Điều mà rất nhiều người Trung Quốc hiện nay không biết, là từ khi thành lập năm 1921 cho đến khi soán chính quyền năm 1949, kinh phí cho sự phát triển của ĐCSTQ, ngoài được cung cấp bởi Quốc tế Cộng sản do Liên Xô lãnh đạo, còn dựa vào gian lận, tống tiền, cướp bóc và buôn bán thuốc phiện.
Cách đây vài năm, trên mạng Internet lan truyền một câu chuyện cười nói về bảy loại thủ đoạn mà ĐCSTQ đang sử dụng để ăn trộm tiền, cụ thể bao gồm: Một là, in tiền, hay còn gọi là phát hành tiền tệ; Hai là, khiến những người kiếm tiền giao tiền, đây gọi là ‘trừ thuế’; Ba là, khiến những người tiêu tiền giao tiền, đây gọi là ‘nạp thuế’; Bốn là, tập trung tiền của người ta để tiêu, đây gọi là ‘tài chính’; Năm là, ai muốn kiếm tiền tất yếu phải được sự cho phép của ĐCSTQ mới có thể kiếm tiền, đây được gọi là ‘giấy phép’; Sáu là, người qua đường tất yếu phải bỏ tiền mua đường, đây được gọi là ‘phí cầu đường’; Tám là, ai không chiểu theo phương thức trên mà chơi thì đứng sang một bên, bắt lại, đây được gọi là ‘chính sách pháp quy’.
Nói thế còn chưa hết đâu, tuy nhiên so với cách cướp tiền trắng trợn của ĐCSTQ trước đây, phương thức móc túi hiện tại của ĐCSTQ được cho thêm miếng vải che đậy, nhưng bản chất không hề thay đổi. Điều mà rất nhiều người Trung Quốc hiện nay không biết, là từ khi thành lập năm 1921 cho đến khi ĐCSTQ soán chính quyền năm 1949, kinh phí cho sự phát triển và tăng trưởng của nó, ngoài được cung cấp bởi Quốc tế Cộng sản do những người đứng đầu đảng Cộng sản Liên Xô lãnh đạo, mà còn từ dựa vào gian lận, dựa vào tống tiền, dựa vào cướp bóc, dựa vào trồng và bán thuốc phiện.
Ví dụ, vào năm 1923, Trần Độc Tú, tổng bí thư đầu tiên của ĐCSTQ, đã công khai thừa nhận: “Kinh phí của đảng gần như hoàn toàn được lĩnh từ Quốc tế Cộng sản.” Các tài liệu lưu trữ của Liên Xô cũng cho thấy sau “Đại hội toàn quốc lần thứ sáu” của ĐCSTQ năm 1928, nước Nga Xô viết đã cung cấp hơn 60 vạn rúp tài trợ cho ĐCSTQ mỗi năm.
Ngoài ra, một bài báo đăng trên tờ “Hồ Châu buổi tối” ngày 1 tháng 5 năm 2011 của tác giả Từ Nguyên Cung, có tựa đề “Hỗ trợ kinh phí từ Quốc tế Cộng sản trong những năm đầu của ĐCSTQ”, ngoài việc nhắc lại, rằng kinh phí cho các hoạt động của ĐCSTQ trong những năm mới thành lập chủ yếu đến từ Quốc tế Cộng sản, theo hồ sơ giải mật đương án của Nga và hồi ức của người đương sự, nguồn gốc của kinh phí đã được tiết lộ, bao gồm cả đồ trang sức cướp bóc được, như châu báu, kim cương, v.v.
Ví dụ, vào ngày 6 tháng 5 năm 2011, trang web chính thức của “Nhân dân Nhật báo” của ĐCSTQ đăng một bài báo có tựa đề “Trần Nghị giải thích bí quyết gây quỹ của hồng quân: Dán các ghi chú để tống tiền nhà phú hào, đốt nhà của họ nếu họ không đưa tiền”, đây là báo cáo bằng văn bản của Trần Nghị, một trong mười đại nguyên soái của ĐCSTQ, gửi cho Trung ương ĐCSTQ tại Thượng Hải năm 1929. Báo cáo cho biết vào đầu năm 1928, sau khi Mao lên núi Tỉnh Cương, vì quân đội Quốc dân đảng không ngừng bao vây dẫn đến khó khăn trong việc cấp dưỡng, vì thế phải đào thoát khỏi núi Tỉnh Cương, đi tứ xứ du đãng. Đi đến đâu hồng quân của Mao cũng giương biểu ngữ, tuyên truyền tư tưởng cộng sản, đồng thời “gây quỹ” từ các phú hộ đương địa.
