Thời gian vốn chẳng hiển hiện bằng vật chất, nó vô hình vô ảnh nhưng cũng có phân định quyền sở hữu. Nên qua cách ta đối xử với thời gian của người khác, có thể thấy được sự giáo dưỡng của bản thân. Chẳng phải người tử tế thì sẽ biết trân quý và không lạm dụng những thứ của người khác hay sao?
Ba câu chuyện nhỏ
Hai mươi năm trước, khi Lương Chí Thu, một nhà văn nổi tiếng sống ở nước ngoài hơn một thập kỷ, trở về Đài Bắc, bạn bè đã mời ông ăn uống hội ngộ liên tục.
Lương là một người nổi tiếng dậy sớm và đi ngủ sớm. Ông thường ngủ lúc 8 giờ tối và thức dậy lúc 4 giờ để viết bài. Nhưng những người bạn của ông lại có đồng hồ sinh học cú đêm và mỗi ngày họ lại mời ông ăn muộn vào lúc 12 giờ đêm.
Ông ăn một vài bữa và không thể chịu đựng được, liền nghĩ ra một ý tưởng và thông báo với mọi người: “Bất cứ ai yêu cầu tôi thức khuya, tôi sẽ yêu cầu anh ta ăn sáng sớm”. Nhóm bạn cũ đều sững sờ, nhìn ông một hồi rồi cười lớn, từ đó không ai dám yêu cầu Lương Chí Thu phải đi ăn khuya nữa.
Có một người bạn Mỹ muốn tìm một nhà máy in ở Đài Loan để giúp in một loạt các thứ. Nhưng anh cũng nghe nói rằng phần lớn các nhà máy in đều hoạt động kinh doanh theo thời vụ và không đúng hạn. Vì vậy, anh đã nhờ Lương Chí Thu giới thiệu một số người đáng tin cậy.
Lương liền đưa cho người bạn Mỹ ba cái tên xưởng in và nói hãy tự quan sát xem bên nào thích hợp. Ngay sau đó, anh người Mỹ trở về nước sau khi quyết được một đối tác để hợp tác. Nhà văn Lương hỏi: “Sao anh quyết định ngay sau vài ngày như vậy?”.
“Đơn giản thôi” anh ấy mỉm cười nói: “Hai trong số họ nói với tôi qua điện thoại là hãy đợi họ, nhưng chỉ có một cơ sở, sau khi kiểm tra sổ sách đã nói đúng 3 giờ 15 phút chiều hãy tới. Cũng lại nói thêm một câu: “Tôi không biết liệu từ lúc đó tới 4 giờ thì có đủ thời gian để nói chuyện không? Nếu không đủ xin hẹn một cuộc gặp vào hôm khác”. Nên tôi đã ngay lập tức quyết định chọn cơ sở in đó”.
Có một câu chuyện khác về thời gian mà thầy Lương chia sẻ, ông đã từng dạy học tại một trường đại học ở Mỹ. Có lần ông hỏi các sinh viên về cảm nghĩ và góp ý đối với việc dạy học của mình. Có em đã thẳng thắn nói:
“Giáo sư, ngài dạy rất hay, thật tuyệt, nhưng điều duy nhất chưa được là vào đầu tiết học, thầy thường đợi những sinh viên đi học muộn và vì thế kéo dài thời gian học nhiều hơn quy định”.
Ông Lương ngạc nhiên và hỏi sinh viên: “Không phải cậu cũng luôn đến trễ vài phút sau sao? Tôi tốt bụng và sẵn sàng chờ đợi, vì tôi làm việc chăm chỉ, tôi hy vọng sẽ dạy cho các cậu nhiều hơn, có chuyện gì vậy?”.
Tất cả học sinh đều nói to: “Không!”.
Sau đó, một sinh viên nói thêm: “Ai đến muộn, anh ta không tôn trọng thời gian của người khác, tất nhiên thầy cũng không phải tôn trọng anh ta. Đối với lớp học, chúng em biết rằng thầy rất tốt bụng, muốn dạy thêm giờ, nhưng còn có các tiết học khác sau đó nữa, việc kéo dài này sẽ làm chúng em bị chậm giờ học”.
Bài học về thời gian từ người Mỹ
Sau bài học về thời gian của sinh viên Mỹ, ông Lương nhận định rằng: Trước khi bạn muốn người khác tôn trọng thời gian của mình, bạn phải tôn trọng thời gian của người khác trước. Và khi bạn không đúng giờ, đó không chỉ là vấn đề của riêng bạn mà còn khiến người khác không đúng giờ theo.
Ông nói rằng: “Trong 20 năm qua ở Hoa Kỳ, tôi đã dần học được cách tôn trọng thời gian của người khác”.
“Ngay cả khi bạn không thể đến đúng giờ, thì thà trễ một chút chứ bạn không nên gõ cửa nhà người khác khi đến quá sớm. Lý do rất đơn giản, có thể chủ nhà vẫn đang quét sàn hoặc tắm rửa để chuẩn bị tiếp bạn. Nếu bạn đến sớm, điều đó sẽ khiến người khác không kịp chuẩn bị và điều này thô lỗ hơn là đến muộn.
Vì vậy, tôi hình thành tác phong sau khi quan sát người Mỹ. Khi tới một bữa tiệc, thấy cửa trước đầy xe, và mọi chiếc xe đều có người tới thăm chủ nhà đang ngồi trong đó. Mọi người đều không xuống xe sớm. Chỉ khi đúng giờ, họ mới cùng nhau xuống xe đi vào nhà”.
Ông Lương cho biết ông sẽ yêu cầu người khác tôn trọng thời gian của mình bằng cách tôn trọng thời gian của họ. Đồng thời ông cũng học cách chủ động để làm chủ thời gian. Chẳng hạn, một hôm, ông có bài phát biểu lúc 7 giờ tối theo lời mời của một trường đại học. Ông đã hỏi đại diện sinh viên sẽ đón ông rằng: “Mất bao lâu để chúng ta đi từ cổng trường tới giảng đường?”.
“3 hoặc 4 phút gì đó”, sinh viên trả lời với một chút bối rối.
“Vậy, tôi sẽ ở trước cổng trường của bạn lúc 6 giờ 52 phút”, ông nói.
Sinh viên thể hiện một biểu hiện ngạc nhiên, nói: “Thầy Lương, chỗ này giao thông rất ùn tắc, đặc biệt là sau 6 giờ, tốt nhất thầy nên thu xếp đến sớm”.
Vào ngày hôm đó, ông đến trường bằng ô tô lúc 4 giờ chiều, tìm một nhà hàng thanh lịch, uống cà phê, đọc sách, lấy tài liệu đem từ văn phòng ra, rồi ăn tối, xem qua bài giảng trong khi uống trà. Đúng 6 giờ 48 phút, ông đứng dậy thu xếp các thứ và ra khỏi nhà hàng vào phút thứ 50 để gặp đại diện sinh viên ở cổng trường. Tới nơi, ông thấy anh sinh viên tay cầm bó hoa chào đón đứng đợi sẵn, dáng vẻ rất nôn nóng, chắc lo lắng rằng ông sẽ không thể tới kịp.
Nhìn thấy thầy, anh ấy cuống quít: “Sao thầy đến được đây đúng giờ đến như vậy? Thật chính xác”. Ánh mắt anh ấy vừa sốt sắng, vừa nghi hoặc, lại hưng phấn, ông Lương nói rằng mình sẽ không bao giờ quên được ánh mắt đó.
Có người nói, từ việc đúng giờ hay không có thể nhìn ra giáo dưỡng của một người. Thời xưa đi học, học sinh được dạy phải “trọng của người”: “…Ta không nên phạm đến của của người ta… Ta phải biết rằng cái gì đã không phải của mình thì ta đừng đem lòng tham mà chực lấy, vì rằng lấy không của người ta, là một sự rất trái đạo công bằng” – (Trích: Luân Lý Giáo khoa Thư, Trần Trọng Kim). Thời gian cũng là “của” của người vậy, ta tuyệt đối phải trân trọng và không thể chiếm đoạt chỉ vì nó không phải tồn tại vật chất.