Từ thời cổ đại, thiên Thần đã có mặt ở hầu hết các tôn giáo và tín ngưỡng trong văn hóa phương Tây. Những câu chuyện về các thiên Thần đã được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nhân gian tin rằng họ là những người truyền giáo của Thiên Chúa, là những người được phái đi hỗ trợ Thiên Chúa chăm sóc con người và trừng phạt kẻ mang tội nghiệp. Tuy nhiên, đã có những thiên Thần đã sa ngã nơi trần gian, họ chối bỏ sự thánh thiện nơi thiên thượng và chống lại lời răn dạy của Chúa trời.
Các thiên Thần đã đồng hành cùng chúng ta trong nhiều thiên niên kỷ
Thiên Thần và thần linh đã được con người biết đến từ buổi bình minh của nền văn minh nhân loại. Rất nhiều câu chuyện nói về cuộc gặp gỡ giữa linh hồn của con người và thần linh đã được tìm thấy trong hầu hết mọi nền văn hóa và tôn giáo.
Có thể họ xuất hiện để báo cho con người về cái chết hay niềm vui, nhưng họ thường xuất hiện vào những sự kiện lớn. Các thiên Thần thường được biết đến như một phép màu bảo vệ con người thoát khỏi tai họa nguy hiểm nhưng cũng có thể gây ra sự diệt vong cho toàn nhân loại vào thời khắc con người suy đồi về đạo đức.
Hình tượng thiên Thần đã được khắc họa sinh động trong nhiều tác phẩm nghệ thuật cổ xưa, trong các bộ phim, bài hát nổi tiếng và trong các tác phẩm nghệ thuật. Trong mắt người trần, các thiên Thần, cho dù mang vai trò như những người bảo vệ hay hủy diệt, thì đều được xem là những linh hồn của vẻ đẹp kỳ vĩ và niềm tin thuần khiết.
Dấu vết của thiên Thần thời cổ đại
Trong các tài liệu đã được ghi chép, dấu vết của thiên Thần được tìm thấy sớm nhất vào thời của đế chế Sumer cổ đại. Các nhà khảo cổ đã khai quật được bàn thờ của các thiên Thần hộ mệnh có cánh ở Iraq (nơi từng là lãnh thổ của đế chế Sumer cổ) có niên đại từ 3.000 năm trước Công Nguyên.
Sách Enoch (một tác phẩm tiếng Hê-bơ-rơ cổ đại vào khoảng năm 300 – 200 trước Công Nguyên) đã nói lên những vai trò của các thiên Thần vào thời điểm đó và đáng chú ý nhất là sự phản bội của họ đối với thiên đàng, làm cho họ bị đuổi khỏi nơi Thánh thượng. Các thiên Thần tại thời điểm đó được gọi là Gregori hoặc là “người theo dõi”. Họ là người đã hướng dẫn nhân loại làm nông nghiệp và chế tạo ra vũ khí kim loại. Tuy nhiên, một số thiên Thần đã vượt ra khỏi dòng Thần thánh, họ đã kết giao với những người phụ nữ trần thế và sinh ra quái vật, gây ra cơn thịnh nộ cho Đức Chúa. Người sau đó đã gửi đến trần gian một trận đại hồng thủy để hủy diệt loài người lúc bấy giờ.
Niềm tin Kitô giáo khắc họa hình tượng đa dạng của các thiên Thần
‘Tin mừng theo thánh Luca’ nói về vị tổng lãnh thiên Thần Gabriel, người đóng vai trò là sứ giả thông báo về việc Chúa Giêsu Kitô đến với Đức Trinh Nữ Maria. Người ta cho rằng các giám mục ở Ai Cập tin vào việc các thiên Thần hộ mệnh đang dõi theo tất cả mọi sự sống trên Trái đất.
Sự biến đổi của các thiên Thần được khắc họa nổi bật trong câu chuyện về Lucifer, một thiên Thần có liên quan đến hành tinh Venus, ngôi sao buổi sáng. Truyền thuyết kể rằng vì sự phấn khích muốn trở thành vị Thần ngôi sao hàng đầu, anh ta đã bị ném xuống từ đỉnh Olympus. Trong một phiên bản khác lại chỉ ra rằng Lucifer là con rắn đã xúi giục Adam và Eva phạm tội ăn trái cấm, dẫn đến việc họ bị trục xuất khỏi vườn địa đàng.