Bài báo nói rằng hồng quân cần ít nhất 5 vạn nguyên tiền mỗi tháng, phần lớn số tiền này là do các hộ gia đình giàu có cung cấp, một phần nhỏ là do các thương nhân thành thị cung cấp. Các phương thức gây quỹ bao gồm:
Thứ nhất là thành thị gây quỹ. Hồng quân triệu tập thương nhân đại biểu (những người từ chối liên hệ với Thương hội), đề xuất số tiền gây quỹ tối thiểu, hạn trong ba ngày phải thanh toán. Mỗi lần hồng quân viết thư đến huyện Lâm đòi tiền, không cần phái binh đều có thể giao tiền.
Thứ hai là tống tiền phú hộ hoặc người nhà. Nếu không bắt được người nhà phú hộ nào, sẽ định giá căn nhà của họ và dán giấy báo phạt vào nhà, trong vòng hai ngày phải trả, nếu không trả trong kỳ hạn sẽ lập tức đốt nhà cảnh cáo. Nghe nói phương pháp này rất hiệu quả, một phần lớn kinh tế của hồng quân dựa vào phương pháp này để giải quyết.
Thứ ba là đào hầm. Giới phú hào giấu rất nhiều tiền mặt dưới đất, hồng quân sẽ dùng súng đạn lục soát hoặc đòi tiền ngay khi chúng đến nhà họ. Hồng quân trước sau đã đào được không dưới ba bốn trăm lượng vàng, số tiền đào được thường lên tới hàng trăm, hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn nguyên tiền. Ngoài ra, phần thưởng cho việc báo cáo vị trí nơi cất giấu hoặc hầm rượu của phú hộ phi thường hữu hiệu.
Cuốn sách “Tương Giang phong vân” do Đảng ủy địa phương ĐCSTQ biên soạn năm 2002 cũng ghi lại hành vi tống tiền các thương nhân và phú hộ của hồng quân ĐCSTQ. Năm 1932, Mao theo Đông lộ quân của hồng quân vào Phúc Kiến, sau khi đánh tiến vào Chương Châu, Mao Trạch Đàm, người phụ trách việc gây quỹ cho hồng quân, đề nghị xác định số tiền “quyên góp” căn cứ vào kinh phí, Thương hội sẽ bình nghị, định ra số tiền mà các thương nhân trong mỗi hành nghiệp phải “quyên trợ”, phân công người chuyên trách thu thập, mỗi ngày tập trung tra vấn. Nhân viên gây quỹ cầm chứng kiện mà hồng quân phát xuống phố để đảm bảo an toàn nhân thân. Đối với thương hộ đã “quyên trợ”, hồng quân sẽ phát chứng từ có ghi “gây quỹ đã trả, cung cấp bảo vệ” để dán lên cửa điếm của họ. Động thái này không khác gì việc bọn thổ phỉ, xã hội đen thu phí bảo kê.
Cuốn sách “Cửu bình về ĐCSTQ” cũng tiết lộ rằng Lý Tiên Niệm, cựu chủ tịch quốc gia của ĐCSTQ, đã lãnh đạo hồng quân bắt cóc những gia đình giàu có nhất tại các huyện thành phía tây tỉnh Hồ Bắc. Không phải bắt cóc một người, mà là bắt cóc một người trong mỗi gia đình phú dụ trong gia tộc, gọi là “trói tiền sống”. “Trói tiền sống” không “xé tiền”, tức là không giết con tin, mà là lưu lại cái miệng sống, mục đích là để người nhà họ tiếp tục gửi những đồng bạc hết hũ này đến hũ khác đến cấp dưỡng hồng quân. Cho đến khi hồng quân được nuôi no đủ, hoặc là họ gia phá nhân vong, ép đến không còn gì có thể ép ra nữa, mới thả cho người hấp hối trở về. Có người vì thế mà bị đe dọa và bị tra tấn đến chết.
Trong lịch sử ĐCSTQ, Hoàng Công Lược, người được cựu lãnh tụ Mao Trạch Đông gọi là “Phi tướng quân” từng chiếm đóng Hồ Nam, Hồ Bắc và Giang Tây. Dữ liệu lịch sử của Đài Loan cho thấy Hoàng Công Lược đã tàn sát không dưới 50.000 người trong hai năm ở miền đông Hồ Nam, mỗi lần chiếm được một thành phố nào đó, hắn lại cướp bóc những nông dân, thương nhân giàu có và tiểu tư sản rồi bỏ trốn, trong thời gian đó, nạn nhân bị trừng phạt hà khắc, bị tống tiền, tuy nhiên, bất kể có nhận được tiền chuộc hay không thì con tin cũng sẽ bị giết sạch.
