Trung nghĩa là một trong những mĩ đức quan trọng nhất của bậc chính nhân quân tử thời cổ đại. Trong lịch sử đã có bao tấm gương trung trinh tiết liệt, soi tỏ thấu đáo nội hàm của hai chữ “trung nghĩa” này.
Hễ nói đến lòng trung nghĩa, rất nhiều người sẽ nghĩ ngay đến Nhạc Phi, anh hùng kháng Kim thời Nam Tống. Phàm những ai có đôi chút hiểu biết về lịch sử cũng biết được hoặc ít hoặc nhiều những sự tích về Nhạc Phi. Ngày nay, nếu có dịp ghé thăm miếu thờ ông ở huyện Thang Âm (Hà Nam), nhìn thấy tượng Nhạc Phi sừng sững nguy nga, bên trên tấm hoành phi đề bốn chữ lớn “Hoàn ngã sơn hà” (trả lại núi sông cho ta), người ta không khỏi bị hạo khí trung hồn của Nhạc Phi làm cho cảm động.
Nhạc Phi được miêu tả trong tiểu thuyết diễn nghĩa “Thuyết Nhạc toàn truyện” sống động như thật. Ông rất hiếu thuận và nghe lời mẹ. Tương truyền, mẹ ông lo rằng sau khi đã thăng quan tiến chức Nhạc Phi sẽ mài mòn mất đi tấm lòng trung nghĩa nên đã xăm lên lưng ông 4 chữ lớn: “Tận trung báo quốc”. Sau này, Nhạc Phi dẫn binh đánh trận, trước sau đều tuân theo bản sắc trung nghĩa ấy. Ông dẫn theo đội quân Nhạc gia bách chiến bách thắng, “lạnh chết không phá nhà, đói chết không cướp bóc”. Quân Kim chỉ cần trông thấy lá cờ thêu chữ “Nhạc” liền sợ mất mật, không đánh tự lui.
Về sau, khi bị Tần Cối lấy tội danh “không cần có” (mạc tu hữu) để vu cáo, hãm hại, tống ngục, những cực hình tra tấn cũng không thể khiến Nhạc Phi khuất phục. Lần đầu bị thẩm vấn ở Đại lý tự, Nhạc Phi cởi áo vải ra, để lộ 4 chữ lớn “tận trung báo quốc” trên lưng khiến những ai tận mắt trông thấy đều kinh tâm động phách, tin chắc Nhạc Phi chịu hàm oan. Nhưng đứng trước uy quyền của Tần Cối, những người chính nghĩa đều cảm thấy lực bất tòng tâm. Khi Tần Cối bố trí thân tín của mình cưỡng bức Nhạc Phi viết lời khai, ông đã viết 8 chữ lớn “đất trời thấu tỏ, đất trời thấu tỏ”. Khí phách anh hùng cùng tấm lòng trung nghĩa thể hiện rõ qua mỗi từng nét chữ cứng cáp, trời đất có thể làm chứng. Khi Nhạc Phi chết oan ở đình Phong Ba, tuy thân thể về với cát bụi song tấm lòng trung nghĩa là còn mãi ghi khắc sử xanh.
Nhìn thấu ý Trời
Trong lịch sử, có một nhân vật khác, trung nghĩa có thể sánh ngang với Nhạc Phi chính là Gia Cát Lượng mà già trẻ lớn bé hầu như đều biết đến. Người đọc “Tam Quốc diễn nghĩa” đều có chung một cảm nhận rằng, từ sau khi Gia Cát Lượng bước ra sân khấu thì vở diễn của lịch sử bỗng như sinh động hẳn lên, không ngừng xuất hiện những câu chuyện đặc sắc, từ “Long Trung đối sách”, “hỏa thiêu Tân Dã”, “thuyền cỏ mượn tên”, “cầu mượn gió Đông” đến “ủy thác con côi”, “Không thành kế”… Có lẽ ấn tượng về một Khổng Minh tính toán như Thần đã khiến độc giả Tam Quốc nhiều thế hệ gần như chỉ tán thưởng bản lĩnh bày mưu tính kế của ông. Rất ít người biết và thấu hiểu tấm lòng trung nghĩa to lớn của Thừa tướng nước Thục.
Lòng trung nghĩa của Nhạc Phi thể hiện trong hoàn cảnh thiện ác giao phong khốc liệt, dễ nhận được sự đồng tình của độc giả, dễ khiến người ta kích khởi lòng tán dương với cái thiện và sự căm ghét cái ác. Còn lòng trung của Gia Cát Lượng có vẻ như đã trở nên bình bình tự nhiên qua từng lời nói, cử chỉ, hành động, lại dễ bị cơ mưu trí tuệ của ông làm lu mờ. Rốt cuộc, người đời khó nhìn ra lòng trung nghĩa hiếm có, vốn không thua kém gì Nhạc Phi ấy.