Dấu vết của các thiên Thần trong các giai đoạn sau
Vào thế kỉ thứ 4 sau Công Nguyên, các nghệ sĩ châu Âu bắt đầu miêu tả các thiên Thần như những thực thể có cánh. Đến thế kỷ thứ 12 – 13, những hình họa về thiên Thần đã lan rộng trong nghệ thuật và trở nên quen thuộc với con người.
Thánh Phanxicô thành Assisi, vị thánh bảo trợ từ Ý được cho là đã có lần được viếng thăm bởi một thiên Thần có đôi cánh rực lửa và giữa đôi cánh đó xuất hiện hình ảnh của một người đàn ông bị đóng đinh. Thánh Teresa thành Avila, còn được gọi là Thánh Teresa của Chúa Giêsu, cũng được trích dẫn là đã gặp thiên Thần Seraphim trong những năm tháng bà còn tại thế vào thế kỷ 16.
Vào tháng 8 năm 1914, trong Thế chiến I, khi quân đội Anh và Pháp buộc phải rút lui khỏi chiến trường nước Đức, những người lính bị thương nói rằng họ nhìn thấy có một thiên Thần luôn theo sát bên cạnh để giúp họ chiến đấu chống lại kẻ thù. Những người lính Pháp tin rằng đó là tổng lãnh thiên Thần Michael, trong khi những người lính Anh lại cho rằng đó là Thánh Geogre (một số người tin rằng tổng lãnh thiên Thần Michael và Thánh Geogre là một). Tuy nhiên, tất cả đều nhắc đến một người đàn ông cao lớn, tóc vàng, mặc áo giáp vàng với một khuôn mặt điềm tĩnh.
Trong các báo cáo sau đó, người Đức đã phải thừa nhận rằng tại thời điểm đó họ không thể tiến lên tấn công. Ngựa của họ sợ hãi, họ buộc phải quay đầu bỏ chạy. Vì sự kiện này, thiên Thần sau này được biết đến với cái tên ‘thiên Thần của Đức Trời’.
Người hiện đại và niềm tin vào sự tồn tại của thiên Thần
Ngày nay, hình ảnh về những thiên Thần được nhìn thấy ở khắp mọi nơi, trong các bài hát, vở nhạc kịch hay tiểu thuyết lãng mạn. Tượng của các thiên Thần cũng được đặt trong nhiều khu vườn và công viên, hầu hết trong số đó đều khắc họa các thiên Thần rất xinh đẹp và thánh thiện. Hình ảnh thiên Thần nhỏ xuất hiện trên các mảnh trang sức và bộ trang phục lộng lẫy. Khái niệm về thiên Thần rõ ràng không chỉ giới hạn trong tôn giáo mà còn cực kỳ phổ biến trong thế giới phàm tục.
Trong ý thức của đa số người dân Mỹ, các thiên Thần luôn hiện diện với dáng vẻ mạnh mẽ, cường tráng. Theo một số khảo sát do tổ chức Gallup thực hiện năm 2008, 55% dân số Mỹ tin rằng các thiên Thần đã trực tiếp ảnh hưởng đến niềm tin vào cuộc đời họ bằng cách bảo vệ họ khỏi những tai họa và rủi ro.
Nhà xã hội học của Đại học Baylor Carson Mencken đã trích dẫn nhiều trường hợp trong đó những người trong cuộc đều tuyên bố rằng họ đã được bảo vệ bởi các thiên Thần hộ mệnh trong thời khắc sinh mệnh đối mặt với hiểm nguy hoặc những sự cố bất ngờ khác.
Tất cả đều khẳng định về một niềm tin rằng các thiên Thần chính là sứ giả của Thiên Chúa, người mang đến thông điệp của Ngài, mang đến lòng thương xót của Ngài đối với con người và đôi khi họ còn mang đến lời cảnh báo cho nhân loại vào thời điểm mà đạo đức thế gian bị suy đồi.
Nga Mi
Theo The BL
Video: Thần Phật bảo hộ cho ‘người tín Thần Phật’ như thế nào?