Câu chuyện tôi muốn kể hôm nay còn sốc hơn, gần 80 năm trước, lực lượng vũ trang địa phương của ĐCSTQ đã thực sự dùng phương thức vũ trang để trực tiếp cướp ngân hàng vì thiếu tiền, hơn nữa, ĐCSTQ lại không hề lấy làm xấu hổ về lịch sử của mình, mà còn công khai huênh hoang chiến tích. Ngân hàng bị cướp giờ đã trở thành một điểm thu hút khách du lịch đỏ. ĐCSTQ có lẽ là kẻ độc nhất vô nhị trong thiên hạ có thể vô liêm sỉ đến như vậy.
Vụ cướp ngân hàng có vũ trang này xảy ra ở Phủ Điền, tỉnh Phúc Kiến vào năm 1944, nơi có “Bệnh viện Phủ Điền hệ” khét tiếng. Căn cứ theo phần “Cuộc tập kết bất ngờ vào Ngân hàng Giao thông Hàm Giang” trong cuốn “Lịch sử ĐCSTQ vùng biên giới Phúc Kiến-Chiết Giang-Giang Tây” do Nhà xuất bản Đại học Hạ Môn xuất bản năm 1993, có thể biết rằng từ năm 1941 đến năm 1943, chính phủ Trung Hoa Dân Quốc đã phát động ba lần vây tiễu liên tiếp nhằm vào khu căn cứ bắc Phúc Kiến của ĐCSTQ, đánh tới mức các lực lượng địa phương của ĐCSTQ không còn nơi nào để ẩn thân, kinh tế xuất hiện khó khăn. Mùa đông năm 1943, Tỉnh ủy Phúc Kiến của ĐCSTQ di chuyển từ bắc Phúc Kiến về trung Phúc Kiến.
Chỉ dựa vào chủ nghĩa và khẩu hiệu, không có tiền, không có lương thực, thì ĐCSTQ sẽ không cách nào chiêu binh mãi mã, không cách nào tồn tại. Hơn nữa, trong hạt khu của Trung Hoa Dân Quốc, tỉnh ủy Phúc Kiến của ĐCSTQ cũng không dám công khai “gây quỹ” và tống tiền các gia đình giàu có. Phải làm thế nào? Cướp ngân hàng!
Ngày 16 tháng 1 năm 1944, để đối phó với chiến dịch vây tiễu của chính phủ Quốc dân đảng, Tỉnh ủy Phúc Kiến của ĐCSTQ đã ra chỉ thị “Về hình thế trước mắt và đối sách cụ thể của chúng ta”, yêu cầu nội trong phạm vi toàn tỉnh, tiến hành động viên toàn đảng, tổ chức lực lượng vũ trang, chuẩn bị triển khai chiến tranh du kích. Khi Tăng Kính Băng, bí thư Tỉnh ủy, trình bày kế hoạch công tác trong hai tháng tới tại hội nghị chỉnh phong, ông ta một lần nữa đề xuất hai nhiệm vụ lớn là mở các tuyến giao thông xuyên tỉnh và huy động tiền, lương thực.
Sở dĩ bọn cướp của ĐCSTQ nhắm vào ngân hàng là vì vào tháng 2, Tỉnh ủy Phúc Kiến của ĐCSTQ nhận được thông tin tình báo rằng “Trung ương Quốc dân đảng sẽ phái người đến Ngân hàng Phổ Điền Hàm Giang để tiến hành kiểm tra ngân khố”. Vì vậy Tỉnh ủy đã chỉ đạo Đặc ủy Trung ương Phúc Kiến chớp thời cơ đột kích ngân hàng Hàm Giang.
Hàm Giang là một thị trấn thương mại quan trọng trong lịch sử Phủ Điền và được mệnh danh là “Thượng Hải thu nhỏ”. Nằm ở vùng đồng bằng hạ lưu sông Mộc Lan, gần vịnh Hưng Hóa, giao thương phát đạt, đồng thời cũng là huyết mạch giao thông quan trọng từ Phúc Châu đến Hạ Môn và Quảng Đông qua Phủ Điền và Tuyền Châu. Ngân hàng Giao thông Hàm Giang tọa lạc tại số 23 đường Bảo Vĩ, phố Hàm Tây, quận Hàm Giang, thành Phủ Điền, đã bị phá bỏ trong quá trình cải tạo cổ thành vào năm 1997. Trên cùng con phố còn có “Ngân hàng Nông dân Trung Quốc” và “Ngân hàng Phúc Kiến”.