Gia Cát Lượng chưa ra khỏi lều cỏ đã biết trước thiên hạ sẽ chia ba, đây là Thiên ý. Nhưng Lưu Bị mang trong mình huyết thống hoàng tộc, cảm thấy bản thân phải có trách nhiệm gây dựng lại nhà Hán, một lần nữa nhất thống thiên hạ, chấn chỉnh lại khí thế uy hùng của vương triều nhà Hán. Gia Cát Lượng biết rõ việc làm ấy là trái với ý Trời nhưng vì để cảm tạ ân nghĩa ba lần viếng thăm lều cỏ của Lưu Bị mà đã một lòng một dạ giúp Lưu Bị thực hiện ước mơ.
Trong suốt những tháng năm theo phò tá chủ công, Gia Cát Lượng có thể nói là đã tận tâm tận lực, một lòng trung nghĩa. Từ chỗ Lưu Bị không có lấy một mảnh đất cắm dùi, đến khi có được chút vốn liếng chính trị, đặt chân ở Kinh Châu, cuối cùng dựng nên nhà Thục Hán ở một dải Xuyên Thục. Sau khi gây dựng được nước Thục, Gia Cát Lượng tiếp tục giúp Lưu Bị vận trù sách lược, liên Ngô kháng Tào, huấn luyện binh sĩ tích cực tác chiến, vì sự lớn mạnh của giang sơn mà chế định ra hàng loạt chính sách, vì dân vì nước mà hao tâm tận lực.
Sau khi hay tin Quan Vũ bị Đông Ngô sát hại, Lưu Bị vì quá đỗi đau lòng đã dốc toàn bộ binh lực nước nhà thảo phạt Đông Ngô, báo thù cho nghĩa đệ. Lúc này, Gia Cát Lượng vì hiểu được ý Trời nên khi khuyên can vài lượt chẳng thành đã để im cho Lưu Bị xuất chinh. Gia Cát Lượng vốn là người tu Đạo, có thể nhìn thấu được lịch sử, ý Trời. Ông biết câu chuyện nghĩa khí của ba anh em Lưu, Quan, Trương cần phải được diễn xuất đến tận cùng để đặt định cho nội hàm chữ “Nghĩa” trong tương lai, mà “Nghĩa” thì phải có thủy có chung. Dẫu Đông Ngô không thể bị tiêu diệt (ý Trời là chia ba thiên hạ), dẫu Lưu Bị có bại trận đến đổ bệnh đi nữa thì đó cũng là vì để tận lực đặt định văn hóa cho tương lai. Nói cách khác, chuyện đánh Đông Ngô cũng chính là thành tựu nhân cách cho Lưu Bị vậy. Khổng Minh biết vậy nên thuận theo ý Trời, chẳng phải đó cũng là biểu hiện của trung nghĩa hay sao?
Trong “Tam Quốc diễn nghĩa” có kể một chi tiết đáng chú ý khẳng định rằng Gia Cát Lượng biết trước được trận thua ở Di Lăng của Lưu Bị. Kể rằng khi Mã Lương mang bản đồ vẽ quân trại mà Lưu Bị bố trí (40 trại kéo dài 700 dặm), Gia Cát Lượng thở dài một tiếng, biết rằng quân Thục tất sẽ bại. Mã Lương lại hỏi Khổng Minh kế sách ứng đối một khi quân Ngô thừa thắng đuổi tràn sang Thục. Khổng Minh ung dung đáp: “Chúa thượng nếu có thua nên chạy về thành Bạch Đế mà lánh. Khi ta vào Xuyên đã phục sẵn mười vạn quân ở bến Ngư Phúc rồi”. Sau này quả nhiên mọi chuyện đúng như Khổng Minh dự liệu. Nếu không sớm biết được ý Trời, thiên tượng, làm sao Khổng Minh có thể đặt trận đồ Bát Quái (mà ông gọi là 10 vạn quân) ở bến Ngư Phúc đây?
Cúc cung tận tụy
Lưu Bị bại trận, cố thủ thành Bạch Đế, trước khi mất gửi gắm Lưu Thiện cho Gia Cát Lượng và căn dặn: “Tài thừa tướng gấp mười Tào Phi tất yên định được nhà nước, làm nên việc to. Đối với con trẫm, có thể giúp được thì giúp, bằng không thì ngươi nên làm chủ Thành Đô đi!”. Trong “Tam Quốc diễn nghĩa” miêu tả lại biểu hiện của Gia Cát Lượng khi đó như sau:
Khổng Minh nghe nói rụng rời, mồ hôi đổ ra khắp mình, lạy xuống đất, khóc mà nói rằng:
– Chúng tôi đâu dám chẳng hết sức chân tay, dốc niềm trung trinh, kỳ cho đến chết mới thôi!
Nói đoạn rập đầu xuống đất, máu chảy đầy mặt.
