáp án. Những gì là ân oán, tiền duyên, nghiệp báo, chỉ dựa vào một đời này đâu dễ dàng biết được. Một câu chuyện lưu truyền trong dân gian về Bao Công (999-1062), vị quan thanh liêm nổi tiếng của Tống triều cho thấy, dù là bậc trí trong cõi người như Bao Thanh Thiên cũng có khi mê.

Câu chuyện cậu bé mù xây cầu

Thủa ấy, ở một làng nọ có một cậu bé tàn tật chừng mươi tuổi, gãy chân, sống một cuộc sống ăn xin nghèo khổ. Trước làng là một con suối lớn. Vì không có cầu, nên dân làng muốn qua suối là phải lội, rất bất tiện, nhất là đối với những người già vào mùa nước lũ. Nhiều năm đã qua đi như vậy, cho đến một hôm người ta thấy cậu bé ăn xin què quặt gom những tảng đá lớn về bên suối. “Cháu muốn xây cầu để mọi người đi lại thuận tiện”, cậu giải thích. Người làng cho đó là chuyện khôi hài của một cậu bé khùng nên không để ý đến.

Nhưng đống đá dần dần lớn lên qua tháng năm trở thành một cái gò, và dân làng bắt đầu hiểu ra. Nhiều người cũng góp thêm sức vào, chẳng mấy chốc đã đủ đá xây cầu. Rồi người ta thuê thợ xây dựng đến làm. Trong quá trình cùng làm, cậu bé bị mảnh đá bắn vào mắt và mù cả hai mắt. Người dân lấy làm thương cảm lắm. Nhưng cậu bé, mặc dù đã què lại thêm mù, vẫn không một lời ca thán và cố gắng trong khả năng của mình cùng góp sức xây cầu với dân làng.

Cuối cùng, sau những tháng ngày nhọc nhằn vất vả, cây cầu đã được xây xong. Dẫu không nhìn thấy gì, nhưng trên khuôn mặt của cậu hiện một nụ cười rạng rỡ.

Đột nhiên một tiếng sấm nổ vang giữa trời quang mây tạnh. Người ta thấy cậu bé ăn mày đáng thương đã bị sét đánh chết ngay trên chiếc cầu mới xây.

Bấy giờ nhằm lúc Bao Công đi thị sát qua làng. Dân làng kéo ra kêu oan với Bao Công, rằng tại sao Trời xanh lại hại người tốt. Trước câu chuyện quá thương tâm, và cảm thấy quá bất công, Bao Thanh Thiên chẳng cầm nổi lòng mình, bèn viết “宁行恶勿行善” (Ninh hành ác vật hành thiện: thà làm điều ác còn hơn làm điều thiện).

Trở về kinh đô sau chuyến công du, Bao Công cảm thấy rất vướng mắc về việc này, nhất là về những gì ông đã viết trong lúc không dằn được lòng mình. Trong bản tấu trình, ông đã không báo cáo lên nhà Vua về sự kiện hy hữu đó.

Nhà Vua hôm ấy mời Bao Công đến chơi và dẫn Bao Công đến gặp hoàng tử mới ra đời trong lúc Bao Công đi thị sát ngoại tỉnh. Hoàng tử trông khôi ngô nhưng mắc tật khóc suốt ngày. Nhà Vua cũng muốn hỏi Bao Công xem có cách nào cho hoàng tử hết khóc. Bao Công thấy hoàng tử da dẻ trắng trẻo mịn màng, và trong lòng bàn tay dường như có một hàng chữ. Ghé mắt vào nhìn kỹ thì chính là “Ninh hành ác vật hành thiện”! Quá bất ngờ và xấu hổ, Bao Công lấy tay để xoá, và kỳ lạ thay, ông vừa vuốt qua thì dòng chữ biến mất. Hoàng tử nín khóc tức thì.

Nhà Vua rất đỗi ngạc nhiên, hỏi tại sao lại như thế. Bao Công sợ hãi quỳ xuống kể lại hết đầu đuôi câu chuyện, và xin Vua xá tội vì đã không báo cáo về chuyện này trong bản tấu trình. Vua bèn ra lệnh Bao Công phải điều tra cho rõ vụ việc.

Đêm ấy, Bao Công ngả đầu lên chiếc gối “âm dương địa phủ” và lập tức trong mộng đi đến cõi âm gian. Diêm Vương kể cho ông rằng, hoàng tử đó vào mấy đời trước từng làm việc đại gian ác, nên Thần đã an bài phải trả nghiệp ác ấy trong ba đời: đời thứ nhất què cụt, đời thứ hai mù loà, và đời thứ ba bị sét đánh chết. Nhưng khi què quặt xin ăn, cậu bé đã luôn vì người làm việc tốt, nên Thần đã rút lại thời gian trả nghiệp và khiến cậu bé ăn xin bị mù. Sau khi mù, cậu bé đã không những không oán thán ai hết mà vẫn luôn vì người làm điều thiện. Vì lý do ấy mà Thần đã an bài lại một lần nữa để cậu bé trả hết nghiệp trong một đời. Diêm Vương nói với Bao Công: “Một đời trả hết nghiệp thay cho ba đời, lại còn có phúc phận chuyển sinh làm hoàng tử.”

Với Thạch Ngọc Nô, Thiên Thượng có an bài tốt nhất

Kinh điển Đạo gia “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên” có viết: “Họa phúc vô môn duy nhân tự triệu, thiện ác chi báo như ảnh tùy hình”, nghĩa là họa phúc không nhất định mà do con người tự triệu vời đến cho mình; Sự báo ứng của thiện hay ác luôn theo con người như hình với bóng. Kinh Phật cũng viết: “Muốn biết nhân đời trước, Xem sự hưởng đời nay, Muốn biết quả đời sau, Xem việc làm kiếp này”. Các chính giáo và các đấng Giác Ngộ trong lịch sử đều khuyên nhủ con người làm điều thiện, hành thiện có thể tiêu trừ tội nghiệp, từ đó có tương lai hạnh phúc.

Có nhân ắt có quả, trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu. Tuy nhiên, đôi khi quả báo đến muộn, khiến con người thế gian bị mê hoặc, hoài nghi Thiên lý công minh. Trong thống khổ lại oán trách Ông Trời, buông lung làm điều ác, khiến bản thân càng lún sâu trong biển khổ. Nhưng cậu bé mù xây cầu trong câu chuyện trên là một người sáng suốt, biết giữ vững thiện lương cả trong nghịch cảnh, nhờ đó tội nghiệp chóng tiêu tan, đắc đại phúc báo. Ngẫm kỹ, thì nàng Thạch Ngọc Nô trong “Thiên hạ đệ nhất trang” cũng là một người như vậy. 

Rất có thể, vì để trả hết tội nghiệp sâu dày trong tiền kiếp nên Ngọc Nô được Thiên Thượng an bài phải chịu khổ ba đời. 

Kiếp này, nàng phải chịu cảnh lưu lạc, nghèo khổ, mồ côi, góa chồng, phải làm tôi tớ bị người chà đạp. Nhưng trong cảnh nghèo, nàng vẫn giữ tấm lòng trong sạch: từ chối nhận gạo và tiền không minh bạch, giữ mình không chuyện trò nơi thanh vắng cùng vị thiếu chủ giàu có. Bởi trái tim lương thiện ấy của nàng, nên Thượng Thiên đã rút lại thời gian trả nghiệp, để nàng ngay tại đời này nhanh chóng vượt qua nỗi khổ của kiếp thứ hai.

Đó là nỗi khổ bị lừa bán vào lầu xanh, bị kẻ gian đánh đập, tình duyên ngang trái. Thạch Kiều đối xử với nàng tệ bạc, còn đòi chia tiền bán nàng vào lầu xanh; tên ma cô dắt gái đánh đập nàng thừa sống thiếu chết; nhưng Ngọc Nô vẫn động lòng trắc ẩn, cầu xin Mộ Văn tha cho chúng. Nghĩa cử “lấy đức báo oán” ấy của nàng khiến quỷ Thần cũng cảm động. Khi Bùi lão phu nhân nói chuyện riêng, tỏ ý phản đối cuộc hôn nhân không môn đăng hộ đối giữa nàng và Mộ Văn, Ngọc Nô chẳng những không giận phu nhân, mà còn biết thân biết phận, lặng lẽ ra đi, tìm đường lên núi tu hành. Trên thế gian này, có người con gái nào không mong muốn có được người đàn ông yêu thương mình hết mực, lại văn võ toàn tài, khôi ngô tuấn tú như Bùi Mộ Văn? Nhưng Ngọc Nô không bám chấp vào điều đó, tự cho rằng mình không có phúc, nhẹ nhàng buông tay. Bởi tấm lòng thuần khiết, ít dục ít cầu ấy của nàng, nên Thượng Thiên đã một lần nữa rút lại thời gian trả nghiệp, để nàng nhanh chóng vượt qua kiếp nạn thứ ba ngay trong một đời.

Thạch Ngọc Nô “lấy đức báo oán”, cầu xin tha chết cho Thạch Kiều và kẻ đã đánh đập nàng.

Đó là kiếp nạn bị người ta trêu ghẹo khiến sảy chân ngã xuống núi, mù cả hai mắt, cuối cùng chết yểu vì nội thương. Mộ Văn trong đau đớn cùng cực đã tìm Đinh Kế Võ, muốn giết hắn để trả thù cho nàng; nhưng Ngọc Nô lại vội vàng quỳ xuống xin chàng hãy dừng tay. “Muội xin huynh, đừng giết hắn. Hắn chỉ nghịch ngợm, nhưng không có ác ý… Huynh đã vì muội mà giết chết hai người rồi, đừng giết thêm người thứ ba, nếu không muội chết cũng không nhắm mắt được!…” Mộ Văn vì Ngọc Nô nên phóng hạ đồ đao, trước sau tha chết cho ba người. Trái tim nhân hậu, có thể buông bỏ sinh tử đó của nàng, thế gian mấy ai làm được? Bởi vậy, chuỗi ngày chịu đựng nỗi đau thể xác của nàng được rút ngắn, chỉ mấy ngày sau, Ngọc Nô hoàn trả xong nợ nghiệp, nhẹ nhõm siêu thăng. 

Những gì chiếu trên màn ảnh chỉ là cái chết oan uổng của cô gái lương thiện và nỗi đau dằng dặc của tri kỷ đời nàng; còn những gì không thấy được là quá trình không ngừng tu tâm dưỡng tính, bồi đắp thiện lương, trong chịu khổ mà hoàn trả tội nghiệp, sớm ngày hồi thăng của sinh mệnh. Nếu đôi mắt này có thể đột phá không gian này mà thấu suốt các tầng Trời, biết đâu, ta chẳng mừng vui vì cái kết viên mãn tốt đẹp dành cho người thiện lương, thêm niềm tin vào Thiên lý.

Ái tình như giấc mộng, đâu mới là mục đích chân chính của đời người?

Xem “Thiên hạ đệ nhất trang”, biết bao người đã thương xót cho mối tình dang dở của Thạch Ngọc Nô và Bùi Mộ Văn, chỉ hận người có tình không thể thành gia quyến. Nhưng đổi lại mà nói, nếu hai người thật sự có thể đến bên nhau, thì sẽ ra sao? 

Có lẽ viễn cảnh tốt đẹp nhất cũng chỉ như lời Bùi Mộ Văn: “Lần đoàn tụ này, ta sẽ không bao giờ rời xa nàng một bước nữa. Sau khi mắt nàng lành rồi, ta sẽ dẫn nàng đi khắp chân trời góc biển, nhàn du khắp chốn, đi khắp các danh lam thắng cảnh, xem cảnh vật và con người ở khắp nơi… Cho đến khi chúng ta dừng bước, mệt mỏi, khi đó chúng ta sẽ tìm một nơi nào thật yên tĩnh để dựng một căn nhà, tự trồng trọt kiếm sống, lánh xa hồng trần, rời xa tất cả người phàm tục, chỉ có hai chúng ta mà thôi…”

Cuộc sống tiêu dao tự tại đó, dẫu hạnh phúc thế nào đi nữa bất quá cũng chỉ là mấy chục năm. Trăm năm đời người vụt qua như chớp mắt, đến khi nhắm mắt xuôi tay thì sẽ đi đâu về đâu? Kiếp này nguyện như chim liền cánh, như cây liền cành, nhưng kiếp sau ai có còn nhận ra ai nữa? Là một sinh mệnh còn chìm trong luân hồi mà nói, không ai có thể biết được tương lai, không đâu có được hạnh phúc vĩnh hằng.

Kiếp này nguyện như chim liền cánh, như cây liền cành, nhưng kiếp sau ai có còn nhận ra ai nữa?

Bùi Mộ Văn nguyện dùng cả sinh mệnh mình để bảo vệ cho Thạch Ngọc Nô, nguyện mang đến cho nàng chỉ hạnh phúc và hạnh phúc. Tình cảm ấy đáng quý nhường nào, nhưng chính nó lại khiến chàng mất đi bình tĩnh, lý trí mà phạm tội sát nhân. Như lời của Ngọc Nô, “Chỉ vì người khác ức hiếp muội, làm hại muội, mà huynh đã bênh vực muội, nhưng mà huynh có từng nghĩ là huynh đã vì muội mà tự làm hại chính mình? Trong lòng muội đau khổ như thế nào, huynh biết hay không?”

Thế gian vô thường, hoạ phúc bất ngờ, dẫu là người ta yêu đến mấy cũng không thể chi phối vận mệnh của người khác. Tuy nhiên, cổ nhân có câu: “Thiên đạo vô thân, thường dữ thiện nhân”, ý rằng Đạo Trời không vì tình riêng mà thiên vị ai, nhưng thường giúp đỡ người lương thiện. Trong cõi mê mang này, Thiện lương mới là bùa hộ mệnh tốt nhất của sinh mệnh. Không nên “lấy ác trị ác”, vì tình sinh hận, lấp kín đường về của bản thân.

Thạch Ngọc Nô có lẽ đã giác ngộ điều ấy, nên một đời nhiều oan khổ nàng trước sau vẫn giữ vững tấm lòng chân thật, thiện lương, thuần khiết. Nàng sớm rời khỏi thế gian, khiến Bùi Mộ Văn ruột héo gan khô, cũng như Lâm Đại Ngọc trong “Hồng Lâu Mộng” khóc cạn nước mắt mà ra đi, mang theo trái tim của Bảo Ngọc. Như ai đó đã từng nói: “Hoa trong gương, trăng trong nước” đến cuối cùng chỉ còn lại hư không. Giáng Châu tiên tử hạ phàm, không chỉ là hoàn trả nước mắt, mà còn là dùng cái giá của sinh mệnh để kêu gọi Thần Anh quay trở về quê nhà nơi Thiên giới. 

Người xưa nói: “Nhân thân nan đắc, Phật Pháp nan văn”, có được thân người đâu phải dễ. Làm người không phải để hưởng thụ chút vui vẻ tạm bợ của ái tình nơi quán trọ trần gian, mà là để ngộ Đạo, phản bổn quy chân, trở về bản nguyên vĩnh hằng của sinh mệnh. Trong “Hồng Lâu Mộng”, Giả Bảo Ngọc cuối cùng đã thấu suốt sự hư ảo của ái tình, dừng cương ngay trước vực thẳm, kết thúc tục duyên, bước trên con đường tu luyện. Có lẽ trong một diễn biến khác của “Thiên hạ đệ nhất trang”, chàng thiếu chủ si tình Bùi Mộ Văn cũng sẽ tìm ra đường về chốn gia viên thực sự.

Ấy mới là:

Hành trình biết bao đời, tìm kiếm trăm nghìn lần.
Người có duyên trở về, Pháp quang xóa mây mù.
Người trí tuệ tâm sáng, trong khổ vẫn thường vui.
Thức tỉnh trong cõi tục, mới biết vẻ đất trời.

(Đăng Quy Đồ)

Tham khảo:

Thanh Ngọc

Exit mobile version