Sau khi Tỉnh ủy Phúc Kiến của ĐCSTQ truyền đạt mệnh lệnh “cướp ngân hàng”, Hoàng Quốc Chương, thư ký Đặc ủy Trung ương Phúc Kiến, Tài Văn Hoán, phó thư ký Đặc ủy Trung ương Phúc Kiến và những người khác đã nhiều lần thảo luận về cách làm sao để tập kích ngân hàng, và phải hành động trước khi các quan viên của chính phủ Quốc dân đảng đến kiểm tra ngân hàng, danh nghĩa là “Lấy tiền từ ngân hàng Quốc dân đảng”. Vậy tại sao ĐCSTQ lại chọn cách đột kích Ngân hàng Giao thông?
Nguyên lai, bộ đội vũ trang của Trung Hoa Dân Quốc đóng tại Hàm Giang lúc bấy giờ bao gồm hơn 600 người thuộc Bảo an tỉnh, đại đội diêm binh, đội tự vệ huyện và cảnh sát, hầu hết đều đóng quân ở đầu phía đông của Hàm Giang. Ngoài ra còn có hoạt động mặc thường phục đi tứ xứ. Trong số ba ngân hàng, chỉ có Ngân hàng Giao thông là cách xa căn cứ của Quân đội Quốc gia. ĐCSTQ cần lợi dụng sự thiếu chuẩn bị để cướp ngân khố của Ngân hàng Giao thông, điều này cũng giống như điều mà nhiều tên cướp thường làm.
Theo thông tin từ Văn phòng Nghiên cứu Lịch sử Đảng của Thành ủy Phủ Điền và các bài báo hồi ức hội nghị liên quan, vụ cướp này có sự giúp đỡ của người trong ngân hàng. Con chuột chũi này chính là Thái Mộc Nhĩ, một đảng viên ngầm đang công tác trong một ngân hàng. Đặc ủy Trung ương Phúc Kiến của ĐCSTQ đầu tiên cử Thái Mộc Nhĩ lợi dụng thân phận hợp pháp của mình trong ngân hàng để nắm chắc tình huống nội bộ về giờ làm việc của ngân hàng, vị trí kho tiền, số lượng nhân viên bảo vệ và diện mạo của trưởng ngân hàng. Sau khi có được thông tin tình báo liên quan, Đặc ủy đã phân tích nghiên cứu tình hình và kết luận, rằng không thể tấn công bằng vũ lực, mà chỉ có thể đánh lén.
Vì vậy, chiều ngày 29/2/1944, Hoàng Quốc Chương hóa trang thành thanh tra Chính phủ Quốc dân đảng, mặc quân phục sĩ quan Quân đội Quốc gia, lấy danh thiếp rồi ngồi trên kiệu trúc, hai du kích Lại Khởi Long và Lan Bỉnh Hùng hóa trang thành “phu kiệu”, khiêng kiệu diễu qua phố. Những người khác cũng mặc quân phục Quân đội Quốc gia đã chuẩn bị sẵn đi theo phía sau, vênh vênh váo váo đến ngân hàng để đột kích kiểm tra.
Cùng lúc đó, Thái Văn Hoán và một nhóm những người khác giả làm khách hàng đổi phiếu chuyển tiền lẻn vào ngân hàng trước, 4 người khác phục sẵn trong một khách sạn trung tâm thành phố gần ngân hàng, chịu trách nhiệm theo dõi và cản trở Quân đội Quốc gia vào giải cứu từ phía đông. Đội viên du kích Hoàng Mai Anh phụ trách liên lạc giữa hai nhóm.
4h30 chiều, cổng sắt của ngân hàng vừa đóng lại, các nhân viên đang khẩn trương kiểm kê, lúc này Thái Văn Hoán và những người khác lẻn vào ngân hàng qua cánh cửa nhỏ, bất ngờ nổ súng ngắn, ra lệnh cho hai nhân viên bảo vệ ngồi xổm trong góc, tay ôm đầu và im lặng, nếu không sẽ bị giết ngay tại chỗ. Các bảo vệ quá sợ hãi, không dám lên tiếng, chỉ nghe theo lệnh.
Sau đó, Hoàng Quốc Chương xuống ghế kiệu ở lối vào ngân hàng, dẫn toán cướp vào trong, hai “phu kiệu” canh giữ cửa nhỏ không cho ai vào. Vừa vào ngân hàng, đội du kích trước tiên cắt toàn bộ đường dây điện thoại trong ngân hàng, sau đó rút một khẩu súng ngắn chĩa vào đầu trưởng ngân hàng, ra lệnh cho ông mở két sắt trong hầm dưới họng súng màu đen. Trưởng ngân hàng không còn lựa chọn nào khác ngoài việc mở két sắt. Những tên thổ phỉ của ĐCSTQ nhanh chóng cho tiền và vàng từ két vào bao tải đã chuẩn bị sẵn.