Có người cho rằng hành động này của Gia Cát Lượng là giả tạo, chẳng qua là sợ bị Lưu Bị chém đầu nên cố tình làm như vậy. Thực ra, nếu dùng quan niệm đã ít nhiều biến dị của thời đại ngày nay mà đánh giá những câu chuyện của cổ nhân thì người ta không thể nào hiểu được thế nào là khí tiết, là trung nghĩa. Cổ nhân rất trọng trung, tín, nghĩa, lễ, mỗi hành động, lời nói đều là chân thành xuất phát ra từ nội tâm. Lưu Bị thể hiện lòng trọng dụng Khổng Minh đến độ có thể nhường lại cả cơ đồ cho ông nhưng Khổng Minh ngược lại cũng thể hiện lòng trung trinh tiết liệt, mãi mãi làm một trung thần, “cúc cung tận tụy đến chết mới thôi” như chính lời ông nói sau này.
Sau khi Lưu Thiện lên ngôi, Gia Cát Lượng biết rõ nước Thục vốn không thể diệt được nước Ngụy, cũng không thể nào thống nhất được thiên hạ. Nhưng ông vẫn một lòng một dạ gắng sức hoàn thành tâm nguyện cuối cùng chưa được thực hiện của Tiên chủ Lưu Bị. Sáu lần ra Kỳ Sơn thảo phạt nước Ngụy, Khổng Minh đều không thể lật ngược ý Trời, mỗi lần là một nguyên nhân khác nhau khiến ông phải trở về không công. Nhưng dù vậy, bạn đọc để ý rằng lần nào quân Thục cũng trở về toàn vẹn, không đến nỗi bị đánh cho không còn một binh một tốt. Đó là bởi Gia Cát Khổng Minh đã liệu trù được từ trước, luôn để lại một con đường lui, đôi khi là chủ động rút lui mà nghĩ kế khác. Đó chẳng phải là vì Gia Cát Lượng quá trung thành với nhà Thục mà hành sự đặc biệt cẩn trọng đó sao?
Gia Cát Lượng không diệt được nước Ngụy, ấy cũng là ý Trời. Mỗi lần xuất binh ra Kỳ Sơn hầu như chắc chắn sẽ phải thất bại. Nhai Đình, một vùng đất hiểm, Mã Tốc được giao trấn giữ rồi để mất. Người ta cũng đổ mọi trách nhiệm lên đầu Gia Cát Lượng. Nhưng nhìn ở một khía cạnh khác, Nhai Đình cũng là tử huyệt, bốn mặt đều nằm trong vòng vây của quân Ngụy, dẫu là ai ra giữ đi nữa thì thất thủ cũng là chuyện sớm muộn thôi. Vả lại Việc Gia Cát Lượng cho Mã Tốc vốn thích khoác loác trấn giữ Nhai Đình cũng có dụng ý rất sâu xa. Mã Tốc đã để lại một bài học cảnh tỉnh hậu nhân: kẻ thích khoác lác, nói quá sự thật tuyệt đối đừng trọng dụng. Hỏi Gia Cát Lượng có biết Mã Tốc vốn không thể làm nên việc lớn không? Tất nhiên là có, nhưng ông vẫn lại để Mã Tốc diễn một vai này vậy. Bởi vì đơn giản là hậu nhân cũng cần có một bài học giáo huấn.
Gia Cát Lượng cả một đời hành trọng cẩn trọng, điều ông phải cân nhắc đến không chỉ là tình huống và biến hóa của thời cuộc khi đó mà còn cần phải thuận theo Thiên ý, lại còn phải lưu lại văn hóa cho tương lai về biểu hiện Nhân – Lễ – Nghĩa – Trí – Tín, trung hiếu tiết nghĩa. Có thể nói Gia Cát Lượng đã vì tương lai của con người mà cúc cung tận tụy, dốc cạn tâm cơ. Chỉ vì hai chữ “trung nghĩa” mà từ sau khi xuống núi cho đến khi mất ở gò Ngũ Trượng, ông đã phải dùng hết năng lực của mình mà diễn giải. Dù là trong sinh hoạt thường ngày hay là các chiến dịch quân sự, tấm lòng trung nghĩa của Gia Cát Lượng luôn sáng tỏ như nhật nguyệt. Ông từng viết biểu tâu lên Hậu chủ Lưu Thiện rằng: “Nhà thần ở Thành Đô có tám trăm gốc dâu, ruộng xấu mười lăm khoảng, cái ăn mặc của con cái xem ra đầy đủ. Đến như thần gánh vác việc ở bên ngoài, cũng chẳng có gì khác người, cái ăn cái mặc đều trông vào cửa quan, chẳng chút tơ hào cho riêng mình, ấy là để lâu dài thước tấc vậy. Đến ngày thần mất, trong nhà chẳng để thừa gấm vóc, bên ngoài không có điền sản dư dôi, chính là để khỏi phụ lại lòng tin tưởng của Bệ hạ vậy“. Sau này Gia Cát Lượng qua đời, mọi chuyện quả đúng như lời đã nói.
Vũ Dương
Theo Zhengjian