Sau khi cướp tiền, Hoàng Quốc Chương còn giả vờ khiển trách nhân viên ngân hàng, nói rằng Quân đội Quốc gia không kháng Nhật mà đang kiếm tiền từ những khó khăn của đất nước, rằng họ là “đội du kích chống Nhật ở trung tâm Phúc Kiến, lần này họ được lệnh đi rút kinh phí kháng Nhật”… Tất nhiên đây là hoang ngôn của ĐCSTQ, nó chẳng qua chỉ đang cố tìm một cái cớ hay ho để che đậy bản thân ăn trộm tiền như một tên thổ phỉ.
Sau đó, bọn cướp của ĐCSTQ tản đi, chúng đã cướp được tổng cộng hơn 4,7 triệu nguyên tiền Pháp, 20 lạng vàng, có thể nói là chúng đã trở về nhà với tiền đầy bao. Vì lý do an toàn, Hoàng Quốc Chương và đồng bọn đã chôn số tiền khổng lồ trong chuồng gia súc của một người nông dân tên là Lâm Kỳ Xuân ở rừng Thánh Công, Viên Trạch, Thái Khê. Anh họ của Lâm Kỳ Xuân, Nhạc Văn Hiến là một đội viên du kích.
Về danh sách cụ thể những tên thổ phỉ của ĐCSTQ đi cướp ngân hàng, các tài liệu lịch sử của ĐCSTQ cũng có những ghi chép khác nhau, như có tài liệu nói Thái Văn Hoán không tham gia hành động. Bởi vì lúc đó ông ta là phó thư ký Đặc ủy Trung ương Phúc Kiến, nên theo quy định của ĐCSTQ, ông ta và thư ký Đặc ủy Hoàng Quốc Chương không thể tham gia các hành động khẩn cấp có nguy hiểm cự đại để đề phòng địch “tóm gọn”. Sở dĩ tư liệu không chính xác là do một số bài báo cho rằng những người tham gia cuộc chiến năm đó đã già, trí nhớ không rõ ràng, một số nhà nghiên cứu văn sử đã tung tin đồn. Nhưng bất kể ông ta có hay không tham gia, thì việc tham gia mưu hoạch với bọn cướp thì ông ta cũng là đồng bọn, không phải là thổ phỉ thì có thể là gì?
Sau khi quân đội quốc gia nghe tin ngân hàng bị cướp, họ nhanh chóng cử quân đến vây tiễu hai đặc ủy tỉnh Phúc Kiến của ĐCSTQ tại Thanh Khê và Cao Dương, nhưng cuối cùng không tìm được gì. Đối với số tiền cướp được, bọn cướp đã chà xát cho nó cũ kỹ, rồi phân phát đi nhiều nơi để làm kinh phí.
Sau đó, Tỉnh ủy Phúc Kiến của ĐCSTQ tổ chức lễ ăn mừng để biểu dương tổ chức Trung ương đảng Phúc Kiến, nói rằng: “Đây là lần đầu tiên trong lịch sử chiến tranh du kích ở tỉnh ta, chúng ta đạt được thắng lợi to lớn như vậy. Nó đã giải quyết những khó khăn kinh tế mà tổ chức đảng phải đối mặt, có cống hiến quan trọng vào sự phát triển của sự nghiệp cách mạng.” Nói đúng ra, thì là nó đã góp phần quan trọng vào mục tiêu họa nước hại dân của ĐCSTQ.
Ở bất kỳ triều đại nào, cướp bóc đều là vi phạm pháp luật. Theo Điều 263 Bộ luật Hình sự của ĐCSTQ, cướp ngân hàng sẽ bị phạt tù từ mười năm trở lên đến tù chung thân hoặc tử hình, đồng thời bị phạt tiền hoặc tịch thu tài sản. Ngày đó, những tên thổ phỉ của ĐCSTQ đã cướp nhiều tiền như vậy, đáng lẽ đều phải bị kết án tử hình hoặc tù chung thân, tuy nhiên, ĐCSTQ đã dùng chính những xú hành trong quá khứ của mình làm thành hành động vẻ vang để khoe khoang, đồng thời còn dùng ngân hàng bị cướp làm điểm du lịch đỏ để tẩy não người dân Trung Quốc. Thật sự là không biết xấu hổ.
- Trọn bộ Trăm năm chân tướng
Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch